Tranh cãi trên dòng sông Mekong

Con sông Mekong đứng thứ 12 trên thế giới về độ dài và đứng thứ 10 trên thế giới về lưu lượng nước, từ mấy năm nay đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn nước và nguồn động thực vật phong phú do hàng loạt đập thủy điện mà nhiều nước có dòng sông chảy qua thi nhau xây dựng. Nhưng nói đến lợi quyền và hậu quả thì kẻ nắm giữ thượng nguồn bao giờ cũng hưởng lợi nhiều nhất và cũng là tác nhân gây ra tai họa mà kẻ ở hạ nguồn phải hứng chịu. Khốn thay, kẻ nắm giữ thượng nguồn chính là Trung Quốc và kẻ ở hạ nguồn chính là Việt Nam. 12 con đập khổng lồ do Trung Quốc xây trong nhiều năm nay mà BVN từng có dịp giới thiệu với bạn đọc là bằng chứng cho thấy ông bạn “láng giềng hữu hảo” này có hành vi “hữu hảo” như thế nào khi tính toán lợi ích giữa mình và các nước nằm cuối nguồn con sông, nhất là Việt Nam với đồng bằng sông Cửu Long trù phú, vựa lúa lớn nhất nước và cũng là nguồn kinh tế quan trọng bậc nhất, đang trong chiều hướng mất dần phù sa bồi đắp hàng năm, mất hết nguồn cá, lưu lượng nước ngọt chảy từ thượng nguồn về ngày mỗi ít nên đang ngày càng bị mặn hóa. Cứ xem việc các tàu Ngư chính của Trung Hoa sục sạo trên biển Đông như ao cá nhà mình, việc Nhà nước Trung Hoa tự tiện ra lệnh cấm ngư dân các nước đánh bắt trên chính lãnh hải của mỗi nước trong mùa đánh cá, đi kèm với hàng loạt vụ đánh đuổi và cướp đoạt tàu thuyền, ngư cụ cùng sản phẩm của vô số tàu cá Việt Nam, rồi liên hệ với kiểu “trịnh trọng tuyên bố” của Tân Hoa xã, rằng “nước đầu nguồn trên sông Mekong xuống thấp nhất trong 50 năm nay” để lấp liếm việc dòng sông Mekong đang bị các con đập đầu nguồn vắt hết nước, liệu có ai mà tin ở mồm mép các ngài được nhỉ?
Bauxite Việt Nam
Báo Thái Lan chỉ trích Trung Quốc xây đập trên thượng nguồn sông Mekong, trong khi Bắc Kinh đổ lỗi cho thay đổi khí hậu.
Báo tiếng Anh Bangkok Post hôm 23/02 vừa có bài bình luận nói rằng, kể từ khi Trung Quốc hoàn thành một số đập nước, mỗi mùa khô dòng sông Mekong lại trở nên cạn kiệt.
“Tình hình năm nay tồi tệ hơn năm ngoái, và tương lai sẽ còn tồi hơn thế nữa khi nhiều đập đang được xây dựng ở Trung Quốc”.
Trong khi đó cùng ngày tại Bắc Kinh, Tân Hoa xã ra bản tin nói mức nước đầu nguồn trên sông Mekong xuống thấp nhất trong 50 năm nay, nhiều thuyền bè của nước này đã mắc cạn, và cho đây là ảnh hưởng của El Nino.
Hãng thông tấn chính thức của Nhà nước Trung Quốc nói lượng nước chảy chỉ bằng 1/2 các năm đã khiến hàng chục chiếc thuyền mắc cạn. Hàng năm vào thời gian này, lượng nước chảy từ bình nguyên Tây Tạng là vào khoảng 400 – 500 mét khối/giây, nhưng năm nay chỉ còn 250 mét khối.
Trung Quốc cũng nói tình trạng khô hạn bất thường đã gây ra nhiều vụ cháy rừng tại tỉnh Vân Nam, một tỉnh có sông Mekong chảy qua.
Trung Quốc đã phải cho đóng cửa bốn đập nước tại Vân Nam để giữ nước.
Tuy thừa nhận một trong các yếu tố gây biến đổi môi trường có thể là các công trình xây dựng, Trung Quốc nói không chỉ một mình nước này, mà các nước khác chung dòng sông Mekong cũng đang xây cất các công trình lớn ở hạ lưu.

Đổ lỗi cho nhau
Bangkok Post trong bài báo nói về sông Mekong nhận định rằng sông Mekong nay khô cạn tới nỗi khó có thể được gọi là một dòng sông nữa.
“Thuyền đi từ khu vực Chiang Khong của tỉnh Chiang Rai (một tỉnh miền Bắc Thái Lan) tới cố đô Luang Prabang của Lào nay đã ngừng chạy vì nước quá cạn. Tàu chở hàng từ Trung Quốc cũng mắc kẹt tại Chiang Saen thuộc Chiang Rai”.
Báo này trích lời ông Chirasak Inthayos, điều phối viên của Hệ thống Bảo vệ Nguồn lợi Thiên nhiên và Văn hóa sông Mekong nói rằng tình hình tại đây xấu nhất trong hơn chục năm nay.
Ông Chirasak cũng cảnh báo tới tháng Tư, đỉnh điểm của mùa khô, thì tình hình còn tồi tệ hơn nữa.
Bangkok Post chỉ trích việc Trung Quốc quyết định đóng cửa đập để trữ nước tại Vân Nam, nói điều này cho thấy Bắc Kinh “không quan tâm gì tới sự khó khăn của người dân các nước dưới hạ lưu”.
“Trung Quốc chỉ quan tâm tới người dân của mình và các ngành công nghiệp, kinh doanh và nông nghiệp đang ngày được mở rộng của nước này”.
Báo Thái nói các nước cùng chia sẻ dòng Mekong vì e ngại “Người anh cả” nên đã không lên tiếng khi Trung Quốc xây dựng đập nước đầu tiên trên sông Mekong, cho dù việc xây dựng này vi phạm quy định và luật lệ quốc tế.
“Nay tuy muộn nhưng chúng ta cần cất tiếng phản đối việc Bắc Kinh sử dụng nguồn nước sông Mekong một cách bất công”.
Bài bình luận trên Bangkok Post khép lại bằng câu: “Không thể để cho dòng sông, cũng như cuộc sống của những người phụ thuộc vào dòng sông này, bị hủy hoại.
“Nếu chúng ta cứ im lặng chịu đựng thì điều đó sẽ xảy ra”.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/02/100225_thai_china_mekong.shtml

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn