Sao thứ kỷ cương này tồn tại lâu thế?

Nguyễn Huy Cường 

Ta thấy nhiều vụ trọng án bế tắc VÀ PHÁT TRIỂN PHỨC TẠP VỀ SAU không phải vì bản chất của nó mà là bởi những sai lầm “chết người” từ người cầm trịch phiên toà đã sai nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng và trong nhận định, trong hành vi của hội đồng xét xử, của cả hành vi những đương sự tại toà dẫn đến sai lầm trong phán xử.

Những điều này nếu được khui ra, được tố giác, được xem xét thì việc tháo gỡ khó khăn hoặc điều chỉnh kết cục không khó trong phiên phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm về sau.

Xin nêu ba vấn đề sau:

Thứ nhất

Để có thể tố giác hay kháng cáo, thì phải có chứng cứ thu nhận được tại phiên toà đó.

Nhưng

Toà cấm ghi âm, chụp ảnh (kể cả những phiên toà dân sự bình thường) thì những thể hiện, những vi phạm không được lưu giữ, lấy gì chứng cứ để đề cập lên Toà cấp trên hả LS Đăng Bình?

Thứ hai

Khi đọc bản án, vị Thẩm phán đọc nhanh như máy, giọng cứ tàn tàn tàn tàn, có khi nằng nặng phương ngữ, cứ như cậu bé bị cha mẹ buộc phải dậy xem lễ, đọc kinh lúc đang ngủ say. Bản án dài cỡ bảy trang A4 thì hoạ là thánh cũng không nhớ nổi để mà chấp hành hay kháng cáo.

Thứ ba

Trước khi bước vào xét xử, Toà đã có quá trình tiếp xúc với đương sự qua đối chất, hoà giải và tài liệu đủ để xét xử.

Phiên toà được xét xử công khai (là tôi nói về những phiên toà dân sự bình thường) Toà diễn ra đến đâu Thư ký toà ghi đến đấy.

Xong khâu thẩm vấn, Toà còn một thời gian nghỉ để nghị án, rồi tuyên án, thì việc ra văn bản bản án chỉ là khâu cuối cùng của hoạt động xét xử, nhưng thường phải mười ngày hoặc hơn mười lăm ngày sau toà mới phát văn bản bản án. Có phiên toà, một năm sau chưa trao cho đương sự bản án. Trong khi thời hạn kháng cáo nếu có một bên muốn kháng án chỉ có 15 ngày.

Trong thời đại 4.0 ngày nay, việc ghi nhận và ra văn bản một vụ án đã xét xử xong có thể ngắn hơn được không? Ba ngày, năm ngày có đủ để ra án văn được không? Hay cứ phải nửa tháng trời rền rứ như hiện nay, như thời bao cấp, Toà phải xử bằng đèn dầu, mới đủ hay sao, thưa Luật sư Anh Hoàng Đức; Thẩm phán Nguyễn Minh Cảnh; Nhà báo Đại Việt; Chuyên gia Nguyễn Đức Hiển; Nhà báo Trần Trọng An?

Để kháng cáo với những vụ án phức tạp, đương sự cần sự hỗ trợ của luật sư, cần tra cứu nhiều vấn đề ở những phía liên quan, cần rất nhiều thời gian mà cái thời hiệu 15 ngày kia, tồn tại “Như đúng rồi” bao nhiêu năm nay, là sao? Hả Luật Sư Mai Đình?

Cái khoảng thời gian 15 ngày rồi mới phát án văn cũng là thời gian mà nhân viên, chức trách Toà có thể sửa chữa nội dung khác đi với nội dung xét xử, đặt các đương sự vào “thế” khó minh chứng khi không được ghi âm ghi hình.

(Một phiên toà ở Chư Sê, Gia Lai đã tự ý … nâng lãi suất một vụ vay nợ 5 tỷ bạc lên 6% (trong khi các bên thoả thuận 3%) tại toà dẫn đến thiệt hại rất lớn cho bên trả nợ). Cần hiểu bằng việc công nhận mức 6% trong vụ án kia (tôi có đủ chứng cứ) là Toà đã vi phạm pháp luật trong nội dung tội cho vay lãi nặng quy định trong Bộ luật hình sự.

Tóm lại cái “Kỷ cương” hiện nay, phải được điều chỉnh theo hướng văn minh, khoa học và thượng tôn Pháp luật chứ không thể úm  như kiểu này.

N.H.C.

Nguồn: FB Nguyễn Huy Cường

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn