Cái gốc vẫn là con người

Tô Văn Trường

Đội ngũ cán bộ ta, nhất là cán bộ cao cấp, hẳn ai cũng thuộc lòng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém.” Trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, người sáng lập Đảng và Nhà nước Dân chủ Cộng hoà còn thiết tha căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.”.

Nhưng vì sao các thế hệ sau, ở cấp nào cũng vậy, dù có bằng cấp, chứng chỉ cao hơn hẳn thế hệ lãnh đạo đầu tiên, nhưng cả đức và tài, từ tâm đến tầm hình như đều thua cha anh một khoảng cách xa đến thế? Do đâu mà việc vun sai gốc trở nên phổ biến, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng để “lò rực cháy” như thời gian vừa qua? Có chỉ ra đúng căn nguyên việc này thì mới chữa được bệnh. Đó mới là cái gốc của vấn đề.

Ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa

Để tóm tắt cho dễ hiểu, chúng ta tạm thời quy định là việc đánh giá con người và giai đoạn giống như việc chấm thang điểm tuần tự từ 0, 1… tới 10 ở nhà trường phổ thông, chứ không mơ hồ, cảm tính như ở ta theo kiểu “Yêu nhau cau sáu bổ ba/Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”.

Có nhà khoa học thế hệ đàn anh đã từng băn khoăn đặt câu hỏi: Vì sao Nhật Bản và Cao Ly cũng kế thừa văn hóa Trung Quốc mà họ giỏi hơn ta? Trong một lần đến thăm Thư viện quốc gia Trung Quốc, nhà khoa học ấy đã… toát mồ hôi khi phát hiện ra nguyên nhân, gốc gác! Vốn là, Việt Nam ta cũng như hai nước Nhật Bản và Cao Ly đều từng là những chư hầu của các đời hoàng đế Trung Hoa, cho nên đều đã có những đợt du học ồ ạt tới thiên triều để “khuân” kiến thức về cho nước mình.

Cắc cớ là Nhật Bản và Cao Ly đã miệt mài du học vào đúng thời Hán Cao Tổ là thời rất cấp tiến, đổi mới để đưa Trung Hoa vươn tới cực thịnh. Thầy nào, trò nấy, họ “rinh” về cả cái không khí hừng hực, rộn rã của nước Trung Hoa đang chuyển mình! Còn thời các nho sĩ Việt Nam khăn gói ồ ạt đổ sang học hỏi thiên triều lại đúng vào cái thời nhà Tống là thời kỳ toàn những nho gia chỉ giỏi ngâm vịnh thơ phú mà chẳng làm được trò trống gì cho ra hồn. Cho nên, đến tận bây giờ dân Trung Quốc vẫn quen mỉa mai với câu “đồ Tống nho” để dè bỉu bọn hủ nho hợm hĩnh.

Ân và oán phải rạch ròi. Chúng ta nên học cái hay và tránh cái dở của họ. Nước ta tiếp nhận nền văn hóa Trung Hoa và kế thừa nhiều thành tựu rạng rỡ trong nền văn hóa nhân loại, nhưng cũng có những thứ bảo là rác rưởi cũng chẳng oan như “trí phú địa hào – đào tận gốc, tróc tận rễ” hay cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp…

Tôi đã đến Trung Quốc nhiều lần, rất ngạc nhiên là hạ tầng cơ sở của quốc gia hơn tỷ dân ấy từ lâu đã đồng bộ, tiện nghi và hợp lý đến ngỡ ngàng, mà có lẽ còn rất lâu nữa Việt Nam mới theo kịp. Thể chế của họ cũng như ta, nhưng quy hoạch nhân sự, ít nhất ở cấp cao, không bị rơi vào tình trạng “đốt đuốc tìm người”, “nước đến chân mới nhảy”, toàn để “thủng lưới vào phút bù giờ” như ta.

Đừng “chụp mũ” bằng những cụm từ ngô nghê, trừu tượng

Tôi không biết ai là người đầu tiên đưa ra khái niệm “lỗi hệ thống” ở nước ta, nhưng thấy có nhiều người sử dụng đã thành thói quen cửa miệng. Tuy nhiên, từ góc nhìn triết học, không có khái niệm nào như vậy. Thay vào đó, triết học thường sử dụng khái niệm “hệ thống sai” để chỉ ra rằng một hệ thống không hoạt động đúng theo nguyên tắc hoặc mục đích được đề ra. Ví dụ nếu một động cơ hơi nước được thiết kế để đốt trong thì đó là một hệ thống sai về nguyên lý thiết kế.

Một khi đã xác định được nguyên nhân thì quản trị quốc gia cần phải thực hiện các biện pháp để cải thiện hệ thống. Điều này có thể bao gồm sửa đổi quy trình, tái cấu trúc tổ chức, hoặc thậm chí là tái thiết kế toàn bộ hệ thống nếu cần. Quản trị quốc gia không chỉ là việc giải quyết vấn đề một lần mà còn là việc duy trì và cải tiến hệ thống theo thời gian, điều đó đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về cách thức hoạt động của hệ thống và khả năng giải quyết các vấn đề hệ thống một cách thông minh và hiệu quả.

Khái niệm “quy hoạch cán bộ” chỉ là một khâu, một quy trình trong công tác nhân sự. Muốn có nhân sự tốt thì không thể chỉ bám vào quy hoạch cán bộ mà phải dựa trên nền tảng dân chủ, tuyển chọn nhân tài có cạnh tranh, đào tạo, thử thách, rèn luyện, đối thoại thì mới có tính biện chứng, tránh “hôn nhân cận huyết”. Triết học có nói đến việc xem xét nhân sự không chỉ là việc lựa chọn và sắp xếp cán bộ trong một tổ chức, mà còn là việc hiểu biết về bản chất của con người, về cách thức họ hoạt động và tương tác trong môi trường làm việc, cũng như về cách thức họ có thể đóng góp vào mục tiêu tổng thể của tổ chức.

Tôi vẫn nhớ mãi lời cố giáo sư Hoàng Tuỵ – cây đại thụ, nhà toán học nổi tiếng của Việt Nam – đánh giá: Nếu chất lượng lãnh đạo ở một thế hệ là A thì ở thế hệ tiếp liền theo không vượt quá tA với 0<t<1, cho nên sau k thế hệ sẽ không vượt quá t^k A (t lũy thừa k của A). Vì t^k tiến dần rất mau tới 0, chẳng hạn với t=0,8 thì sau 2 thế hệ chất lượng đã không vượt quá 0,64 A rồi. Có lẽ chính vì vậy mà kể từ Cách mạng tháng Tám, thế hệ đầu tiên được sàng lọc, lựa chọn qua hoạt động thực tiễn có chất lượng rất cao, nhưng đến thế hệ này thì đã tiệm cận đến giá trị thấp hơn rất nhiều lần.

Tự diễn biến – tự chuyển hoá

Nhiều vị lãnh đạo ở Trung ương và địa phương khi lên diễn đàn giáo huấn thường phê phán quan điểm “Tự diễn biến, tự chuyển hoá” nhưng không hiểu nội hàm triết học của cụm từ này. Dù tự diễn biến hay chuyển hóa, tốt hay xấu cho đất nước mới là điều quan trọng. Nước nào, chế độ nào, thời kỳ nào mà chẳng có “chuyển hóa” và cần phải “chuyển hóa” mới tiến lên được! Thành thử mấy cụm từ, mấy khái niệm chẳng có tội tình gì ấy trở thành những cụm từ và khái niệm mang ý tiêu cực, bị dùng để đe dọa và khép tội những công dân có trách nhiệm.

Trước hết, nên làm rõ hơn “tự diễn biến, tự chuyển hóa “ là thế nào trước khi phê phán. Chúng ta phải thừa nhận, con người luôn sống theo thói quen, nên tự đổi mới, nhất là đổi mới tư duy là không dễ. Khó, thậm chí rất khó, nhưng không phải không làm được. Thực tế, nhờ tự đổi mới tư duy, tức “tự chuyển biến, tự chuyển hóa”, bắt đầu từ những người lãnh đạo cao cấp nhất, chúng ta mới có Nghị quyết Đại hội Đảng VI (1986) đưa đất nước phát triển cho đến nay.

Đổi mới của Đảng từ 1986 thực chất là tự chuyển hóa về tư duy kinh tế, chấp nhận kinh tế nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường thay cho quan điểm ngự trị trước đó là xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa theo chủ nghĩa Mác-Lênin xóa bỏ tư hữu về tư liệu sản xuất và Nhà nước quản lý nền kinh tế theo kế hoạch pháp lệnh.

Với tư duy đổi mới, lãnh đạo Đảng đứng đầu là Tổng Bí thư Trường Chinh đã dũng cảm tổ chức viết lại Văn kiện Đại hội Đảng khóa VI, chuyển hóa phương thức quản lý kinh tế, đem lại chuyển biến tích cực cho nền kinh tế và cho đất nước nói chung. Đấy là thực tế chứng minh hùng hồn, là thước đo minh chứng cho việc tự chuyển hướng, tự diễn biến theo chiều hướng tích cực là cần thiết. Đường lối phát triển phù hợp quy luật phát triển của sự vật đã đưa nước ta vượt qua cơn khủng hoảng được toàn dân ta và bạn bè trên thế giới ghi nhận.

Tư duy nhiệm kỳ và tách nhập

Từng có vị Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đã trả lời chất vấn trên diễn đàn Quốc hội: “Ai có tư duy nhiệm kỳ thì người đó không xứng đáng với vị trí của mình”. Thực chất, nhiệm kỳ là một khái niệm để chỉ thời gian chứ bản thân nó không phải là tiêu chí để đánh giá là xấu hay tốt. Xấu hay tốt trong một nhiệm kỳ hay một giai đoạn đối với cán bộ được giao trọng trách hoàn toàn phụ thuộc vào bản chất, năng lực của người đó đã để lại dấu ấn gì với ngành hay địa phương, chứ sao lại đổ lỗi cho thời gian được?

Có lẽ khi dùng cụm từ “tư duy nhiệm kỳ”, người ta thường hiểu theo cái nghĩa tiêu cực mà lâu nay xã hội đã gán cho cụm từ ấy là “chỉ nghĩ ngắn hạn, không có tầm nhìn”. Có người “tư duy nhiệm kỳ” theo kiểu chỉ cốt làm sao hoàn thành nhiệm kỳ của mình một cách yên ổn, không nghĩ đến việc xây dựng nền móng cho phát triển lâu dài. Có người đề ra những kế sách rất hoành tráng chỉ cốt để đánh bóng tên tuổi của mình, mặc cho dân và những người kế nhiệm gánh hậu quả. Có người tranh thủ vơ vét cho hết, cho nhanh mọi quyền lợi trong nhiệm kỳ của mình, “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Hay trong nhiệm kỳ này, việc sáp nhập một số đơn vị cấp xã theo hai tiêu chí cơ bản là dân số và diện tích đã thực sự làm nhiều địa phương rối loạn, không chỉ vì phá vỡ văn hoá lịch sử làng xã truyền thống mà còn làm đảo lộn các loại giấy tờ liên quan đến hành chính và cuộc sống của người dân.

Tư duy, hành động theo nhiệm kỳ gây thiệt hại cho dân, cho nước như thế mà chỉ bị đánh giá là “không xứng đáng” và xử lý theo kiểu “cần rút kinh nghiệm” thì làm sao khắc phục được “tư duy nhiệm kỳ”?

Ai không dám làm, đứng sang một bên

Thoạt nghe câu này có vẻ chuẩn xác, nhằm chấn chỉnh, răn đe những người được giao nhiệm vụ nhưng lừng khừng do dự, không dám làm vì sợ trách nhiệm. “Không dám làm” là khái niệm hết sức mù mờ và chứa đầy cảm tính, không hề phù hợp trong cơ chế pháp quyền, trong khi nhiều quy định còn chưa rõ ràng, chồng chéo nhau và chứa nhiều nội dung vô lý lại không được chú tâm giải quyết, nên dù có người muốn làm nhưng cũng không biết phải làm thế nào cho đúng. Người ta không định chữa căn bệnh từ gốc rễ, nhưng lại muốn chấn chỉnh từ những triệu chứng quá mơ hồ mà ai hiểu sao cũng được, nên dễ bị lạm dụng, tùy ý thay đổi trắng đen theo “khẩu vị” cá nhân.

Không nên nêu vấn đề nước đôi “nhà nước pháp quyền” và “dám nghĩ dám làm” vào thời điểm này. Trước đây, vào thời kỳ đầu đổi mới, khi nhiều thể chế cũ chưa kịp thay đổi thì “dám nghĩ, dám làm” hay “phá rào” có thể được khuyến khích. Còn bây giờ, việc quan trọng nhất thuộc đúng chức trách Nhà nước phải làm là xây dựng hệ thống luật pháp hợp lý và kiểm tra đôn đốc bộ máy, cán bộ phải làm đúng – đó là việc cần làm ngay.

Trong một nhà nước pháp quyền, không cần đặt ra yêu cầu “dám” hay “không dám”, vì như thế vô hình trung ngầm chấp nhận rằng quy định chưa minh bạch cho nên cán bộ cần phải “dám”, đồng thời phải chấp nhận hên xui, may rủi! Yêu cầu như thế tức là giải quyết theo cảm tính và giải quyết phần ngọn, chứ không phải phần gốc là bộ máy pháp quyền.

Tham vọng quyền lực

Tham vọng quyền lực cũng thế! Nếu người ta tham vọng (dịch nôm ra là “mong muốn” – nghe có vẻ nhẹ hơn) quyền lực để được đóng góp nhiều nhất cho đất nước thì tốt chứ sao! Chỉ ghét là ghét cái đám quan chức “mũ ni che tai”, “gió chiều nào che chiều ấy” để bám giữ quyền lực mà thôi! Với cái đội ngũ cán bộ chiến lược phần lớn như vậy, lại thêm một đội tham mưu xu nịnh kiểu “Hòa Thân” nó phỉnh đủ thứ… thì đất nước đi đến đâu?

Khi đám đông ở trạng thái hỗn loạn, để ổn định và phát triển, ta cần đến một nhà độc tài, một nhà nước chuyên chính. Ngược lại, trong một xã hội độc tài, chuyên chính, để phát triển ta lại cần một nền dân chủ. Đây là “hai pha” của một chu kỳ phát triển, không có tốt và xấu. Tham vọng quyền lực là bản năng, cũng không có tốt và xấu, chỉ có yếu và mạnh. Muốn đánh giá một xã hội hoặc một con người tốt hay xấu, đúng hay sai, ta cẩn hiểu đúng tình trạng của đối tượng đánh giá.

Tuy nhiên, nếu tham vọng quyền lực với nghĩa là khát khao nắm quyền nhưng theo nghĩa tiếm quyền – nghĩa là không có tính chính danh được nhân dân và pháp luật thừa nhận thì đó là tham nhũng quyền lực. Đây là tội tham nhũng tàn ác nhất, đẻ ra toàn bộ mọi tham nhũng khác, và gây ra cho đất nước nhiều tổn thất nhất so với bất kỳ tội tham nhũng nào khác.

Chủ nghĩa cá nhân

Về “chủ nghĩa cá nhân”, từ điển Larousse tiếng Pháp (tài liệu định nghĩa được các nhà khoa học tôn trọng, thậm chí coi là chuẩn mực) giải thích như sau:

– Theo nghĩa thông thường, chủ nghĩa cá nhân là khuynh hướng tự khẳng định mình không phụ thuộc vào những người khác.

– Khuynh hướng coi trọng giá trị và quyền của cá nhân cao hơn giá trị và quyền của các nhóm xã hội.

– Về triết học: lý thuyết đặt ưu tiên vào cá nhân, được coi là nền tảng của tất cả các giá trị hoặc được coi là thực tế xác thực duy nhất và là nguyên tắc cơ bản để giải thích các hiện tượng tập thể.

– Về xã hội học: phương pháp luận nhằm phân tích các hiện tượng tập thể như hệ quả của tập hợp các hành động, các niềm tin và thái độ cá nhân.

Còn ở ta, cho đến bây giờ, “chủ nghĩa cá nhân” chỉ được hiểu theo nghĩa xấu dẫn đến cản trở sự phát triển của cá nhân.

Hồ Chí Minh đã nói: “Phải có tự do tư tưởng. Mọi người được tự do phát biểu ý kiến kể cả ý kiến trái với cái chung. Những ý kiến trái chiều đó phải được tôn trọng, đưa ra tranh luận đối chiếu với thực tế, như thế là cùng nhau đi tìm chân lý.”

Đất nước chỉ có thể phát triển khi những người có trách nhiệm không né tránh những vấn đề được coi là cấm kỵ, mạnh dạn đặt lên bàn những vấn đề gay cấn để công khai thảo luận nhằm tìm ra đối sách.

Vận động luôn là thuộc tính cơ bản của mọi dạng vật chất, chuyển hóa là kết quả tất yếu của vận động. Suy cho cùng cái “thói quen” (như Lênin nói) và tư duy nhiệm kỳ vẫn còn hằn sâu trong nếp nghĩ của không ít người có thẩm quyền.

Tố chất của người lãnh đạo

Nguyên khí đi từ cái gốc của vấn đề là tìm được người hiền tài và đặt đúng vị trí của họ. Các tiêu chí đề ra để chọn hiền tài hiện nay dường như mới chỉ tập trung vào việc chọn người có đạo đức (được hiểu là không có lỗi), trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và trung thành với Đảng. Cả ba tiêu chí này đều không phải là tiêu chí của “người tài”, dù đó có thể là những tiêu chí của “người tốt” với Đảng, song chưa hẳn đã là tốt cho đất nước, càng khó có thể là người tài mà đất nước đang cần, bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, hay như Lênin từng viết: “Nhiệt tình cộng với dốt nát sẽ thành phá hoại”. Vả lại, “Sông sâu còn có kẻ dò / Nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Thực tế xử lí một số cán bộ vừa qua cho thấy nhiều đồng chí có quá trình thăng tiến rất đáng ngưỡng mộ, lên bục phát biểu chỉ đạo hay hơn cả nghệ sĩ gạo cội hoá ra chỉ thuộc diện “chưa bị lộ” thôi.

Trong bối cảnh hiện nay, hơn bao giờ hết người dân càng mong muốn lãnh đạo cấp cao phải thực sự là người có các tố chất sau:

– Hiểu đúng, đánh giá đúng thực trạng chính trị – kinh tế – xã hội và văn hóa của Việt Nam, vị trí và hoàn cảnh đất nước trong bức tranh chính trị – kinh tế – xã hội toàn cầu.

– Có tư tưởng cải cách và dân chủ, đặt quyền lợi của đất nước và dân tộc lên trên hết để định hướng đúng con đường và mô hình phát triển xã hội, đề ra được những quyết sách đúng và kịp thời.

– Có khả năng tập hợp quần chúng và thu phục nhân tâm, biết trọng dụng người hiền tài, biết tổ chức và hành động kiên quyết, khéo léo phù hợp với văn hoá Việt.

– Có tri thức, đủ khả năng tiếp thu các kiến thức mới về quản trị quốc gia của thời đại.

Giữ chữ tín với dân

Hãy ngẫm tích bên Tàu về niềm tin của dân chúng với chính quyền qua việc Thương Ưởng “di mộc lập tín”.

Sau khi được Tần Hiếu Công trọng dụng, Thương Ưởng lập ra pháp luật, nhưng không công bố ngay lập tức. Trước tiên, ông làm một việc kỳ lạ. Ở cửa phía Nam đô thành nước Tần (khi ấy là Lịch Dương), ông cho người cắm một cây gỗ và dán thêm một cáo thị nói rằng: “Ai có thể đem cây gỗ này từ cửa thành phía Nam sang phía Bắc, ta sẽ thưởng 10 nén vàng”.

Sau khi cáo thị được dán ra, có rất nhiều người đến xem nhưng không có ai hành động gì, vì đã lâu rồi chẳng ai còn tin vào triều đình nữa. Một sự việc hết sức đơn giản sao lại được thưởng nhiều như thế? Mọi người cho đây là một việc lừa bịp như bao lần lừa bịp khác. Thương Ưởng nghe nói không có ai chuyển cây, ông đưa ra đề nghị mới: “Được rồi, đổi 10 nén vàng thành 50 nén vàng”. Sau đó có người dừng lại chỗ cáo thị nói: “Xưa nay nước Tần chưa bao giờ thưởng lớn thế này! Nhưng tôi cũng muốn thử một chút”. Người đó chuyển cây từ cổng Nam sang cổng Bắc. Lúc này Thương Ưởng đã chờ ở cổng Bắc, thấy cây được chuyển đến, ông mới nói rằng: “Người này thật là một thần dân tốt. Lập tức thưởng cho anh ta 50 nén vàng. Ta muốn qua việc này để tuyên bố: Từ nay, triều đình đã nói là làm.”. Câu chuyện này đã khiến đô thành nước Tần náo động vì số tiền được thưởng lúc đó quá lớn.

Thông qua sự việc này, Thương Ưởng muốn truyền đến bách tính một thông điệp rất rõ ràng: “Pháp luật là tôi định ra, dù nó có chỗ hoang đường hay sai lầm thế nào, nhưng tôi đã nói là làm”. Đây là việc gọi là “di mộc lập tín”, thông qua việc chuyển cây mà xác lập sự tín nhiệm của người dân nước Tần đối với ông, cũng chính là lòng tin của dân chúng đối với chính quyền vậy!

Điểm lại một việc nóng hổi vừa mới diễn ra năm nay, còn quan trọng hơn chuyện “di mộc lập tín” hàng nghìn lần là giáo dục mà giật mình. Theo chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo của Nghị quyết 29, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88 và Luật Giáo dục, quy định: “Thực hiện xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”. Bộ GDĐT đã huy động nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện quy định này, xoá bỏ cơ chế độc quyền, tạo ra cuộc thi đua nâng cao chất lượng sách giáo khoa, có lợi cho người dạy, người học. Nhưng có không ít lãnh đạo vẫn khăng khăng đòi quay trở lại cơ chế độc quyền, “dọn cỗ một món”. Không hiểu động cơ của các vị ấy là gì, nhưng rõ ràng là bất tín với dân. Người xưa đã nói: “Thập niên chi kế, mạc như thụ mộc; bách niên chi kế, mạc như thụ nhân” (Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người). Một lĩnh vực được coi là quốc sách hàng đầu mà chủ trương, pháp luật có thể thay đổi tuỳ tiện như vậy thì hậu quả sẽ thế nào?

Lời kết

Ngay từ thời phong kiến, trong một xã hội mà vua là chủ, chứ không phải dân, thiên tài Nguyễn Trãi đã viết: “Làm lật thuyền mới biết sức dân như nước”. Qua hàng nghìn năm, ở tất cả các nước, chế độ phong kiến càng ngày càng bộc lộ những hạn chế của nó, mà hạn chế lớn nhất là kìm hãm sự tiến bộ của quốc gia và nhân loại nên đã được thay thế bằng chế độ dân chủ, trước tiên là ở phương Tây, rồi dần dần lan sang các khu vực khác.

Ở nước ta, cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã lật đổ ách thống trị của thực dân tồn tại ngót 100 năm và chế độ phong kiến kéo dài hàng nghìn năm để xây dựng một nước cộng hoà dân chủ. Nhưng thực dân Pháp quay trở lại, rồi đế quốc Mỹ can thiệp đã thổi bùng ngọn lửa chiến tranh suốt 30 năm, khiến dân chủ khó bề thực hiện. Có lẽ thói quen thời chiến kéo dài đã hạn chế dân chủ ngay cả khi non sông đã thống nhất, cuộc sống hoà bình đã được tái lập trên cả nước. Chỉ từ khi Đổi mới, dân chủ mới từng bước được thực hiện, trước hết là trong lĩnh vực kinh tế, rồi lan toả dần sang các lĩnh vực khác với những mức độ khác nhau.

Đại hội XI của Đảng đánh dấu một bước tiến khi đưa yêu cầu “dân chủ” lên hàng đầu trong mục tiêu “xây dựng xã hội Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Các phát biểu của TBT Tô Lâm gần đây về những công việc cần thiết chuẩn bị cho Đại hội Đảng khoá XIV như đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, quan tâm đến phát triển kinh tế xã hội, đặt quyền lợi của đất nước và nhân dân lên trên hết được người dân rất quan tâm và hy vọng.

Từ xưa đến nay, yếu tố quan trọng nhất trong xây dựng và phát triển của đất nước chính là con người. Con người sinh ra thể chế và thể chế lại tạo nên con người. Đây là mối quan hệ nhân quả. “Hiền tài” luôn là “nguyên khí” của quốc gia, là nguồn tài nguyên và động lực to lớn để đưa đất nước tiến lên. Có khơi được dòng nguyên khí thì đất nước mới có thể thay đổi và hùng cường.

T.V.T.

Nguồn: Văn Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn