An toàn điện hạt nhân

Phạm Tuấn Hiệp

Tiến sĩ, chuyên viên Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF)

Các buổi họp của bất kỳ bộ phận nào tại Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) – nơi tôi làm việc – cũng bắt đầu với 15 phút “Lời nhắc an toàn”. Đây là khoảng thời gian cần thiết để ghi nhận, báo cáo mọi biểu hiện dù là nhỏ nhất liên quan tới các vấn đề an toàn, đặc biệt là an toàn hạt nhân.

Nếu có dịp đến thăm một nhà máy hạt nhân của Pháp, bạn sẽ thấy những tấm áp phích, khẩu hiệu, cảnh báo hiện diện khắp nơi. Bất kỳ biểu hiện bất thường nào đều được ghi nhận và phân tích đến tận cùng, với sự hỗ trợ từ đội ngũ kỹ thuật và nghiên cứu phát triển. Bởi chúng tôi biết, với điện hạt nhân, an toàn không phải một lựa chọn, mà là sự sống còn.

Ngày 30/11/2024 đánh dấu một cột mốc lịch sử của ngành điện lực Việt Nam: Quốc hội thông qua việc khởi động lại dự án điện hạt nhân. Đây là một cam kết dài hơi của chính phủ đưa dạng năng lượng đặc thù này trở thành một phần không tách rời của bản đồ quy hoạch điện Việt Nam, để đạt được hai mục tiêu lớn: đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế và giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 (Net Zero).

Một dự án, mất nhiều thời gian để cân nhắc khởi động lại như vậy, tất nhiên sẽ tồn tại nhiều khía cạnh gây băn khoăn, trong đó có an toàn hạt nhân. Đây là một trong những vấn đề lớn nhất đặt ra cho tất cả các bên liên quan đến đại dự án này: nhà đầu tư, nhà thầu, ủy ban an toàn hạt nhân trong nước và quốc tế, đội ngũ kỹ thuật...; và liên quan đến mọi giai đoạn, từ xây dựng nhà máy, khai thác - sản xuất - vận hành, xử lý rác thải.

Một nhà máy điện hạt nhân tiêu chuẩn (khoảng 1000 MW) cần khoảng 70 đến 90 tháng kể từ khi đặt viên gạch đầu tiên đến lúc kWh điện đầu tiên hòa lưới. Thời gian có thể thay đổi ít nhiều theo nhà thầu và công nghệ nhà máy hạt nhân. An toàn là câu chuyện hàng ngày trong mấy nghìn ngày của đại công trường ấy. Bên cạnh những hạng mục và tiêu chuẩn công nghiệp như tất cả nhà máy điện khác mà Việt Nam đã phần nào làm chủ công nghệ, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân gắn liền với những quy chuẩn vô cùng chặt chẽ liên quan đến bức xạ. Mục tiêu chính yếu là đảm bảo an toàn cho không chỉ cho công nhân thi công mà cả môi trường và người dân sinh sống trong khu vực lân cận.

Quy chuẩn an toàn khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã thay đổi đến tận gốc rễ sau sự kiện sóng thần và thảm họa hạt nhân Fukushima 2011. Hệ thống làm mát bị vô hiệu hóa do ảnh hưởng của động đất và sóng thần là nguyên nhân chính dẫn đến vụ nổ tại Fukushima. Khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường của các lực lượng phản ứng nhanh sau đó đã đẩy tai nạn này trở thành thảm họa.

Những tiêu chuẩn hạt nhân mới đã mang đến giải pháp tối ưu cho cả hai yếu tố trên với việc bắt buộc bổ sung tổ máy hỗ trợ làm mát chạy diesel được bảo vệ ở mức "không thể phá vỡ", gia cố vỏ và sự hiện diện của lực lượng phản ứng nhanh tại chỗ. Từ đó đến nay, những tiến bộ công nghệ để cải tiến tất cả bức tường an toàn hạt nhân được từng bước đưa vào sử dụng: thanh nhiên liệu, các vòng tuần hoàn, lò hơi...

Rủi ro không bao giờ có thể được triệt tiêu hoàn toàn, nhưng một trong những yếu tố thuận lợi của Việt Nam là tái khởi động dự án sau khi thế giới đã thiết lập nhiều tiêu chuẩn mới và công nghệ đã phát triển thêm những công cụ hiện đại hơn. Vấn đề còn lại là tuân thủ quy chuẩn và khả năng tiếp cận công nghệ cao.

Ngay khi đã sở hữu một nhà máy điện hạt nhân tối tân, bạn cũng chưa thể yên tâm khẳng định sự an toàn của nhà máy ấy trong suốt vòng đời trên 60 năm. "Tuổi thọ" của nhà máy điện hạt nhân không phải là con số cố định mà phụ thuộc rất nhiều vào kết quả bài kiểm tra ngặt nghèo về tính an toàn sau mỗi 10 năm. Việc chứng minh nhà máy điện hạt nhân đủ an toàn để khai thác 10 năm kế tiếp là một lượng công việc khổng lồ của tất cả ban ngành của đơn vị khai thác và sản xuất điện.

Cố nhiên, tuổi thọ không phải là yếu tố duy nhất cần xét đến để đảm bảo an toàn hạt nhân. Chernobyl 1986 trở thành thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử loài người khi mới chính thức nối lưới hai năm trước đó. Sai lầm về mặt kỹ thuật và chuỗi sai sót có hệ thống của những kỹ sư vận hành nhà máy là hồi chuông cảnh giác cho quá trình khai thác và sản xuất điện hạt nhân. Năm 2024, việc tự động hóa hầu hết các khâu trong quá trình vận hành đã giảm đến mức tối đa sai lầm có thể có của kỹ sư vận hành.

Một khía cạnh khác, cũng là một "điểm mù" lớn nhất, khi nhìn nhận về an toàn hạt nhân là xử lý rác thải. Nhiều người cho rằng rác thải hạt nhân là "gót chân Achilles" của điện hạt nhân, rằng việc chôn rác thải hạt nhân xuống đất sâu như cách Pháp đang làm trong khuôn khổ dự án Cigéo là bởi "chúng ta không biết phải làm gì với thứ rác thải nguy hiểm và tồn tại gần như vĩnh cửu ấy".

Hãy cùng đi tìm một góc nhìn lý tính hơn cho những luận điểm ấy. Tôi cho rằng, về mặt khối lượng và thể tích, rác thải không hoàn toàn là mặt nhược điểm của điện hạt nhân. Những con số không biết nói dối: tổng lượng rác thải có độ bức xạ trung bình và cao (có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu phơi nhiễm) của toàn bộ lịch sử gần 60 năm của điện hạt nhân Pháp (có lúc lên tới 58 tổ máy, đóng góp 70% tổng sản lượng điện của cả nước) là khoảng 50.000 m3; trong khi các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam thải ra 8 triệu m3 tro xỉ chỉ trong năm 2021, chưa kể các loại rác thải và bụi mịn khác. Và dù sản lượng điện của Việt Nam đang tăng không ngừng và Pháp đang chững lại, Pháp vẫn sản xuất ra gấp đôi lượng điện của Việt Nam trong năm 2021.

Việc chôn rác thải hạt nhân chỉ áp dụng cho loại có độ bức xạ trung bình và cao ấy. Và cũng như tất cả các bước trong quy trình hạt nhân, việc xử lý vật liệu nhiễm xạ sau khi sử dụng, di dời, cô lập, lưu trữ... đều tuân theo những quy chuẩn chặt chẽ và được các ủy ban hạt nhân quốc tế chấp nhận. Những nghiên cứu về đặc tính của vật liệu cũng như của vùng đất để chôn rác thải hạt nhân được tiến hành song song với quá trình khai thác.

Với những tiến bộ không ngừng của công nghệ hạt nhân, cũng như việc áp dụng nhiều tiêu chuẩn an toàn quốc tế chặt chẽ, điện hạt nhân có thể coi là một trong những dạng năng lượng an toàn.

Nhưng để nắm trong tay chìa khóa an toàn, đòi hỏi đội ngũ kỹ sư Việt Nam đủ kiến thức, sự am hiểu, kinh nghiệm và sự tuân thủ chặt chẽ kỷ luật lao động.

P.T.H.

Nguồn: Vnexpress

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn