Tô Lâm đến Mỹ nhưng không vào Nhà Trắng là ‘điều đáng tiếc’

VOA Tiếng Việt 

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Liên Hiệp Quốc

Việc ông Tô Lâm, nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, không gặp Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng khi ông đến Mỹ vào cuối tuần này để phát biểu trước phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, là ‘điều đáng tiếc’ trong bối cảnh quan hệ song phương đang ở mức tốt nhất từ trước đến giờ, các học giả nhận định với VOA.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, sẽ đến New York vào ngày 21/9 để tham dự Phiên họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kết hợp với làm việc ở Mỹ, sau đó có chuyến thăm cấp nhà nước đến Cuba, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết hôm 19/9.

Mặc dù không gặp ông Biden ở Nhà Trắng, nhưng hai nguyên thủ dự kiến sẽ gặp nhau bên lề Liên Hiệp Quốc tại New York vào ngày 25/9, Reuters đưa tin.

Mặc dù trước đó đã có hy vọng rằng ông Tô Lâm sẽ có chuyến thăm chính thức đến Mỹ trong dịp này theo lời mời của Tổng thống Joe Biden, nhưng điều này sẽ không xảy ra. Thay vào đó, ông Lâm sẽ gặp một số quan chức trong chính quyền Biden, phát biểu tại sự kiện đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ, Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết trong cuộc phỏng vấn với báo chí trong nước trước chuyến thăm.

Trong thời gian ở Mỹ, ông Lâm cũng sẽ gặp gỡ các giám đốc điều hành một số tập đoàn công nghệ Mỹ, bao gồm Alphabet, hãng sở hữu Google, và Meta, hãng sở hữu Facebook, cũng theo Reuters.

Tròn một năm trước, Tổng thống Biden đã đến Hà Nội gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người tiền nhiệm của ông Lâm, để nâng cấp quan hệ song phương lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện. Khi đó, ông Biden đã không gặp ông Tô Lâm, lúc đó đang là bộ trưởng Công an.

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tô Lâm sau khi trở thành Tổng bí thư là đến Bắc Kinh hồi tháng Tám. Khi đó ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái khẳng định cam kết củng cố quan hệ song phương.

Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên đến thăm Nhà Trắng vào năm 2015 theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Ông Joe Biden, khi đó là Phó tổng thống, đã chủ trì tiệc chiêu đãi ông Trọng.

Ông Trọng đến Nhà Trắng với tư cách là Tổng bí thư, trong khi ông Tô Lâm hiện vừa là Tổng bí thư đảng vừa là nguyên thủ quốc gia. Điều này khiến ông có vị trí tốt hơn Trọng để được tổng thống Mỹ tiếp đón ở Nhà Trắng, ông Nguyễn Hồng Hải, giảng viên về Quan hệ Quốc tế tại Đại học VinUni ở Hà Nội, nói với VOA.

“Tôi nghĩ thật đáng tiếc khi cuộc gặp Biden - Tô Lâm tại Nhà Trắng sẽ không diễn ra nếu xét đến vai trò của Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ và những tính toán chiến lược của Washington, vị thế hiếm có và đặc biệt của ông Lâm, và thời cơ lịch sử trong quan hệ song phương”, ông Hải nhận xét, đồng thời nói thêm rằng thời điểm diễn ra chuyến đi vào lúc tròn một năm thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ ‘có ý nghĩa biểu tượng’.

“Tôi hiểu là Tổng thống Biden có những ưu tiên khác, nhất là khi nhiều nhà lãnh đạo thế giới cũng đến Mỹ lần này. Tuy nhiên, cuộc gặp Biden - Tô Lâm tại Tòa Bạch Ốc không chỉ định hình di sản của ông Biden trong quan hệ Việt-Mỹ mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người kế nhiệm để xử lý quan hệ với Việt Nam”,ông Hải cho biết.

Giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington, nói với VOA rằng ‘ông mong ông Tô Lâm sẽ đến Washington’ và rằng hai nước ‘đã bỏ lỡ một cơ hội’.

“Hai nước đang kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ, và sẽ có một loạt các vấn đề trong quan hệ song phương cần thảo luận”, ông Abuza nói. “Cả hai bên lẽ ra nên thúc đẩy tổ chức một cuộc gặp giữa hai nguyên thủ, nhất là khi ông Lâm có thể sẽ nhường lại chức chủ tịch nước”.

Ông cho rằng Hà Nội ‘quá thận trọng’ vì không muốn bị coi là can thiệp vào chính trị Mỹ nếu ông Tô Lâm đến Nhà Trắng vào lúc bầu cử Mỹ đang căng thẳng.

“Chuyến thăm cấp nhà nước của ông Lâm tới Cuba có thể là có ý nghĩa chính trị, lịch sử và tình cảm đối với ông Tô Lâm, nhưng nó hoàn toàn không có ích gì cho sự phát triển kinh tế và an ninh lâu dài của Việt Nam”,ông Abuza nhận định, ý nhắc đến chuyế công du Cuba của ông Lâm sau khi rời Mỹ.

Khi được hỏi việc Tô Lâm đến Mỹ sau khi ông được chào đón trọng thị ở Bắc Kinh có ý nghĩa gì, ông Nguyễn Hồng Hải lưu ý rằng chuyến đi Mỹ của ông Lâm đã được lên kế hoạch trước khi ông lên làm tổng bí thư trong chức năng của chủ tịch nước, trong khi chuyến thăm cấp nhà nước của ông đến Bắc Kinh ‘nên được nhìn qua lăng kính của quan hệ giữa hai đảng cộng sản’.

Ông Hải mô tả động thái của Tô Lâm là phù hợp với chiến lược chính sách đối ngoại và ‘ngoại giao cây tre’ của Việt Nam. Ông gọi chính sách ngoại giao của Hà Nội dưới sự lãnh đạo của ông Tô Lâm là ‘ngoại giao cân bằng chủ động’.

“Tôi không thấy chuyến công tác của ông ấy có vấn đề gì về chính trị cả. Đây là chuyến đi đã được lên lịch từ trước và sẽ giải quyết những điều vấn đề quan trọng đối với Việt Nam trong dài hạn, nhất là thu hút đầu tư về công nghệ”, ông Abuza trả lời VOA khi được hỏi về lịch trình bận rộn trong nước của Tô Lâm, bao gồm việc khắc phục hậu quả bão lũ ở miền bắc và Hội nghị Trung ương 10 vừa khai mạc hôm 18/9.

Việt Nam phải cố gắng rất nhiều để đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng và chuyển đổi sang năng lượng xanh để thu hút lượng đầu tư công nghệ cao mà họ muốn, và trong lần đến New York lần này, ông Tô Lâm sẽ phải tìm cách đảm bảo với các nhà đầu tư công nghệ cao của Mỹ về môi trường đầu tư ở Việt Nam, ông Abuza nói thêm.

Ông Hải lưu ý rằng quan hệ Việt-Mỹ đang ‘ở mức tốt nhất từ trước đến nay’, và chỉ ra những cuộc tiếp xúc chưa từng thấy như Đối thoại Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên hồi tháng Ba và Đối thoại Kinh tế Chiến lược đầu tiên hồi tháng Sáu – cả hai đều diễn ra ở Washington DC, cũng như cuộc gặp của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang với người đồng cấp Hoa Kỳ Lloyd Austin tại Lầu Năm Góc cách nay hai tuần để thúc đẩy quan hệ quốc phòng.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói với báo chí trong nước rằng chuyến đi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ‘đem đến cơ hội lớn cho cả hai nước để nhìn lại những thành tựu trong khuôn khổ quan hệ mới và thảo luận về các phương hướng và biện pháp lớn để duy trì đà phát triển của quan hệ song phương trong những năm tới’.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để hỏi ý kiến của họ về việc ông Tô Lâm không đến thăm Nhà Trắng lần này, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn