Băn khoăn về dự án Trung tâm thương mại gần Hồ Gươm

Lan Hương

Lời bình 1

Chưa có một nước nào như nước ta, những kẻ chống lưng cho Nhà nước như các tập đoàn lợi ích, làm ăn đã ngày một lỗ nặng nhưng lại không chịu cải tiến quy trình sản xuất nhằm đưa năng suất nhích lên chút ít cho dân nhờ, mà  cứ tìm hết cách xoay xở này khác để “kinh doanh” kiếm lợi trái với chức năng nghiệp vụ chính của mình. Tập đoàn EVN từng lập dự án về một khu nhà cao tầng đồ sộ ở góc đường Trần Nguyên Hãn và Lý Thái Tổ làm Trung tâm tài chính. Bị phản đối dữ dội phải rút bỏ, bây giờ Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam là một chi nhánh của EVN lại lập ra dự án về Trung tâm thương mại tại đây. Sao họ không biết rằng một thành phố được gọi là cổ kính thì phải có những nơi thật sự yên tĩnh trong trạng thái nguyên sơ, tự nhiên của chúng, để người dân đến vui chơi thư giãn và tìm kiếm lại không gian xưa cũ của đất nước vẫn nằm khuất đâu đó trong tiềm thức, tâm linh của mỗi người. Một trung tâm thương mại chưa nói là cao tầng, chỉ vài ba tầng thôi, cũng đã kéo theo bao nhiêu hoạt động quảng cáo, khuyến mãi, rao hàng, xập xình đủ loại, làm điếc tai nhức óc người qua kẻ lại, và làm cho Hồ Gươm suốt ngày ồn ào như một cái chợ, xe cộ thì tấp nập không còn chỗ đậu. Như thế thử hỏi còn đâu là Hồ Gươm nữa? Ấy vậy mà ông Chủ tịch UBND thành phố vẫn tuyên bố một câu xanh rờn: Mục tiêu chung của quy hoạch khu vực xung quanh Hồ Gươm vẫn là xây dựng thành trung tâm thương mại, dịch vụ sau đó mới đến văn hóa, cây xanh… (VNEconomy, 10/3/2010). Thì đúng thôi. Các ông chức sắc đầu tỉnh đã tự tung tự tác bán rừng đầu nguồn thì Thủ đô cũng phải có gì để bán chứ. Văn hóa mà làm gì trong thời buổi một thước đất đang được tính bằng vàng không phải lạng mà cân, nhất là những nơi vô cùng cao giá như Hồ Gươm, mảnh đất thiêng mà các vị tiền nhiệm dù đầu óc có “kinh tế” đến bao nhiêu thì cũng còn phải né tránh chưa dám đụng tới. Thế thì đây là cái vị trí họ chừa lại cho mình “phất cờ” chứ còn gì nữa. Cứ chần chừ đến khi nhiệm kỳ qua đi có ngồi mà ăn cám.

Bauxite Việt Nam

Lời bình 2

Không được động đến phong thủy Trấn Quốc của Hồ Gươm. Đức Thánh Trần đã yểm trấn quốc phòng giặc ngoại xâm phương Bắc. Động đến khu vực Hồ Gươm là động đến long mạch của Quốc Gia, điều này là nguy hại. Nên dừng ngay dự án nhà cao tầng này bên cạnh Hồ Gươm kẻo thế kỷ XXI lại là một thế kỷ con cháu mắc tội với tổ tiên.

Ông Chủ tịch chưa nghĩ đến một điều rất quan trọng liên quan đến sự tồn vong của nước Việt là, Hồ Gươm có đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, là một trong Tứ Địa Linh Trấn Quốc của nước Đại Việt ta. Phong thủy hồ gươm sẽ bị phá vỡ với mục đích thương mại hóa trong quy hoạch. Điều này rất nguy hại. Long mạch của Đại Việt sẽ bị ảnh hưởng bởi những công trình khổng lồ sát Hồ Gươm với nền móng khủng bố và tầm cao che khuất. Hồ Gươm sẽ biến thành lòng giếng thưa các ngài quy hoạch. Ngày xưa giặc phương Bắc bao lần muốn phá Tứ Địa Linh Trấn Quốc của Đại Việt mà phá không nổi. Tại sao nước Nam thế kỷ XXI lại có thể bị mất Tứ Trấn chỉ vỉ nghĩ đến phát triển thương mại. Tôi nghĩ việc này phải để toàn dân tham gia ý kiến, các nhà sử học địa lý thiên văn học hãy quan tâm đến Phong Thuỷ Hồ Gươm và bảo vệ Trấn Địa Linh này.

Nước Nam ta đầu thế kỷ XXI bao nhiêu phong ba từ biển Đông cho đến gió hại bão hại biên giới đất liền. Các tỉnh biên giới thì rừng cây bị phá, lại có tin cho Trung Quốc thuê đất rừng 50 năm cực kỳ nguy hiểm. Giữa lòng Thủ đô thì bị nhăm nhe làm kinh tế không nghĩ sâu, nhìn xa trông rộng, và coi thường tâm linh. Hãy cảnh giác và thận trọng khi làm gì liên quan đến Hồ Gươm.

Nên nhớ là móng công trình khủng bố bên cạnh Hồ Gươm sẽ sâu hơn đáy lòng hồ nhiều, bao nhiêu nước sẽ chảy hết, phong thủy là thế đấy. Long mạch địa linh là điều có thật đã tồn tại hàng ngàn năm. Đừng coi thường.

Rất mong các vị bô lão và nhân tài đất Việt yêu nước sẽ có ý kiên và biện pháp bảo vệ Hồ Gươm.

Sát Thát

Những tòa nhà cao tầng có thể
ảnh hưởng tới cảnh quan ở Hồ Gươm
(Dân trí) – Nên xây dựng nơi này làm trung tâm văn hóa hoặc làm cơ quan hành chính của Hà Nội và bố trí cho chủ đầu tư một khu đất khác dự án để kinh doanh… là ý kiến của một số chuyên gia về dự án trung tâm thương mại gần Hồ Gươm.

Sau khi UBND TP Hà Nội chấp thuận cho Tổng công ty thiết bị điện Việt Nam địa điểm nghiên cứu lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng “Trung tâm thương mại, khách sạn - văn phòng cho thuê” tại số 10 Trần Nguyên Hãn và số 27-29 Lý Thái Tổ (Hà Nội), không chỉ dư luận, một số chuyên gia cũng tỏ ý băn khoăn.



Theo ý kiến của PGS TS KTS Huỳnh Đăng Hy, nguyên Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam thì, phía bên ngoài khu vực hồ Gươm vẫn còn rất nhiều chỗ có thể xây trung tâm thương mại được như khu vực Hồ Tây, Cầu Giấy… “Sao cứ phải túm tụm ở hồ Gươm, có thể gây tắc nghẽn giao thông trong khi quanh đây đã có nhiều trung tâm thương mại rồi?” - ông nói.

Liên quan tới giao thông, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng đưa ra minh chứng về việc nếu trung tâm thương mại xây quá nhiều tầng, quy mô lớn thì sẽ ảnh hưởng tới giao thông.

Về căn cứ pháp lý để triển khai những dự án gần khu vực Hồ Gươm, KTS Trần Trọng Hanh - nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội cho biết: Quy hoạch chi tiết tôn tạo khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận năm 1996 đã được phê duyệt vẫn là văn bản còn nguyên giá trị.

Có ba khu vực Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức nghiên cứu quy hoạch mà không giao Hà Nội là: Hồ Gươm, hồ Tây và quảng trường Ba Đình. Do đó tất cả việc đầu tư xây dựng ở khu vực nhạy cảm này, trong phạm vi ranh giới quy hoạch hồ Gươm, nhất thiết đều phải tuân thủ theo quy hoạch.

Việc xây dựng công trình trong khu vực 7,6 ha (khu vực Hồ Gươm), với chủ trương là phải bảo tồn, phát huy những giá trị công trình văn hóa lịch sử về kiến trúc truyền thống cũng như vấn đề cảnh quan.

Trong đó lấy Hồ Gươm làm trung tâm, toàn bộ công trình khác như: cây xanh, công trình kiến trúc, đình chùa đều phải giữ lại. “Vì vậy theo tôi, nếu cơ quan chức năng khi chấp thuận dự án nào trong khu vực này đều phải xem xét kỹ lưỡng có phù hợp với những quy định, quy hoạch trên không”, ông Hanh cho biết.

Cụ thể về dự án trung tâm thương mại vừa được UBND Tp chấp thuận trên, nếu như ý kiến của KTS Huỳnh Đăng Hy là nên đổi thành trung tâm văn hóa cho phù hợp với không gian gần Hồ Gươm thì TS Phạm Sỹ Liêm lại có quan điểm đột phá hơn.

Xuất phát từ thực trạng nhiều cơ quan hành chính của Hà Nội đang nằm tản mát ở nhiều nơi, chúng ta có thể xem xét việc di chuyển những cơ quan của Thành ủy sao cho tập trung lại với nhau, và bố trí cho chủ đầu tư một địa điểm khác để triển khai dự án và kinh doanh.

“Tốt nhất là ở những khu vực đông dân cư, vì đây (khu vực gần UBND TP và Thành ủy) cũng không phải là nơi buôn bán như ở khu vực Tràng Tiền…” - ông Liêm nói.

LH



Nguồn: Dantri.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn