Sự phức tạp xoay quanh khái niệm “Phương Nam toàn cầu”

Comfort Ero, “The Trouble With “the Global South”, Foreign Affairs, 01/04/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Phương Tây đã hiểu sai điều gì về phần còn lại của thế giới.

Cách đây không lâu, các nhà hoạch định chính sách ở Washington và các thủ đô phương Tây khác vẫn không nghĩ nhiều về khả năng phần còn lại của thế giới có thể có những quan điểm khác biệt với quan điểm của họ. Có một số trường hợp ngoại lệ: các chính phủ mà phương Tây xem là “đối tác tốt” – nói cách khác, những nước sẵn sàng thúc đẩy các lợi ích kinh tế hoặc an ninh của Mỹ và phương Tây – vẫn tiếp tục hưởng lợi từ sự hỗ trợ của phương Tây ngay cả khi họ không cai trị theo các giá trị phương Tây. 

Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hầu hết các nhà hoạch định chính sách phương Tây đều kỳ vọng rằng theo thời gian, các nước đang phát triển sẽ áp dụng cách tiếp cận của phương Tây đối với dân chủ và toàn cầu hóa. Rất ít nhà lãnh đạo phương Tây tỏ vẻ lo lắng rằng các quốc gia phi phương Tây sẽ chống đối các chuẩn mực của họ, hoặc xem sự phân bổ quyền lực quốc tế là một tàn tích bất công của quá khứ thuộc địa. Những nhà lãnh đạo bày tỏ quan điểm như vậy, chẳng hạn như Hugo Chávez của Venezuela, thường bị xem là kẻ lập dị với ý tưởng lạc hậu so với thời đại.

Ngược lại, ngày nay, nhiều cuộc thảo luận chính sách của phương Tây đã thừa nhận thực tế là một phương Nam toàn cầu đang tồn tại với quan điểm riêng biệt của mình. Cụm từ này đã trở thành một cách gọi tắt gần như không thể tránh khỏi – các đồng nghiệp của tôi và tôi thường xuyên sử dụng nó tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, tổ chức mà tôi lãnh đạo. Và, thực sự, nhiều nhà lãnh đạo phi phương Tây bao gồm Narendra Modi của Ấn Độ và Mia Mottley của Barbados đã bắt đầu chỉ ra các ưu tiên của một tập thể phương Nam toàn cầu – dù vẫn còn khá vô định – về các vấn đề như tài trợ khí hậu và vai trò của các thể chế quốc tế. 

Dù sự thừa nhận lợi ích của phần còn lại của thế giới là một bước tiến đáng hoan nghênh, nhưng nó lại gắn liền với một cách hiểu cụ thể về phương Nam toàn cầu (Global South), vốn là một thuật ngữ khó nắm bắt về mặt khái niệm. Không có một định nghĩa rõ ràng về phương Nam toàn cầu, nhưng nó thường được dùng để chỉ phần lớn các quốc gia ở châu Phi, châu Á, và Mỹ Latinh. Nó gộp các thành viên hùng mạnh của G-20, như Brazil và Indonesia, với các nước kém phát triển nhất thế giới, bao gồm Sierra Leone và Timor-Leste. Các quốc gia này có chung một số trải nghiệm lịch sử và mục tiêu tương lai, chẳng hạn như thay đổi cán cân quyền lực trong hệ thống quốc tế. 

Trong các cuộc trò chuyện với các chính trị gia và quan chức từ các quốc gia được xem là thành viên của phương Nam toàn cầu, tôi đã gặp nhiều quan điểm khác nhau về mức độ gắn kết của khối này. Một số lãnh đạo chấp nhận thuật ngữ này nhưng những người khác thì không. Bởi vì những quốc gia này cũng có thể có những lợi ích, giá trị, và quan điểm rất khác nhau.

Các nhà hoạch định chính sách ở phương Tây đang có nguy cơ đánh mất sự đa dạng mà thuật ngữ phương Nam toàn cầu bao hàm. Bằng cách xem phương Nam là một liên minh ít nhiều có sự gắn kết, họ có thể đơn giản hóa hoặc bỏ qua những mối quan tâm riêng của từng nước trong khối. Các quan chức phương Tây muốn xây dựng quan hệ tốt hơn với các đối tác phi phương Tây có thể bị cám dỗ tập trung vào việc chinh phục một vài quốc gia được cho là dẫn đầu phương Nam toàn cầu, chẳng hạn như Brazil và Ấn Độ. Giả định của họ rất rõ ràng: chỉ cần tăng cường quan hệ với Brasilia hoặc New Delhi thì những nước còn lại sẽ làm theo. Chính quyền Biden và các đồng minh đã đầu tư rất nhiều để đảm bảo hội nghị thượng đỉnh G-20 năm ngoái ở Ấn Độ thành công một phần cũng là vì lý do này.

Tuy nhiên, một chính sách tập trung quá nhiều vào một nhóm nhỏ các quốc gia phi phương Tây là không đủ. Nó có thể che khuất những căng thẳng giữa các nước đang phát triển và những áp lực riêng biệt – như nợ nần, biến đổi khí hậu, các lực lượng nhân khẩu học và bạo lực nội bộ – đang định hình nền chính trị ở nhiều nước trong số đó. Một chính sách như vậy cũng có thể che khuất các cơ hội xây dựng quan hệ tốt hơn với các nước vừa và nhỏ bằng cách giải quyết các lợi ích cá nhân của họ. Thuật ngữ “phương Nam toàn cầu” mang lại sự đơn giản hoá đầy hấp dẫn, nhưng có thể gây hiểu nhầm (tương tự như thuật ngữ đối lập của nó là “phương Tây”). Tuy nhiên, việc đối xử với các quốc gia trên khắp châu Á, châu Phi, và Mỹ Latinh như một khối địa chính trị thống nhất sẽ không giúp giải quyết các vấn đề mà họ gặp phải, cũng như không mang lại cho Mỹ và các đối tác của nước này ảnh hưởng mà họ tìm kiếm.

Ai đại diện cho phương Nam toàn cầu?

Đúng là các quốc gia thuộc phương Nam toàn cầu, như được định nghĩa ở đây, có một số mục tiêu chung cũng như động lực để phối hợp hành động. Hầu hết các nước trong số này đã chiến đấu chống lại chủ nghĩa thực dân (và trong một số trường hợp là sự can thiệp của Mỹ) và hợp tác trong Phong trào Không liên kết và G77, vốn là các liên minh tập hợp các nước đang phát triển lại với nhau trong Chiến tranh Lạnh. Cả hai đều tồn tại với tư cách là các khối chính thức tại Liên Hiệp Quốc. Trong nhiều bối cảnh đa phương ngày nay, các quốc gia phi phương Tây thường lựa chọn đàm phán với tư cách một nhóm, thay vì chỉ đàm phán riêng với Mỹ và các đồng minh của nước này. Sự phối hợp này đã tăng cường quan hệ giữa các quốc gia thất vọng với một trật tự quốc tế thường xuyên đi ngược lại lợi ích của họ.

Các sự kiện toàn cầu gần đây đã khiến những rạn nứt giữa các quốc gia này và phương Tây trở nên rõ rệt hơn. Khi nhiều chính phủ phi phương Tây từ chối chọn phe sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga, một số nhà lãnh đạo phương Tây thừa nhận sự cần thiết phải giải quyết các cáo buộc về tiêu chuẩn kép – cụ thể là nhận thức rằng họ chỉ hành xử theo nguyên tắc khi một quốc gia châu Âu bị tấn công. Rốt cuộc thì, chỉ khi có sự hỗ trợ của một khối lớn các quốc gia thường được xem là một phần của phương Nam toàn cầu, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc mới có thể thể hiện tình đoàn kết mạnh mẽ với Ukraine. Nhưng các chính phủ phương Tây lại không tìm cách áp dụng bài học này vượt ra ngoài cuộc chiến Nga-Ukraine. Nếu cuộc chiến ở Gaza trở thành bài kiểm tra tiếp theo về việc liệu các nhà lãnh đạo phương Tây có thực sự nắm bắt được tầm quan trọng của việc đối mặt với cáo buộc đạo đức giả hay không, thì những nhà lãnh đạo đó dường như đã thất bại. Trên khắp châu Phi, châu Á, và Mỹ Latinh, các quan chức và người dân đều tin rằng Mỹ và một số đồng minh ở châu Âu đã bật đèn xanh để Israel phá hủy toàn bộ Gaza. Nhận thức về tiêu chuẩn kép đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, sự tương đồng trong quan điểm không có nghĩa là các quốc gia thường được xem là thuộc về phương Nam toàn cầu sẽ hành động như một khối thống nhất. Tương tự như các nhà lãnh đạo phương Tây, các nhà lãnh đạo phi phương Tây cũng muốn theo đuổi lợi ích riêng của nước mình, và không phải tất cả họ đều xem nước mình là thành viên của một nhóm lớn. Một ví dụ là hành động gần đây của họ tại Liên Hiệp Quốc. Trong các cuộc tranh luận tại Đại hội đồng về chính sách phát triển, một nhóm nhỏ gồm các thành viên G-77 có đường lối cứng rắn, do Cuba và Pakistan dẫn đầu, đã kiên quyết theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn trong việc đàm phán cải cách hệ thống tài chính quốc tế với Mỹ và Liên minh châu Âu, đồng thời tố cáo phương Tây không tuân thủ các cam kết viện trợ trong quá khứ. Phối hợp với nhóm này, Nga đã sử dụng các cuộc thảo luận về Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc vào năm 2023 làm nền tảng để chỉ trích tác động kinh tế toàn cầu của các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, trong các cuộc trao đổi riêng, nhiều thành viên G-77 khác bày tỏ sự không thoải mái với kiểu ngoại giao cứng rắn này, cho rằng nó đang làm suy giảm nỗ lực tìm kiếm điểm chung với Washington và Brussels để giảm bớt gánh nặng nợ nần của họ.

Sự chia rẽ trong nội bộ phương Nam toàn cầu còn vượt ra ngoài các vấn đề kinh tế. Chẳng hạn, một số quốc gia Mỹ Latinh do các chính phủ tự do lãnh đạo muốn thúc đẩy các chương trình nghị sự tiến bộ về các vấn đề liên quan đến giới và quyền LGBTQ tại Liên Hiệp Quốc, nhưng đã vấp phải sự phản đối của các thành viên G-77 bảo thủ hơn, bao gồm nhiều quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi. Brazil và Ấn Độ từ lâu đã theo đuổi các ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an, nhưng các đối thủ trong khu vực như Argentina và Pakistan muốn cản trở họ. Và dù các nhà ngoại giao phi phương Tây thường có những lý do thực tế để gắn kết với nhau, những người đại diện cho các nước lớn hơn thường đặt lập trường quốc gia của họ lên trên sự đoàn kết của khối mỗi khi điều đó phù hợp với họ.

Dù nhiều quốc gia tự cho mình là tiếng nói của phương Nam toàn cầu – tại Liên Hiệp Quốc hoặc những nơi khác – nhưng không quốc gia riêng lẻ nào có thể thực sự đại diện cho cả nhóm. Trong năm qua, Brazil, Trung Quốc, và Ấn Độ đã cố gắng thể hiện mình là những nhà lãnh đạo hiệu quả nhất của khối. Cả ba quốc gia này đều là thành viên sáng lập của BRICS, bên cạnh hai thành viên cốt lõi là Nga và Nam Phi. Trong nhiệm kỳ chủ tịch G-20 năm 2023 của Ấn Độ, Modi đã hứa sẽ đại diện cho “những người bạn đồng hành của chúng tôi ở phương Nam toàn cầu” và giúp Liên minh châu Phi giành được một ghế thường trực. Trong khi đó, Trung Quốc tập trung vào việc mở rộng BRICS, dẫn đầu nỗ lực mở rộng lời mời tới Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. (Argentina đã từ chối lời mời). Về phần mình, Brazil có kế hoạch sử dụng vai trò chủ tịch G-20 trong năm nay và chủ trì hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP30 vào năm 2025 để thúc đẩy những gì Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva (thường gọi là Lula) đã trình bày như một tầm nhìn về một “trật tự đa cực, công bằng, và toàn diện”, trong đó các nước phương Nam toàn cầu sẽ có ảnh hưởng lớn hơn hiện nay.

Tuy nhiên, trong lúc các cường quốc này tranh giành vị trí lãnh đạo các nước đang phát triển, một số lựa chọn chính sách đối ngoại gần đây của họ cho thấy họ vẫn ưu tiên các quan hệ khác. 

Trung Quốc đã âm thầm tăng cường quan hệ với Nga kể từ khi hai cường quốc tuyên bố “quan hệ đối tác không giới hạn” vào năm 2022. Ấn Độ đã tăng cường thương mại với Nga, đồng thời xích lại gần Mỹ và các đồng minh của nước này trong vai trò là một phần của Bộ tứ Quad (Đối thoại An ninh Bốn bên), một diễn đàn an ninh hàng hải có sự tham gia của Australia và Nhật Bản. Chính phủ Modi cũng đã chia rẽ với đa số thành viên của Phong trào Không liên kết tại Liên Hiệp Quốc vào tháng 10, khi từ chối ký vào một nghị quyết của Đại hội đồng kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza. Dù New Delhi ủng hộ nghị quyết tiếp theo vào tháng 12, nhưng cuộc bỏ phiếu vào tháng 10 đã chứng tỏ quan hệ ngày càng sâu sắc của Ấn Độ với Israel trong những năm gần đây.

Trong khi đó, Lula có lập trường cứng rắn hơn các nhà lãnh đạo phi phương Tây khác về cuộc chiến Israel-Hamas, so sánh cuộc tấn công của Israel ở Gaza với Thảm hoạ Holocaust – bình luận khiến tổng thống Brazil bị tuyên bố là người không được chào đón ở Israel vào tháng 2. Nhưng Brazil cũng đang tìm cách lấy lòng các cường quốc của thế giới, khéo léo điều hướng những căng thẳng giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ để củng cố mối quan hệ với cả ba nước này. Đối với Brazil, Trung Quốc, và Ấn Độ nói riêng, việc tuyên bố lãnh đạo phương Nam toàn cầu mang lại những lợi thế rõ ràng, bao gồm cơ hội mở rộng sức mạnh ngoại giao toàn cầu của họ và củng cố các quan hệ kinh tế. Tuy nhiên, bất chấp những lời lẽ ủng hộ của họ dành cho các quốc gia trong khối này, chính sách thực dụng cứng rắn vẫn thường được ưu tiên hơn.

Các nước khao khát dẫn dắt phương Nam khác có lẽ còn kém khả năng hơn để nắm giữ vị trí này. Ví dụ, Nam Phi dường như đang nghiêm túc xem xét ý tưởng rằng nước này có thể đại diện cho cả khối. Các quan chức Nam Phi đặc biệt mong muốn đóng vai trò kiến tạo hòa bình ở Ukraine. Tổng thống Cyril Ramaphosa đã dẫn đầu một phái đoàn gồm các nhà lãnh đạo châu Phi tới Moscow và Kyiv vào mùa hè năm ngoái, nhưng không đạt được tiến bộ nào trong việc chấm dứt chiến tranh. Nam Phi được cho là có nhiều ảnh hưởng lớn hơn khi đưa vụ kiện chống lại Israel theo Công ước Diệt chủng trước Tòa án Công lý Quốc tế, một động thái đã định hình các cuộc tranh luận quốc tế về cuộc chiến ở Gaza. Nhưng một Nam Phi vẫn còn chật vật khẳng định vai trò lãnh đạo trên chính lục địa của mình – nơi các cường quốc khác như Kenya và Nigeria thường thích tự vạch ra con đường riêng – sẽ không thấy việc tập hợp một liên minh trải rộng trên toàn cầu trở nên dễ hơn chút nào.

Dường như không còn ứng viên nào khác cho vị trí lãnh đạo phương Nam. Các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh nhỏ nhưng có ảnh hưởng đã họp kín tại Liên Hiệp Quốc với các quốc gia đang phát triển trong Phong trào Không liên kết và G-77, và họ đã sử dụng những mối quan hệ này để thu hút sự ủng hộ cho chính nghĩa của người Palestine trong cuộc chiến Israel-Hamas. Nhưng các quan chức Ả Rập có xu hướng trình bày lợi ích của họ riêng biệt với các nước phương Nam toàn cầu, do tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị tương đối ở khu vực Ả Rập. Nga cũng đã cố gắng giành được sự ủng hộ của các nước phi phương Tây và sử dụng luận điệu chống thực dân để biện minh cho cuộc đối đầu với châu Âu và Mỹ. Nhưng nhiều quan chức ở các nước phương Nam đánh giá Moscow quá thất thường và hiếu chiến để họ có thể tin tưởng hoàn toàn, và đặc biệt là Kenya đã chỉ trích Nga tiến hành chiến tranh đế quốc ở Ukraine.

Khắc phục các vấn đề thực sự 

Sau cùng thì, việc cố gắng xác định xem ai có thể lãnh đạo phương Nam toàn cầu là điều không mấy giá trị. Khi các quan chức ở các nước nghèo xem xét dàn ứng viên, họ thường đặt câu hỏi liệu mình có điểm gì chung với các siêu cường và cường quốc tầm trung đó hay không. Như một chính trị gia châu Phi gần đây đã nói với tôi, các nước nhỏ hơn, nghèo hơn đang lo lắng về việc bị đẩy vào vai trò “phương Nam của phương Nam toàn cầu”: những nước cần sự hỗ trợ từ bên ngoài và phải đối mặt với thái độ trịch thượng không chỉ từ các nhà cai trị thuộc địa cũ, mà còn từ các quốc gia phi phương Tây giàu có hơn.

Trò chơi tìm nhà lãnh đạo phương Nam toàn cầu cũng khiến người ta mất tập trung vào những thách thức thực sự mà các quốc gia vừa và nhỏ đang phải đối mặt. Trong lúc các học giả phương Tây bắt đầu suy đoán về những loại quyền lực mới mà các quốc gia đang phát triển có thể phát huy với tư cách là một khối, thì vận mệnh của nhiều quốc gia phi phương Tây riêng lẻ lại trở nên tồi tệ hơn. Gần 2/3 các nước kém phát triển nhất thế giới hiện đang phải đối mặt với tình trạng nợ nần nghiêm trọng. Một số nước nghèo nhất – trong đó có một số nước ở Tây Phi – đang trải qua tình trạng bất ổn chính trị và suy giảm an ninh, vốn chỉ làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế của họ. Các cơ quan cấp khu vực được thành lập để hòa giải các vấn đề chính trị, chẳng hạn như Liên minh châu Phi và Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ, đã đánh mất uy tín do những cuộc tranh cãi nội bộ giữa các thành viên. Giúp đỡ các quốc gia dễ bị tổn thương – đặc biệt là những quốc gia phải đối mặt với xung đột và thảm họa nhân đạo – vượt qua các cú sốc liên tiếp về bạo lực, lạm phát, mất an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, và những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch còn cấp bách hơn việc xác định họ tuân theo gợi ý của cường quốc nào trong ngoại giao quốc tế.

Chính những quốc gia muốn lãnh đạo châu Phi, châu Á, và Mỹ Latinh cũng đang phải đối mặt với những rạn nứt nội bộ nghiêm trọng, chẳng hạn như mức độ tỷ lệ tội phạm cao ở Brazil và Nam Phi, hay các xung đột sắc tộc bùng nổ gần đây ở vùng đông bắc Ấn Độ. Vị thế của Ethiopia có thể đã tăng lên nhờ lời mời tham gia BRICS, nhưng đất nước này vẫn đang hồi phục sau cuộc nội chiến đẫm máu và phải đương đầu với nhiều cuộc nổi dậy khác nhau. Chính phủ của nhiều cường quốc phi phương Tây lớn đang cố gắng đảm nhận vai trò lớn hơn trên trường quốc tế trong lúc phải đối mặt với tình trạng bất ổn dai dẳng hoặc ngày càng gia tăng trong nước. Dù điều tương tự cũng có thể xảy ra với một số nền kinh tế tiên tiến ở phương Tây, nhưng trong cả hai trường hợp, đây không phải là công thức cho sự lãnh đạo và giải quyết vấn đề một cách nhất quán.

Sự gia tăng các cuộc thảo luận gần đây về phương Nam toàn cầu chí ít cũng góp phần làm nổi bật những vấn đề ngày càng gia tăng mà các quốc gia phi phương Tây phải đối mặt – những vấn đề đòi hỏi nỗ lực toàn cầu để giải quyết. 

Để ngăn chặn sự bất ổn trong tương lai, Mỹ và các đồng minh phải nỗ lực giảm bớt cuộc khủng hoảng nợ quốc tế và giúp các quốc gia dễ bị tổn thương giải quyết các xung đột nội bộ và các vấn đề quản trị. 

Để đạt tiến bộ, đòi hỏi phải có các cuộc đàm phán đa phương nhằm cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu – trong đó các nước đang phát triển có thể sẽ tiếp tục hoạt động như một khối – và tăng cường sự chú ý đến hoàn cảnh kinh tế và chính trị cụ thể của mỗi quốc gia hoặc khu vực. Với việc các sáng kiến của Trung Quốc như Quỹ Hợp tác Nam-Nam và Ngân hàng Phát triển Mới BRICS đưa ra các giải pháp thay thế cho tài chính công phương Tây, những nỗ lực thực sự của Washington và các đối tác nhằm giải quyết mối lo ngại của các quốc gia này sẽ đặc biệt quan trọng.

Tuy nhiên, vấn đề về thuật ngữ vẫn còn hiện diện. Dù nhiều nhà hoạch định chính sách phương Tây nghĩ rằng nên xem thế giới phi phương Tây như một khối thống nhất, nhưng họ nên đặc biệt thận trọng khi sử dụng cụm từ “phương Nam toàn cầu. Những động lực cụ thể bên trong và giữa các quốc gia châu Phi, châu Á, và Mỹ Latinh sẽ định hình tương lai chính trị của họ nhiều hơn là bản sắc của họ với tư cách là một nhóm. Phương Tây phải nhìn nhận những quốc gia này như họ vốn có, không nên mắc sai lầm khi cho rằng họ hoạt động như một thực thể duy nhất về mặt địa chính trị.

C.E.

---

Comfort Ero là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế

Nguồn bản dịchNghiencuuquocte.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn