Việt Nội luật hóa điều ước quốc tế đối với Công ước về quyền tự do công đoàn?

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Khi Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 về quyền tự do công đoàn, thì xem ra các công đoàn độc lập vẫn khó có thể ra đời trong một sớm, một chiều.

Quốc hội Việt Nam nhiều khả năng sẽ phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vào tháng 10 năm nay, DW ở Đức và Taiwan News ở Đài Loan đưa tin hôm 12-3. Mondaq, dịch vụ thông tin có trụ sở ở Anh, đăng bài cùng ngày nói rằng việc Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 10-2024.

Về lý thuyết, Bộ luật Lao động (năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021), lần đầu tiên quy định cho phép người lao động được thành lập tổ chức đại diện cho mình tại doanh nghiệp, ngoài Công đoàn Việt Nam, gọi là tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Tuy nhiên chỉ mỗi nội dung chung chung này mà thiếu các luật chuyên ngành thì vẫn là chuyện bất khả thi đối với ý định thành lập các tổ chức độc lập này.

Trước hết để nội luật hóa điều ước quốc tế về quyền tự do công đoàn, cần tu chỉnh Hiến pháp 2013. Theo đó, Điều 10, Hiến pháp 2013 viết: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Ở Luật Công đoàn, tại Điều 1 nói rằng, “Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Đối tượng áp dụng Luật Công đoàn, là, “Luật này áp dụng đối với công đoàn các cấp, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp), đoàn viên công đoàn và người lao động”; và, “Công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước” – trích Điều 6.2 về “Nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn”.

Như vậy về hành lang pháp lý, khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 về quyền tự do công đoàn, thì thực thi các quyền này của người lao động vẫn là một “quyền treo”, bởi cho dù không có quyền lực chính trị, song Việt Nam vẫn chưa có luật về quyền lập hội tương ứng. Trong khi đó thì trong nghị quyết đảng, người ta vẫn thấy yêu cầu như một mệnh lệnh chính trị: Các cấp ủy lãnh đạo việc nắm tình hình công nhân, lao động trên địa bàn; lãnh đạo công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn; lãnh đạo để các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp đủ điều kiện được thành lập và hoạt động tuân thủ pháp luật.

“Hoạt động tuân thủ pháp luật” trong trường hợp cụ thể ở trên trong bối cảnh các quyền về tự do lập hội vẫn chưa được nội luật hóa theo các điều ước quốc tế, cho thấy chưa rõ Công ước 87 sẽ được áp dụng thực tế ra sao khi Việt Nam phê chuẩn?

H.N.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn