“Phía sau” việc tham vấn thủy điện Don Sahong

Tô Văn Trường

Sông Mekong là nguồn nước cho sự sống của hàng chục triệu người dân trong lưu vực, có đa dạng sinh học vào loại thứ hai trên thế giới, hiện đã có hơn 700 loại cá đã được định danh, trong đó có nhiều loại cá quý hiếm thuộc loại da trơn.

Trong kế hoạch xây dựng 12 đập thủy điện ở hạ lưu vực sông Mekong thì 10 đập chắn ngang toàn bộ dòng sông, trừ Don Sahong xây dựng trên dòng nhánh chính và Thako là một dự án chuyển dòng.

Tháng 9 năm 2013, Lào tuyên bố sẽ xây đập thủy điện Don Sahong vì trên dòng nhánh sông Mekong nên chỉ thông báo cho Ủy hội sông Mekong (MRC) mà không cần tham vấn trước. Hai nước Campuchia và Việt Nam, cùng nhiều hiệp hội, tổ chức phi chính phủ của Thái Lan, và nhiều nhà khoa học trên thế giới đã phản đối vì tác động lớn đến môi trường, đặc biệt ở các nước hạ lưu.

Theo Hiệp định Mekong 1995, thủ tục PNPCA có ba giai đoạn, thông báo trước, tham vấn trước và thỏa hiệp trước khi thực hiện các dự án dòng chính vào mùa mưa và bất cứ ở đâu vào mùa khô. Trong cuộc họp vào ngày 26 tháng 6 năm 2014 vừa qua, tại Bangkok của Ủy hội sông Mêkông, đại diện phía Lào đã tuyên bố thực hiện thủ tục tham vấn ý kiến các nước trong MRC đối với dự án đập thủy điện Don Sahong mà họ muốn xây dựng trên sông Mekong.

Đập thủy điện Don Sahong được thiết kế loại bê tông đầm lăn, cao 10,6 m, dài 720 m, cột nước 17 m, lưu lượng thiết kế 2.400 m3/s, công suất thiết kế 260 MW, công suất hàng năm 2.375 MW dự kiến bán điện chủ yếu cho Thái Lan. Don Sahong lợi dụng thế năng cột nước 17 m của thác nước và đưa một phần đáng kể của dòng chảy vào hồ chứa nhỏ hình thành trên dòng chính. Đập có diện tích hồ chứa 290 ha, sức chứa 115 triệu m3.

Tuyên bố của Lào thực hiện thủ tục tham vấn về Don Sahong có thể hiểu đây là thắng lợi bước đầu của áp lực liên tục của các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ (NGO), trước yêu cầu của các nước viện trợ đối tác, và phản ứng của Chính phủ các nước liên quan, Lào đã nhượng bộ và miễn cưỡng đồng ý chấp nhận tham vấn với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, giới thạo tin cho rằng Lào chỉ tuyên bố hoãn 6 tháng, là động thái “câu giờ” vì các lý do: Thứ nhất thủy điện Xayabury công trình đầu tiên trên dòng chính ở Hạ lưu vực Mekong dù bị phản đối quyết liệt những Lào vẫn tiến hành xây dựng. Thứ hai đang trong thời điểm mùa mưa, Lào có muốn cũng không thể thi công ngoài hiện trường. Thứ ba là Don Sahong là công trình trên dòng nhánh, Lào sẽ dễ vin vào lý do trong Hiệp định Mekong (MRC 1995) chỉ cần thông báo, không cần thoản thuận trước, và các nước không có quyền phủ quyết. Thứ tư là thái độ của ông Hans Guttman, CEO của MRC theo Bangkok Post không khuyến cáo Lào tạm hoãn hay dừng dự án Don Sahong trong giai đoạn này.

clip_image001

Cây cấu nối đất liền với đảo Don Sadam đang được xây dựng chứng minh các bước chuẩn bị cho việc xây đập đang được rốt ráo chuẩn bị

Lào rất sốt sắng với việc xây dựng 12 đập thủy điện trên sông Mekong vì mang lại những lợi ích về doanh thu/đầu tư và nguồn điện đáng kể, theo ước tính họ có thể nhận được hơn 70% tổng lợi ích liên quan đến hệ thống dự án nói trên.

Theo tài liệu đánh giá môi trường chiến lược (SEA) của thủy điện dòng chính Mekong do ICEM (Trung tâm quốc tế quản lý môi trường) thực hiện tháng 10 năm 2010 cho biết nếu xây dựng 12 đập thủy điện ngoài nguồn lợi lớn về điện và một phần cải thiện giao thông thủy cho những tàu lớn đi lại ở phía thượng lưu, thì tác động xấu đến môi trường kinh tế xã hội làm tổn thất về thủy sản ở hạ lưu vực Mekong khoảng 476 triệu đô la Mỹ/năm (chưa tính đến tác động đến thủy sản ở đồng bằng và ven biển), 54% đất trồng trọt ven sông Mekong bị mất, phá vỡ sự cân bằng động lực hiện tại của dòng sông, lượng phù sa bị chặn lại khoảng 75%, giảm 12-27% năng suất sinh học sơ cấp của các hệ sinh thái thủy sinh, lượng protein bị rủi ro mất hàng năm khoảng 110% của tổng sản lượng gia súc hàng năm hiện tại của Campuchia và Lào cộng lại, mất tài nguyên du lịch có giá trị, mất đa dạng sinh học, v.v.

Cơ chế hợp tác trong MRC 1995 còn nhiều hạn chế vì tính ràng buộc pháp lý chưa được chặt chẽ như thỏa hiệp Ủy ban sông Mekong (thời chế độ Việt Nam cộng hòa) nhưng cũng đã nói rõ không ai được đơn phương tiến hành dự án bất chấp quyền lợi các nước láng giềng. Việt Nam và Campuchia ở hạ lưu cần đấu tranh mạnh mẽ, tiếp tục thảo luận để trong tương lai có cơ chế hợp tác chặt chẽ hơn. Thử hỏi nếu cả ba nước Thái Lan, Campuchia và Việt Nam nếu cùng đồng lòng không sử dụng nguồn điện của 12 công trình trên dòng chính hạ lưu sông Mekong thì còn ai dám đầu tư xây dựng ở đây?

Quan điểm của nhiều nhà khoa học là hoãn tất cả quyết định đối với tất cả các đập trên dòng chính cho một thời gian, để đánh giá toàn diện, nghiên cứu bài bản và khoa học các giải pháp xây dựng những thiết kế khác để khai thác năng lượng dòng sông hài hòa lợi ích chung, phát triển bền vững cho cả lưu vực.

Đối với Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban sông Mekong của Việt Nam cần đẩy mạnh tiến độ nghiên cứu của dự án đánh giá tác động đến kinh tế xã hội và môi trường của hệ thống thủy điện sông Mekong đối với nước ta do chuyên gia Đan Mạch thực thi. Bộ Khoa học và Công nghệ đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước KC08.13/11-15 “Nghiên cứu đánh giá tác động của các bậc thang thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong đến dòng chảy, môi trường, kinh tế xã hội vùng đồng bằng sống Cửu Long và đề xuất giảm thiểu bất lợi”.

Hy vọng dự án, đề tài nghiên cứu nói trên, kết hợp với các nghiên cứu khác của các nhà khoa học ở trong và ngoài nước là cơ sở, luận cứ khoa học thuyết phục Lào việc tham vấn thủy điện Don Sahong không phải chỉ là giải pháp “câu giờ”!

T. V. T.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn