Không nên đặt tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông

Trần Thị Băng Thanh

Đối sách ngoại giao của nhà Mạc dâng đất, dâng sổ hộ tịch kể cả việc xin nội thuộc nhà Minh, chấp nhận trở thành những “ty” lệ thuộc tỉnh Quảng Tây thì đó là một sai lầm, không thể coi là có công với đất nước […] Giá như nhà Mạc và nhà Lê đã có thể vì đất nước, dân tộc mà xử sự như Trần Quốc Tuấn; giá như nước ta có cách nào đó để tuyển chọn người đứng đầu đất nước dân chủ, hợp lý, chính xác, ôn hòa sớm hơn! Bởi lẽ trong mỗi cuộc tranh giành, đất nước, dân tộc đều tổn thất rất nhiều nhân tài tướng giỏi. Cho nên tôi cho rằng ghi công những đóng góp của nhà Mạc là nên, không coi nhà Mạc là “ngụy triều” cũng phải, nhưng những sai lầm của nhà Mạc trong đối sách về ngoại giao cũng không thể bỏ qua. Bởi lẽ tôn vinh hay rút kinh nghiệm từ lịch sử chính là để giúp ích cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của chúng ta ngày nay” – Trần Thị Băng Thanh.
Suy ngẫm của PGS Trần Thị Băng Thanh về việc không  nên đặt tên đường cho Mạc Đăng Dung và Mạc Đăng Doanh là chí phải. Nhưng nếu dùng phép loại suy thì những ai từng nhúng tay ký kết Hội nghị Thành Đô, trong khi Hiệp ước Thành Đô chưa được giải mã và đang gây rất nhiều nghi vấn trong dân chúng bởi những thông tin nhỏ giọt của tờ Hoàn cầu thời báo của Đảng CS Trung Quốc, đã nên chọn những con đường to đùng ở nhiều thành phố để đặt tên cho các vị ấy hay chưa?
Về những ý kiến chí lý khác của bà, liên hệ đến tình hình trước mắt, chúng tôi e có nhiều nan giải. Để tuyển chọn được người cầm đầu đất nước một cách “dân chủ, hợp lý, chính xác, ôn hòa” trong cơ chế “chuyên chính vô sản” hôm nay là điều không bao giờ có.
Cũng vậy, chuyện mâu thuẫn phe phái đi đến phe này phái kia hàng phục thiên triều trong tình thế hôm nay cũng là tai nạn có thực đấy. Nhưng tai nạn còn khủng khiếp hơn nhiều là sự mê muội tôn sùng một thứ chủ nghĩa từng gây tội ác cho cả nhân loại gần suốt một thế kỷ. Đáng sợ hơn nữa là cái thứ chủ nghĩa đầy ảo tưởng ấy, trên từng bước tha hóa về nội dung lại chuyển hóa thành hình thức xiềng xích tư tưởng, gắn với quyền lợi vật chất thiết thân của cả một tầng lớp, không sao rứt được ra. Chính những kẻ ngồi trên bệ rồng của Đại Hán hiện đại vì biết tỏng điều đó nên mới lấy đó làm mồi nhử để buộc chư hầu phải đến ôm gối chúng, chứ chúng thì đã vứt bỏ từ lâu.
Bauxite Việt Nam





 
Di tích thành nhà Mạc để chống nhà Lê còn ở Lạng Sơn. Ảnh: Lương Anh
Trên báo Tuổi trẻ ngày thứ Ba 9/6/2015 có đăng bài “Giải mã” nhà Mạc quanh chuyện đặt tên đường và ý kiến vị Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Hà Nội muốn “lắng nghe ý kiến rộng rãi” của nhân dân. Nhân đây, tôi xin nêu vài ý kiến.
Thứ nhất, việc  ghi nhận đóng góp của nhà Mạc cho lịch sử dân tộc về kinh tế, văn hóa và không coi Mạc là “ngụy triều” (chỉ vì nhà Mạc đã giành ngôi vua từ nhà Lê) là vấn đề có lẽ không khó nhất trí. Tuy nhiên đối sách ngoại giao của nhà Mạc dâng đất, dâng sổ hộ tịch kể cả việc xin nội thuộc nhà Minh, chấp nhận trở thành những “ty” lệ thuộc tỉnh Quảng Tây thì đó là một sai lầm, không thể coi là có công với đất nước. Sự việc ấy do 2 vị Mạc Thái Tổ, Thái Tông [Mạc Đăng Dung (莫登庸 1483 – 1541) và Mạc Đăng Doanh (莫登瀛 1491 – 1540) – BVN] chủ trương, thực hiện, cho nên việc đặt tên đường cho hai vị cần phải tính đến.
Thứ hai là việc “giải mã” sự việc được gọi là “nghi án” này. Sự kiện lịch sử ấy đã được các bộ sử của ta và cả Minh sử ghi chép khá rõ ràng. Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã tham bác các sách, biện luận, dưới đây xin trích ra một số sự kiện chính từ ghi chép của bộ sử này như sau:
– Ngày 3 tháng 11 năm Canh Tí  (1540) “Bọn Mao Bá Ôn thiết lập mạc phủ và tướng đài ở Nam Quan…”; “Đến kỳ đã định, Đăng Dung… cùng cháu là Văn Minh và bè đảng là bọn Vũ Như Quế hơn 40 người do đường Nam Quan đi sang; ai nấy buộc dây vào cổ, đi chân không, gieo mình vào mạc phủ tướng Minh, khúm núm, phủ phục, khấu đầu lạy, dâng tờ biểu xin hàng, nộp trình sổ sách đất đai và nhân dân do mình cai quản (Việt sử thông giám cương mục, Chính biên XXVII, Bản dịch của Viện Sử học in năm 195; tr. 1337). (Mạc phủ, nơi Mạc Đăng Dung và hơn bốn mươi thuộc hạ đầu hàng, về sau được gọi là thành Thụ Hàng).
– “Đăng Dung lại xin hàng, dâng đất các động Ti Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù, An Lương thuộc châu Vĩnh An ở An Quảng để lệ vào Khâm Châu. Lại xin nhà Minh ban cho chính sóc và ấn chương đã làm từ trước để Đăng Dung coi giữ việc nước trong khi chờ đợi mệnh lệnh có thay đổi hoặc quyết định ra sao” (Sách đã dẫn; tr. 1338).
- Cương mục cũng ghi thêm: “Năm Mạc Minh Đức thứ 2 (1528), Sử cũ chép Mạc Đăng Dung sợ nhà Minh hỏi tội, bèn tính chuyện cắt đất đem dâng hai châu Quy, Thuận, vua Minh thu nhận. Từ đó Nam Bắc lại đi lại thông hiếu” (Sách đã dẫn; tr. 1338).
– Tháng 10 mùa đông, Mạc Phúc Hải, Quảng Hòa năm thứ 1 (1541) “Nhà Minh đổi nước An Nam làm An Nam đô thống sứ ty, trao cho Đăng Dung chức Đô thống sứ, đổi đặt toàn quốc làm mười ba tuyên phủ ty, cho lệ thuộc vào đất nhà Minh” (Sách đã dẫn; tr. 1340).
– “Nhà Minh bèn đổi nước An Nam làm Đô thống sứ ti, cho Đăng Dung làm Đô thống sứ, phẩm trật vào bậc tòng nhị (còn kém chánh nhị phẩm), ban cho ấn chương khác và cho đời đời được cha truyền con nối. Còn các nghi thức mà Đăng Dung tiếm dùng đều bắt tước bỏ hoặc cải chính lại. Trong mười ba lộ như Hải Dương, Sơn Nam vân vân đều đặt Tuyên phủ ty, mỗi ty đặt một Tuyên phủ đồng tri, một Tuyên phủ phó sự và một Tuyên phủ thiêm sự, dưới quyền cai quản của Đô thống sứ. Tất cả các ty trên đây đều cho lệ thuộc vào Quảng Tây phiên ty (Sách đã dẫn; tr. 1341).
Cũng theo Cương mục thì Mao Bá Ôn (nhà Minh) còn đem gấp tờ tấu lên vua Minh đề xuất việc hàng năm bắt nhà Mạc “phải lên Nam Quan lĩnh lịch được ban”, lễ cống năm trước còn thiếu, kiểm tra theo lệ ngạch, “bắt năm sau phải nộp bổ sung cho đầy đủ” (Sách đã dẫn; tr. 1340). Cương mục cũng ghi danh mục cống vật, Mạc Phúc Hải cống năm 1542 trích từ Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn.
Tôi thấy sự việc cũng khá rõ ràng, không có đủ chứng cớ để nghi ngờ các sử gia Lê, Nguyễn vì muốn tô vẽ cho triều đại mình mà nói oan cho Mạc Đăng Dung. Có chăng là những cách lý giải của người ngày nay. Tôi nghĩ nếu biện giải rằng: Mạc Đăng Dung ứng xử như thế chỉ để “xoa dịu” Mao Bá Ôn, để tránh một cuộc xâm lược mới… thì sự biện giải ấy không thể thuyết phục. Làm sao lại có thể ngây thơ tin rằng nhà Minh chỉ cần cái danh chiến thắng suông! Một trăm năm trước, đất nước này nhà Minh đã từng đã cai trị với một chính sách “bại nhân nghĩa nát cả càn khôn”, đã vơ vét đến “sạch không đầm núi”, đã bắt người lên rừng xuống biển tìm châu báu… và đã bị đuổi đi. Thôn tính nước này gộp vào lãnh thổ “Đại Hán” của họ là một tham vọng chưa bao giờ nguội, lẽ nào bây giờ có người tự nguyện dâng hiến chỉ để cầu một chức “đô thống” nhỏ nhoi, tiếc gì không cho để được nhận! Đã nhận rồi, chia ra để trị rồi, giao cho một tỉnh quản lĩnh rồi, lẽ nào chỉ là việc nói vu vơ? Mà thực chất họ đã tính đến cả rồi (Xem những điều tâu về cách chế tài của Mao Bá Ôn)…
Thêm nữa nói rằng đấy là những “đất khống” cũng không thuyết phục. Chẳng lẽ người Minh dễ lừa đến thế!
Chuyện lấn đất vùng biên của Việt Nam là chuyện xảy ra “thường ngày”, Việt Nam nhiều lần đã phải đòi, phải lấy lại, khi thì “hội khám”, khi thì gửi thư, hội nghị tranh biện (nổi tiếng như Hội nghị Vĩnh Bình, Thư đòi đất đời Lý), khi thì không chịu được sự cai trị của các quan chức Trung Quốc, trưởng các tộc nhóm đem dân chạy về lại Việt Nam… Cho nên những đất Trung Quốc chiếm được chưa phải là lãnh thổ của Trung Quốc, bây giờ Mạc Đăng Dung đem dâng chính là đã chính thức công nhận chủ quyền của họ. Trong ngoại giao đó là một việc thất thố, tổn hại đến lợi ích quốc gia.
Nói tóm lại dâng đất, dâng sổ đất đai và dân số, tự nguyện xin nội thuộc trở thành ty quận của họ, xóa bỏ cả một đất nước đã có truyền thống mấy nghìn năm văn hóa, tổ tiên đã đổ bao máu xương tâm trí để khai thác giữ gìn, thì đó là một sai lầm không thể bỏ qua.
Cho nên nếu cuộc đổi thay Mạc – Lê đem lại sự tiến bộ cho đất nước thì cuộc thay đổi lại Lê – Mạc lần này lại có thể đem đến một cơ may để nước ta hóa giải được sự cam kết rất bất lợi với nhà Minh, thoát được cái thân phận “các ty lệ thuộc” một tỉnh vùng biên Quảng Tây, giữ lại được thành quả của cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn, giữ lại được đất nước đến ngày nay. Đó là sự thật. Cho nên, trong lịch sử chưa thấy ai biện hộ cho việc làm này của nhà Mạc. Ngô Thì Nhậm trong dịp đi sứ nhà Thanh năm 1793, qua Thụ Hàng thành đã viết bài thơ ghi lại sự công phẫn trước việc làm của Mạc Đăng Dung:
Thụ Hàng thành
Lộ kinh Mạc phủ nhập Bằng Tường,
Cố Thụ Hàng thành thị cố cương.
Sơn tự Lạng Sơn, khê giảo thiểu,
Thạch xưng Hạ Thạch lý thiên trường.
Thủy xa chuyển trục lôi huyên ngạn,
Hỏa hiệu tiêu đài tuyết mãn đường.
Đô thống Hàng Thành thành thậm sự,
Linh nhân thiên tải mạ Nghi Dương.
(Đường đi qua phủ mạc vào Bằng Tường, Thành Thụ Hàng xưa là cương giới cũ của nước ta. Núi non giống như ở Lạng Sơn nhưng suối khe ít hơn. Đá thì gọi là Hạ thạch, riêng đường càng dài. Trục guồng nước chuyển, tiếng nước đổ như sấm huyên náo bên bờ, Trên đài pháo hiệu tàn bay như tuyết khắp nhà. Đô thống, Thành Hàng là cái trò gì vậy? Khiến người ta  nghìn năm còn chửi mắng kẻ Nghi Dương (Mạc Đăng Dung người Nghi Dương).
Vị túc nho Nguyễn Sĩ Lâm dịch thành thơ như sau:
Lối qua Mạc phủ tới Bằng Tường,
Thành Thụ Hàng xưa, dấu cố cương.
Núi tựa Lạng Sơn, dòng suối ít,
Mốc nêu Hạ Thạch, dặm đường trường.
Tuyết bay tàn pháo đồn canh khắp,
Sấm chuyển guồng xe, bến nước vang.
Đô thống xin hàng, trò khốn nạn,
Nghìn năm bán nước tiếng Nghi Dương
(Ngô Thì Nhậm toàn tập,Tập 3, NXB Khoa học xã hội, 2005).
Đương nhiên, trong chuyện cầu cứu nhà Minh này có trách nhiệm của cả nhà Mạc và nhà Lê. Hai bên tranh giành ngôi vị, tìm cách loại bỏ nhau khiến người ngoài có thể lợi dụng. Giá như nhà Mạc và nhà Lê đã có thể vì đất nước, dân tộc mà xử sự như Trần Quốc Tuấn; giá như nước ta có cách nào đó để tuyển chọn người đứng đầu đất nước dân chủ, hợp lý, chính xác, ôn hòa sớm hơn! Bởi lẽ trong mỗi cuộc tranh giành, đất nước, dân tộc đều tổn thất rất nhiều nhân tài tướng giỏi. Cho nên tôi cho rằng ghi công những đóng góp của nhà Mạc là nên, không coi nhà Mạc là “ngụy triều” cũng phải, nhưng những sai lầm của nhà Mạc trong đối sách về ngoại giao cũng không thể bỏ qua. Bởi lẽ tôn vinh hay rút kinh nghiệm từ lịch sử chính là để giúp ích cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của chúng ta ngày nay. Tôi tán thành những ý kiến trong Hội đồng Tư vấn cho rằng không nên lấy tên Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông để đặt tên đường ở Hà Nội, điều ấy chỉ làm tăng thêm sự hoài nghi của nhân dân về tính lệ thuộc.
T.T.B.T. 
Nguồn: http://www.tienphong.vn/van-nghe/khong-nen-dat-ten-duong-mac-thai-to-mac-thai-tong-871880.tpo

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn