Dân chủ ‘trang điểm’ ở Trung Quốc

Michael Bristow

BBC News, Bắc Kinh
Thế kỷ XX phải coi là một giai đoạn lịch sử có một không hai với biết bao sáng kiến của loài người, trong đó sáng kiến “sống giả” là sáng kiến vĩ đại nhất. Chủ nghĩa Mao quả thật đã kỳ công tạo nên vô vàn robot để làm cho một xã hội không thật mà cứ y như thật, trong đó có cái gọi là các đảng dân chủ bên cạnh Đảng Cộng sản nắm vai trò thống trị. Và không phải chỉ có các đảng dân chủ, nào Mặt trận, nào Quốc hội… rốt cuộc xem kỹ các màn trình diễn của các tổ chức này thì đều là robot cả. Ấy vậy mà, sự thần tình là ở chỗ, có những người suốt cả cuộc đời chỉ đóng vai robot mà vẫn tưởng mình thật là người. Nói đến thần kỳ Trung Quốc tưởng không đâu hơn sự sáng tạo này.

Bauxite Việt Nam

Trung Quốc không muốn bị coi
là quốc gia độc đảng
Giáo sư đại học Xu Hui là trường hợp rất bất thường trong chính trị Trung Hoa – ông không phải là đảng viên cộng sản.

Ông Xu là Phó chủ tịch Liên đoàn Dân chủ Trung Quốc, một trong tám đảng phái không phải là cộng sản ở Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc từng dựa cơ sở trên các đảng phái đó để chứng minh rằng đất nước không phải là độc đảng.

Các đảng viên sẽ tham dự phiên họp Quốc hội thường niên năm nay, sẽ khai mạc vào thứ Sáu.



Nhưng trong lúc họ đề nghị cố vấn cho các đảng viên cộng sản, và có lúc là chỉ trích, thì các đảng phái đó chẳng qua chỉ là “trang điểm” mà thôi.

Trên thực tế, đảng cộng sản không muốn các cuộc tranh luận công khai và thực chất, và giam những ai có nghị trình chính trị khác.

Tám đảng dân chủ, như tên gọi của họ, được thành lập trước ngày phe cộng sản lên nắm quyền ở Trung Quốc năm 1949.

Họ bao gồm Ủy ban kháng chiến của Quốc dân đảng Trung Quốc, Hiệp hội truyền bá dân chủ Trung Quốc, Đảng dân chủ nông dân và dân chủ công nhân.

Ông Xu là Phó chủ tịch của đảng lớn nhất, với hơn 200.000 thành viên trên khắp đất nước.

Các đảng viên như ông Xu đa phần là tri thức, và nhiều người làm việc trong ngành giáo dục hoặc y tế.

Phó chủ tịch có mặt ở Bắc Kinh để dự Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc gọi tắt là Chính Hiệp Trung Quốc, một cơ quan tư vấn cùng tổ chức họp trong thời gian họp quốc hội.

Bất đồng

Ông Xu Hui là Phó chủ tịch
Đảng Dân chủ
Khi nghỉ ngơi trong khách sạn trước kỳ họp, ông nói với BBC rằng đảng của ông giữ vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị Trung Quốc.

“Chúng tôi đi về các vùng quê, vào các nhà máy, xuống các trường học và trường đại học”, vị Giáo sư với chất giọng mềm mỏng nói.

“Chúng tôi nói chuyện với dân chúng và tổng hợp các vấn đề của họ, tìm đề nghị và trình báo cáo lên Chính phủ”.

Có lúc Chính phủ làm theo các lời khuyên đó, có lúc không, ông Xu giải thích.

Ông nói đảng của ông, nhân tiện, không đồng ý với Chính phủ do Đảng Cộng sản lãnh đạo về các thay đổi trong ngành giáo dục.

Nhưng tám đảng dân chủ không ra tranh luận công khai với đảng cộng sản, vì đó không phải là việc của họ.

Dưới chế độ Trung Quốc, vai trò của các đảng chính trị không phải là cộng sản là cố vấn cho đảng cộng sản, chứ không phải thách thức vị trí lãnh đạo của đảng cộng sản.

Như Chính phủ tuyên bố trên trang chủ: “Đảng Cộng sản Trung Quốc và các đảng dân chủ đều bình đẳng dưới hiến pháp, nhưng các đảng sau chịu sự lãnh đạo chính trị của đảng trước”.

Các đảng này có thể chịu sự kiểm soát của đảng cộng sản, nhưng sự hiện diện của họ cho phép chính quyền Trung Quốc chứng minh rằng đất nước không phải là độc đảng.

Điều quan trọng đối với giới lãnh đạo Trung Quốc là cho dân chúng thấy là họ có lắng nghe ý kiến bên ngoài, theo giải thích của Willy Lam từ Đại học Trung Quốc ở Hongkong.

Ông nói Chính phủ thường đưa các đảng viên không cộng sản đó vào các vị trí cao cấp trong Chính phủ trung ương lẫn các tỉnh.

Nhưng ông nói thêm: “Không có gì quá đáng nếu nói đó chỉ là trang điểm”.

‘Chưa sẵn sàng’

Nhà văn Lưu Hiểu Ba
bị xử 11 năm tù
Các cuộc tranh luận chính trị thực sự không được Chính phủ khuyến khích, người ta chỉ chát với nhau trên Internet hay bí mật trong nhà.

Những ai công khai thách thức Chính phủ thường bị kết án.

Nhà văn Lưu Hiểu Ba bị kết án 11 năm tù hồi tháng Mười hai vì tham gia viết Hiến chương 08, một lời kêu gọi thay đổi chính trị ở Trung Quốc.

Một trong số những điều mà ông Lưu kêu gọi là bỏ độc quyền của Đảng Cộng sản.

Nhưng đó không phải là điều ông Xu có thể, hay thậm chí nên, xảy ra ở Trung Quốc trong tương lai có thể dự đoán.

Ông nói Trung Quốc đơn giản là chưa sẵn sàng cho điều đó.

Hơn vậy, từ một góc cạnh nào đó ông cho rằng hệ thống chính trị ở Trung Quốc còn đi trước các nước phương Tây.

“Trong hệ thống của chúng tôi mọi chính sách dễ được đồng thuận và thực hiện hơn”, ông nói.

“Ở một số quốc gia người ta tốn rất nhiều thời gian thảo luận vấn đề rất nhỏ. Nếu họ không thể đồng thuận thì công việc sẽ bị bỏ sang một bên”.

Và điều đó, với ông Xu, có vẻ như là trung tâm của vấn đề.

Thực hiện công việc hiệu quả với ít ồn ào, và không có ai phản kháng, là hệ thống lý tưởng.

Không có gì khó hiểu tại sao đảng cộng sản thích ông.

Nguồn: BBC News, Bắc Kinh

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn