Nợ công, nợ ngân hàng của Việt Nam được hé mở

Vũ Quang Việt

Số liệu về nợ công và nợ qua hệ thống tín dụng ngân hàng là những số liệu cần thiết để đánh giá nền kinh tế Việt Nam. Nhưng số liệu này cho đến gần đây chỉ được cung cấp nhỏ giọt và không đầy đủ cho các tổ chức quốc tế như IMF và ADB và có thể việc cung cấp cho Quốc hội cũng thế. Tuy nhiên mới đây Bộ Tài chính qua báo cáo của ông Vương Đình Huệ với Quốc hội đã công bố nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Chính phủ cũng công bố nợ công,  và lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên mạng của họ một vài số liệu về tín dụng ngân hàng. 

Những số liệu này chỉ có cho năm 2011 dù không đầy đủ và lại không cập nhật hàng quý theo truyền thống quốc tế nhưng cũng là dấu hiệu đáng mừng. Hình như Chính phủ muốn minh bạch hơn một chút. Chính sự thiếu minh bạch này đã làm cho các bàn thảo về chính sách thiếu cơ sở, thậm chí đưa đến những hành động sai lầm.

Bài viết ngắn này chỉ nhằm trình bày một số thông tin về nợ công, và nợ qua hệ thống tín dụng ngân hàng, dựa vào số liệu vừa mới được cơ quan có trách nhiệm của nhà nước cung cấp thay vì những số liệu mà người viết phải nhặt nhạnh khắp nơi để tổng kết lại một cách không chính thức.

Nợ công  

Nợ công theo định nghĩa của Việt Nam chỉ bao gồm nợ của Chính phủ (gồm cả chính quyền trung ương và địa phương) hoặc nợ được Chính phủ bảo lãnh.  Nợ bao gồm nợ vay ngân hàng và nợ qua phát hành công trái, cũng như chi phí phải trả mà chưa trả được.

Nợ công theo định  nghĩa quốc tế bao gồm nợ theo định nghĩa của Việt Nam và nợ của doanh nghiệp nhà nước.  Nợ theo định nghĩa quốc tế rõ ràng là phù hợp với tình hình Việt Nam. Chính vì nhà nước làm sở hữu chủ của DNNN do đó mà nhà nước không thể phủi tay để chủ nợ đòi bán tài sản thu nợ theo đúng luật phá sán, như ta đã thấy là  nợ của Vinashin đã được chính quyền dồn cho các DNNN khác phải trả.

Bảng 1. Nợ công của Việt Nam năm 2011

 

Tỷ đồng

Tỷ US

So với GDP

Nợ công theo định nghĩa Việt Nam

  1,391,478

66.8

55%

Nợ của chính phủ

  1,085,353

52.1

43%

Nợ chính phủ bảo lãnh

     292,210

14.0

12%

Nợ chính quyền địa phương

       13,915

0.7

1%

Nợ công theo định nghĩa quốc tế

2,683,878

128.9

106%

Nợ công theo định nghĩa Việt Nam

  1,391,478

66.8

55%

Nợ của DNNN (trong và ngoài nước)

  1,292,400

62.1

51%

Nguồn và chú thích: Vương Đình Huệ, Bộ Tài chính.  Trong nợ nước ngoài của DNN có thể có 1 phần do chính phủ bảo lãnh cho nên tổng nợ có tính trùng, phải trừ đi khỏi nợ DNNN, cao nhất là 14 tỷ.

Như vậy là tổng nợ công theo định nghĩa quốc tế vào cuối năm 2011 đã là 128.9 tỷ USD bằng 106% GDP (121.7 tỷ USD), cao hơn 90 tỷ USD mà trước đây tác giả ước tính ở mức tối thiểu.

Tổng số nợ của DNNN là 62.1 tỷ USD bằng 55% GDP.

Mức trần tỷ lệ nợ công trên GDP không quá 65% GDP vào năm 2015 mà Chính phủ đề nghị Quốc hội đã bị vượt qua từ lâu rồi. Không ý thức được điều này thì chính sách trong tương lai sẽ không thể phù hợp. 

Phân tích hệ quả của nợ công: áp lực trả nợ

Theo ông Huệ, hệ số nợ trên tính trên vốn tự có là 1,77.  Thông thường, người có 1 đồng vốn có thể dễ dàng đi vay thêm 1 đồng vốn nữa như vậy thì tỷ lệ trên là 1. Nếu tỷ lệ càng cao thì mức rủi ro trong sản xuất càng lớn vì áp lực phải trả lãi. Với hệ số nợ là 1,77, thì 64% là vốn vay. Chúng ta có thể dễ dàng làm mô hình về khả năng phá sản của công ty. Thí dụ nếu lãi suất trả nợ là 15% nhưng lợi nhuận chỉ là 10% trên vốn đầu tư thì lợi nhuận (tính theo doanh thu trừ chi phí phi tài chính) chỉ đủ trả lãi. Nếu lợi nhuận thấp hơn 10% thì công ty lỗ, mất khả năng trả nợ. Phải chăng đây là trường hợp của hầu hết DNNN và cả DNTN hiện nay? Theo ông Huệ, có đến 30 tập đoàn, tổng công ty hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Trong đó có 8 đơn vị có hệ số trên 10 lần, 10 doanh nghiệp từ 5 - 10 lần, 12 tập đoàn, tổng công ty từ 3 - 5 lần. Như vậy có lẽ 30 tập đoàn này đã mất khả năng trả nợ.  Nếu không giảm được lạm phát, qua đó giảm lãi suất thì doanh nghiệp nói chung khó có khả năng sống còn.

Bảng 2. Vốn tự có, nợ trong khu vực DNNN, 2011

 

Hệ số trên vốn tự có của DNNN

Tỷ lệ

Vốn tự có

1

36%

Vốn vay

1.77

64%

Tổng vốn

2.77

100%

Phân tích hệ quả của nợ công: áp lực ngân sách

Nếu 8.8% là nợ xấu thì tổng số nợ xấu trong nợ công sẽ là 11.3 tỷ USD. So với tổng ngân sách thu của nhà nước năm 2011 là 33.8 tỷ USD bằng 28% GDP thì con số nợ xấu trên rất lớn, vượt ngoài sức chịu đựng của ngân sách.  Trong việc giải quyết nợ công xấu, ai sẽ là người chịu thiệt? Không lẽ ngân sách chỉ dùng để trả nợ xấu? Hay in tiền tạo lạm phát?

Nợ nước ngoài

Hiện nay nợ nước ngoài vẫn chưa được Bộ Tài chính công bố cho năm 2011. Con số năm 2010 ở bảng 3 là từ Bộ Tài chính, nhưng con số năm 2011 là ước tính dùng tốc độ tăng của năm trước. Nợ nước ngoài chưa phải là điều đáng lo vì nó chỉ bằng 39.8% GDP. Tuy nhiên, nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp tăng mạnh những năm gần đây; điều này mới là đáng lo ngại vì thường chúng là nợ trung hạn chứ không phải nợ dài hạn của Chính phủ.

Bảng 3. Vốn tự có, nợ trong khu vực DNNN, 2011

 

Năm 2010

Ước tính 2011 theo mức tăng 15% của năm trước

Tổng nợ nước ngoài

42.2

48.5

Nợ công theo định nghĩa VN

32.2

37.0

Nợ chính phủ

27.6

31.7

Nợ chính phủ bảo lãnh

4.6

5.3

Nợ doanh nghiệp

10

11.5

Tổng nợ công

 

128.9

Nợ ngân hàng nội địa

So với các nước trong khu vực, tín dụng từ nguồn hệ thống tín dụng nội địa ở Việt Nam là rất cao; tỷ lệ tín dụng lên tới 121% GDP, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam còn ở mức thấp (bảng 4). Dựa vào tín dụng thay vì vốn tự có để phát triển kinh tế dễ đẩy nền kinh tế đến chỗ bong bóng. Tỷ lệ tín dụng cao so với GDP và cụ thể hóa trong Bảng 2 ở tỷ lệ vốn vay trên vốn tự có đã nói rõ lên điều này.

Bảng 4. Tỷ lệ tổng dư nợ hệ thống tín dụng trên GDP

 

Tổng dư nợ nội địa trên GDP

Trung Quốc

145.9

Ấn độ

75.1

Indonesia

38.5

Mã Lai

132.1

Philippines

51.8

Singapore

93.6

Thái Lan

150.0

Việt Nam

120.9

Nguồn: Asian Development Bank (ADB), Key Indicators for Asia and the Pacific 2012

Tổng nợ của DNNN được tính là 62.1 tỷ USD (Bảng 1) trong khi theo báo cáo của Việt Nam với Ngân hàng châu Á (ADB) và IMF, DNNN chỉ vay từ hệ thống tín dụng là 24.5 tỷ USD (490.000 tỷ đồng ở bảng 5). Vậy thì 37.6 tỷ phải là từ trái phiếu hoặc nợ nước ngoài.  Theo Bản tin số 7 của Bộ Tài chính, nợ nước ngoài của DNNN cao nhất là 11.5 tỷ USD (vì con số này gồm cả nợ của doanh nghiệp tư nhân). Vậy thì  26.5 tỷ USD còn lại trong nợ của DNNN ở đâu mà ra. Có lẽ NHNN đã tính sai nợ tín dụng DNNN vào nợ tư nhân không chừng?

Bảng 5. Dư nợ của hệ thống ngân hàng, 2011

 

Tỷ đồng

Tỷ US

Tỷ lệ

Tổng tín dụng của hệ thống ngân hàng

     3,063,000

147.1

100%

Chính phủ vay

        232,000

11.1

8%

DNNN vay

        490,000

23.5

16%

DN tư nhân& hộ gia đình vay

     2,341,000

112.4

76%

Nguồn: ADB Asian Development Bank (ADB), Key Indicators for Asia and the Pacific 2012

Phân phối tín dụng trong hệ thống ngân hàng

Có thể dựa vào số liệu từ NHNN và Tổng cục Thống kê để thấy rằng, phân phối tín dụng trong hệ thống không phản ánh hoạt động chung của nền kinh tế.  Nông nghiệp, thủy sản, lâm sản chỉ được hưởng tỷ lệ tín dụng bằng  gần ½ tỷ lệ đóng góp vào nền kinh tế. Ngược lại xây dựng được gần gấp đôi. Nhưng hầu hết tín dụng (67%) là chui vào khu vực thương mại và dịch vụ, gấp gần gấp hai lần so với mức đóng góp của chúng vào nền kinh tế.  Hình như đây là lần đầu tiên NHNN công bố số liệu như thế này. Thật ra chúng cần được công bố thường xuyên vì vấn đề được đặt ra là hệ thống ngân hàng phục vụ ai trong nền kinh tế.

Bảng 6. Phân phối dư nợ tín tụng trong nền kinh tế, tháng 7 năm 2012

 

Tỷ đồng

Tỷ lệ

Tỷ lệ hoạt động kinh tế trên GDP

Tổng  tiền gửi

2,693,667

   

Dư nợ trên tổng tiền gửi

 

81%

 

Dư nợ cho hoạt động kinh tế

      2,176,073

100%

100%

Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản

         257,829

12%

21%

Công nghiệp, xây dựng

      1,160,634

53%

42%

Công nghiệp

         894,013

41%

35%

Xây dựng

         266,621

12%

7%

Thương mại, vận tải, viễn thông

         757,610

35%

19%

Thương mại

         610,184

28%

14%

Vận tải, viễn thông

         147,426

7%

4%

Dịch vụ khác

         703,989

32%

19%

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

Để kết luận, có thể tóm tắt vài điều nhận xét sau:

a)     Kinh tế Việt Nam phát triển bong bóng vì chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng, bằng cách bơm tiền quá lố. Điều này đưa đến lạm phát và  ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp khi bắt buộc phải thực hiện chính sách chống lạm phát. 

b)     Tín dụng của hệ thống ngân hàng được phân phối chủ yếu (67%) vào những hoạt động dịch vụ không rõ ràng. Những hoạt động này có thể là những hoạt động đầy rủi ro như chứng khoán, mua địa ốc (khác hoàn toàn với hoạt động xây dựng tạo ra việc làm), lập ngân hàng, v.v. Có thể nói dường như hệ thống ngân hàng Việt Nam hoạt động không nhằm phục vụ sản xuất.

c)     Để có thể cải cách và bốc thuốc đúng lúc, các cơ quan quản lý nhà nước cần minh bạch số liệu thường xuyên, không thể để tình trạng như hiện nay như đã vào cuối năm 2012 mà chỉ mới biết số liệu năm 2011, thậm chí năm 2010. Số liệu tài chính tín dụng cần được xuất bản hàng quý cho mọi người sử dụng.

17-11-12

V.Q.V.

Nguồn: diendan.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn