Miền Tây ‘tụt hậu’ và ‘đang chìm’

Phạm Sơn 

Thứ Hai, 02/12/2024 

Miền Tây đang đứng trước những thách thức lớn, đe dọa đến sinh kế của người dân cũng như chính sự tồn tại của vùng. 

Tụt hậu

Năm 2023, GRDP bình quân đầu người của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt 72,3 triệu đồng/người/năm, cao gấp gần bốn lần con số 19,1 triệu đồng/người/năm vào năm 2010.

Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 101,9 triệu đồng/người/năm của cả nước. Mức chênh lệch giữa GRDP bình quân đầu người của miền Tây và GDP bình quân đầu người của cả nước là 29,6 triệu đồng, gần gấp ba lần so với mức 12,4 triệu đồng vào năm 2010.

GRDP bình quân đầu người của Đồng bằng sông Cửu Long tụt hậu so với cả nước. Ảnh: GS.TS. Nguyễn Ngọc Trân

“Thu nhập của người dân Đồng bằng sông Cửu Long không ngừng tụt hậu so với cả nước”, GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và công nghệ), nhận xét.

Không chỉ GRDP bình quân đầu người mà xét đến tổng vốn đầu tư, miền Tây cũng ở trong tình trạng tụt hậu. Ông Trân dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, cho biết, khu vực đồng bằng rộng lớn và nhiều tiềm năng này chỉ nhận được gần 7,6% lượng vốn ODA trong giai đoạn từ 1993 - 2020.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào miền Tây cũng rất thấp, chiếm khoảng 5,5% tổng số dự án và 6,35% tổng số vốn FDI đăng ký.

GRDP bình quân và thu hút vốn đầu tư thấp có liên quan trực tiếp đến chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông tại miền Tây. Tính đến hết năm 2020, tổng chiều dài cao tốc tại miền Tây chỉ đạt khoảng 100 km, thấp hơn một nửa so với chiều dài cao tốc tại riêng tỉnh Quảng Ninh.

Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long được Chính phủ dồn nguồn lực đầu tư, với mục tiêu 600 km đường cao tốc đưa vào sử dụng vào năm 2026 và 1.200 km vào năm 2030.

Tuy nhiên, tính đến hiện tại, theo nhận xét của TS. Trần Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường Bách khoa, Trường Đại học Cần Thơ, tính kết nối của hệ thống giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long chưa tốt. Bên cạnh đường cao tốc thì hạ tầng giao thông đường thủy, dù là ưu thế nhưng cũng đang là điểm nghẽn lớn của vùng.

Nói về giao thông đường thủy, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học kỹ thuật Nhà nước cho biết, quy hoạch thủy lợi đang “bóp nghẹt” đường thủy miền Tây, khiến tàu lớn khó hoặc không thể di chuyển, gây ra sự hỗn loạn tại một số điểm, chẳng hạn như vùng Tứ giác Long Xuyên đoạn qua vàm Rạch Sỏi.

Quy hoạch thủy lợi "bóp nghẹt" giao thông đường thủy ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Hoàng Anh

Đầu tư thấp, giao thông chưa thuận tiện khiến sinh kế tại Đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn. Hiện tượng người trẻ vùng Đồng bằng sông Cửu Long “đi Bình Dương”, di cư tới vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ ngày càng trầm trọng.

“Trung bình cứ 1 nghìn dân thì có 40 người di cư khỏi miền Tây, đa số là người trẻ, để lại miền Tây toàn người già, khiến tốc độ già hóa dân số của vùng nhanh nhất cả nước”, ông Trân cho biết.

Trước những thách thức đó, công tác liên kết vùng để tập trung nguồn lực tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn hạn chế. Các mối liên kết mờ nhạt khiến không những khó hợp tác mà còn dẫn đến một số quyết định mang tính cạnh tranh, cản trở lẫn nhau.

Sự tụt hậu của miền Tây đặt ra những nghịch lý lớn khi vùng đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế cả nước, với khoảng 50% sản lượng gạo, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% thủy sản nuôi trồng và gần 70% lượng trái cây xuất khẩu.

Đang chìm

11 nghìn năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long hình thành nhờ lượng trầm tích từ thượng nguồn đổ về bồi đắp, khiến “biển lùi”.

Tuy nhiên, những năm gần đây, biển không “lùi” nữa, thậm chí còn có dấu hiệu “tiến”. Biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, trong khi trầm tích đổ về ngày càng ít do ảnh hưởng của các thủy điện thượng nguồn.

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học kỹ thuật Nhà nước, tại Diễn đàn quốc tế phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long 2024

Đói trầm tích làm đảo ngược quá trình bồi đắp, gây ra hiện tượng sạt lở, xói mòn ở lòng sông, hai bên bờ sông cũng như ven biển. Nhiều hệ lụy đau lòng, nhiều thiệt hại đáng kể về người và của đã xảy ra do sự đảo ngược này, chưa kể đến tác động làm giảm đa dạng sinh học.

Trong bối cảnh đó, tốc độ “chìm” của miền Tây được đẩy nhanh do khai thác cát. Theo thống kê của Quỹ quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), mỗi năm chỉ có khoảng 2 - 4 triệu m3 cát đổ về miền Tây nhưng lượng khai thác gấp cả chục lần, lên đến 35 - 55 triệu m3 cát mỗi năm, dù cho chất lượng cát ngày càng kém đi.

“Với tốc độ khai thác như hiện nay, chỉ khoảng 10 năm nữa là khai thác hết cát”, ông Trân dự báo.

Hiện tượng giảm trầm tích và “biển tiến” do tác động của biến đổi khí hậu và sự can thiệp thô bạo của con người lên thiên nhiên tạo ra những thách thức mang tính cấu trúc, đe dọa đến sự tồn tại của Đồng bằng sông Cửu Long.

Thách thức này, theo ông Trân, nếu không được giải quyết thì không thể nói đến phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Giải pháp cho miền Tây

Tháo gỡ những khó khăn, thách thức miền Tây đang phải đối diện, theo Phó hiệu trưởng Trường Bách khoa, Trường Đại học Cần Thơ, giải pháp đầu tiên là tăng cường đầu tư vào hạ tầng giao thông, đẩy mạnh các dự án giao thông trọng điểm. Đây là nền tảng để phát triển ngành công nghiệp chế biến, nông nghiệp và du lịch cho vùng.

Song song với đó, cần chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và năng lượng tái tạo để phục vụ công nghệ hóa và phát triển nền kinh tế số.

Đẩy mạnh đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ là giải pháp giúp miền Tây hóa giải thách thức. Ảnh: Hoàng Anh

Giải pháp thứ hai, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp bền vững, tuần hoàn để ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm tác động tiêu cực tới môi trường.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, tăng cường nhân lực trình độ cao trong ngành công nghiệp chế biến, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, kỹ thuật công nghệ.

Mặt khác, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ bà con tiếp cận các công việc liên quan đến công nghiệp chế biến, xây dựng cơ sở hạ tầng và nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ cao, chế biến nông sản. Trong đó, đặc biệt tập trung hỗ trợ, khuyến khích đổi mới sáng tạo cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ năm, thúc đẩy các chính sách bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung vào sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, xử lý chất thải, bảo vệ nguồn nước ngọt.

Thứ sáu, hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp và bà con nông dân thông qua phát triển hạ tầng số và các chương trình hỗ trợ, đào tạo.

Thứ bảy, phát triển công nghiệp chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, qua đó giảm bớt xuất khẩu thô, nâng cao giá trị kinh tế.

Cuối cùng, thúc đẩy hợp tác đa phương, chú trọng hợp tác giữa trường đại học, doanh nghiệp, chính quyền với các tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật.

P.S. 

Nguồn: theleader.vn

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn