Từ phúc quyết Hiến pháp đến trưng cầu chính sách

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức

image Những nhà nước đầu tiên hình thành trên thế giới, không hề có hiến pháp, vua chúa quyết định số phận cả nhà nước, lẫn thần dân họ, bằng chỉ dụ của mình; sau này Hiến pháp, luật pháp được áp dụng cũng phải đặt dưới vua chúa. Đó là nhà nước quân chủ, nhà nước của vua chúa, lập ra để cai quản thần dân phục vụ quyền uy của mình; ngược lại, nhà nước dân chủ ngày nay là nhà nước của dân, do dân thành lập để thực hiện những nhiệm vụ người dân đặt ra cho nó, chứ không phải để nó cai quản lại mình như nhà nước quân chủ. Hiến pháp trong thể chế dân chủ, chính nhằm cụ thể hoá những nhiệm vụ đó, đưa ra những thước đo, chuẩn mực, quy tắc ứng xử, giới hạn pháp lý nhà nước được phép làm, theo đúng những đòi hỏi của chủ nhân nó là người dân; Dân cần và phải biểu quyết Hiến pháp là lẽ đương nhiên, khoa học pháp lý gọi là phúc quyết hiến pháp, hay như Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nói, người dân thực hiện quyền lập hiến (xem TVN); lý giải tại sao, Điều 21 Hiến pháp 1946 Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà quy định: "Nhân dân có quyền phúc quyết Hiến pháp". Lấy dẫn chứng ở Đức cũng vậy, Điều 146 Hiến Pháp họ quy định, "phải được dân biểu quyết".

Nếu Hiến pháp không được phúc quyết, cũng có nghĩa nhà nứơc tự đặt ra những thước đo, chuẩn mực, giới hạn pháp lý cho chính mình, thì quốc gia đó không hẳn, nhưng cũng không loại trừ, rơi vào rủi ro chính trị trả giá, chuyển sang độc tài, toàn trị, mà Đức Quốc xã là một điển hình. Hiến pháp dân chủ Đức trước đó (Weimar Verfassung) có hiệu lực từ ngày 14.8.1919, đã bị vô hiệu hoá bằng một sắc lệnh Quốc trưởng, khi Đảng Đức quốc Xã (NSDAP) lên cầm quyền từ 1933 đến 1945, đặt Hitler Chủ tịch Đảng Quốc xã lên chức vụ Quốc trưởng (người Đức gọi là Führer), đứng đầu cả Chính phủ (hành pháp), lẫn Quốc hội do NSDAP nắm (lập pháp), và giữ luôn chức chánh án toà án tối cao (tư pháp), đưa cả nước theo đuổi chủ thuyết Hitler “dân tộc Đức thượng đẳng“, gây nên thảm hoạ nhân loại Thế chiến Hai.

 

Phúc quyết Hiến pháp ngày nay đã trở thành nguyên lý bất di bất dịch trong lý thuyết tổ chức nhà nước dân chủ, được đưa vào cả chương trình phổ thông, không còn là đối tượng để bàn cãi, nên, phải, cần hay không, mà tiến một bước cao hơn, bàn xem liệu các điều khoản bổ sung, sửa đổi Hiến pháp có cần và phải phúc quyết hay không? Xa hơn, các văn bản lập pháp có cần phúc quyết như Hiến pháp hay không?

Hiến pháp các nước dân chủ ngày này đều mang những quan điểm truyền thống trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791, cả hai đều dựa trên nền tảng dân chủ. Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp 1946 nước ta cũng không nằm ngoài nguyên lý trên. Phúc quyết chính là dân chủ trực tiếp, hình thức cao nhất của dân chủ; áp dụng đối với Hiến pháp là bước đi đầu tiên khẳng định nguyên lý đó. Ở Đức, bản thân Hiến pháp còn đi xa hơn, quy định những văn bản lập pháp phải phúc quyết, nghĩa là không chỉ quy định chuẩn mực thước đo giới hạn nhà nứơc được phép làm, mà còn quy định làm như thế nào phải được dân trực tiếp quyết định. Chẳng hạn điều 29 Hiến pháp họ quy định phân chia lại điạ giới các tiểu bang phải phúc quyết tại các tiểu bang đó. Chính vì vậy, chủ trương mở rộng thủ đô Berlin bằng cách sát nhập thêm tiểu bang Brandenburg, được chính phủ hai tiểu bang chuẩn bị mấy năm trời, sau khi 2 quốc hội thông qua, đưa ra phúc quyết năm 1996 đã bị thất bại, khi tiểu bang Berlin chỉ nhỉnh quá bán còn tiểu bang Brandenburg chỉ đạt 36,57% phiếu thuận. Khác với họ, Hiến pháp ta không có điều khoản đó, việc sát nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội được thực hiện tức thì sau khi Quốc hội thông qua nhanh chóng - chưa biết liệu cách làm của Đức hay Việt, đâu ưu việt hơn, (chưa phân tích trên cơ sở khái niệm dân chủ, phúc quyết, phụ thuộc vào quan niệm chính quyền từng nước), còn phải chờ đánh giá kết qủa thu được từ 2 biện pháp đó. Nhưng ở Đức, chính quyền hai tiểu bang phải chuyển sang hình thức liên hiệp, đến nay vẫn tiếp tục triển khai, như mạng giao thông, sân bay, truyền thông, bảo hiểm hưu trí, thống kê, giáo dục, viện nghiên cứu trường học, giám định, đều liên hiệp lại mang tên Berlin-Brandenburg, chờ thực tiễn kiểm chứng.

Ngay cả trường hợp Hiến pháp không quy định phúc quyết, Đức vẫn tự động áp dụng ngày một nhiều biện pháp trưng cầu dân ý đối với những văn bản luật vẫn tranh cãi giữa bên chấp thuận và bên phủ quyết trong quốc hội. Nghĩa là một khi luật pháp tuân thủ nguyên tắc quá bán, nhưng lòng người lại khác, không phải lúc nào cũng theo lý trí, bị phân chia, thì buộc không còn con đường nào khác, phải lấy dân với tư cách chủ nhân, làm thước đo, để họ phúc quyết. Nứơc Đức đã tiến lên thang bậc mới trên con đường dân chủ, chuyển từ dân chủ gián tiếp sang trực tiếp, bất cứ lúc nào có thể. Bởi không ai khẳng định được mình đại diện cho dân (dân chủ gián tiếp) bằng chính người dân, tự họ định đoạt lấy (dân chủ trực tiếp). Điều 82 a Luật DV còn đưa ra trình tự thủ tục tiến hành phúc quyết khi có đủ số lượng cử tri đòi hỏi theo luật định, cho dù luật đã được quốc hội thông qua. Gần đây nhất, đầu tháng 6, tiểu bang Bayern phúc quyết Dự luật cấm hút thuốc lá tại nhà hàng, công sở, nơi công cộng, giành được trên 61% phiếu thuận, chấm dứt êm thấm mọi tranh cãi giằng co trong quốc hội trước đó. Đến cuối tháng 7, thành phố tiểu bang Hamburg phúc quyết Dự luật cải cách giáo dục 6 năm tiểu học thay cho 4 năm trước đây, kết hợp áp dụng song hành 2 hệ thống trường học phổ thông chuyên 12 năm và không chuyên 13 năm, do Thủ hiến đề xướng. Kết qủa, số phiếu chống vượt qúa bán; ngay sau khi công bố, Thủ hiến tuyên bố thất vọng, xin từ chức. Còn cách đây hơn 20 năm, do sự cố nhà máy điện nguyên tử Tschernobyl, Liên Xô, bị nổ, gây lo ngại phản ứng trong dân chúng, buộc Ý đã phải tổ chức phúc quyết, dẫn đến đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động và đình chỉ nhà máy thứ 4 đang xây dang dở.

Phúc quyết là nói đến dân chủ trực tiếp đối với văn bản luật ở cấp ban hành, kể cả các quyết định cụ thể quan trọng, chẳng hạn, năm ngoái, tại thành phố Leipzig, Đức, chủ trương tư nhân hoá công ty điện lực thanh phố gây tranh cãi của Chủ tịch thành phố đã buộc Hội đồng thành phố phải đưa ra dân phúc quyết, cho kết qủa bác bỏ. Còn ở cấp thực thi, điạ phương, dân chủ trực tiếp ở Đức được thực hiện bằng Hội nghị Công dân, do luật từng tiểu bang quy định. Như ở tiểu bang Bayern, bất cứ công dân nào cũng đều có quyền tập hợp chữ ký, nếu đạt 2,5% - 5% đề nghị, thì chính quyền điạ phương cấp quận, huyện, phải tổ chức hội nghị công dân trong vòng 3 tháng, nghe và trả lời bằng văn bản từng vấn đề họ chất vấn; dân có thực quyền như vậy mới đích thực dân làm chủ, nhà nứơc phải có trách nhiệm như thế mới đích thị nhà nước của dân. Còn ở tiểu bang Rheinland-Pfalz quy định hội nghị công dân phải tổ chức hàng năm, dưới dạng chất vấn chủ tịch quận huyện, trên những vấn đề thuộc phạm vi họ quản lý, như quy hoạch đất đai, phát triển trường học, mạng lưới giao thông, thể thao, trại dưỡng lão... tương tự chất vấn quốc hội ở ta.

Dù tối cao đến đâu, Hiến pháp rốt cuộc cũng chỉ là công cụ phục vụ lợi ích con người; nó được điều chỉnh, bổ sung, thậm chí thay thế một khi lợi ích con người đặt ra điều đó, là lẽ tất yếu. CHLB Đức đã sửa đổi Hiến pháp từ khi thành lập nước năm 1949 đến nay tới gần 60 lần. Chưa nói các lần thay đổi hiến pháp khác nhau trong lịch sử quốc gia họ, gắn liền với thay đổi thể chế. Hiến pháp Việt Nam 1946 qua các lần sửa đổi vẫn chưa một lần được phúc quyết, nay nếu được thực hiện như Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An tâm huyết đề xuất, bằng thực tiễn cuộc đời hoạt động chính trị của mình đúc kết lại, cũng đã là quá muộn, nhưng không thể không làm, bởi ý nghĩa cao cả, phổ quát, vai trò chủ nhân đất nước của người dân có quyền phúc quyết, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố trong Hiến pháp, cần được tái khẳng định, và bởi đó còn là minh chứng sáng tỏ nhất Đảng ta tuyệt đối trung thành, lấy tư tưởng người làm nền tảng.

Thay đổi Hiến pháp là một sự kiện lịch sử chính trị trọng đại nhất, trong lịch sử thế giới thường gắn liền với cách mạng, hoặc cải cách, đổi mới; xuất hiện chỉ khi thời cơ tới, và cũng chỉ khi cùng lúc khơi dậy được vai trò làm chủ đất nước của hết thảy từng người dân, như Hiến pháp 1946 cùng sự ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một ví dụ; nếu không quốc gia đó sẽ phải trả giá bất ổn, bạo lực hoặc tụt hậu vì bỏ lỡ thời ccơ.

Cũng chính vì vai trò quyết định vận mệnh đất nước của từng người dân, nhất là khi cơ hội tới, mà ở Đức đòi hỏi mọi công dân nước ngoài muốn nhập quốc tịch phải có khả năng làm chủ đất nước họ, thông qua một khoá học và kiểm tra trắc nghiệm. Bởi nước Đức cần những công dân làm chủ đất nước họ chứ không phải làm thuê hay ỷ lại.

Nước ta Hiến pháp quy định Đảng nắm vai trò lãnh đạo, vì vậy Đại hội Đảng sắp tới là cơ hội 5 năm 1 lần để thực hiện đòi hỏi phúc quyết Hiến pháp đang đặt ra cấp thiết nhất cho đất nước, một phần sửa đổi đã được quốc hội sớm nhận thức và chuẩn bị, rất cần nhân dân cả nước, từng người một, phải phát huy vai trò chủ nhân không ai thay được của mình, đóng góp ý kiến phúc quyết, sửa đổi Hiến pháp, cho Đại hội, nếu không sẽ lại “bỏ lỡ mất cơ hội”, như Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An lo lắng, là điều có thể thấy trước kèm cả hậu hoạ lâu dài khôn lưởng của nó.

N. S. P.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn