Cuối năm, thăm Lê Hiếu Đằng

Mai Thái Lĩnh

Trưa ngày thứ sáu 20–12–2013, tôi đến thăm anh Lê Hiếu Đằng tại Bệnh viện 115. Lúc này đã gần đến ngày Noël, khí hậu Sài Gòn mát mẻ hơn và đường phố cũng tấp nập hơn mọi khi. Cùng đi với tôi đến thăm anh Đằng là anh Hồ Hiếu – một thân hữu đã gắn bó với chúng tôi từ những ngày chưa có tên gọi “Nhóm Đà Lạt” hay “Nhóm Thân hữu Đà Lạt”.

clip_image002

Hình 1. Từ trái qua phải: Hồ Hiếu, Mai Thái Lĩnh, Lê Hiếu Đằng

Điều đáng mừng là tình trạng sức khỏe của anh Đằng đã có phần khá hơn trước – nhất là so với lúc anh trả lời phỏng vấn chương trình “Cà phê tối” của Truyền thông Chúa Cứu Thế Việt Nam (VRNs).[1] Anh đã có thể ngồi dậy trên ghế và trò chuyện với giọng nói rõ ràng, thái độ điềm tĩnh. Sự minh mẫn của anh cho thấy những gì anh đã phát biểu về việc “tự ý ra khỏi Đảng” là một hành động có suy nghĩ chín chắn chứ không phải là một hành động tự phát, nông nổi, bồng bột nhất thời. Chỉ riêng điều này cũng đủ để đập tan cái luận điệu hồ đồ về Lê Hiếu Đằng của một tác giả nào đó (?) lấy tên là “Hoàng Thu Vân” vừa xuất hiện trên tờ Hà Nội Mới: “Lúc ốm đau bệnh tật, nhất là tuổi đã cao, con người ta không sáng suốt trong suy nghĩ, trong phát ngôn âu cũng là lẽ thường”. [2]

Tôi nói là “hồ đồ”, vì anh Lê Hiếu Đằng tuy đã cao tuổi, nhưng tuổi của anh cũng không hề cao hơn tuổi của ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Và người ốm đau bệnh tật không nhất thiết là người kém sáng suốt hơn một người khỏe mạnh. Chỉ cần so sánh hai câu phát biểu sau đây: “Chủ nghĩa xã hội chỉ là ảo tưởng” (Lê Hiếu Đằng) và “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.” (Nguyễn Phú Trọng),[3] chúng ta cũng có thể đánh giá ai là người sáng suốt hơn ai?

Cuộc viếng thăm này càng thêm ý nghĩa vì người cùng tôi đến thăm anh Lê Hiếu Đằng là anh Hồ Hiếu. Anh Hồ Hiếu người gốc Huế, xuất thân từ một “gia đình cách mạng”: là con của một cán bộ tập kết – đảng viên cộng sản, anh còn có một người em trai cũng tham gia phong trào học sinh sinh viên từ thập niên 1960 và sau đó trở thành đảng viên. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng gian truân của mình, anh đã nhiều lần ở tù, trải qua nhiều trại giam, chỉ tính riêng hai lần bị giam tại Côn Đảo cũng ngót nghét 7 năm. Mãi đến tháng 4 năm 1975 anh mới thoát khỏi cảnh ngục tù. Điều mỉa mai là sau khi bước ra khỏi các“nhà tù nhỏ” của chế độ Việt Nam Cộng hòa, anh có được một thứ “tự do” nào đó nhưng nhân dân vẫn chưa có được tự do. Dòng máu đấu tranh vẫn còn chảy trong huyết quản, thấy bất công thì không thể lặng im, vào cuối thập niên 1980 anh tham gia Câu lạc bộ những người Kháng chiến cũ do ông Nguyễn Hộ chủ xướng. Khi Đảng Cộng sản quyết định “đập tan” tổ chức đấu tranh đòi dân chủ này, ông Nguyễn Hộ bị quản thúc tại gia cho đến khi chết, còn anh bị bắt giam không xét xử trong gần một năm. Sau khi ra khỏi “nhà tù nhỏ” (lần này là của chế độ cộng sản), anh bị sa thải khỏi cơ quan dân vận và bị khai trừ ra khỏi Đảng vào ngày 27–7–1992. Vào thời đó, “khai trừ đảng” là một hình thức trừng phạt nặng nề: chẳng những bị bao vậy, cô lập về mặt tinh thần mà còn bị phong tỏa về kinh tế. Không thể tìm được việc làm trong các cơ quan Nhà nước (kể cả các trường học), anh bằng lòng với nghề dạy kèm Pháp văn để kiếm sống từ đó đến nay.

Sở dĩ tôi phải nói dông dài là để độc giả (nhất là những người đang sống ở nước ngoài) có thể thông cảm với hoàn cảnh của các đảng viên cộng sản ly khai vì lý do chính trị. Bị Đảng khai trừ vì công khai bày tỏ quan điểm chính trị hoặc tự ý ra khỏi Đảng để bày tỏ chính kiến của mình – trong hoàn cảnh của một chế độ độc tài đảng trị, đều là những việc làm nguy hiểm, dẫn đến những hậu quả bất lợi chẳng những cho bản thân mà cho cả gia đình mình. Đó là cả một quyết định “đổi đời” có thể khiến cho bản thân và gia đình mình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, chẳng những mất đi đặc quyền đặc lợi mà còn có thể trở thành đối tượng theo dõi suốt đời của “bộ máy chuyên chính” kiểu Stalin hay Mao Trạch Đông.

Mặc dù chưa từng là đảng viên, tôi có nhiều mối quan hệ với các đảng viên cộng sản – kể cả những người vào Đảng từ thời kháng chiến chống Pháp cho đến những người vào Đảng trong những thập niên 1960-1970. Đặc biệt hơn, do hoàn cảnh lịch sử, tôi có cơ hội gần gũi với khá nhiều đảng viên ly khai (bị Đảng khai trừ hay tự ý ra khỏi Đảng vì bất đồng quan điểm). Chỉ tính riêng trong Nhóm Thân hữu Đà Lạt, ngay từ cuối thập niên 1980 đã có hai người bị Đảng khai trừ (nhà thơ Bùi Minh Quốc và nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự) và hai người tự ý rời bỏ Đảng (hai anh em Huỳnh Nhật Hải và Huỳnh Nhật Tấn) – tất cả đều vì lý do chính trị. Tôi cũng đã từng được tiếp xúc, quen biết các đảng viên lão thành về sau trở thành các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng như: Nguyễn Hộ, Trần Độ, Lê Hồng Hà,… Vì thế, tôi hoàn toàn thấu hiểu ý nghĩa hành động ly khai của anh Lê Hiếu Đằng – một hành động dũng cảm mà do thiếu thông tin hoặc do thành kiến, ngay cả những người yêu nước, yêu dân chủ cũng không thể thông cảm và đánh giá đúng mức.

Giữa những người như Hồ Hiếu (vì bất đồng quan điểm chính trị mà bị Đảng khai trừ) và những người như Lê Hiếu Đằng (tự ý ra khỏi Đảng để bày tỏ quan điểm chính trị bất đồng), có cả một khoảng cách về thời gian – khoảng hai thập niên. Giữa hai thời điểm đó, Đảng Cộng sản đã có nhiều chủ trương và đối sách khác nhau để dập tắt xu hướng “đổi mới chính trị” trong Đảng: từ chỗ “chống đa nguyên đa đảng”, Đảng đã chuyển sang khẩu hiệu “chống diễn biến hòa bình”, và gần đây là “chống tự diễn biến”, “chống tự chuyển hóa”. Nhưng rõ ràng là khi đưa chữ “tự” vào các cụm từ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Đảng Cộng sản đã mặc nhiên thừa nhận sự thành công của phương thức đấu tranh bất bạo động nhằm chuyển hóa, thay đổi chế độ chính trị một cách ôn hòa, tiệm tiến.[4] Cuối cùng thì những gì mà các nhà bất đồng chính kiến đã kiên trì vận động suốt hơn hai thập niên vừa qua đã bắt đầu có được những kết quả ban đầu: các giá trị dân chủ, tự do chẳng những đã nảy nở, đơm hoa kết trái trên đất nước Việt Nam mà còn thâm nhập vào bên trong Đảng, khiến cho các nhà lãnh đạo thủ cựu trong Đảng phải giật mình, hốt hoảng.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là quá trình diễn biến hòa bình ngày càng có tác dụng lớn lao đó không phải bắt nguồn từ “phương Tây”, từ “Hoa Kỳ”, từ các “thế lực thù địch”, v.v. và v.v. như giọng điệu tuyên truyền của các nhà lý luận, các nhà tuyên truyền của Đảng. Ngược lại, nguyên nhân thúc đẩy quá trình diễn biến đó chính là những yếu tố khách quan và chủ quan bên trong nước và tác động của các yếu tố đó vào trong lòng Đảng Cộng sản. Các nhà lãnh đạo Đảng càng có thái độ bảo thủ, phản tiến bộ, đi ngược lại “lòng dân” bao nhiêu thì quá trình diễn biến hòa bình càng phát triển mạnh mẽ bấy nhiêu.

clip_image004

Hình 2. Nâng ly chúc mừng Lê Hiếu Đằng nhân buổi họp mặt cuối năm 24–12–2013 của Nhóm THĐL

Trở về Đà Lạt trước Noël, tôi vừa kịp tham gia cuộc họp mặt cuối năm dương lịch của Nhóm Thân hữu Đà Lạt – tổ chức vào ngày 24-12-2013. Có mặt khá đông đủ, chỉ thiếu vài anh như Bảo Cự, Diệp Đình Huyên,… Tôi tường thuật lại cuộc viếng thăm anh Lê Hiếu Đằng, nhấn mạnh hai ý quan trọng mà anh Đằng muốn gửi gắm đến các bạn ở Đà Lạt. Thứ nhất: anh Đằng cho biết đã có dự định lên Đà Lạt một chuyến để gặp gỡ, trao đổi chuyện trò với các bạn Đà Lạt, bất ngờ lại lâm trọng bệnh, phải vào bệnh viện… Và thứ hai là ý tưởng mà anh và các bạn ở Sài Gòn đang ấp ủ; đó là làm thế nào để có được một “Ngày báo chí Việt Nam” – ngày hội của tất cả những người làm báo nước ta. Nói “tất cả”, có nghĩa là bao gồm mọi nhà báo thuộc nhiều xu hướng khác nhau – kể cả tả lẫn hữu, chứ không phải chỉ riêng của phe này, phái nọ. Và tất nhiên, “Ngày báo chí Việt Nam” đó không thể là “Ngày báo chí cách mạng” – một sản phẩm thuần túy mang tính phe phái do Đảng Cộng sản nghĩ ra.

Lại thêm một mùa Giáng sinh, chuẩn bị đón mừng năm mới 2014 sắp đến. Chúng tôi cùng nâng ly rượu chúc mừng nhau, chúc mừng bạn bè thân hữu trong và ngoài nước. Và tất nhiên, quan trọng hơn cả là lời chúc mừng gửi đến anh Lê Hiếu Đằng: Chúc mừng anh vừa vượt qua cơn nguy kịch “thập tử nhất sinh” do bệnh tật! Chúc mừng anh đã vượt qua cơn “sinh tử” về sinh mệnh chính trị, vượt qua cơn dằn vặt về nhận thức để đi đến quyết định từ bỏ Đảng Cộng sản, trở về với Nhân dân!

Đà Lạt, ngày 25-12-2013

M. T. L.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

[1]www.ducme.tv – Cà Phê Tối: Ông Lê Hiếu Đằng: Chủ nghĩa Xã hội chỉ là ảo tưởng – 05.12.2013:

http://boxitvn.blogspot.com/2013/12/ong–le–hieu–ang–chu–nghia–xa–hoi–chi–la.html

[2] Hiện tượng Lê Hiếu Đằng và quy luật đào thải, Hà Nội mới Thứ Hai 23/12/2013:

http://hanoimoi.com.vn/Tin–tuc/Suy–ngam/654568/hien–tuong–le–hieu–dang–va–quy–luat–dao–thai

[3]Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng:“Dự thảo chưa vang vọng như lời hiệu triệu”, Tuổi Trẻ 23/10/2013:

http://tuoitre.vn/chinh–tri–xa–hoi/576098/du–thao–chua–vang–vong–nhu–loi–hieu–trieu.html

[4] Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay; Tạp chí Cộng sản 22/3/2013:

http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Thong–tin–ly–luan/2013/20698/Phong–chong–tu–dien–bien–tu–chuyen–hoa–trong–can–bo–dang.aspx

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn