Mỹ ủng hộ Philippines khi căng thẳng trên biển Đông bùng phát

Andrew Quinn, Reuters

WASHINGTON, ngày 23 tháng 6 (Reuters) - Hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton đã cam kết hỗ trợ Philippines trong lúc căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trong khu vực tranh chấp trên biển Đông.

Bà Clinton – phớt lờ một cảnh báo của Trung Quốc, kêu gọi Hoa Kỳ đứng ngoài tranh chấp – đã nói,  lợi ích quốc gia của Mỹ về tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế đang bị đe dọa.

"Chúng tôi lo ngại rằng các sự cố gần đây trên Biển Đông có thể phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tự kiềm chế, và chúng tôi sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến ​​chặt chẽ với tất cả các nước có liên quan, gồm Philippines là nước đồng minh đã ký hiệp ước với chúng tôi". Bà Clinton cho biết khi xuất hiện chung với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, ông Albert del Rosario.

"Hoa Kỳ không đứng về phía bên nào trong việc tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, nhưng chúng tôi phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để theo đuổi những tuyên bố của bất kỳ bên nào", bà nói.

Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán hơn trong việc thúc ép việc đòi chủ quyền của họ trên toàn bộ biển Đông, vùng biển được cho là có nhiều dầu mỏ và khí đốt, và Việt Nam đã cáo buộc tàu Trung Quốc quấy nhiễu tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam trong khu vực.

Các khu vực khác trên biển Đông do Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Năm ngoái, bà Clinton đã đưa ra lập trường của Mỹ trên biển Đông, tuyên bố rằng Hoa Kỳ có lợi ích riêng trong việc bảo đảm các xung đột được xử lý một cách hòa bình, điều được xem như là một thách thức ngoại giao đối với Bắc Kinh.

Tăng cường Hải quân

Trước đó, ông Del Rosario đã nói rằng, Philippines dựa vào sự giúp đỡ vững chắc của Mỹ để tăng cường khả năng hải quân của mình, và bà Clinton cho biết Washington sẽ đứng cạnh bên người bạn cũ của Mỹ.

"Tôi muốn nhấn mạnh cam kết của chúng tôi trong việc bảo vệ Philippines", bà Clinton nói rằng, Hoa Kỳ sẽ tôn trọng hiệp ước phòng thủ chung và liên minh chiến lược lâu dài với đất nước Đông Nam Á này.

Manila tìm cách làm rõ lập trường của Washington về việc Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào đối với tình trên biển Đông theo Hiệp ước Phòng Thủ chung mà hai nước đã ký năm 1951, cũng như giúp nâng cấp khả năng hải quân của Philippines.

Philippines, từ lâu đã nhận các thiết bị quân sự tân trang thặng dư của Mỹ, đang kiểm tra các thỏa thuận mới như các hợp đồng, sẽ cung cấp các thiết bị mới hơn được chuyển giao nhanh hơn, ông del Rosario nói trong một buổi có mặt trước đó tại Washington.

Bà Clinton nói: "Chúng tôi quyết tâm và cam kết hỗ trợ sự phòng thủ cho Philippines và điều đó có nghĩa là, cố gắng tìm cách cung cấp vật liệu và thiết bị với giá cả phải chăng".

Các tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh một lần nữa đã bùng lên sau khi người ta nhìn thấy các tàu hải quân và một tàu giám sát biển Trung Quốc đặt một cái phao và những cái trụ gần một bãi ngầm trên biển, trong khu vực mà Manila nói là nằm hẳn bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Ông Del Rosario nói, sự xâm nhập của Trung Quốc "rõ ràng ngày càng trở nên hung hãn và thường xuyên hơn".

"Dĩ nhiên, chúng tôi rất quan tâm về việc các sự kiện này có thể dẫn tới kết cục nào", ông nói.

Hôm thứ Tư, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Thôi Thiên Khải nói với các phóng viên nước ngoài ở Bắc Kinh rằng, Trung Quốc đã không gây khiêu khích trong bất kỳ sự cố nào trên biển Đông, và nói rằng, nếu Washington muốn đóng một vai trò nào đó, thì nên thúc giục các nước đòi chủ quyền khác kiềm chế.

"Tôi tin rằng các nước này đang thực sự đùa với lửa và tôi hy vọng ngọn lửa đó sẽ không lan tới Hoa Kỳ", ông Thôi Thiên Khải, người sẽ tham gia các cuộc hội đàm tại Hawaii vào cuối tuần này với ông Kurt Campbell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, đã nói.

Bài viết có sự đóng góp của Paul Eckert và Eric Walsh chỉnh sửa.

Ngọc Thu dịch từ: reuters.com

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn