Việt Nam và Philippines phản đối Trung Quốc in yêu sách chủ quyền biển đảo trên hộ chiếu mới

Trọng Nghĩa

Mới hôm qua đây thôi, TS Nguyễn Nhã vừa phát biểu với BBC là các học giả Trung quốc tỏ ra “mềm mỏng” hơn trong chuyện tranh chấp về đường lưỡi bò tại Hội nghị Biển Đông mới tổ chức ở Sài Gòn: "Các học giả Trung Quốc có nói rằng là đối với các nước ASEAN, Trung Quốc càng ngày càng phát triển hợp tác kinh tế.

"Họ cũng nói luôn là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc không phải là Biển Đông.

"Theo tôi thì thái độ của các học giả Trung Quốc kỳ này không có như trước.

"Họ đã rất là mềm mỏng.

"Cái phát biểu của tôi lúc kết luận tôi có nói rằng tôi rất quan tâm tới suy nghĩ của ông Tô Hạo.

"Ông Tô Hạo có nói rằng cần có những suy nghĩ khoa học và khách quan để tạo ra quyết sách của nhà nước thì tôi thấy cái đó là cái rất hay" (bbc.co.uk)

Đã thấy cái mềm mỏng của cộng sản mà lại là cộng sản Tàu là kinh khủng như thế nào chưa? Mềm mỏng rất mực để rồi cho các nước láng giềng ăn ngay quả đắng khi phải xử trí những tấm hộ chiếu của bọn khách Tàu đi qua hải quan nước mình. Chúng sẽ chìa hộ chiếu ra như một thách thức đối với nước chủ nhà: Hãy thừa nhận đi, biển đảo của chúng mày là của chúng tao, chúng mày chỉ là một lũ khấu đầu, ngu xuẩn, hèn hạ. Nhưng với các nước như Philipinnes thì không ngại. Họ sẽ có biện pháp đối phó thẳng thừng, ta tin là vậy. Chỉ có anh Việt Nam XHCN đội trên đầu “4 tốt” với “16 chữ vàng” mới khốn khổ. Không biết ông Tổng đã từng rất nhanh nhẩu cho quân gia sang... diện kiến Tập Cận Bình ngay khi đại hội của đế quốc Trung Cộng vừa kết thúc có nhanh nhẩu nghĩ ra được kế gì không. Kế thì không thiếu, nhưng với những kẻ đã trót khấu đầu thật thì cái kế vạn toàn để nội bộ làm sao ăn nói cho xuôi với dân và bên kia Thiên triều không cự nự, mới là điều nan giải.

Bauxite Việt Nam

clip_image001

Hộ chiếu cũ (trái) và hộ chiếu mới của Trung Quốc (bên phải).

DR

Bắc Kinh lại vừa áp dụng một thủ đoạn mới nhằm áp đặt đòi hỏi chủ quyền trên biển của họ: In bản đồ hình lưỡi bò – biểu thị yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng biển đảo chung quanh – trên hộ chiếu mới bắt đầu được lưu hành. Hành động này vào hôm nay, 22/11/2012 đã bị Việt Nam và Philippines đồng loạt phản đối.

Phát biểu với báo chí tại Hà Nội, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khẳng định rằng việc Trung Quốc in tấm bản đồ 9 đường gián đoạn trong hộ chiếu mới cấp cho công dân của họ là một hành động “vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông”.

Ông Lương Thanh Nghị còn cho biết thêm là đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội để trao công hàm phản đối và yêu cầu Bắc Kinh “hủy bỏ những nội dung sai trái in trên hộ chiếu phổ thông điện tử nêu trên”.

Đây không phải là lần đầu tiên mà Việt Nam lên tiếng về mưu toan áp đặt chủ quyền này của Trung Quốc. Theo báo Anh Financial Times vào hôm qua, 21/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã chính thức lưu ý Trung Quốc về hộ chiếu mới này, hai bên đang thảo luận, nhưng cho đến nay vẫn không có kết quả.

Cùng lúc với phía Việt Nam, chính quyền Philippines cũng lên tiếng phản đối hành vi của Trung Quốc, với những lời lẽ dữ dội hơn.

Theo hãng tin Anh Reuters, đích thân Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosarion đã lên tiếng, cho biết là: “Philippines cực lực phản đối việc tấm bản đồ 9 đường gián đoạn được lồng vào hộ chiếu (của Trung Quốc) vì hình này đã bao trùm những vùng rõ ràng là lãnh thổ và vùng biển của Philippines”.

Xin nhắc lại là Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, và thể hiện yêu sách này trên một tấm bản đồ gồm 9 đường gián đoạn – gọi nôm na là “đường lưỡi bò” – được Bắc Kinh chính thức công bố vào tháng 5 năm 2009. Đường ranh này bao trùm hơn 80% diện tích Biển Đông, gộp cả các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và bãi Macclefield, đồng thời ăn sâu vào vùng biển của các láng giềng từ Việt Nam, Philippines, cho đến Brunei, Malaysia, thậm chí lấn luôn một phần nhỏ của vùng Natuna của Indonesia.

Yêu sách của Bắc Kinh đều đã bị các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei – vốn cũng đòi hỏi chủ quyền trong vùng Biển Đông – phản đối. Giới nghiên cứu khoa học cũng đánh giá là tấm bản đồ hình lưỡi bò không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn làm ngơ và ngày càng có nhiều động thái nhằm áp đặt chủ quyền của họ.

T.N.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn