“Trục ma quỷ” đã bị thổi phồng quá mức

Daniel R. DePetris và Jennifer Kavanagh, “The ‘Axis of Evil’ Is Overhyped,” Foreign Policy, 14/08/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Các đối thủ lớn nhất của Mỹ không phải là một mối đe dọa thống nhất.

Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen vào tháng 7, John McLaughlin, một quan chức tình báo lâu năm của Mỹ, đã mô tả mối đe dọa từ Trung Quốc, Iran, Triều Tiên, và Nga là “đặc điểm nổi bật của thế giới chúng ta hiện nay”. McLaughlin, người từng giữ quyền giám đốc CIA, còn cảnh báo rằng các đối thủ của Mỹ đã “thành lập một nhóm” và ngày càng hợp tác để chống lại Washington và các đồng minh.

Ông không phải là người đầu tiên đưa ra quan điểm này. Nhiều nhà phân tích chính sách đối ngoại, nhà hoạch định chính sách, và quan chức quân sự cấp cao của Mỹ đã lập luận rằng: Trung Quốc, Iran, Triều Tiên, và Nga đang dần liên kết với nhau, nếu không muốn nói là hợp lực hoàn toàn. Những người khác mô tả quan hệ này như một “trục ma quỷ” mới, gợi lại cụm từ của Tổng thống Mỹ George W. Bush trong những tháng sau vụ tấn công ngày 11/9. Dù là với tên gọi trục biến động, trục chuyên chế, hay trục rối loạn, thì xu hướng xem bốn nước này là một mối đe dọa thống nhất đã xuất hiện khắp phổ chính trị Mỹ.

May mắn thay, nỗi sợ về sự hồi sinh của trục ma quỷ cũng bị thổi phồng như cách đây hơn 20 năm. Dù đúng là Trung Quốc, Iran, Triều Tiên, và Nga đang hợp tác hiệu quả hơn so với trước đây, nhưng những gì họ chia sẻ với nhau chỉ có thể được mô tả là một tập hợp các thỏa thuận thực dụng, chủ yếu là song phương và tạm thời, được gắn kết với nhau bởi hoàn cảnh địa chính trị và quan điểm chung rằng chính sách và thái độ hiện tại của Mỹ rất bất lợi cho lợi ích tương ứng của họ.

Việc xem bốn đối thủ của Mỹ là một nhóm duy nhất sẽ làm chúng ta xao lãng khỏi lợi ích riêng và những tham vọng rất khác nhau đang thúc đẩy họ, đơn giản hóa quá mức các quan hệ đối tác riêng lẻ kết nối họ. Cư xử với họ như một trục ma quỷ sẽ gây tổn hại đến khả năng bảo vệ lợi ích của Mỹ nhiều hơn là mang lại lợi ích.

Phần lớn mọi người đều đồng ý rằng Trung Quốc, Iran, Triều Tiên, và Nga đã xây dựng quan hệ bền chặt hơn kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào năm 2022. Nhưng thay vì xem họ như một khối, sẽ chính xác hơn nếu chúng ta xem sự hợp tác của họ như một chuỗi các cam kết song phương chồng chéo nhưng riêng biệt.

Bị cô lập khỏi Mỹ và châu Âu bởi các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu, Nga đã dựa vào các quan hệ mới này hết mức có thể để nhận được sự hỗ trợ quân sự, kinh tế, và chính trị. Trung Quốc đã trở thành huyết mạch kinh tế của nước này. Vào năm 2023, Nga là nguồn cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc, mang về cho Moscow hàng chục tỷ USD mà họ rất cần. Thương mại Nga-Trung cũng đạt mức kỷ lục 240 tỷ USD vào năm ngoái khi hàng hóa Trung Quốc bão hòa tại thị trường Nga. Trung Quốc còn giúp duy trì hoạt động của cỗ máy chiến tranh Nga bằng cách cung cấp các công nghệ lưỡng dụng và đầu vào công nghiệp dùng trong sản xuất quốc phòng. Quân đội Nga và Trung Quốc hiện đang tiến hành các cuộc tập trận chung với tần suất lớn hơn, gồm ở cả các khu vực nhạy cảm ở Tây Thái Bình Dương và gần Quần đảo Aleutian của Alaska. Ngày 24/7, Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ đã đánh chặn 2 máy bay Nga và 2 máy bay Trung Quốc hoạt động trong Vùng Nhận dạng Phòng không của Alaska.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với Triều Tiên và Iran, nhưng sự hợp tác này chỉ tập trung vào nhu cầu quân sự của Nga. Các báo cáo từ tháng 6/2024 cho thấy Triều Tiên có thể đã chuyển tới 1,6 triệu viên đạn cho Nga kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine. Đổi lại, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã giành được sự ủng hộ của Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và được tiếp cận đáng kể vào nguồn dầu mỏ của Nga. Một thỏa thuận hợp tác được ký kết trong chuyến thăm Triều Tiên hồi tháng 6 của Putin cam kết rằng hai nước sẽ bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công, dù các điều khoản của thỏa thuận vẫn còn mơ hồ.

Về phần mình, Iran cũng được cho là đã hỗ trợ quân sự cho Nga khoảng 400 tên lửa đạn đạo, trong đó có nhiều tên lửa thuộc dòng Fateh-110. Nga đã đề nghị đáp lại một cách gián tiếp, bằng cách xem xét trang bị vũ khí cho phiến quân Houthi tấn công các tàu vận tải ở Biển Đỏ.

Thoạt nhìn, những quan hệ đang phát triển này rất đáng lo ngại đối với Mỹ – và chúng có thể liên quan đến những vấn đề cụ thể. Quan hệ giữa bốn nước đã làm phức tạp thêm nỗ lực của Washington nhằm ép buộc bất kỳ nước nào trong nhóm này thực hiện những thay đổi chính sách lớn. Việc Trung Quốc đều đặn nhập khẩu dầu thô từ Iran đã mang lại cho Tehran cơ hội kiếm được doanh thu cần thiết khi ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này vẫn bị chặn ở Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã làm thất bại các sáng kiến ngoại giao do Mỹ dẫn đầu, xoay quanh vấn đề Syria, Triều Tiên, và Gaza. Các cuộc tập trận quân sự chung giữa Nga và Trung Quốc cũng cho phép cả hai bên học hỏi chiến thuật và chiến lược của nhau – điều chắc chắn đã khiến Lầu Năm Góc lo ngại.

Tuy nhiên, xem xét kỹ lưỡng hơn cho thấy rằng mỗi quan hệ đối tác mới của Nga đều mang tính giao dịch và gần như chắc chắn là tạm thời. Đúng là không nên xem sự hợp tác ngày càng tăng giữa Nga và Triều Tiên chỉ là một thỏa thuận giao dịch, nhưng nhu cầu chung vẫn là động lực lớn. Putin cần càng nhiều đạn dược càng tốt để hỗ trợ cuộc chiến của ông ở Ukraine. Ngược lại, Kim đang rất cần nguồn cung thực phẩm và năng lượng do tình trạng thiếu hụt trong nước lan rộng và mong muốn giảm sự phụ thuộc của Triều Tiên vào Trung Quốc. Trong khi Bình Nhưỡng hy vọng rằng quan hệ được cải thiện sẽ là dài lâu, thì nhu cầu về quan hệ đối tác của Moscow lại gắn chặt với cuộc chiến.

Sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc mang tính thực chất hơn và khiến Mỹ và các đồng minh lo ngại hơn, nhưng nó cũng có những giới hạn rõ ràng. Dù Moscow và Bắc Kinh đã nỗ lực rất nhiều để vượt qua sự nghi ngờ lẫn nhau, nhưng lợi ích của họ không hoàn toàn thống nhất với nhau. Hãy xem xét chuyến thăm Trung Quốc ngày 15 và 16 tháng 5 của Putin. Dù được đón tiếp hoành tráng, nhà lãnh đạo Nga vẫn ra về tay trắng. Đường ống Sức mạnh Siberia 2 nhằm chuyển hướng khí đốt tự nhiên của Nga từ châu Âu sang Trung Quốc vẫn không hoạt động bất chấp nhiều năm vận động hành lang của Nga.

Về cốt lõi, quan hệ này dựa trên sự thuận tiện ngắn hạn. Nga cần Trung Quốc trong vai trò nhà tài trợ, một tình huống mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chắc chắn mong muốn khi ông thúc đẩy các điều khoản ưu đãi trong hợp đồng năng lượng. Đối với Tập, quan hệ đối tác với Nga là cách để tăng cường sức mạnh của Trung Quốc trong hệ thống quốc tế và thách thức sự thống trị của Mỹ. Giống như cách Putin sẽ hạ thấp quan hệ với Kim sau khi chiến tranh ở Ukraine kết thúc, Tập có thể rút khỏi quan hệ đối tác với Putin nếu quan hệ đó không còn hữu ích nữa.

Ngoài những quan hệ lấy Nga làm trung tâm thì sự hợp tác giữa bốn nước này còn hạn chế, do đó làm suy yếu những tuyên bố rằng họ đang hoạt động như một khối để thách thức lợi ích của Mỹ. Quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Iran chủ yếu tập trung vào trao đổi kinh tế. Trong số 1,5 triệu thùng dầu mà Iran xuất khẩu mỗi ngày, 85 đến 90% được xuất sang Trung Quốc với mức chiết khấu lên tới 15%. Trung Quốc cũng đã hỗ trợ cho Iran tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và tạo điều kiện cho Iran bình thường hóa quan hệ với Ả Rập Saudi. Tuy nhiên, khó có khả năng Bắc Kinh sẽ hỗ trợ Tehran nếu nước này quyết định đẩy giới hạn đi quá xa, chẳng hạn như vũ khí hóa chương trình hạt nhân của mình.

Trong khi đó, bất chấp liên minh chính thức, quan hệ của Trung Quốc với Triều Tiên có vẻ hơi mong manh. Lo ngại về khả năng gây chiến của nước láng giềng – và rằng một Triều Tiên hung hãn có thể dẫn tới sự hiện diện quân sự ngày càng sâu rộng của Mỹ trong khu vực – Bắc Kinh đã trở nên cảnh giác trong các giao dịch với Bình Nhưỡng. Nước này phản đối việc bị lôi kéo vào bất kỳ liên kết ba bên nào với Nga và Triều Tiên, vì điều đó có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng với phương Tây.

Đối với một số quan chức Mỹ, việc không có một trục thực sự giữa bốn quốc gia này chỉ là sự khác biệt vô nghĩa, bởi cả bốn nước vẫn đang tìm cách thách thức trật tự thể chế do Mỹ xây dựng. Nhưng khác biệt này rất quan trọng vì nó tiết lộ các yếu tố giúp giữ vững các quan hệ này. Nó cũng giúp các nhà hoạch định chính sách Mỹ phân biệt các khía cạnh hợp tác cần có phản ứng từ Mỹ với các khía cạnh ngoại vi có thể được quản lý hoặc bỏ qua.

Ví dụ, Mỹ đã chi một số vốn chính trị đáng kể nhằm cắt đứt trao đổi kinh tế về hàng điện tử cơ bản, hàng tiêu dùng, vật liệu công nghiệp, và các hàng hóa khác giữa bốn đối thủ. Nhưng trong khi thương mại trong các lĩnh vực này khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ thất vọng, thì những sản phẩm này sẽ không làm gì nhiều để thay đổi cán cân quyền lực lâu dài giữa bất kỳ nước nào trong bốn nước này với Mỹ và các đồng minh.

Mặt khác, việc trao đổi các hệ thống và kiến thức quân sự tiên tiến hơn – tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái, công nghệ hạt nhân và vệ tinh, cũng như bí quyết làm chủ tàu ngầm không tiếng ồn và động cơ phản lực hiệu suất cao – có thể làm thay đổi cán cân năng lực quân sự giữa Mỹ và các đối thủ theo những cách có ý nghĩa và lâu dài. Những trao đổi này diễn ra ít thường xuyên hơn, nhưng nên là tâm điểm chú ý của các nhà hoạch định chính sách Mỹ.

Tên gọi “trục ma quỷ” đã làm xao lãng khỏi những trọng tâm kể trên, theo đó có khả năng dẫn đến những quy định chính sách quá rộng với kết quả kém hấp dẫn. Gây chia rẽ giữa bốn nước này trên quy mô lớn là không khả thi, và việc cố gắng làm điều đó sẽ chỉ khiến Mỹ, vốn đã bị quá tải, lao đầu vào các cam kết không bền vững.

Thay vì xem bốn quốc gia này là một khối thống nhất, các nhà hoạch định chính sách nên theo đuổi các chiến lược tách biệt nhằm giải quyết những thách thức riêng mà mỗi nước đặt ra và cần nhắm vào các trao đổi song phương gây quan ngại nhất. Cụ thể, thay vì dựa quá nhiều vào các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính trên diện rộng, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên thử nghiệm các biện pháp khuyến khích tích cực nhằm khai thác những tham vọng khác nhau của bốn nước. Chẳng hạn, Iran và Triều Tiên có thể sẵn sàng hạn chế chuyển giao vũ khí cho Nga để đổi lấy việc nới lỏng các hạn chế kinh tế hiện có hoặc sự hợp tác có giới hạn trong phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ thương mại. Trung Quốc, nước cảm thấy bị tước mất quyền lợi trong hệ thống quốc tế do Mỹ dẫn đầu, có thể bị lôi kéo vào việc hạn chế chia sẻ công nghệ với Nga hoặc Triều Tiên để đổi lấy việc được tham gia vào các diễn đàn đa phương mới và có quyền ra quyết định lớn hơn trong quản trị toàn cầu.

Những động thái như vậy sẽ vấp phải sự phản đối, đặc biệt là từ những người đã quá gắn bó với trục ma quỷ. Trung Quốc, Iran, Triều Tiên, và Nga đều mong muốn một trật tự quốc tế không bị Mỹ thống trị, nhưng điều tệ nhất mà Washington có thể làm là thổi phồng quá mức mối đe dọa từ liên minh của bốn nước này. Điều đó sẽ gây tổn hại lớn đến các mục tiêu cốt lõi trong đại chiến lược của Mỹ: duy trì cân bằng quyền lực toàn cầu thuận lợi, giảm thiểu nguy cơ vướng vào các xung đột không cần thiết, và bảo toàn cơ hội xây dựng quan hệ tốt đẹp với bốn quốc gia này nếu bối cảnh địa chính trị thay đổi trong tương lai.

D.R.D. – J.K.

---

Daniel R. DePetris là nghiên cứu viên của Defense Priorities và là chuyên gia bình luận chuyên mục đối ngoại của Chicago Tribune.

Jennifer Kavanagh là nghiên cứu viên cấp cao và giám đốc phân tích quân sự tại Defense Priorities và là giáo sư tại Đại học Georgetown.

Nguồn: nghiencuuquocte

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn