Kịch ở sân trường, bãi thả ngựa… làm ta rơi nước mắt

Hơn nửa triệu khán giả nhí của chương trình Tiếng nói trẻ thơ đã được xem kịch miễn phí trên sân khấu là sân trường, sân đình, phòng bệnh viện, bãi thả bò, ngựa…

Dự án sân khấu Tiếng nói trẻ thơ (Children’s voice) dành cho trẻ em nghèo, khuyết tật được Quỹ hợp tác và phát triển quốc tế Thụy Điển tài trợ, với sự tham gia của ba đơn vị Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội), Nhà hát Kịch TP.HCM, Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B TP.HCM, đã kết thúc 3 năm thực hiện.


Sân khấu là những chiếc bàn học ghép lại. Hơn nửa triệu khán giả thiếu nhi ở nhiều miền đất nước đã được xem kịch miễn phí. Ảnh: Hoàng Duẩn

Hơn nửa triệu trẻ em trên khắp mọi miền đất nước đã được xem kịch miễn phí từ chương trình. Người trong cuộc, đạo diễn Hoàng Duẩn (Nhà hát Kịch TP.HCM) ghi lại những câu chuyện xúc động từ chương trình, và những suy tư về sân khấu dành cho thiếu nhi.


Con sẽ về xin lỗi ba mẹ

Vở diễn Chuyện hai đứa trẻ kết thúc, cậu trai công tử giận ba mẹ bỏ nhà đi bụi trở về với gia đình, còn cậu bé bụi đời thứ thiệt vẫn ngồi trong đêm khuya khoắt chờ mẹ như đã chờ 14 năm qua. Sân trường tiểu học Minh Đạo, TP.HCM vang lên những tiếng thút thít. Khán giả nhí mắt đỏ hoe. Thầy cô cũng khóc. Quên cả nắng nóng.

Tôi hỏi rằng đã có bạn nào từng “mượn” tiền ba mẹ mà “quên” không xin phép như nhân vật trong kịch. Chẳng ai trả lời. Nhưng rồi có những cánh tay đưa lên. Thú nhận: “Con đã từng lấy tiền của ba mẹ để chơi games, ba mẹ chỉ la chung chung vì không biết ai lấy. Con sẽ về nói thật và xin lỗi, chắc ba mẹ sẽ không đánh đòn đâu”. Hứa hẹn: “Em sẽ không bao giờ lấy tiền của ba mẹ nữa”. Hối hận: “Em sợ mất ba”… Tan trường, tôi nhìn thấy một vài cô, cậu bé chạy ra ôm ba, mẹ đến đón và khóc, như thể sợ họ tan biến mất.


Khán giả nhí khóc ngon lành khi xem vở Chuyện hai đứa trẻ. Ảnh: Hoàng Duẩn

Một giáo viên trường tiểu học Kim Đồng tâm sự rằng rất bất ngờ khi thấy học sinh của mình… đi nhặt rác trên sân trường sau khi xem xong vở Chuyện của Tí về đề tài môi trường. Hiệu trưởng trường Nguyễn Du thừa nhận: “Có khi chúng tôi lên lớp dạy về một vấn đề nào đó hàng tháng trời, thậm chí cả năm trời, nhưng không tác dụng bằng một buổi biểu diễn!”.

Hiệu quả đã vượt qua mục tiêu nghe to tát ban đầu của chương trình rằng “nâng cao quyền hưởng thụ sân khấu cho trẻ em”. Có trường còn đề nghị trợ giúp kinh phí để thực hiện tiếp những buổi diễn tương tự.

Đề nghị dựng vở có… nhiều tiền và bánh mì

Trong những lần đi thực tế, chúng tôi gặp nhiều thiếu nhi ở các mái ấm, nhà mở. Những đứa trẻ xuất thân từ đường phố chịu nhiều thiệt thòi, rụt rè, đa nghi và bí ẩn này đã kích thích chúng tôi phải dựng vở về chúng. Chẳng hạn, một cậu bé rất ghét ngày 16/7 vì đó là ngày mà em bị cha dượng và mẹ bỏ ngoài đường…


Thưởng thức kịch trong bệnh viện với dịch truyền trên người. Có những em hôm nay còn ngồi xem kịch, hôm sau đã không còn nữa. Ảnh: Hoàng Duẩn

Đáng nhớ là những “đơn đặt hàng” của các em để chúng tôi dựng kịch. Có cô bé đặt hàng làm vở cần có đầy đủ cha mẹ, ông bà nội, vì em bị bỏ rơi trước cổng chùa Diệu Giác khi còn rất nhỏ, chưa biết cha mẹ mình là ai. Có em đề nghị dựng kịch trong đó đơn giản chỉ cần có nhiều bánh mì và nhiều tiền. Có em đề xuất làm tiếp phần hai của vở Chuyện hai đứa trẻ vì thích nhân vật chính cũng hành nghề đánh giày giống mình.

Những câu chuyện thực tế này giúp chúng tôi hiểu thế giới trẻ thơ hơn. Chương trình Tiếng nói trẻ thơ được thực hiện bởi chính các em, từ các em, chứ người lớn không áp đặt trẻ làm theo điều mình muốn.

Tìm “nhà” để “hát” cho thiếu nhi

Chương trình Tiếng nói trẻ thơ đã mang nhà hát đến với thiếu nhi, tìm nhà hát để diễn cho các em. “Nhà hát” ở khắp nơi, từ sân trường đến sân chùa, sân đình, từ phòng bệnh viện ra ngoài bãi thả bò, ngựa… Bỗng một ngày những nghệ sĩ vừa quen vừa lạ đứng ngay trước mặt mình, khán giả nhỏ tuổi tưởng như một giấc mơ.


Sàn diễn dã chiến dựng ngay trên bãi chăn thả ngựa. Ảnh: Hoàng Duẩn

Ngược lại, đó là niềm vui khi chúng tôi được đến với các em thiếu nhi ở nhiều miền đất nước. Khán giả của chúng tôi không chỉ có những em ở các nhà mở, trong các ngôi chùa, ở miền sông nước hay cao nguyên. Đó còn là những em nhỏ ở những bệnh viện, xem kịch với đầy những dây nhợ trên người, hôm nay còn cười nói theo kịch nhưng ngày mai đi mãi không về.

Quan điểm về khái niệm nhà hát nhìn từ góc độ của những người làm sân khấu như chúng tôi có lẽ đã thay đổi. Nhà hát không nên là có nhà rồi mới nghĩ đến chuyện hát, mà nên là tìm nhà để hát cho trẻ xem, nghe.

Tôi đã chứng kiến ở đất nước Thụy Điển, người ta còn diễn kịch cho trẻ em mới… 6 tháng tuổi xem, vừa xem, vừa bú bình, vừa khóc, nghệ sĩ cứ diễn… Ngoài 140 nhà hát chuyên biểu diễn cho thiếu nhi, họ còn có nhà hát lưu động đi diễn khắp nước.

TP.HCM hiện có 3 triệu trẻ em, mà không có riêng một nơi diễn dành cho thiếu nhi, nói gì đến trẻ em vùng xa xôi…

Những tiếng khóc và những nụ cười


Những nụ cười răng sún khi xem kịch trong chương trình Tiếng nói trẻ thơ. Ảnh: Hoàng Duẩn

Trong suốt hơn 300 suất diễn ở nhiều địa phương, trường học, bệnh viện, nhà chùa, mái ấm, những người thực hiện chương trình Tiếng nói trẻ thơ ở Nhà hát Kịch TP.HCM không thể nào quên các khán giả đặc biệt của mình.

Say sưa với thế giới của các nhân vật trong vở kịch, khán giả nhí quên mất mình đang ngồi trên sân trường hay giữa bãi cỏ, dưới trời nắng hay mưa. Các cô cậu bé hết cười nắc nẻ rồi lại khóc như mưa theo những tình huống kịch.

Đó là những khán giả nhiệt thành, đam mê và lịch sự nhất. Sân khấu dã chiến, nhưng không có cảnh khán giả lôi điện thoại ra nghe trong lúc diễn viên đang diễn, không có chuyện người xem mắt dõi theo tình huống kịch mà miệng nhai kẹo cao su, như vẫn thường thấy trong những nhà hát hiện đại ở thành thị.

Bà Emma Thompson, đại diện của Hiệp hội sân khấu quốc tế tại Thụy Điển, đơn vị tham gia thực hiện dự án, chia sẻ: “Nhìn những giọt nước mắt, nụ cười và sự cộng hưởng nhiệt tình từ các em thiếu nhi trong suốt các vở diễn, tôi thấy dự án Tiếng nói trẻ thơ đã thành công ngoài dự kiến”.


Nụ cười của khán giả học trò thành phố…
Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
… đến khán giả nhí trong bệnh viện và trẻ miền cao.
Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Cười tít cả mắt…
Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
… cong cả lưỡi.
Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Thật sảng khoái.

Bé gái vừa xem kịch vừa khóc nức nở.
Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Dụi mắt, lau mũi.
Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Con gái khóc, con trai cũng rơi nước mắt.
Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Buồn và lo âu.
Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Cậu bé bưng mặt che nước mắt, cô bé khóc vã cả mồ hôi.
Ba đơn vị tham gia dự án Tiếng nói trẻ thơ đã thực hiện hơn 700 suất diễn. Nhà hát kịch sân khấu nhỏ huy động 100 diễn viên tham gia, xây dựng 10 vở như Sau cơn mưa, Tiếng hát dòng sông, Về đâu…, diễn gần 200 suất. Nhà hát Kịch TP.HCM đã diễn hơn 300 suất với kịch mục đa dạng hơn: kịch nói (vở Chuyện hai đứa trẻ), rối đen (Vì sao thuồng luồng hóa rồng), kịch câm, rối cạn. Đạo diễn Sengupta Rudraprasad, giám đốc nhà hát Nandikan, Ấn Độ sau khi xem vở Vì sao thuồng luồng hóa rồng trong chương trình Tiếng nói trẻ thơ, đã tỏ ra khâm phục cách làm sân khấu cho thiếu nhi của đồng nghiệp Việt Nam. Ông đã xin kịch bản của vở kịch mà mình cho rằng “vấn đề đưa ra rất gần gũi với cuộc sống” để về nước dàn dựng trên sân khấu nhà hát Nandikan.
  • Đạo diễn Hoàng Duẩn
Nguồn: vietnamnet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn