Musk Tổng thống ngầm đằng sau

Markus Becker, Simon Book, René Pfister, Marcel Rosenbach / Der Spiegel.

Người dịch: Ninh Dương

Elon Musk không chỉ là người giàu nhất thế giới, anh ta còn nhanh chóng trở thành người rỉ tai của Donald Trump. Hiếm khi thấy trong lịch sử Hoa Kỳ lại có một mối liên kết giữa quyền lực và tiền bạc báng bổ đến như vậy.

Nếu Elon Musk và Donald Trump có một điểm chung thì đó là xu hướng ưa thích những biểu hiện long trọng, nếu không muốn nói là khoa trương. Khi Donald Trump được bầu làm tân Tổng thống vào thứ Ba tuần trước, Musk đã đăng trên X một bức ảnh hình anh ta nghiêm chào bên một lá cờ Mỹ khổng lồ, trong khi mặt trời mọc rực rỡ phía sau: “Trời lại sáng ở Mỹ” được viết trên bức ảnh, như một tham chiếu đến khẩu hiệu huyền thoại mà Ronald Reagan đã sử dụng để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1984.

Nhìn vào bức ảnh, người ta có thể nghĩ rằng không phải Trump, mà là Musk sẽ là người dẫn dắt nước Mỹ trong tương lai. Và quả thật là hiếm có ai tích lũy nhiều quyền lực như người đàn ông 53 tuổi này. Musk không chỉ là người giàu nhất thế giới với tài sản khoảng 300 tỷ đô la, mà còn thống trị thị trường ô tô điện, truyền thông vệ tinh và hàng không vũ trụ. Và giờ đây, anh đã trở thành người rỉ tai số một của Tổng thống mới, người lãnh đạo đội quân lớn nhất và có sức gây tử vong cao nhất trên Trái đất, đồng thời phải đối mặt với ba điểm nóng tranh chấp ngay từ ngày đầu tiên: chiến tranh ở Ukraine, xung đột đẫm máu ở Trung Đông và sự phân tranh đảo Đài Loan.

Về mặt chính thức, Musk sẽ đồng lãnh đạo “Bộ Hiệu quả Chính phủ“ mới thành lập, như Trump đã công bố vào thứ Ba. Một quyết định nhạy cảm: Lời hứa của Musk là sẽ thu gọn bộ máy quan liêu ở Washington – tức là những cơ quan đang kiểm soát các công ty của Musk, một cách triệt để. Như vậy, Trump đã biến con cáo thành kẻ canh giữ chuồng gà, theo cách diễn đạt của một thành ngữ tiếng Anh.

Tuy nhiên, sẽ thật ngờ nghệch nếu chỉ xem Musk là người đứng đầu trong việc “Bãi bỏ quy định” của Tổng thống Mỹ. Musk, người không ngừng than phiền về các quan chức hành chính không thông qua bầu bán, không chỉ là tai mắt của Trump. Với nền tảng X của mình, anh ta kiểm soát một trong những phương tiện truyền thông quyền lực nhất thế giới và cũng tham gia vào việc định hướng cuộc tranh luận công khai về tổng thống tương lai. Với Trump, Musk có thể sẽ giữ một vị trí ở Mỹ mà trước đây chỉ có trong các hệ thống độc tài như Nga. Anh ta sẽ là một nhà tài phiệt Mỹ đầu sỏ: một kết hợp giữa sự giàu có tột cùng, ảnh hưởng chính trị to lớn và những xung đột lợi ích tầm cỡ.”

“Không có sự so sánh thực sự chính xác đối với vai trò mà Musk đảm nhận trên thế giới – ta có thể nghĩ đến Henry Ford, một trong những doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn nhất đầu thế kỷ 20, người đã cách mạng hóa dây chuyền sản xuất lắp ráp và ủng hộ các quan điểm biệt lập cũng như bài Do Thái. Hoặc là Rasputin, người rỉ tai của Sa hoàng Nga cuối cùng. Hay nhân vật điện ảnh “Citizen Kane”, một nhà xuất bản báo chí quyền lực. Có thể liên tưởng đến Bill Gates, đã trở thành người giàu nhất thế giới nhờ công ty phần mềm Microsoft. Hay Steve Jobs, người sáng lập Apple. Nhưng không ai trong số họ đòi hỏi quyền lực một cách không kiềm chế như Musk, không ai chia sẻ ý nghĩ không sàng lọc của mình – và lan truyền thông tin sai lệch một cách hiệu quả.

Vào thứ Ba, khi tin nổ bùng ra về việc đài truyền hình tự do CNN của Hoa Kỳ đang bị thất thoát hàng loạt người xem, Musk đã đắc chí chia sẻ mẩu bình luận tới các người theo dõi trên X: “Bây giờ chính các bạn là phương tiện truyền thông.” Đó là cách mà doanh nhân này nhận định vai trò của mình: Tạo dấu ấn trên nền chính trị của Hoa Kỳ và dự phần quyết định cách thức đưa tin tình hình chính trị. Với một quốc gia được coi là một trong những nước đầu tiên đã ghi rõ sự phân bố quyền lực hiện đại trong Hiến pháp, đây là một sự tích lũy quyền lực và tiền bạc đáng sợ: một kết hợp có tiềm năng gây tổn hại cho nền dân chủ gần 250 năm tuổi của Mỹ.

Musk không chỉ có mặt khi Trump ăn mừng chiến thắng bầu cử tại dinh thự mùa đông Mar-a-Lago của ông ở Florida. Anh ta còn được phép chụp cùng cậu con trai 4 tuổi của mình – có tên là X Æ A-12 – trong một bức ảnh gia đình nhà Trump. Có vẻ như Trump, 78 tuổi, đã nhận Musk, người trẻ hơn mình 20 tuổi và con trai của anh ta làm con nuôi. Kể từ khi Trump đắc cử, hầu như không có quyết định quan trọng nào mà không có mặt Musk. Tờ New York Times đã viết về sự hiện diện thường xuyên của ông tại Mar-a-Lago: “Anh ấy ở trên sân thượng. Anh ấy ở trên sân golf. Donald Trump nhìn đâu cũng thấy người đàn ông giàu nhất thế giới”.

Musk cũng có mặt khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi điện cho Trump. Anh ta được nghe cùng khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan gọi điện để chúc mừng. Và vào thứ Tư, Musk đã tháp tùng Tổng thống tương lai trong chuyến thăm đến Tòa nhà Quốc hội ở Washington và tỏ ra rất hoan hỉ khi các nghị sĩ Cộng hòa đứng dậy vinh danh mình. Điều này đặc biệt đáng chú ý vì trước đó vài tháng, Musk và Trump không hề thân thiết – và giờ đây có vẻ như họ không thể rời xa nhau.”

Trump đã tham gia nhiều liên minh chính trị. Ông, một cựu tay chơi nổi tiếng và người lướt sóng trong lĩnh vực bất động sản, đã chọn Mike Pence, một tín đồ sâu sắc, làm Phó tổng thống của mình nhằm lôi kéo các tín đồ Tin Lành ở Mỹ về phía mình. Ông cũng ve vãn tỷ phú internet Peter Thiel và để ông này phát biểu tại đại hội đảng Cộng hòa năm 2016.

Liên minh giữa Trump và Musk, hai người đàn ông với niềm khao khát sâu thẳm là được công nhận bản thân, do đó có vẻ bấp bênh. Nó dựa trên cơ sở hai bên đều có lợi và chứa đầy mâu thuẫn. Musk, người đã cho thay đổi thuật toán trên X (Twitter) để ưu tiên các bài đăng của chính mình, hiện có hơn 200 triệu người theo dõi. Trong chiến dịch tranh cử, anh ta đã đánh phủ đầu Đảng Dân chủ bằng những lời nhạo báng và lan truyền những lời dối trá của Trump. Anh ta đã rót 118 triệu đô la từ tài sản cá nhân vào một nhóm vận động chính trị mang tên AmericaPac, nhóm này đã hỗ trợ Trump tái đắc cử. Anh ta đã đi tham quan Pennsylvania cùng Trump và khuyến cáo người hâm mộ tin rằng chiến thắng của Kamala Harris sẽ là dấu chấm hết cho nền dân chủ Mỹ. Người hâm mộ ca ngợi doanh nhân này một cách phấn chấn gần như ca tụng Trump.

Tuy nhiên, trên nhiều phương diện Musk là một đối cực của Trump. Musk là doanh nhân thiên tài mà Trump luôn mơ ước trở thành. Một người đàn ông đã cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô từ con số không và sau đó, với công ty SpaceX của mình, phát triển một loại tên lửa không chỉ bay vào vũ trụ mà còn có thể quay trở lại. Musk mơ ước đưa con người lên sao Hỏa. Trong khi đó, chân trời kinh doanh của Trump chưa bao giờ vượt xa Atlantic City, nơi ông từng xây dựng các sòng bạc và gánh chịu sự phá sản ngoạn mục vào những năm 1990. Về bản chất, Trump luôn là một nhà đầu tư bất động sản ranh ma, chỉ khác ở chỗ ngày nay ông lừa bịp cử tri thay vì người thuê nhà và nhà thầu xây dựng.

Trong phần lớn đời mình, Musk là người theo chủ nghĩa tự do, một người đặt quyền tự do cá nhân lên trên tất cả. Theo như lời tự kể, lý do bước chân vào ngành xe điện của Musk không giống Trump, là vì anh ta lo ngại sự biến đổi khí hậu. Dù vậy, từ ban đầu Musk đã thể hiện một mặt tối. Nhưng anh ta luôn mang trong mình những ý tưởng lớn hơn bản thân: giấc mơ mang đến cho nhân loại một xứ sở mới trong vũ trụ hoặc giải phóng tinh thần con người khỏi thể xác hữu hạn.

Đối lại, chương trình của Trump, luôn đơn giản là Trump. Người ta có thể xem Musk như một doanh nhân đang tâm sử dụng chính trị gia làm công cụ. Nhưng câu chuyện của Musk cũng là câu chuyện về sự lạc điệu của Đảng Dân chủ. Vào năm 2020, Musk còn bỏ phiếu cho họ, như trước đây anh ta đã làm. Anh ta từng không mấy thiện cảm với Trump. Vào mùa hè năm 2022, Musk tuyên bố rằng nhân vật Đảng Cộng hòa đã quá già cho nhiệm kỳ thứ hai và nên “rời chính trường một cách yên bình”. Trump đáp lại bằng cách gọi ông chủ Tesla là một “kẻ ngốc”.

Dần dà, Musk bắt đầu rời xa Đảng Dân chủ. Nỗi thất vọng lớn đầu tiên đã đến cùng với đại dịch. Vào thời điểm đó, chính quyền California thời Thống đốc Gavin Newsom đã ra quy định rằng tất cả các nhà máy của Tesla cũng sẽ phải đóng cửa, Musk đã gọi quyết định này là “phát xít.” Dù phần lớn cuộc đời ủng hộ Đảng Dân chủ, Musk vẫn phản đối các quy định của chính phủ cũng như các công đoàn mà anh ta luôn giao tranh trong các công ty của mình. Có lẽ vì lý do này mà Tổng thống Joe Biden đã không mời Musk đến hội nghị thượng đỉnh về xe điện tại Nhà Trắng vào tháng 8 năm 2021 – điều khiến Musk cảm thấy bị xúc phạm.

Tuy nhiên, không gì có thể tác động mạnh mẽ đến Musk hơn sự kiện thành viên trong gia đình công khai bộc lộ là người chuyển giới. Đứa con mà anh ta có với nhà văn người Canada Justine Wilson, sinh ra là một bé trai, đã tuyên bố từ khi còn là thiếu niên rằng mình muốn sống như một phụ nữ chuyển giới. Kể từ năm 2022, cô ấy lấy tên là Vivian Jenna Wilson. Theo lời kể của Musk, điều này là một cú sốc lớn đối với Musk.

Câu hỏi liệu và trong những điều kiện nào thanh thiếu niên nên được phép thay đổi bản dạng giới đã là chủ đề của một cuộc chiến văn hóa gay gắt ở Mỹ trong nhiều năm. Đảng Cộng hòa kịch liệt phản đối cái mà họ gọi là “ý thức hệ chuyển giới,” cáo buộc rằng nó lôi kéo trẻ em thoát khỏi “trật tự giới tính tự nhiên.” Lập luận này đã gây ảnh hưởng tới Musk. Anh ta cho rằng có những “thế lực đen tối” đã khiến anh ta mất đi đứa con của mình, như anh ta nói – “bị giết bởi virus tư tưởng tỉnh thức (1).” Vivian Jenna Wilson sau đó đã gọi cha mình là một “kẻ kiểm soát nhỏ mọn hoang tưởng và bẩn thỉu.” Không lâu sau cuộc bầu cử của Trump, cô công bố ý định rời khỏi nước Mỹ.

Và như thế, một bi kịch gia đình giờ đây cũng góp phần định hình vận mệnh quốc gia. Khi bang California thông qua một luật vào tháng 7, theo đó giáo viên không còn bị bắt buộc phải thông báo cho phụ huynh trong trường hợp một học sinh không thừa nhận giới tính sinh học của mình, Musk tuyên bố sẽ rút trụ sở các công ty của mình khỏi tiểu bang này. Giờ đây, anh ta đã tìm thấy ở Trump một công cụ để tiêu diệt cái mà anh ta gọi là “virus tư tưởng tỉnh thức”. Trump đã tuyên bố rằng ông sẽ cấm các liệu pháp hormone cho thanh thiếu niên chuyển giới và khai trừ “ý thức hệ chuyển giới” khỏi các trường công.

Tuy nhiên, sự chuyển biến của Musk từ một người theo chủ nghĩa tự do cá nhân sang bảo thủ không chỉ xuất phát từ lý do cá nhân. Hiện tại, nhiều cơ quan chính phủ Mỹ đang tiến hành các vụ kiện chống lại các công ty thuộc thế giới của Musk. Những vụ kiện này xoay quanh các cáo buộc phân biệt đối xử với nhân viên, bao gồm cả phụ nữ và người nhập cư. Ngược lại, Musk lại muốn mở rộng các giao dịch kinh doanh với chính phủ, những giao dịch vốn đã mang về cho anh ta hàng tỷ USD. Với vai trò mới này, Musk có thể đạt được hai mục tiêu: loại bỏ những quan chức hành chính phiền phức và tác động Trump ký hợp đồng chính phủ với các công ty của anh ta. Khoản đầu tư của Musk vào chiến dịch tranh cử của Trump đã nhanh chóng mang lại lợi nhuận. Ngay ngày sau khi Trump được bầu, cổ phiếu của Tesla – nơi Musk nắm cổ phần chi phối – đã tăng gần 15%, nâng giá trị tài sản của doanh nhân này vượt mốc 300 tỷ đô la.

Trong nhiều năm qua, Thung lũng Silicon, nơi từng được coi là thành trì của những người có xu hướng cánh tả tự do, ngày càng chuyển dịch theo hướng tự do cá nhân cực đoan và thậm chí có phần cực hữu. Giờ đây, Musk đang hợp nhất khu vực này với phong trào “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Trump.

Trump và Musk còn có điểm chung là sự ghét bỏ hệ thống tư pháp và các cơ quan quản lý. Vào tháng 8, trong một cuộc trò chuyện với Trump trên nền tảng X (trước đây là Twitter), khi Musk đề xuất ý tưởng thành lập một ủy ban để cải thiện hiệu quả hoạt động của chính phủ, Trump đã đáp lại: “Tôi rất thích điều đó.” Musk vẫn chưa quên việc cách đây sáu năm cơ quan Giám sát Tài chính SEC đã phạt 20 triệu USD và buộc anh ta phải từ bỏ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Tesla trong vòng ba năm. Giờ đây, nhiều người ở Washington lo ngại rằng Musk sẽ trả thù tất cả các quan chức từng giám sát các công ty của mình.

Mối lo ngại này không phải là vô căn cứ. Musk muốn tiết kiệm một số tiền vượt sức tưởng tượng lên đến hai nghìn tỷ đô la mỗi năm, tương đương với gần một phần ba ngân sách của Mỹ. Anh ta dự định sẽ đóng cửa ba phần tư tất cả các cơ quan liên bang, trong đó có Bộ Giáo dục, như Trump đã yêu cầu. Musk tin tưởng vào ý tưởng rằng bộ máy quan liêu đã biến thành một quyền lực thứ tư, thiếu tính hợp pháp dân chủ và thậm chí không tuân lệnh một tổng thống đã được bầu. Dưới góc nhìn của nhiều người bảo thủ, Trump đã không thất bại trong nhiệm kỳ đầu tiên vì thiếu năng lực trong nhiều dự án của ông, mà vì ‘nhà nước ngầm’, một nhà nước bóng tối giả tưởng, hành động bất hợp pháp đã ngăn trở ông. Do đó, Trump hiện đang lên kế hoạch thay đổi vị thế của một phần lớn các nhân viên liên bang. Kế sách này sẽ cho phép ông ta cho họ nghỉ việc.

Có lẽ Musk sẽ phải thực hiện kế hoạch này – và đồng thời trở thành một trong những người hưởng lợi lớn nhất từ đó: Anh ta đã tranh cãi với Cơ quan Giao thông Vận tải Mỹ trong nhiều năm, vì cơ quan này yêu cầu dán một nhãn cảnh báo túi khí mà Musk cho là xấu xí và không muốn thấy nó trên những chiếc Tesla của mình. Trong tương lai, Musk có thể dễ dàng loại bỏ những trở ngại như vậy, chỉ bằng một nét bút. Anh ta cũng có thể gạt bỏ các công sở. Mới đây, anh ta đã có một cuộc đấu tranh với Cơ quan Phòng, chống Thiên tai FEMA, vì cơ quan này được cho là không sẵn sàng giúp đỡ đúng mức khi Musk đưa các thiết bị nhận internet vệ tinh Starlink vào North Carolina, nơi bị tàn phá bởi cơn bão “Helene”. Trong tương lai, lời nói của Musk có thể trở thành luật – Anh ta được cho là có quyền giải thể toàn bộ các cơ quan chính phủ khi thấy thích đáng.

Vai trò mới của Musk có thể đặc biệt hữu ích cho thương vụ lớn nhất gần đây của anh ta: mua lại nền tảng mạng xã hội Twitter với giá 44 tỷ USD, và đổi tên thành X. X đã trở thành một nơi đầy rẫy nội dung khiêu dâm, video bạo lực và thuyết âm mưu, nguyên nhân là do Musk sa thải gần hai phần ba nhân viên, bao gồm cả đội ngũ chịu trách nhiệm kiểm duyệt nội dung. Đồng thời, anh ta cũng khôi phục tài khoản của nhiều phần tử cực đoan và những kẻ nói dối có hạng. Cho đến khi nào Trump còn làm Tổng thống, Musk sẽ không cần phải lo ngại về các quy định kiểm soát từ chính phủ.

Sự gần gũi với Tổng thống tương lai không chỉ có lợi ở Mỹ mà còn trên trường quốc tế. Tại EU, có những nỗ lực nhằm áp đặt các quy định chặt chẽ hơn đối với nội dung trên mạng xã hội. Tuy nhiên, Phó Tổng thống tương lai J. D. Vance đã ngầm cho biết rằng Mỹ chỉ bảo vệ về mặt quân sự cho những đối tác châu Âu nào chia sẻ quan điểm của Mỹ về “tự do ngôn luận” – tức là quan điểm của Trump và Musk, vốn dự trù các nền tảng truyền thông ít chịu kiểm soát. Công thức “Chúng tôi bảo vệ, nhưng phải có lợi ích cho chúng tôi” sẽ còn được các nước châu Âu nghe thấy nhiều trong bốn năm tới.

Trên thực tế, không có lĩnh vực nào trong đế chế công ty của Musk không hưởng lợi từ sự tham gia chính trị của ông chủ. SpaceX hiện gần như chiếm lĩnh hoàn toàn chương trình không gian của Mỹ và có thể được trang bị hàng tỷ USD để biến giấc mơ đưa con người lên sao Hỏa của Musk thành hiện thực. Tesla không chỉ nhắm đến cách mạng hóa động cơ xe mà còn đặt mục tiêu tiên phong trong công nghệ xe tự lái. Công ty Neuralink của Musk cũng đã được cấp phép cấy ghép chip vào não người để nghiên cứu, với mục tiêu một ngày nào đó giúp người mù có thể nhìn thấy. Nhưng Musk không dừng lại ở đó – tại Silicon Valley, nhiều người mơ ước tách rời tâm trí con người ra khỏi cơ thể và tải nó lên máy.

Đối với Musk, nhà nước là kẻ thù của tiến bộ. Anh ta chỉ tin tưởng vào bản thân và những ý tưởng của mình – ít nhất là những ý tưởng hiện tại. Sự giao thoa giữa thiên tài và hoang tưởng trong con người Musk trở nên rõ ràng khi bạn gặp Paige Holland-Thielen, người hiện sống ở vùng nông thôn Minnesota, xa hẳn đế chế của Musk nơi cô từng làm kỹ sư trong bốn năm rưỡi. Với tư cách là trưởng nhóm tại SpaceX, cô đã chứng kiến cách Musk thúc đẩy tầm nhìn của mình với một năng lượng khủng khiếp, nhưng cũng được nhìn thấy anh ta dập tắt mọi sự phản đối và chống lại bất kỳ ai không chia sẻ thế giới quan của mình.

Holland-Thielen cho biết Musk đã áp đặt cho SpaceX một chiến lược tăng trưởng đầy mạo hiểm nhưng mang lại thành công. Chẳng bao lâu, NASA đã hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ của SpaceX cho các sứ mệnh vũ trụ. Musk thường công khai đưa ra những lời hứa lớn lao mà đội ngũ nhân viên buộc phải thực hiện. Đôi khi, chỉ bằng một dòng tweet vào ban đêm, anh ta đã đảo lộn hoàn toàn một chiến lược vốn được lên kế hoạch từ lâu. Ví dụ, ý tưởng về một loại tên lửa không gian có thể tái sử dụng đã ra đời theo cách đó. Ban đầu, nhiều nhân viên tại SpaceX nghi ngờ về tính khả thi của ý tưởng này, Holland-Thielen nói. Nhưng ngày nay, công nghệ này đã trở thành tiêu chuẩn trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.

“Đến một mức độ nào đó, Holland-Thielen nói, cô có thể hiểu được sự hỗn loạn sáng tạo và áp lực mà Musk đã tạo ra. Tuy nhiên, phong cách lãnh đạo của anh đã gây ra những chi phí khổng lồ. Công ty liên tục rơi vào tình trạng hỗn loạn, và “chúng tôi phải tuyển dụng nhân viên mới vì nhiều kỹ sư tài năng đã bỏ việc vì quá căng thẳng”. Khi họ nhận thấy thành quả của công ty có nguy cơ bị đe dọa dài hạn, Holland-Thielen và các lãnh đạo khác đã gửi một bức thư cho ban quản lý vào năm 2022. “Hành vi của Elon trước công chúng là một nguyên nhân gây phân tâm và hổ thẹn thường xuyên đối với chúng tôi”, đây là câu viết trong bức thư mà SPIEGEL đang có. Ban giám đốc được yêu cầu khiển trách hành vi của Musk và quay lại với chính sách “Không khoan nhượng” đối với bắt nạt hiếp đáp (2), mà chính Musk đã từng tuyên truyền. Bức thư không hề thiếu tác dụng – tuy nhiên, không được như chủ đích. Musk không bị khiển trách và đã cho sa thải những người ký tên, trong đó có Holland-Thielen. Như đã xảy ra tại SpaceX, Musk có thể sẽ chỉ cảm thấy được kích thích bởi sự phản kháng trong công việc mới của mình. Vào thứ Tư theo giờ Đức, anh ta đã đăng một trong những bài viết mà chỉ những người đam mê công nghệ mới hiểu được.

Nó mô tả ‘Brain Bug’ trong bộ phim khoa học viễn tưởng ‘Starship Troopers’ – một sinh vật ngoài hành tinh xấu xí đã tấn công Trái đất và bị triệt tiêu bởi một đội đặc nhiệm gồm các binh sĩ dũng cảm. “Cỗ máy chính phủ vĩ đại” được viết trên bức ảnh “Brain Bug” bị trói, kèm theo câu trích dẫn ‘nó sợ hãi’. Một thông điệp điển hình của Musk – nửa châm biếm và vẫn đầy tự tin: người lính cao quý Elon chống lại các thế lực đen tối của bộ máy quan liêu.

Musk cũng rất có sức lôi cuốn bởi vì giống như Trump, anh ta phá vỡ tất cả mọi quy ước. Văn hóa doanh nghiệp Mỹ được quy định nghiêm ngặt, các mối quan hệ tình cảm, ngay cả khi chúng là tự nguyện, thường bị coi là điều cấm kỵ cũng như việc sử dụng ma túy. Musk ngược lại đã từng hút cần sa trong chương trình của podcaster Joe Rogan và có 11 đứa con với ba người phụ nữ – Anh ta đã thực hiện châm ngôn của mình là những người thông minh nên có nhiều con. Anh có một cặp song sinh với Shivon Zilis, Giám đốc các dự án đặc biệt của công ty Neuralink.

Trong các công ty của mình, Musk có thể hành động như một nhà độc tài. Tuy nhiên, sự kháng cự của Ukraine đối với nhà lãnh đạo Điện Kremlin, Vladimir Putin, có lẽ đã sớm sụp đổ nếu Musk không trang bị miễn phí công nghệ liên lạc hiện đại nhất cho Kyiv trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Nhưng sau đó, anh ta bất ngờ tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Vladimir Putin và từ chối hỗ trợ các hoạt động quân sự của Ukraine ở Krim thông qua Starlink. Theo một cuộc điều tra của Wall Street Journal, từ năm 2022, Musk đã có liên lạc trực tiếp và thường xuyên với Tổng thống Nga. Trong các cuộc trò chuyện này, họ trao đổi về các vấn đề cá nhân cũng như chính trị thế giới. Putin thậm chí còn yêu cầu Musk không kích hoạt Starlink trên khu vực đảo Đài Loan ly khai, nhằm làm hài lòng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Vậy chính trị thế giới sẽ ra sao khi nó lọt vào tay một tay chơi như Musk? Không ai nghi ngờ việc anh ta tin mình có thể làm trung gian hòa giải hòa bình ở Ukraine. Tuy nhiên, điều này phức tạp hơn nhiều so với việc chế tạo một tên lửa có thể hạ cánh lại trên mặt đất.

Thêm vào đó, về lâu về dài, Trump khó có thể cho phép Musk vượt trội hơn mình. Cho đến nay, trong ‘hệ phái’ của Đảng Cộng hòa, chưa bao giờ có chỗ cho hai bậc thầy. Vậy nếu hai Cái Tôi khổng lồ này có mâu thuẫn – chẳng hạn như về việc liệu có nên áp dụng mức thuế trừng phạt 60% đối với Trung Quốc hay không? Điều này sẽ có hậu quả nghiêm trọng đối với Tesla. Trung Quốc không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai của hãng, mà còn là nơi Tesla vận hành một cơ sở sản xuất khổng lồ tại Thượng Hải. Theo các báo cáo truyền thông, xe từ nhà máy này đôi khi được đưa đi xuất khẩu các nước, trong đó có Mỹ.

Trump có tiếng là người nhanh chóng từ bỏ những người thân cận. Khi đám đông giận dữ xông vào Tòa nhà Quốc hội Mỹ với khẩu hiệu “Treo cổ Mike Pence“ vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, Tổng thống đã không đứng ra bênh vực cấp phó của mình, người đã trung thành phục vụ ông trong suốt bốn năm. Nhiều người ở Washington cho rằng chỉ là vấn đề thời gian trước khi xảy ra một cuộc đối đầu lớn giữa Trump và Rasputin (3) của ông. Bởi vì Musk cũng có thể thay đổi bộ mặt nhanh không kém.

Musk thay đổi nhanh như thế nào, đã được Ủy viên Thị trường Nội bộ EU lúc bấy giờ, Thierry Breton trải nghiệm khi ông đến Austin, Texas vào tháng 5 năm 2022 để giải thích “Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số” cho Musk – bộ quy tắc của EU đối với các dịch vụ kỹ thuật số. Musk đã tỏ ra rất khiêm tốn – „gần như một cậu học sinh có phần nhút nhát nhưng rất thông minh“, một người tham gia buổi hội đàm nhớ lại. Anh ta đã kiên nhẫn lắng nghe Breton giải thích từng chi tiết của quy định. „Những gì được viết trong bộ luật hoàn toàn phù hợp với cách suy nghĩ của tôi“, Musk khẳng định.

Sự hòa hợp này không kéo dài được bao lâu. Vài tháng sau, khi Ủy viên cảnh báo Musk, vì Twitter đã nhiều lần vi phạm luật pháp EU, Musk đã trả lời bằng một câu trích từ một bộ phim hành động: „Đéo cái mặt của mày!“ (4)

M.B.,S.B.,R.P.,M.R.

Nguồn: Der Spiegel, Số 47, ngày 16 tháng 11 năm 2024, trang 08-12. Báo giấy, không có Link.

Ghi chú:

(1) „Woke Mind Virus“

(2) Mobbing

(3) Grigori Yefimovich Rasputin là một nhân vật có thật trong lịch sử Nga. Ông tự phong cho mình là tu sĩ với thần lực của thượng đế, được Nga hoàng Nikolai II và hoàng hậu Alexandra tôn sùng vì họ cho rằng Rasputin đã chữa được căn bệnh hiểm nghèo của con trai duy nhất của họ là hoàng tử Aleksei Nikolaevich, Thái tử của Nga (vị hoàng tử này bị bệnh di truyền máu khó đông). (Trích Wikipedia)

Rasputin được biết đến như một đấng tối cao, một vị thánh sống nhưng cũng lại là một tên tội phạm đáng chết, một con quỷ đội lốt người, một tên nát rượu và hay trộm cắp vặt.

Người ta gắn cho Grigori cái biệt danh Rasputin từ chữ “rasputnik” tiếng Nga có nghĩa là một kẻ trụy lạc, thiếu đạo đức, bê tha, bần cùng của xã hội.

(4) Nguyên văn: “Fuck your own face”

Nguồn: Diễn đàn khai phóng

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn