Việt Nam tiến đến tương lai với một la bàn chệch hướng

Alexander L. Vuving East Asia Forum ngày 12 tháng 02 năm 2024

Biên dịch: Phan Nguyễn Hiền Linh | Hiệu đính: Alexander L. Vuving

Năm 2023, Việt Nam thông qua chiến lược duy trì quan điểm hòa bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ và Nhật Bản, đồng thời gia nhập “cộng đồng chia sẻ tương lai” của Trung Quốc, kết thúc nhiều năm kháng cự lại áp lực của Trung Quốc. Mặc cho những động thái ngoại giao bên ngoài, chính sách đối nội của Việt Nam vẫn tập trung duy trì sự cầm quyền của Đảng Cộng sản thông qua việc tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng và đàn áp xã hội dân sự – bao gồm cả việc bắt giữ các nhà hoạt động – dẫn đến sự trì trệ của bộ máy, giảm niềm tin của công chúng và làm xói mòn trách nhiệm giải trình của hệ thống.

Tháng 10 năm 2023, Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam đã thông qua ‘Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới’. Nhắc lại đánh giá của tất cả các đại chiến lược của Việt Nam kể từ cuối những năm 1980 đã được Đại hội Đảng lần thứ 13 năm 2021 tái xác nhận, chiến lược này khẳng định “hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn của thế giới”.

Hoa Kỳ tuyên bố trong Chiến lược An ninh Quốc gia vào tháng 10 năm 2022 rằng “kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh chắc chắn đã chấm dứt”. Vào tháng 1 năm 2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận xét rằng “thế giới đang trải qua những thay đổi sâu sắc chưa từng thấy trong một thế kỷ”. Đánh giá này đã trở thành khẩu hiệu trong các bài phát biểu cấp cao của Trung Quốc kể từ đó. Nhưng chiến lược của Việt Nam không thấy có sự khác biệt cơ bản nào giữa thế giới ngày nay và thế giới ba thập kỷ trước.

Với tinh thần đó, năm 2023 đánh dấu đỉnh cao nỗ lực của Việt Nam nhằm dệt nên mạng lưới an toàn của nước này trên trường quốc tế. Vào tháng 9, quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam đã được nâng cấp từ “đối tác toàn diện” đơn thuần lên “đối tác chiến lược toàn diện”. Vào tháng 11, Việt Nam và Nhật Bản cũng tăng cường quan hệ lên cấp độ “đối tác chiến lược toàn diện”. Những nâng cấp này đã đưa Việt Nam lên vị trí ‘đối tác chiến lược toàn diện’ của tất cả các cường quốc ở Châu Á - Thái Bình Dương – bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản, với Úc sẽ công bố trong năm 2024 – một kỳ tích khó có nước nào sánh bằng.

Để cân bằng những nâng cấp này theo tinh thần “ngoại giao cây tre” của mình, vào tháng 12, Việt Nam đã đồng ý gia nhập “cộng đồng chung vận mệnh” của Trung Quốc, mà Bắc Kinh dịch sang tiếng nước ngoài là “cộng đồng chia sẻ tương lai”. Việc này đã chấm dứt sự kháng cự kéo dài nhiều năm của Hà Nội trước áp lực của Trung Quốc để đứng về phía Bắc Kinh, khi mà Trung Quốc tăng cường xâm lấn vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Vào tháng 6 năm 2023, khi được hỏi về hoạt động kéo dài trong một tháng của các tàu khảo sát và tàu thực thi pháp luật Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã trả lời rằng “không có chuyện chúng tôi đi vào vùng đặc quyền kinh tế của nước khác”.

Nhưng sự cương quyết của Bắc Kinh ở Biển Đông vẫn không hề suy giảm sau khi Bắc Kinh và Hà Nội cam kết xây dựng một “cộng đồng chia sẻ tương lai”. Trong những tuần trước và sau chuyến thăm Hà Nội của ông Tập vào tháng 12, tàu Hải cảnh Trung Quốc số hiệu 5901, nặng 12.000 tấn, tàu tuần duyên lớn nhất thế giới, đã tiến hành các cuộc tuần tra không mời mà đến để xâm nhập các mỏ dầu khí của Việt Nam ngoài khơi bờ biển phía Nam Việt Nam.

“Cộng đồng chia sẻ tương lai” Trung Quốc - Việt Nam gần như đồng nghĩa với việc Hà Nội chấp nhận “tình trạng bình thường mới” của Bắc Kinh ở Biển Đông và đem lại cho Bắc Kinh đòn bẩy mạnh mẽ để tiếp tục gây sức ép với Hà Nội trong nhiều vấn đề. Tuy nhiên, “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” Hoa Kỳ - Việt Nam lại củng cố sự tôn trọng của Washington đối với chủ quyền của Hà Nội và hứa hẹn biến Việt Nam thành một trung tâm công nghệ cao và chất bán dẫn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều lãnh đạo cấp cao của các công ty công nghệ cao Hoa Kỳ đã nhiều lần đến thăm Việt Nam vào năm 2023, trong đó có Tập đoàn Công nghệ Amkor khánh thành nhà máy sản xuất chip trị giá 1,6 tỷ USD gần Hà Nội vào tháng 10.

Trong khi yêu cầu duy trì môi trường hòa bình để phát triển kinh tế đang dẫn dắt “điệu vũ” của Việt Nam với những “người khổng lồ”, thì mục tiêu cao nhất trong chính sách đối nội của Việt Nam là bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Giải pháp chính của Hà Nội để đạt được mục tiêu này là trấn áp tham nhũng. Vào năm 2023, Đảng đã tiếp tục nỗ lực chống tham nhũng, thậm chí còn sa thải chủ tịch nước và bỏ tù một số quan chức cấp cao.

Dù chiến dịch chống tham nhũng đã bước sang năm thứ 13, nạn tham nhũng vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Thay vì thúc đẩy lòng tin của nhân dân vào chế độ như mục đích của chiến dịch, chủ yếu nó mang lại lợi ích cho bộ máy thực thi pháp luật của chế độ, đồng thời làm tê liệt bộ máy chính phủ vì các quan chức có xu hướng “chơi chắc ăn” và từ chối đưa ra quyết định khi bản thân họ không có lợi. 

Đàn áp xã hội dân sự non trẻ là một giải pháp chính khác của Hà Nội nhằm nỗ lực duy trì sự cai trị của Đảng Cộng sản. Các công dân bị bắt và nhận mức án nặng nề vì “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ” và “tuyên truyền chống chính phủ”. Khi những cáo buộc này quá xa vời sự thật – như trường hợp của các nhà hoạt động và chuyên gia làm việc về các vấn đề môi trường và năng lượng – thì thay vào đó chính quyền lại cáo buộc họ trốn thuế.

Việc bắt giữ các nhà hoạt động và chuyên gia này trong vài năm qua xảy ra sau khi Việt Nam đã cam kết trong Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam cho phép các tổ chức xã hội dân sự giám sát việc thực hiện Hiệp định, cũng như những cam kết của Vit Nam trong Hiệp định Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng, đồng ý sự tham gia của toàn bộ xã hội dân sự vào quá trình chuyển đổi xanh.

Những vụ bắt giữ này đã loại bỏ một cách hiệu quả một số cơ chế cuối cùng để giữ trách nhiệm giải trình. Chính quyền đã bắt giữ Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng vào tháng 11 năm 2023 với cáo buộc bảo kê và cưỡng đoạt tài sản. Nguyên là một đại biểu Quốc hội, ông Nhưỡng được biết đến rộng rãi vì đã lên tiếng chỉ trích các cơ quan thực thi pháp luật.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam coi cuộc chiến Nga-Ucraina, sự đối đầu Mỹ-Trung, căng thẳng Đài Loan và Biển Đông là những dấu hiệu cảnh báo về những cơn bão lớn sắp tới. Họ đang chuẩn bị ứng phó với thời tiết xấu bằng cách hành động như cây tre trong môi trường quốc tế và như cây búa trong chính trị trong nước. Nhưng họ chưa chuẩn bị tốt cho tương lai. Cây tre Việt Nam có nguy cơ bị gấu trúc Trung Quốc gặm nhấm, trong khi chiếc búa của Đảng có nguy cơ đập vỡ sự năng động và khả năng chống chịu của Việt Nam.

A.L.V.

———-

Alexander L Vuving là Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á - Thái Bình Dương Daniel K Inouye, thành phố Honolulu. Tất cả các quan điểm thể hiện trong bài viết này hoàn toàn là của riêng tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của DKI APCSS, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hoặc chính phủ Hoa Kỳ. Bài viết này là một phần của loạt bài  đặc biệt của EAF về năm 2023 và năm tới. Xem bài viết gốc ở đây.

Phan Nguyễn Hiền Linh đang ứng tuyển cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Nguồn: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn