Chủ nghĩa tư bản đang vận hành ở đâu – Thế giới có thể học được gì từ Thụy Sĩ, Đài Loan và Việt Nam

Ruchir SharmaForeign Affairs, 17.9.2024

Đỗ Kim Thêm dịch

Chợ đêm ở Đài Bắc, Đài Loan, tháng 5 năm 2024. Ảnh: Ann Wang

Sự bất mãn lan rộng với các hệ thống thuộc chủ nghĩa tư bản hiện tại đã khiến nhiều quốc gia giàu và nghèo tìm kiếm các mô hình kinh tế mới. Những người bảo vệ nguyên trạng tiếp tục coi Hoa Kỳ là một ngôi sao sáng, nền kinh tế của nước này vượt xa châu Âu và Nhật Bản, các thị trường tài chính của nước này vẫn chiếm ưu thế hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, công dân của nước này cũng bi quan như bất kỳ công dân nào ở phương Tây. Chỉ hơn 1/3 người Mỹ tin rằng họ sẽ giàu hơn cha mẹ mình. Tỷ lệ tin tưởng vào chính phủ tiếp tục có xu hướng giảm, ngay cả khi nhà nước xây dựng một mạng lưới an toàn ngày càng hào phóng. Hiện nay, 70% người Mỹ nói rằng hệ thống này “cần những thay đổi lớn hoặc phải bị phá bỏ hoàn toàn”, và các thế hệ trẻ là những người thất vọng nhất. Nhiều người Mỹ dưới 30 tuổi có quan điểm tích cực hơn về chủ nghĩa xã hội so với chủ nghĩa tư bản. 

Ở các quốc gia có nền kinh tế mới nổi, thật sốc khi thấy “vùng đất tự do” từ bỏ sự hoài nghi truyền thống về quyền lực và kế hoạch được tập trung hóa và thay vào đó thúc đẩy các giải pháp của chính phủ lớn. Nhiều quốc gia trong số này, từ Ấn Độ đến Ba Lan, vẫn chưa quên những cuộc thử nghiệm đã thất bại của chính họ với chủ nghĩa xã hội. Họ đã rất ngạc nhiên khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dẫn đầu một cuộc nổi loạn chống lại việc thương mại tự do và biên giới mở cửa, và khi người kế nhiệm ông, Joe Biden, bắt đầu thúc đẩy cái mà Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan gọi là “tư duy kinh tế ủng hộ cho việc xây dựng”.

Và họ không còn có thể tìm kiếm cảm hứng từ Trung Quốc nữa. “Phép lạ kinh tế” bắt đầu sau khi Đảng Cộng sản bắt đầu nhượng quyền cho khu vực tư nhân vào cuối những năm 1970 đang chững lại dưới thời của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Trung Quốc đã quay lại với các phương cách chỉ huy và kiểm soát cũ, trừng phạt các doanh nghiệp trở nên quá nhiều quyền lực trong mắt đảng cầm quyền. Bị đè nặng bởi nợ nần chồng chất, dân số lão hóa và nhà nước can thiệp quá mức, nền kinh tế Trung Quốc đã đi chệch khỏi con đường kỳ diệu. 

Tuy nhiên, khi các quốc gia lớn này dường như đang rút lui khỏi chủ nghĩa tư bản, vẫn có một số nơi vượt trên đường cong thu nhập, bao gồm Thụy Sĩ, Đài Loan và Việt Nam, nơi mà chủ nghĩa tư bản vẫn còn vận hành – và những tấm gương của họ đáng để được noi theo. Các chính phủ của họ coi trọng tự do kinh tế, hạn chế vai trò của họ trong việc quản lý nền kinh tế và điều tiết doanh nghiệp. Họ nhận ra rằng nợ công và thâm hụt là những rủi ro nghiêm trọng, vì vậy họ chi tiêu công phí một cách thận trọng. Họ có xu hướng tránh những hành động thái quá tồi tệ nhất trong phương cách hiện tại của Hoa Kỳ – chi tiêu quá mức để kích thích nền kinh tế, chiều chuộng các tập đoàn lớn, bơm tiền vào thị trường tài chính chủ yếu là để mang lại lợi ích cho các tỷ phú. Trên hết, những câu chuyện thành công của chủ nghĩa tư bản này duy trì sự cân bằng quan trọng của chính phủ, cung cấp sự hỗ trợ cho những công dân dễ bị tổn thương nhất mà không thu hẹp quyền tự do kinh tế.

Nơi ẩn trú khó tìm ra

Giới cấp tiến ở Mỹ thường bắt nguồn từ viễn cảnh của họ về thiên đường xã hội chủ nghĩa ở các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển. Đó là những nước giàu có như Hoa Kỳ, nhưng có đặc điểm về sự phân phối của cải bình đẳng hơn, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng và trường đại học miễn phí cho tất cả mọi người. 

Mặc dù hiếm khi được giới chính trị cánh tả coi là mô hình, nhưng Thụy Sĩ lại giàu có hơn nhiều so với các nền dân chủ xã hội Bắc Âu và cũng công bằng như vậy. Nền kinh tế trị giá 700 tỷ đô la của Thụy Sĩ lớn hơn bất kỳ nền kinh tế nào ở Bắc Âu và cung cấp các chế độ phúc lợi toàn diện, với chính phủ tinh gọn hơn, thuế suất thấp hơn và ổn định tài chính hơn các nền dân chủ xã hội Bắc Âu – những nền kinh tế đã phải đối mặt với một số cuộc khủng hoảng tài chính trong quá khứ gần đây. Thụy Sĩ tự hào có thu nhập trung bình cao hơn, với mức độ bất bình đẳng thu nhập trở nên chỉ tương đương với Bắc Âu. Tài sản gia đình trung bình ở Thụy Sĩ là 685.000 đô la, gấp đôi mức trung bình của Bắc Âu. Thụy Sĩ cũng nằm trong số những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, thường lọt vào top năm trong Chỉ số cuộc sống tốt đẹp hơn của Tổ chức Vì sự Hợp tác và Phát triển Kinh tế [The Organization for Economic Cooperation and Development]. Và nó đã hoàn thành tất cả những điều này với một nhà nước tinh gọn đáng ngạc nhiên: chi tiêu công chiếm 35% GDP, so với 55% ở Thụy Điển. 

Hệ thống y tế Thụy Sĩ yêu cầu cư dân phải mua bảo hiểm từ các nhà cung cấp tư nhân nhưng trợ cấp cho người nghèo. Các trường đại học đẳng cấp thế giới của họ tính học phí hàng năm là 1.000 đô la, tính trung bình, giúp cho sinh viên tốt nghiệp có ít nợ hơn nhiều so với các bạn cùng lứa ở hầu hết các nước phát triển. Trong khi đó, biên giới tương đối mở giúp cho quốc gia nằm sâu trong nội địa này thành lò ấp của các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh toàn cầu. 40% dân số là người nước ngoài.

Thụy Sĩ xếp thứ hai sau Nhật Bản về “mức độ tinh vi” của hàng xuất khẩu, theo Đài quan sát về sự phức tạp của nền kinh tế [Observatory of Economic Complexity, OEC]. Tiền đề của bảng xếp hạng OEC là việc tạo ra các mặt hàng xuất khẩu phức tạp như y sinh học hoặc phần cứng kỹ thuật số đòi hỏi một loạt các thế mạnh, từ các trường đại học chất lượng đến các trung tâm nghiên cứu mà nó thúc đẩy tiến bộ kinh tế. Phát triển mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực chính ngoại trừ dầu mỏ, các công ty Thụy Sĩ chiếm 15 trong số 100 doanh nghiệp hàng đầu châu Âu theo vốn hóa thị trường chứng khoán, nhiều hơn bất kỳ đối thủ nào của vùng Scandinavia. 

Nền kinh tế Thụy Sĩ cũng là phi tập trung như hệ thống chính trị liên bang của nước này. Nhiều mặt hàng biểu tượng nhất về xuất khẩu của Thụy Sĩ đến từ các tỉnh trong nước: các loại dao cho quân đội Thụy Sĩ dùng của Schwyz, đồng hồ của Bern, pho mát của Fribourg. Các doanh nghiệp nhỏ neo giữ nền kinh tế, chiếm hai trong số ba việc làm. Chỉ có một trong sáu người Thụy Sĩ là làm việc cho chính phủ, bằng một nửa mức trung bình của Bắc Âu. Và người Thụy Sĩ thích làm việc hơn là hưởng phúc lợi nhà nước. Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, cử tri Thụy Sĩ đã cực lực bác bỏ áp mức thu nhập hàng tháng được đảm bảo là 2.500 đô la, mà giới chỉ trích gọi là “tiền cho không mục đích”. 

Trong thập niên qua, hầu hết các quốc gia giàu có đều chứng kiến phần ​​doanh thu trong xuất khẩu trên toàn cầu giảm, nhưng của Thụy Sĩ vẫn tiếp tục tăng. Do đó, đồng franc Thụy Sĩ tăng giá nhanh hơn bất kỳ loại tiền tệ nào khác, nhưng xuất khẩu vẫn phát triển mạnh. Khách hàng dường như thuận lòng trả nhiều tiền hơn cho các loại hàng hóa của Thụy Sĩ. Dòng tiền đổ vào đó giúp thúc đẩy cho nền kinh tế. 

Chính sách tài chánh của Thụy Sĩ không phải là không sai lầm. Trong nỗ lực làm chậm sự gia tăng của đồng franc trong thập niên qua, ngân hàng trung ương đã cắt giảm mạnh lãi suất. Kết quả là một đợt bùng nổ về cho vay đã đẩy nợ của các doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình lên tới 280% GDP, một mức cao đầy rủi ro làm tăng nguy cơ khủng hoảng về tín dụng và ngân hàng trong tương lai. 

Thế giới có xu hướng bỏ qua mô hình Thụy Sĩ, có lẽ là do thanh danh đã lỗi thời của quốc gia này là thiên đường trốn thuế, nơi mà tài sản bất hợp pháp ẩn nấp sau các luật nghiêm ngặt về bảo mật ngân hàng. Vào năm 2015, dưới áp lực từ các chính phủ nước ngoài, Thụy Sĩ đã đồng ý mở cửa các ngân hàng của mình để giám sát chặt chẽ hơn và nền kinh tế không hề bỏ lỡ một nhịp nào, chứng tỏ rằng thành công của họ không chỉ nhờ vào các chủ ngân hàng cực kỳ bảo mật.

Mô hình Thụy Sĩ còn đang che kín trong tầm mắt. Bắc Âu đã bắt đầu di chuyển theo hướng của Thuỵ Sĩ. Bị tàn phá bởi các cuộc khủng hoảng nợ vào những năm 1990, bắt đầu từ các lĩnh vực bất động sản và ngân hàng, Thụy Điển đã hạ mức thuế suất cao nhất và cắt giảm chi tiêu công từ 70% xuống còn 50% GDP. Thụy Điển đã trở thành một trong số ít các quốc gia phát triển có thặng dư ngân sách, vì vậy họ đã ở trong một vị thế tài chính vững mạnh khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra vào năm 2008. Các quốc gia Bắc Âu khác cũng làm theo. Vào năm 2015, Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen thậm chí đã thuyết giảng cho cử toạ Hoa Kỳ là nên thôi nghĩ về Đan Mạch như là “một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa hoạch định”.

Đảo khởi nghiệp

Sau Đệ nhị Thế chiến, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan được biết đến như là “các phép lạ châu Á” vì họ đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển nhiều hơn so với các nước nghèo khác và nhanh chóng vươn lên trong hàng ngũ của các nước giàu. Các chính phủ có năng lực, hợp tác với ngành công nghiệp để xuất khẩu sản phẩm, đã dẫn đến những phép lạ này. Việc Hàn Quốc dắt dẫn Samsung và Hyundai, hiện nay là các tập đoàn lớn, là một ví dụ điển hình. 

Ngày nay, Đài Loan là quốc gia hấp dẫn nhất trong số các phép lạ. Lựa chọn để tập trung vào việc phát triển các doanh nghiệp nhỏ hơn nhằm sản xuất các linh kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài, thay vì các doanh nghiệp đa quốc gia bán sản phẩm dưới thương hiệu toàn cầu của riêng họ, trong những năm gần đây, Đài Loan đã vượt qua Hàn Quốc và Hoa Kỳ để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về chip máy tính tiên tiến, nền tảng quan trọng cho trí tuệ nhân tạo và các ngành công nghiệp khác trong tương lai. 

Cho đến những năm 1970, Đài Loan chủ yếu là nước xuất khẩu hàng dệt may và may mặc. Sau đó, giống như nhiều quốc gia đồng đẳng khác, Đài Loan bắt đầu hiện đại hóa nền kinh tế bằng cách sao chép nền công nghệ của phương Tây. Năm 1980, chính phủ Đài Loan, học theo thung lũng Silicon, bắt đầu thành lập “công viên khoa học” trên khắp lãnh thổ để đảm bảo tăng trưởng cân bằng theo khu vực, mỗi công viên đều có khuôn viên trường đại học riêng. Các công viên này trở thành nơi ươm mầm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, thu hút nhân tài từ các trường đại học và sử dụng tiền thưởng của chính phủ để thu hút những người nước ngoài giàu kinh nghiệm hồi hương. Một số doanh nghiệp khởi nghiệp này sẽ phát triển với quy mô lớn. 

Để xây dựng ngành công nghiệp chip, Đài Loan đã tuyển dụng Morris Chang, một sinh viên tốt nghiệp trường MIT và là cựu chuyên gia thâm niên của Texas Instruments. Cũng giống như Đài Loan từng sản xuất đồ chơi bằng nhựa cho những gã khổng lồ toàn cầu như Mattel, Chang đã tạo ra một “xưởng đúc nguyên chất” – một nhà sản xuất chip theo hợp đồng. Ông đã đặt cược hàng tỷ đô la vào việc xây dựng các nhà máy chế tạo chip, tạo nên vị thế dẫn đầu không thể vượt qua so với các quốc gia đối thủ. Những con chip nhỏ nhất và nhanh nhất, không thể thiếu đối với các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến nhất, được chế tạo tại các xưởng đúc. 2/3 số chip đúc được sản xuất tại Đài Loan. Và hầu hết trong số đó đến từ sáng kiến ​​của Chang, Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan [Taiwan Semiconductor Manufacturing Company, TSMC].

TSMC là sản phẩm của loại chính sách công nghiệp hiện nay đang được nhiều chính trị gia phương Tây áp dụng – trong trường hợp của Chang và Đài Loan, được thực hiện bởi một chính phủ tinh gọn. Chi tiêu công dao động quanh mức 20% GDP, nợ công khoảng 34% và cứ 30 người lao động thì có một người được nhà nước tuyển dụng; tất cả đều chỉ là một phần trung bình đối với các nước phát triển khác. Bằng cách hạn chế vai trò của chính phủ là người chi tiền, người vay nợ, chủ lao động và  quản lý, Đài Loan đã tạo ra một nền kinh tế vượt trội so với sức nặng của mình. 

Hiện là một trong những doanh nghiệp công nghệ lớn nhất thế giới, TSMC đủ giàu để mua lại những tài năng giỏi nhất của hòn đảo này, khiến những người chỉ trích trong nước tức giận vì đã rời xa nguồn gốc của Đài Loan là một xã hội bình đẳng của những doanh nhân nhỏ trên con đường phát triển. Nhưng không giống như những ông trùm công nghệ Mỹ như Jeff Bezos và Elon Musk, Chang chưa trở thành tâm điểm của các cuộc biểu tình của công chúng chống lại sự bất bình đẳng giàu nghèo, ít nhất là một phần vì tài sản ròng của ông khoảng 2 tỷ USD chỉ là con số rất nhỏ so với khối tài sản khổng lồ của những giám đốc điều hành đó.

Đài Loan không can thiệp để giải cứu các thị trường tài chính mỗi khi chao đảo hoặc cứu trợ các ngân hàng và tập đoàn lớn. Trong khi các chính phủ khác ứng phó với mọi cuộc khủng hoảng tài chính mới bằng các biện pháp cứu trợ ngày càng hào phóng, Đài Loan đã kiềm chế – ngay cả trong đại dịch COVID-19. Năm 2020, tổng gói kích thích tài chính và tiền tệ của nước này chỉ chiếm chưa đến 7% GDP, bằng 1/5 mức trung bình của các gói kích thích được thông qua tại Hoa Kỳ, Châu Âu, Vương quốc Anh và Nhật Bản. 

Mặc dù thuế suất của Đài Loan là điển hình cho một nền kinh tế phát triển, nhưng thói quen chi tiêu của họ lại khác: ít dành cho các chương trình xã hội và chăm sóc sức khỏe, tập trung nhiều vào giáo dục và nghiên cứu. Kết quả là năng suất phi thường. Sản lượng bình quân đầu người ở Đài Loan đã tăng nhanh hơn ở các quốc gia G-4 hàng năm trong bốn thập niên. Trong bốn năm qua, tốc độ tăng trưởng đã tăng gấp tám lần. Những thành quả này có thể là do Đài Loan tạo ra một tỷ trọng cao bất thường trong thị phần GDP – 30 % – từ sản xuất, ngành công nghiệp có liên quan chặt chẽ nhất đến mức tăng năng suất.

Khi cố gắng giữ thái độ trung lập, Đài Loan được cho là đã trở thành giải thưởng có giá trị nhất trong cuộc chiến tranh lạnh đang nổi lên giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Là nhà sản xuất chip máy tính tiên tiến nhất thế giới, Đài Loan là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng công nghệ. Nếu không thâm nhập được Đài Loan, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều không thể đạt được tham vọng thống trị công nghệ trong toàn cầu. 

Tuy nhiên, với vai trò quan trọng này, rủi ro cao hơn cũng đi kèm. Giới phân tích quốc phòng Hoa Kỳ lo ngại rằng với các nhà máy chế tạo chip tập trung tại đảo quốc, Đài Loan rất dễ bị tổn thương cao độ bởi tên lửa hoặc lệnh phong tỏa hải quân từ Trung Quốc đại lục, chỉ cách đó 100 dặm. Đây là nguồn lo lắng dai dẳng đối với một nơi tương đối nhỏ – và là sự tôn vinh cho những thành công của nơi này. Đài Loan đã tạo ra một môi trường kinh doanh huy động được các doanh nghiệp khởi nghiệp song hành với những người khổng lồ và tạo ra khối tài sản lớn, được phân phối tương đối tốt. Nếu Trung Quốc không thành công trong việc ngăn chặn sự công nhận quốc tế đối với Đài Loan, mô hình về nền dân chủ theo tư bản chủ nghĩa của họ sẽ được nghiên cứu rộng rãi hơn. 

Một phép lạ thầm lặng

Sự trỗi dậy mang tính lịch sử của Trung Quốc chỉ bắt đầu sau khi sự thống trị của Mao đối với đất nước kết thúc vào cuối những năm 1970 và những người kế nhiệm ông nới lỏng sự kiểm soát của nhà nước. Khu vực tư nhân nhỏ bé của đất nước đã phát triển và chiếm hơn một nửa số việc làm ở thành thị và GDP. Khi thị phần GDP thế giới tăng gấp ba lần lên 15%, Trung Quốc đã tái xuất như một cường quốc trên toàn cầu. Tuy nhiên, đến cuối những năm 2010, nước này đã tái khẳng định sự kiểm soát của nhà nước và tăng trưởng chậm lại đáng kể. “Chủ nghĩa tư bản nhà nước” của Trung Quốc, hiện nay được một số người ở phương Tây ngưỡng mộ, đã nuốt chửng phép lạ kinh tế của mình. 

Ngày nay, Việt Nam, do một chính phủ cộng sản thực dụng lãnh đạo, trông rất giống với Trung Quốc trong giai đoạn phép lạ của mình cách đây 20 năm. Với dân số chưa bằng 1/10 Trung Quốc, Việt Nam sẽ không bao giờ có cùng tác động trong toàn cầu, nhưng điều đó cũng cho thấy chủ nghĩa tư bản có thể vận hành ngay cả dưới chế độ độc tài, độc đảng. 

Bị tàn phá bởi cuộc nội chiến, đến cuối những năm 1980 Việt Nam đã sống nhờ vào sự cứu trợ của Liên Xô. Tăng trưởng trì trệ. Lạm phát lên tới 700%. Hà Nội phản ứng bằng cách mở cửa nền kinh tế nhà nước quản lý cho doanh nghiệp tư nhân, xóa bỏ các nông trường tập thể và cho thuê đất cho cá nhân, những người lần đầu tiên được phép bán sản phẩm của mình để kiếm lời, trong nước hoặc nước ngoài. Sản lượng tăng nhanh. Từ một nước nhập khẩu gạo đang phải chống chọi với nạn đói, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo. Ngay cả hiện nay, khi nhiều quốc gia đang gia tăng rào cản thương mại, Việt Nam vẫn là nhà vô địch cộng sản của thị trường tự do.

Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng một cường quốc sản xuất cho xuất khẩu, rập theo mô hình các cải cách ban đầu của Trung Quốc. Để ổn định tiền tệ và kiểm soát lạm phát, Hà Nội đã nỗ lực kiềm chế thâm hụt ngân sách. Để tiếp thêm năng lượng cho khu vực tư nhân, họ đã bán hơn 11.000 doanh nghiệp nhà nước, chỉ còn lại 600 doanh nghiệp vào cuối những năm 2010. Để hỗ trợ các nhà máy, họ đã đầu tư mạnh trong hệ thống giao thông để đưa hàng hóa đến thị trường và trường đào tạo công nhân. Hiện nay, đất nước này được Ngân hàng Thế giới đánh giá cao hơn về chất lượng cơ sở hạ tầng so với bất kỳ quốc gia nào có mức thu nhập tương tự. Điểm thi trung học phổ thông quốc tế của họ thường nằm trong top mười toàn cầu, cao hơn điểm của nhiều quốc gia phát triển, bao gồm cả Hoa Kỳ. 

Ngày nay, Việt Nam trông rất giống như Trung Quốc trong giai đoạn kỳ diệu của mình cách đây 20 năm. 

Lao động lành nghề đang cho phép Việt Nam sản xuất ra những hàng hóa ngày càng tinh vi hơn. Những gã khổng lồ như Samsung và Apple đã chuyển hoạt động sản xuất điện thoại thông minh đến Việt Nam. Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu trong nhiều thập niên gần 20% và tăng trưởng GDP trên 5%, ngang bằng với những thành tựu mà các quốc gia kỳ diệu ở châu Á đạt được. Trong ba thập niên, thu nhập trung bình hàng năm của Việt Nam đã tăng gấp ba lần, lên gần 3.000 đô la – thoát khỏi đói nghèo và bước vào tầng lớp có thu nhập trung bình thấp. Tỷ lệ dân số sống với mức dưới 2 đô la một ngày đã giảm từ 60% xuống còn dưới 5%; gần 90% có bảo hiểm y tế và chưa đến 1% sống không có điện, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống đói nghèo. 

Một hệ thống tư bản chủ nghĩa vận hành sẽ tạo ra khối tài sản lớn, và vào năm 2013, Việt Nam đã sản sinh ra tỷ phú đầu tiên, Phạm Nhật Vượng. Tốt nghiệp từ một trường đại học Nga, ông Vượng bắt đầu sự nghiệp của mình bằng cách nhập mì ăn liền cho Ukraine, một dự án kinh doanh đã phát triển thành tập đoàn Vingroup. Là một tỷ phú tự lập, ông có nhiều khả năng được ca ngợi hơn là bị coi thường trong một xã hội kinh doanh, nơi hầu hết mọi người đều thấy được sự tiến bộ thực sự. 

Vấn đề đặt ra là sự bùng nổ của Việt Nam có thể kéo dài được bao lâu. Chế độ độc tài có xu hướng hoạt động tốt nhất trong giai đoạn đầu phát triển, khi các nhà lãnh đạo mạnh mẽ có thể thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ đơn giản như xây dựng đường bộ. Theo thời gian, không bị ràng buộc bởi các biện pháp kiểm tra và cân bằng dân chủ, những nhà độc tài thường đẩy các chính sách đến mức cực đoan phi lý, gây ra các cuộc khủng hoảng lớn khiến đất nước của họ tụt hậu. Đảng Cộng sản Việt Nam đã nắm quyền trong nửa thế kỷ, cho đến nay vẫn chưa tạo ra bất kỳ dấu hiệu cảnh báo tài chính nào về một cuộc khủng hoảng kết thúc bằng phép màu. Tuy nhiên, việc củng cố quyền lực của Tổng Bí thư mới của Đảng Tô Lâm có thể sẽ thử thách thành tích này. 

Và dù tương đối ít, các doanh nghiệp nhà nước còn tồn tại của Việt Nam lại rất lớn, chiếm 1/3 GDP và nhiều khoản nợ xấu nhất của hệ thống ngân hàng. Nếu gặp rắc rối, nó có thể bắt đầu từ các doanh nghiệp nhà nước đầy mờ ám này. Nhưng hiện tại, Việt Nam đang xuất khẩu để đạt được sự thịnh vượng và chứng minh rằng ngay cả những người cộng sản cũng có thể quản lý thành công chủ nghĩa tư bản bằng cách trao cho người dân nhiều quyền tự do kinh tế hơn và tinh giản vai trò của nhà nước.

Ba lời cổ vũ cho chủ nghĩa tư bản

Thụy Sĩ, Đài Loan và Việt Nam cho thấy rằng trao cho mọi người nhiều tự do hơn về kinh tế vẫn là hy vọng tốt nhất của nhân loại về tiến bộ kinh tế và xã hội. Sự mở rộng không cùng của nhà nước không phải là giải pháp khả thi cho các cuộc khủng hoảng của thế kỷ 21. Có thể kiềm chế nhà nước, nhắm mục tiêu chi tiêu công một cách chiến lược hơn và để đủ phạm vi cho mọi người đầu tư theo ý họ, không bị gánh nặng bởi sự rối rắm của thủ tục hành chính và sự can thiệp của chính phủ. 

Mặc dù được thành lập dựa trên lý tưởng về quyền lực trung ương hạn chế, trong nhiều thập kỷ, Hoa Kỳ đã xây dựng một chính phủ lớn hơn bằng cách tăng nợ công, hằng năm đưa ra hàng nghìn quy định mới và ứng phó với mọi cuộc khủng hoảng mới bằng các gói cứu trợ ngày càng lớn hơn. Hình thức của chủ nghĩa tư bản bị méo mó này đã được chế giễu một cách khéo léo là “chủ nghĩa xã hội dành cho những người rất giàu”, nhưng những vết nứt trong chính sách kinh tế của Hoa Kỳ còn sâu sắc hơn khẩu hiệu đó. 

Hoa Kỳ đã tăng chi tiêu cho các chương trình xã hội dành cho người nghèo và tầng lớp trung lưu, đặc biệt là người cao niên, đồng thời thực hiện các biện pháp giải cứu cho thị trường tài chính mà chủ yếu có lợi cho những người siêu giàu, những người có xu hướng lớn tuổi hơn và sở hữu phần lớn các cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản. Đây là rủi ro được xã hội hóa – một hệ thống bảo lãnh của nhà nước chống lại khó khăn kinh tế – cho tất cả mọi người. 

Sự cân bằng của hệ thống theo chủ nghĩa tư bản “hỗn hợp” của Hoa Kỳ đã chuyển dịch quá xa hướng về phía kiểm soát của nhà nước, cuối cùng lại có lợi cho giới tinh hoa đã gây được căn cơ. Hoa Kỳ và các quốc gia khác trên thế giới cần các chính sách khuyến khích cạnh tranh tư nhân bằng cách hỗ trợ những người trẻ tuổi và các doanh nghiệp khởi nghiệp thay vì bảo vệ những người đương chức đương quyền đang già đi – các tập đoàn độc quyền, tỷ phú và ông trùm hiện đang thống trị hệ thống của Hoa Kỳ. Việc khôi phục niềm tin vào chủ nghĩa tư bản sẽ đòi hỏi phải học hỏi từ các quốc gia mà hệ thống vẫn hoạt động vì người dân thường, một phần lớn là nhờ vào chính phủ được hạn chế nhiều hơn.

R. S.

***

Ruchir Sharma là Chủ tịch của tổ chức Rockefeller International và tác giả của cuốn What Went Wrong With Capitalism, và bài viết trên dựa theo cuốn sách này.

Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn