Sống với các cường quốc

Tạ Duy Anh 

Những ngày này, khi các cường quốc đang tìm cách chia chác lợi ích trên lưng các nước nhỏ, bỗng muốn nhớ lại vài luận điểm tôi trình bày trong chuyên luận Sống với Trung Quốc cách đây đúng 12 năm, trước khi Nga thôn tính Crimea một năm.

Chuyên luận đăng lần đầu, 3 kỳ, trên trang Bauxite Việt Nam, sau đó được hàng trăm trang blog và facebook cá nhân đăng lại. Mặc dù không cấp phép cho in thành sách, nhưng trên báo Vietnamnet, ngày 17 tháng 2 năm 2013 lại có bài giới thiệu có tên "Suy ngẫm nhân ngày này", xin trích:

"Nhân ngày hôm nay, mong độc giả tham khảo bài viết của nhà văn Tạ Duy Anh: "Sống với Trung Quốc", để cùng nhau chia sẻ một cách nhìn về bản chất của mối bang giao Việt - Trung, của những cuộc tranh chấp trên Biển Đông hôm nay cùng với các dự báo cho tương lai về những hành động của Trung Quốc".

Điều đáng ghi nhận nhất là chính quyền làm ngơ khi những người yêu sách in thủ công, không phép và bán công khai tại một vài nơi. Nó chỉ bị "truy quét" trước chuyến thăm của Tập Cận Bình!

Sách được dịch ra tiếng Đài Loan và tiếng Trung Quốc, xuất bản tại Đài Loan năm 2022.

***

"Một cuộc chiến tranh với Trung Quốc là điều đầu tiên chúng ta (và không chỉ chúng ta, ngay nước Mỹ, nước Nhật…) phải tìm mọi cách để tránh khi còn có thể. Bản thân Trung Quốc cũng phải làm điều tương tự với các láng giềng của họ, ngoại trừ họ ảo tưởng mù quáng về sức mạnh hoặc có kẻ nào đó trong giới chóp bu tại Bắc Kinh lại thích cá cược với lịch sử. Tìm mọi cách để tránh, khác với tránh nó bằng mọi giá".

***

"... Nga vẫn là đối tác đáng nhờ cậy nhất về mặt quân sự. Nhưng nước Nga không phải là Liên Xô trước đây có thể dễ dàng đưa ra những quyết định cảm tính dựa trên tinh thần quốc tế, tức là phải hy sinh một phần lợi ích dân tộc. Nước Nga ngày nay có đường lối đối ngoại thực dụng, dân tộc, lạnh lùng và khó đoán. Nga là quốc gia duy trì nhiều mối quan hệ phức tạp nhất trên thế giới và nó luôn được đảm bảo bằng công cụ dễ tráo trở là tiền. Nga không còn ở thế có thể can dự trực tiếp vào những vấn đề bên ngoài lãnh thổ của họ và các chính khách của Nga ngày nay sẽ không làm điều đó. Xét về mối quan hệ thương mại cũng như những lợi ích mà Nga đang có từ Trung Quốc, xét về vị trí địa lý và hàng loạt mối ràng buộc khác, có thể thấy Trung Quốc quan trọng với Nga gấp nhiều lần Việt Nam".

***

"Hoa Kỳ đang sắp phải trả giá cho hành động của mình. Trung Quốc đã đánh lừa cả thế giới bằng những thông điệp đơn giản nhưng dễ lọt tai. Giờ đây họ sắp sửa cười vào ngay chính những thông điệp đó. Đòi hỏi gần hết chủ quyền Biển Đông bằng cách vẽ trên giấy một đường ranh giới lãnh hải hình cái lưỡi bò, rồi bắt mọi người phải tôn trọng, không có chuyện tranh cãi, là hành động mang tính biểu tượng cao xác quyết quyền lực Trung Hoa, không chỉ nhằm vào lợi ích trực tiếp của Việt Nam và vài nước Đông nam Á, mà hướng sự thách thức vào Hoa Kỳ và những nước lớn khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, thậm chí cả Nga. Đây là thông điệp mang tinh thần Trung Hoa hiện đại: Tự tin đến ngạo mạn gửi tới toàn thế giới. Sắp tới, theo lý luận Trung Hoa, toàn bộ châu Phi là vùng họ cai quản, toàn bộ châu Á thuộc về sự bảo hộ của họ. Phía bên kia, nước Mỹ là kẻ thù cuối cùng… Với Trung Quốc mọi điều đều có thể".

***

"Nhưng trên phương diện lợi ích dân tộc, chúng ta chờ đợi điều gì từ sự quay lại châu Á của Hoa Kỳ? Có thể nói ngay: Không chỉ Việt Nam mà cả thế giới, dù ghét bỏ Hoa Kỳ đến đâu đi nữa, thì cũng sẽ không thể thiếu được họ, nếu muốn cuộc sinh tồn này còn có công lý tương đối. Bất chấp thực tế này là thiếu công bằng và thiển cận. Chỉ có điều, sẽ còn thiển cận hơn với bất cứ người Việt Nam nào coi Hoa Kỳ là chỗ dựa tuyệt đối tin cậy, phó thác tất cả cho họ. Bởi vì ngay cả khi, giả dụ những người cộng sản Việt Nam đã được giải phóng khỏi cái ách ý thức hệ, Việt Nam trở thành nước dân chủ cùng chung hệ giá trị với các nước văn minh, thì ý tưởng trở thành đồng minh của Hoa Kỳ, được nằm trong cái ô hạt nhân của họ, như nhiều người đề xuất, chỉ đáng coi là một mong ước, rất thức thời, thể hiện nỗi âu lo chân thành cho vận mệnh đất nước, nhưng không khả thi. Thậm chí trong một thời gian dài nữa đó vẫn còn là ý tưởng hão huyền".

***

"Nếu xảy ra đụng độ với Trung Quốc, Việt Nam sẽ phải chiến đấu một mình, đó là điều có thể thấy trước. Vì vậy trong vấn đề bảo vệ chủ quyền, Việt Nam chỉ có một chỗ dựa chắc chắn, đáng tin duy nhất là sức mạnh toàn dân tộc".

***

"Với niềm tin rằng, không kẻ thù nào chiến thắng nổi một dân tộc có tới ngót 100 triệu quyết tâm, có nhiều hơn thế lòng tự tôn và có vô số khả năng nằm ngoài mọi phán đoán của những kẻ ngoại bang, chúng tôi đưa ra kiến nghị khẩn thiết sau:

Thực hiện triệt để hoà giải dân tộc thể hiện bằng một đạo luật, trong đó nghiêm cấm tất cả những hành vi phân biệt đối xử giữa các công dân Việt Nam qua các thời kỳ và các thể chế khác nhau và hiện sinh sống trên những quốc gia khác nhau, nghiêm cấm trả thù, nghiêm cấm hành vi tuyên truyền, kích động thù hận, hành vi gợi lại nỗi đau của dân tộc. Ngày 30-4 hàng năm trở thành ngày Hoà Bình".

***

"Vấn đề làm thế nào để có thể tiếp tục sống yên ổn, nguyên vẹn bờ cõi bên cạnh Trung Quốc là chuyện của thời khắc này, nhưng cũng là chuyện của lâu dài, của muôn đời con cháu. Không thể đưa đẩy trốn tránh trách nhiệm nhưng cũng không được nóng vội, hấp tấp, thiếu chín chắn bởi dù thích hay không, người Việt không thể lựa chọn một láng giềng khác ở phía Bắc. Bất cứ sai lầm nào cũng đều không có cơ hội sửa chữa hoặc phải trả giá đắt kéo dài suốt nhiều đời. Đó là điều khác biệt cơ bản so với tất cả những vấn đề quốc gia đại sự còn lại. Nó luôn ở thì chưa hoàn thành, không có kết thúc. Những gì cha ông để lại cho chúng ta là một cương vực rõ ràng, một nền hoà bình tương đối và một kho báu kinh nghiệm để trường tồn. Chúng ta không thể để lại cho tương lai một di sản kém hơn.

Để làm được điều đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là đất nước phải hùng mạnh và trở thành một thành tố trong chuỗi giá trị toàn cầu, càng nhanh càng tốt. Vấn đề còn lại chỉ là người Việt sẽ đi đến mục tiêu đó bằng cách nào? Từ cuộc vươn dậy nhọc nhằn, đau thương của dân tộc và thực tế thế giới suốt một thế kỷ qua, đã đủ bằng chứng để rút ra kết luận: không có lựa chọn nào khác tốt hơn con đường xây dựng một xã hội dân chủ thực sự. Đó có thể là con đường chông gai nhất, đau đớn nhất, nhiều phân vân nhất của người Việt trong thế kỷ này. Nhưng chỉ riêng việc phải lựa chọn giữa sống hay là chết dưới tay Trung Quốc, chúng ta đã không còn thời gian để cân nhắc".

T.D.A.

Nguồn: FB Lao Ta

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn