Khía cạnh pháp lý của vụ án ‘Hội Anh em Dân chủ’



TS Luật Cù Huy Hà Vũ


Ngày 5/4/2018, trong phiên xử sơ thẩm Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức và Lê Thu Hà là thành viên Hội Anh em Dân chủ (gọi tắt HAEDC) về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo Khoản 1, Điều 79 của Bộ luật Hình sự năm 1999, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã kết án những người này từ 7 đến 15 năm tù giam.

Một số tổ chức và cá nhân mới đây đã ra Bản lên tiếng bênh vực các nhà hoạt động xã hội dân sự trong vụ án Hội anh em dân chủ (gọi tắt là Bản lên tiếng), trong đó có đoạn: “Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 ngày 21/12/1999, mà bản Cáo Trạng số 17/CTr-VKSTC ngày 31/12/2017 viện dẫn để truy tố các bị cáo ra trước tòa, đã bị thay thế bởi Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/06/2017). Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999 do đó đã không còn tồn tại và đã bị thay thế bởi Điều 109 của Bộ luật Hình sự 2015. Việc áp dụng hồi tố một điều luật cũ như vậy đã vi phạm nghiêm trọng Nguyên tắc Bất Hồi Tố của pháp luật hình sự trên toàn thế giới, bất kể Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/06/2017 sai trái của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam về việc thi hành Bộ Luật Hình Sự 2015 cho phép”.

Với tuyên bố trên, “Bản lên tiếng” đã phạm những sai lầm nghiêm trọng.
Trước hếtcác cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam không hề áp dụng “hồi tố” trong vụ án nói trên như “Bản lên tiếng” quy kết. Sai lầm này là do thiếu hiểu biết về Nguyên tắc bất hồi tố.

Nguyên tắc bất hồi tố xuất phát từ nguyên tắc Nullum crimen, nulla poena sine praevia lege poenali (tiếng Latinh, không có tội phạm, không có hình phạt nếu không được quy định trong luật hình sự trước đó), thịnh hành trong luật pháp châu Âu từ đầu thế kỷ 19. Nói cách khác, không được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hành vi mà tại thời điểm xảy ra không bị luật pháp quy định là tội phạm. Dựa trên nguyên tắc này, luật hình sự quốc tế cấm ban hành luật hồi tố (ex post facto lege).
Trên thực tế, pháp luật Việt Nam đã cụ thể hóa Nguyên tắc bất hồi tố.
Điều 79 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật) quy định: “Không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp sau đây: a) Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý; b) Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn”.

Khoản 1 Điều 7 Bộ luật hình sự 2015 (Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian) quy định: “Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện”.

Ngoài ra, Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 của Quốc hội Việt Nam về việc áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018; b) Các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích”.

Căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên, chỉ có thể quy kết các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam vi phạm Nguyên tắc bất hồi tố trong trường hợp các cơ quan này khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử những người nêu trên về hành vi “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự 2015 mà hành vi này không được Bộ luật hình sự năm 1999 qui định. Thế nhưng trường hợp này đã không xảy ra, không chỉ vì hành vi này đã được Bộ luật hình sự 1999 quy định tại Điều 79 mà còn vì hành vi này đã bị “phát hiện” trước ngày 01/01/2018 là thời điểm Bộ luật hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực, đồng nghĩa không thể áp dụng Điều 109 Bộ luật hình sự 2015 đối với họ.

Tuy nhiên, sai lầm nghiêm trọng nhất của “Bản lên tiếng” là ở chỗ, bằng việc quy kết các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam đã vi phạm Nguyên tắc bất hồi tố trong vụ án các thành viên HAEDC đã gián tiếp công nhận hành vi “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 79 Bộ luật hình sự 1999 và tại Điều 109 Bộ luật hình sự 2015 là tội phạm cho dù hành vi đó được thực hiện một cách hòa bình thông qua bày tỏ quan điểm phi bạo lực. Thực vậy, vi phạm Nguyên tắc bất hồi tố có nghĩa tội danh là đúng, chỉ việc “hồi tố” là sai. Tóm lại, theo lập luận “bất hồi tố” của “Bản lên tiếng”, việc Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức và Lê Thu Hà phạm tôi là không phải bàn cãi, vấn đề là các cơ quan tiến hành tố tụng phải khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử những người này theo Điều 109 Bộ luật hình sự 2015 chứ không theo Điều 79 Bộ luật hình sự 1999 vì điều luật sau này “đã không còn tồn tại”!!!

Vê phần mình, người viết bài này khẳng định những người nói trên không phải là tội phạm. Căn cứ Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên và chính Hiến pháp Việt Nam hiện hành – Hiến pháp 2013, việc công dân Việt Nam với tư cách cá nhân hoặc với tư cách thành viên tổ chức chủ trương đấu tranh chính trị một cách phi bạo lực là hoàn toàn hợp pháp và không thể bị coi là chống Nhà nước hay lật đổ chính quyền.

Thực vậy, Khoản 1 Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị quy định: “Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp”. Bên cạnh đó, Điều 25 HIến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Khoản 2 Điều 16 Hiến pháp này còn nhấn mạnh: “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị”.

Ngoài ra, ngay chính Hồ Chí Minh, người sáng lập chính thể Việt Nam hiện hành, đã khẳng định mạnh mẽ quyền thay đổi chính quyền của công dân với tuyên bố quyết liệt: “Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ” (HCM toàn tập, NXB Sự thật, tập 4, trang 283).

Do đó, để thượng tôn pháp luật, thể hiện là Nhà nước pháp quyền và “Nói đi đôi với Làm”, chính quyền Việt Nam nhất thiết phải hủy bỏ tất cả các điều luật chống lại các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội trong Bộ luật hình sự 1999 gồm Điều 79 – Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân Điều 88 – Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Điều 258 – Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân cũng như các điều luật phản nhân quyền tương ứng trong Bộ luật hình sự 2015 gồm Điều 109 – Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, Điều 117 – Tội làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và Điều 343 – Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Tóm lại, tất cả các công dân Việt Nam đã, đang bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử theo các điều luật phản nhân quyền nói trên, trong đó có Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Lê Thu Hà và bản thân người viết bài này, không phải là tội phạm và do đó phải được xóa án, phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện.

C.H.H.V
Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn