Gần dân và hiểu dân

Lê Đăng Doanh

Một Đảng luôn luôn khẳng định là từ nhân dân mà ra, nhưng nay “xét về mặt gần dân và hiểu dân, sửa đổi lối làm việc quan liêu, mệnh lệnh thì còn rất xa và có nguy cơ còn xa hơn nữa”. (Lê Đăng Doanh). Vì sao nên nỗi? Câu trả lời hẳn không phải là quy trách nhiệm cho một ai, là gán cho sự suy thoái đạo đức của một cá nhân nào, mà phải tìm xa hơn, sâu hơn một “khuyết tật hệ thống”. Do đó, lời giải chủ yếu không phải là hô hào tu dưỡng, mà là thay đổi cái cơ chế không cần gần dân, không cần hiểu dân mà vẫn ngang nhiên tại vị, thậm chí thăng quan tiến chức.
Bauxite Việt Nam
TPPhong trào học tập đạo đức Bác Hồ đã đạt được một số tiến bộ nhất định nhưng xét về mặt gần dân và hiểu dân, sửa đổi lối làm việc quan liêu, mệnh lệnh thì còn rất xa và có nguy cơ còn xa hơn nữa.

Bác Hồ đến thăm hội nghị phổ biến máy cấy công cụ cải tiến ở Từ Liêm, Hà Nội, tháng 7-1960. Ảnh: ditichhochiminhphuchutich.gov.vn.
Còn nhớ, khi về thăm cơ quan, trường học, bệnh viện, đơn vị quân đội, Bác Hồ thường đích thân đến thăm bếp và nhà vệ sinh để biết đời sống thực của dân.
Những nơi không vệ sinh, Bác gọi thủ trưởng cơ quan xuống tận nơi cùng Bác chứng kiến cảnh mất vệ sinh thì mới lộ ra không ít thủ trưởng cơ quan sau nhiều năm chưa bao giờ đến cái bếp và nhà vệ sinh cả.
Năm 1955, khi tôi còn học ở trường phổ thông trung học Việt-Đức, Bác Hồ rất không hài lòng về sự mất vệ sinh của trường tôi. Nhờ có sự gần dân, hiểu dân của Bác mà nước ta khi đó còn rất nghèo nhưng đã chú ý đến bếp ăn và nhà vệ sinh cho mọi người, trong đó có bản thân chúng tôi.
Đó là tấm gương rất cần học mà cho đến nay ít thấy các quan chức cấp cao, cấp thấp noi theo bằng hành động cụ thể của mình.

Năm 2009, có dịp về công tác tại một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi được giới thiệu một con đường mới khánh thành, hai làn đường rộng, có vườn hoa ngăn đôi nhưng có gắn biển hạn chế tốc độ tối đa cho xe ô tô là 40 km/giờ.
Tối hôm ấy, gặp chủ tịch tỉnh làm việc, chúng tôi thắc mắc tại sao đường rộng, mới như vậy, dân cư không đông đúc mà lại hạn chế tốc độ chỉ có 40 km/giờ.
Đồng chí chủ tịch tỉnh giật mình thú thật là cá nhân mình không hề biết có cái biển đó vì xe của đồng chí biển xanh, số xe cảnh sát giao thông đều biết, cứ đi thoải mái tốc độ cần thiết, không cần quan tâm đến biển hạn chế tốc độ nào cả.
Trước mặt chúng tôi, đồng chí chủ tịch gọi điện cho giám đốc Sở Giao thông Vận tải hỏi về tấm biển đó thì giám đốc thừa nhận tấm biển đó còn lại từ thời gian trước khi sửa đường, vẫn chưa thay, nay có ý kiến chủ tịch tỉnh sẽ nâng lên 60 km/giờ.
Vấn đề là đồng chí chủ tịch tỉnh sống ở đấy nhưng hoàn toàn không biết có cái biển đó. Suy rộng ra, không biết đồng chí đó có biết kẹt xe ở đâu, úng lụt chỗ nào, chợ họp ra sao, bệnh viện quá tải ra sao, v.v. vì chủ tịch bận, không có thì giờ cho những việc đó và xe chạy theo chế độ đặc biệt nên không tiếp cận được với thực tế.
Cuối năm 2009, trong một lần dự hội thảo ở Hạ Long, vì có việc được gọi về  Hà Nội gấp để họp một cuộc họp khác bất thường, tôi xin đi nhờ xe của một thủ trưởng có biển xanh 80B, trên xe có gắn còi hú để dẹp đường.
Kết quả là thay vì mất ba tiếng rưỡi đến bốn tiếng như bình thường chúng tôi vẫn phải đi, lần này chỉ mất có một tiếng 45 phút vì xe luôn chạy 80 km/giờ ở tất cả các quãng đường có hạn chế tốc độ. Mỗi khi còi hú, các xe tải, xe khách đều dạt sang một bên để nhường đường.
Thủ trưởng cho đi nhờ thú thực chưa bao giờ biết cảnh hạn chế tốc độ. Như vậy, biển hạn chế tốc độ chỉ dành cho dân và xe khác, còn xe thủ trưởng biển xanh 80B thì không cần biết?
Đành rằng thủ trưởng cần đi nhanh nhưng đến cái mức vì thế mà mất cả liên hệ với cuộc sống thực của dân thì cần phải xem lại.
Hằng ngày, tivi đưa tin các đồng chí lãnh đạo về thăm và làm việc với địa phương, xí nghiệp chỉ thấy chủ yếu “quan trên gặp quan dưới”, ngồi trong hội trường có biển to hoan nghênh đồng chí A, đồng chí B về làm việc, ít thấy có cảnh đến thăm tận nhà dân, ngồi xuống đất ăn củ khoai lang như Bác Hồ đã làm ngày trước.
Trong thực tế, ít thấy có vị chủ tịch phường nào đi bộ đến thăm dân phố, lắng nghe ý kiến tại chỗ của dân để gần dân và hiểu dân hơn, chứ đừng nói gì đến các quan chức cấp cao hơn nữa như huyện, tỉnh hay quan chức đi xe 80B.
Trong khi đó người ta thấy quá nhiều quan chức mất thì giờ để đi động thổ, bấm nút khai trương tượng trưng, không còn thì giờ để xem tình hình ô nhiễm, vệ sinh, ăn ở của công nhân ra sao.
Năm mới, dự kiến cải cách, đổi mới nhiều, chỉ xin mong quay lại học tập tác phong gần dân, hiểu dân, thực sự dân chủ, cầu thị lắng nghe ý kiến của dân của Bác Hồ để đổi mới có hiệu lực hơn trong thực tế.
L. Đ. D.
Nguồn: http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=186779&ChannelID=2

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn