Phát ngôn ấn tượng: ai được quyền tuyên bố?

Đoan Trang

Đoan Trang là nhà báo bé nhỏ nhu mì. Cô có kế hoạch mỗi tuần sản xuất một tác phẩm, như cô tâm sự với bạn, “để huấn luyện nhẹ nhàng cách ứng xử pháp luật cho công chúng”.
Xin cảm ơn Đoan Trang đã cho BVN trích đăng lại từ trang blog của cô. Đọc những lời uốn nắn dẽ dàng, ta cảm thấy hình như tác giả đã tiến gần tới mục đích mình tự đặt ra.
Chỉ có điều, những vị cao niên xin hãy tự kiềm chế, và hãy nhớ lời khuyên đầy tính “khôn sáng” minh triết (Hoàng Ngọc Hiến): bảy mươi học mười bảy.
Nước Mỹ hồi lập quốc cách nay ba trăm năm, trong một quốc gia giang hồ tứ chiếng, họ huấn luyện pháp luật cho dân như thế nào? Họ có một sáng kiến này: tất cả các cử tri, hễ đủ 18 tuổi, thì đều nằm trong danh sách Bồi thẩm đoàn. Các Bồi thẩm đoàn này được giao cho một quan tòa giỏi dạy cách xử án. Liền trong bốn năm, họ được học bằng cách tham gia các phiên xử án, và trước khi kết thúc “khóa học”, mỗi người phải được chủ tọa xử một vụ án dân sự.
Chuyện này do tác giả Alexis de Tocqueville kể trong cuốn sách “Nền dân trị Mỹ” do nhà xuất bản Tri thức ấn hành lần đầu năm 2007 (sắp tái bản lần thứ 3). Trong vòng ba năm, một cuốn sách gần nghìn trang được tái bản ba lần, quả là điều đáng xem xét. Tuy nhiên, BVN vẫn giữ quyền “không được phép tuyên bố” về chuyện này, vì “bạn đọc tinh lắm”, chẳng cần nói cũng hiểu vì sao.

Bauxite Việt Nam
Xin mượn tên tác phẩm trinh thám nổi tiếng của Julian Semyonov (và bộ phim cùng tên), “Tass được quyền tuyên bố”, để định danh chủ đề nổi bật trong một số phát ngôn của tuần này. Ai được quyền tuyên bố, khi nào được tuyên bố… – đó cũng chính là một trong các khía cạnh của minh bạch thông tin và tự do ngôn luận ở một quốc gia.
* * *
“Người dân tinh lắm…”
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh QH Trần Đình Nhã, nguyên là Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Công an, khi được hỏi về lý do dường như ông ít phát biểu, góp ý, chất vấn tại các phiên họp QH, đã cho rằng: “Người dân tinh lắm. Họ biết QH có nhiều diễn đàn, nhiều phương thức hoạt động. Những hình ảnh đưa lên truyền hình chỉ là một phần, là bề nổi của hoạt động QH mà thôi” (VietNamNet).
Ông cũng lý giải thêm hiện tượng các Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm Ủy ban ít khi tham gia chất vấn Bộ trưởng: “Vì các vị này có nhiều cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với các Bộ trưởng. Có thắc mắc, chất vấn gì thì đã nói trực tiếp rồi chăng và cũng có thể muốn nhường diễn đàn cho ĐB khác, chứ không phải nể nang gì đâu”.

Quả thật đúng như ông Nhã nói, QH có nhiều diễn đàn, nhiều phương thức hoạt động. Đại biểu QH cũng có nhiều kênh và hình thức để góp ý khi tiếp xúc với thành viên Chính phủ.
Tuy nhiên, trên cương vị những người được coi là đại diện cho dân, làm theo những gì cử tri mong muốn, một trong những hoạt động chính yếu của đại biểu QH là sự hiện diện tích cực trong các phiên họp công khai. Đành rằng “người dân tinh lắm”, nhưng tinh gì thì tinh, báo chí – trong đó có truyền hình – vẫn là kênh chủ yếu để dân chúng có thể kiểm tra được một cách rất trực quan về việc tâm tư của họ đã được đại biểu mạnh dạn phản ánh và “đẩy đến cùng” hay chưa. Đành rằng QH có nhiều diễn đàn, nhiều phương thức hoạt động, nhưng người dân đâu có cơ hội được chứng kiến những kênh khác ấy?
Nhìn chung, cho dù QH và Chính phủ đều cùng một hướng đi chung là làm tốt cho dân, cho nước, nhưng mối quan hệ giữa họ không thể mang tính người nhà, để nếu có gì, “ta trao đổi nội bộ”.
Quyền “dân biết”, “dân kiểm tra” được thực hiện một phần ở đấy. Nếu coi một sinh hoạt hết sức quan trọng của các đại biểu – tích cực đăng đàn và chất vấn tại các phiên QH – chỉ “là bề nổi của hoạt động QH” như ông Nhã nhận xét, e rằng… không ổn.
Tất cả đều “được quyền tuyên bố”

Ông Trần Đình Nhã cũng đã đáp lại câu hỏi của một nhà báo về việc vì sao không thấy Ủy ban Quốc phòng – An ninh phát ngôn về vấn đề biển đảo, tàu lạ xuất hiện, ngư dân bị cướp bóc. Ông cho biết:
Tôi đã trả lời những vấn đề đối ngoại thế này, Nhà nước đã phân công người phát ngôn cả rồi, không phải ai cũng “hùng hồn” tuyên bố được cả. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã thay mặt Nhà nước ta và nêu chính kiến về điều đó. Nếu có nói, chúng tôi cũng chỉ lặp lại mà thôi” (VietNamNet).
Ở đây, có lẽ các cử tri có một mong muốn hơi khác với ông: ấy là, những tuyên bố hùng hồn như ông nêu, đáng ra, phải được vang lên càng nhiều, càng nhanh càng tốt, từ tất cả các cấp chính quyền, để thể hiện rõ ràng quan điểm trước sau như một của nhân dân ta, Chính phủ, Đảng và Nhà nước ta, là kiên quyết bảo vệ chủ quyền đất nước.
Ngoài ra, không nên coi chỉ một cá nhân nào đó được “Nhà nước phân công phát ngôn” là nguồn duy nhất được khẳng định chính kiến của một dân tộc. Thậm chí, trong cuốn Brand America (2005), tác giả Simon Anholt và Jeremy Hildreth còn chỉ ra rằng, để thành công về mặt đối ngoại, quốc gia phải coi mỗi công dân của mình như một vị đại sứ không chính thức, và có chính sách để mọi người dân đều ý thức được điều đó – rằng họ là “người phát ngôn”, người đại diện cho thương hiệu quốc gia, v.v.
Và do vậy, trong các vấn đề lớn của đất nước, chẳng hạn chủ quyền lãnh thổ, mỗi cấp chính quyền, mỗi người dân, mỗi tổ chức đều có thể là “Tass được quyền tuyên bố”. Sự không thống nhất giữa các phát ngôn sẽ không thành vấn đề nếu các chủ trương, chính sách của Nhà nước đều nhất quán trước sau như một và được phổ biến đầy đủ, rõ ràng tới các tầng lớp dân chúng.
Ngoại giao nhân dân khó khăn nhưng đặc sắc và hiệu quả là ở chỗ đó…
Táo Quân cũng phải “được quyền tuyên bố”
Trả lời những ý kiến chê chương trình Táo Quân 2010 là nhạt nhẽo, diễn viên Tự Long (thủ vai Táo Giáo dục) cho rằng, những gì anh làm trên sân khấu đã bị cắt xén khi đưa ra phát sóng trên truyền hình.
Những gì tôi làm trên sân khấu là của tôi, còn phần phát sóng lại là sản phẩm khác… Là nghệ sĩ, tôi chỉ biết làm hết khả năng, việc còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào biên tập…”.
Tự Long cho biết thêm: “Tôi không thể nói được trong chuyện này đâu là đúng, đâu là sai vì có nhiều vấn đề mà tôi không thể nói hết” (Tiền phong).
Còn người hẳn phải có câu trả lời chính xác nhất là đạo diễn Đỗ Thanh Hải, GĐ Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC – đơn vị sản xuất chương trình Táo Quân trên VTV), thì có phần lấp lửng: “Để làm một chương trình thì có rất nhiều yếu tố. Những chuyện như thế này, đầu năm mới, tôi không muốn trả lời, thông cảm cho tôi” (Tiền phong).
Té ra, một chương trình hài kịch truyền hình thành công hay thất bại không phải do tài năng của đạo diễn, diễn viên và êkip sản xuất quyết định. Vậy còn yếu tố nào quyết định việc hay, dở của tác phẩm? Chúng ta chẳng thể nào biết, vì đến đây các “Táo” không được quyền tuyên bố.
Vẫn hiểu, người nghệ sĩ, người viết thường chỉ diễn, chỉ viết, còn nhiều khi họ không được có tiếng nói, thậm chí, không hề được biết đến đứa con tinh thần của họ, sau quá trình “biên tập”, sẽ ra sao. Khổ thay cho họ, khi tác phẩm ra lò bị người thưởng ngoạn chê dở, nhạt, thì dĩ nhiên họ phải chịu trận chứ không phải những người đứng sau. Khán thính giả không làm sao biết được (và thực ra cũng chẳng cần biết) những tiêu chí “biên tập”, hoặc những yếu tố trong hậu trường, nên cứ chán là chê. Quyền của “người tiêu dùng” mà.
Cũng không thể cấm dư luận dựa vào những thông tin vỉa hè rồi suy đoán rằng Táo Quân 2010 dở là do bị chịu nhiều sức ép, “ngành nọ, ngành kia” lên tiếng can thiệp hoặc đi cửa sau, như báo chí đã đưa.
Trong những trường hợp như thế, thái độ “mũ ni che tai”, thiếu công khai của những người có liên quan, cùng lắm chỉ khiến sự việc chìm xuống, chứ không giải quyết rốt ráo được một vấn đề không nhỏ: Công luận rất muốn được minh bạch thông tin trong mọi vấn đề của xã hội, mà văn hóa nghệ thuật không phải là ngoại lệ!
Không “đào cả rễ” tài nguyên để bán thô
Thời gian gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin một số tỉnh (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương) đã cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích 305.3534 nghìn ha, trong đó Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 nghìn ha; đáng kể là 87% diện tích bị cho thuê ở các tỉnh xung yếu biên giới.
Phát biểu trong vấn đề này, GS.TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, cho rằng nếu diện tích rừng đã cho thuê là rừng phòng hộ thì phải rút ngay giấy phép dự án. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta có chính sách công khai, theo đó chúng ta phải cư xử với các nhà đầu tư nước ngoài thật bình đẳng, khi cần lựa chọn giữa nhiều nhà đầu tư chúng ta cũng có cách thức đấu giá đất hay đấu thầu dự án có sử dụng đất… Trọng tâm còn lại là làm sao cho thật công khai, minh bạch”.
Ông Đặng Hùng Võ cũng nhận định: “Không thể để tài nguyên nằm đắp chiếu nhưng cũng không thể “đào cả rễ” lên để bán thô. Nhiều nước lớn, ví dụ như Mỹ hay Trung Quốc đã có chủ trương đóng cửa việc khai thác khoáng sản trong nước, tích cực mua khoáng sản thô của những nước nghèo về để dùng hoặc dự trữ cho con cháu họ dùng.
Trong khi, các nước nghèo thì phải mang tài nguyên đi bán để giải quyết khó khăn kinh tế trước mắt. Nước ta cần phải cân nhắc trước hết việc quy hoạch khai thác hợp lý, phần được khai thác sẽ phải làm theo phương thức đạt hiệu quả kinh tế cao nhất” (Bee.net).
Như thế, mấu chốt của vấn đề là phải hết sức cân nhắc về hiệu quả kinh tế, cũng như phải thật công khai, minh bạch trong quá trình lựa chọn các nhà đầu tư, để có thể giảm thiểu những rủi ro về mặt an ninh và môi sinh. Các chính quyền địa phương đã tuân thủ những yêu cầu này chưa khi cho thuê dài hạn những khu rừng đầu nguồn, tài sản quý báu của quốc gia?
Lại chuyện phân biệt đối xử công – tư
Trong dự thảo về điều kiện mở ngành đào tạo ở trường ĐH, CĐ, công bố ngày 23/2, Bộ GD-ĐT dự kiến không cho phép trường ngoài công lập đào tạo sư phạm, luật và báo chí.
Ngay sau khi được báo chí đăng tải, lập tức dự thảo đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối. Ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đặt câu hỏi: “Trường ngoài công lập không đáng tin cậy và nằm ngoài tầm với của nhà nước hay sao? Tại sao lại phân biệt đối xử giữa trường trong và trường ngoài công lập?”.
Ông Quân còn khẳng định: “Tôi cho rằng, không có lý do và cơ sở gì để quy định các trường ĐH ngoài công lập không được đào tạo ba ngành sư phạm, luật và báo chí. Dù chưa phải là quy định chính thức, nhưng dự kiến như vậy chỉ tạo sự phân biệt không đáng có giữa hai loại hình trường này. Trong khi đó, trường công và tư chỉ khác nhau về đầu tư, còn hoạt động đào tạo và đóng góp nguồn nhân lực cho xã hội là như nhau”.
Thực ra, khi nghe báo chí đưa tin về dự thảo trên, dù không được biết lý do cụ thể, nhưng công luận cũng dễ nghĩ như ông Quân, rằng dạy luật và báo chí liên quan đến “vấn đề nhạy cảm”. Tuy nhiên, ông Quân đã có lý khi lập luận rằng, trường tư cũng thuộc tầm quản lý của Nhà nước, cũng nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân và do đó, trên nguyên tắc, ngoài những ngành đặc thù như quân đội, công an (chỉ đào tạo nhân lực phục vụ cho ngành), thì không có lý gì “độc quyền” đào tạo luật và báo chí lại phải thuộc các trường công.
Quan điểm được thể hiện trong dự thảo như thế không chỉ phản ánh cách nhìn cũ kỹ mang tính dè chừng, ngờ vực thời bao cấp, mà còn bất hợp lý, bất bình đẳng, trong khi Luật Giáo dục và chủ trương chính sách của Nhà nước là không phân biệt trường công trường tư.
Ngày thơ dành cho thi sĩ hay công chúng?
Còn hai ngày nữa, vào rằm tháng Giêng, Ngày thơ Việt Nam sẽ được tổ chức với những kỳ vọng và sự chuẩn bị rất “hoành tráng”, mang màu sắc đại lễ, nhân sự kiện 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Tuy nhiên, sau 6 lần tổ chức, đến nay Ngày thơ Việt Nam vẫn chưa được xác định rõ ràng là dành cho nhà thơ hay dành cho công chúng, và thơ cần chú trọng nội dung hay sự trình diễn.
Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn nhận xét: “Dù thế giới có hướng thơ diễn đàn, thơ quảng trường để đọc cho công chúng nhưng theo tôi đây không phải là hướng lớn, không thể phát triển lâu bền, còn Việt Nam xu hướng này hiện quá phát triển… Nhiều người đến ngày thơ để đến xem người ngâm đọc chứ không phải đến vì thơ” (Pháp luật TP HCM).
Nhà thơ Đỗ Trung Quân thì nói thẳng: “Từ lâu nay tôi không quan tâm đến ngày thơ. Tôi không có nhu cầu xuất hiện đọc thơ ở đám đông. […] Thơ không nằm ở lễ hội, phải kính thưa… Tôi muốn thơ tôi trên bàn, trên giấy, không muốn lên sân khấu đọc thơ”. Còn theo nhà thơ Lê Minh Quốc, “tất cả hình thức trình diễn, hát thơ, ngâm thơ, đọc thơ… đều không quan trọng”, vì “thơ cần nội dung chứ không phải múa may, trang sức và trình diễn trên sân khấu”.
Những ý kiến trên xét ra đều có lý, nhưng nếu bảo tội tại nhà thơ hoặc nhà tổ chức thì có phần khe khắt quá với họ. Trái với những loại hình nghệ thuật khác như phim ảnh, ca vũ nhạc…, thơ đúng là thứ đòi hỏi người đọc phải nghiền ngẫm, suy tư để có thể tiếp nhận. Nhưng cũng chính vì thế mà sản phẩm thơ khó đến được với người thưởng ngoạn, nhất là trong thời điểm hiện tại khi mà cuộc sống diễn ra quá vội vàng và công chúng thì có quá nhiều hình thức thưởng thức văn hóa khác.
Như thế, cũng cần giúp cho các tác giả có điều kiện phổ biến rộng rãi – hiểu theo nghĩa được đọc, được diễn, thậm chí… rao bán, tiếp thị – thi phẩm của mình trong khuôn khổ một hoạt động lớn, tầm quốc gia và được công luận để tâm. Âu cũng là sự vinh danh rất đặc biệt cho thơ, một môn nghệ thuật thể hiện rất đậm đà “hồn Việt Nam” và vốn được xem trọng (trong lịch sử).
Vấn đề chỉ là, trong Ngày thơ, các tác giả nên “diễn thơ” như thế nào, tiếp cận người thưởng ngoạn ra sao. Nếu các tác giả coi đó là một ngày của riêng họ, để họ thi thố những ý đồ nghệ thuật của riêng mình mà thôi, thì đúng là Ngày thơ cũng khó trở thành cơ hội tương tác rộng rãi giữa họ và bạn đọc. Nhưng… đó là việc của họ.
Cuối cùng, chí ít, Ngày thơ cũng là dịp để các độc giả có thể gặp gỡ, giao lưu với những “thần tượng” mà trước nay họ chỉ mới “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình” trên những trang viết.
Chặt tay “Thiếu nữ ôm hoa” cho giống Thần Vệ Nữ
Hành động ấn tượng của tuần này: Theo công an phường Hải Châu, quận Hải Châu (Đà Nẵng), một người tên là Huỳnh Ngọc La Quang (47 tuổi, trú tại phường Bình Thuận, quận Hải Châu), đã có hành vi phá hoại, chặt đứt một tay bức tượng đá “Thiếu nữ ôm hoa” được trưng bày trên đường hoa Bạch Đằng trong dịp Tết Canh Dần.
Tại cơ quan điều tra, Huỳnh Ngọc La Quang cho rằng bức tượng “Thiếu nữ ôm hoa” có đầy đủ cả hai tay là không đúng, lẽ ra phải giống như tượng thần Vệ Nữ, nghĩa là phải… cụt cả hai tay. Vì vậy, anh chàng đã về nhà vác búa ra đường Bạch Đằng “chặt tay” bức tượng “Thiếu nữ ôm hoa” để cho giống với tượng thần Vệ Nữ (Bee.net).
Tất nhiên, hành vi “phê bình nghệ thuật quá đà” này rõ ràng là biểu hiện của “chủ nghĩa vandal”, phá hoại công trình nghệ thuật, vi phạm pháp luật. Tuy thế, nếu… cố nhìn ở khía cạnh tích cực của vấn đề, thì nó cũng cho thấy sự quan tâm của một người dân bình thường tới một tác phẩm nghệ thuật công cộng, nhất là lại có sự so sánh với một tuyệt phẩm của điêu khắc thế giới là Tượng Thần Vệ Nữ. Điều này xưa nay hơi hiếm trong số đông công chúng Việt Nam.
Vì vậy, khi có người tỏ sự quan tâm đánh giá đối với công trình nghệ thuật, dù là dưới một hình thức “bạo lực” như thế này, ta cũng chẳng biết có nên lấy đó làm mừng không?
Tuy nhiên, dẫu sao chúng ta cũng không thể khuyến khích hành vi có tính chất phá hoại nêu trên, kể cả trong trường hợp tác phẩm bị phá không vừa nhãn ai đó… bởi cứ nếu thấy không đúng, không đẹp, là chặt phá, thì số công trình bị hại ở ta sẽ nhiều tới mức nào!
Nguồn: trangridiculous.blogspot.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn