Hoàng Sa dưới mắt nhà địa chất H. Fontaine

Lạp chúc NGUYỄN HUY

Kính thưa bạn đọc,
Người Pháp nói rất chí lý: “Science sans conscience n’est que ruine de l’âme”, diễn đạt lại thế này nên chăng: “Khoa học mà lại vô tình vô ý vô cảm thì chỉ tổ hủy hoại tâm linh con người”.
Họ còn câu nữa cũng không kém chí lý: “Conscience sans science …” Ở câu sau họ dùng phép trừ để thấy rằng những “khoa học gia” nào chỉ lo chuyện giữ gìn “lập trường, ý thức, tư tưởng” (conscience) mà không lo phần khoa học đích thực (science), thì chỉ còn lại một thứ “con” thôi.
Sau khi kể ra hai câu nói thâm nho của người Pháp vốn được coi là hồn nhiên, xin cho phép tôi nói lên sự xúc động trước sức làm việc và tấm lòng của các nhà khoa học nhiều năm quy tụ quanh tập san Sử Địa với trang bìa số 29 được in liền dưới đây. Cám ơn Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội đã giúp đưa toàn bộ 29 số tập san vào đĩa CD.
Cám ơn Nguyễn Xuân Diện đã mau tay múc một thìa nhỏ từ đĩa (CD) cho bà con độc giả BVN nếm.
Suy cho cùng, cái lõi khoa học mới là cái tư tưởng của nhà khoa học. Mọi thứ tô vẽ khác chỉ là tào lao.
Phạm Toàn
Số 29 – Tháng 1, 2, 3 – 1975

Tập san số cuối cùng, 1975
Đặc khảo về Hoàng SaTrường Sa
  • Thử đặt vấn đề Hoàng Sa – Nguyễn Nhã
  • Quần đảo Hoàng Sa – Hoàng Xuân Hãn
  • Phúc trình về công tác nghiên cứu phốt-phát lần cuối cùng tại quần đảo Hoàng Sa của phái đoàn chuyên viên hỗn hợp Nhật – Việt vào mùa thu năm 1973 – Trần Hữu Châu
  • Phúc trình cuộc thám sát hòn Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa vào mùa thu năm 1973 – Trịnh Tuấn Anh
  • Những sử liệu Tây Phương minh chứng chủ quyền của Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa từ thời Pháp thuộc đến nay – Thái Văn Kiểm
  • Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa giữa Đông Hải – Lam Giang
  • Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam – Lãng Hồ
  • Những sử liệu chữ Hán minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua nhiều thế kỷ – Hãn Nguyên
  • Thử khảo sát về quần đảo Hoàng Sa – Sơn Hồng Đức
  • Hoàng Sa dưới mắt nhà địa chất H. Fontaine – Lạp Chúc Nguyễn Huy
  • Phương diện địa danh học của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – Võ Long Tê
  • Nhận xét về các luận cứ của Trung Hoa liên quan tới vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – Quốc Tuấn
  • Hoàng Sa qua vài tài liệu văn khố của Hội Truyền Giáo Ba Lê – Nguyễn Nhã
  • Các văn kiện chính thức xác nhận chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời Pháp thuộc tới nay – Bà và Ông Trần Đăng Đại
  • Hoàng Sa qua những nhân chứng – Trần Thế Đức
  • Thư mục chú giải về Hoàng Sa – Nhóm thư tịch sử địa

Vài lời giới thiệu của Tập San Sử Địa

Hiện nay, Linh mục H.Fontaine phục vụ tại Nha Tài Nguyên Thiên Nhiên (thuộc Bộ Kinh Tế) và là giáo sư giảng dạy ban tiến sĩ tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn; linh mục đã viết 74 bài khảo cứu địa chất, khảo cổ, thảo mộc, v.v… về Việt Nam; từ năm 1953 đến nay, hàng tuần linh mục vẫn âm thầm đi khắp đó đây trên đất Việt để tiếp tục nghiên cứu. Một đôi khi chúng tôi cũng xin đi theo để học hỏi thêm ở ngài. Đến đây, chúng tôi xin dừng bút giới thiệu để khỏi làm thương tổn đến đức tính khiêm tốn của một vị tu hành học giả đang âm thầm nghiên cứu Việt Nam.
Linh mục H.Fontaine và một nhà khảo cứu Việt Nam Lê Văn Hội đã từng thăm viếng và khảo cứu quần đảo Hoàng Sa, nên chúng tôi xin ghi lại đây buổi phỏng vấn L.M.H.Fontaine của tập san Sử Địa về vài sự kiện liên quan đến Hoàng Sa.
Cuộc phỏng vấn nhà địa chất H.FONTAINE về Hoàng Sa (Paracels)
- Kính thưa cha, Sở Hầm Mỏ Đông Dương và Sở Địa Chất đã quan tâm đến quần đảo Hoàng Sa từ bao giờ?
- Chất phốt phát của Hoàng Sa được biết đến ít nhất từ 50 năm nay và dĩ nhiên Sở Hầm Mỏ có lưu ý đến. Tuy nhiên các hầm mỏ khác ở Bắc kỳ cũng quan trọng và đem lại nhiều lợi tức hơn, lại dễ dàng khai thác vì không có vấn đề biển cả và ám tiêu san hô (tức bãi san hô ngầm – BT BVN) khiến việc chuyên chở bằng tàu bè gặp khó khăn. Vấn đề khai thác phốt phát để dùng vào canh nông đã được bàn cãi, sau đó Sở Canh Nông và Công Ty Phốt Phát Bắc Kỳ đã thử sử dụng phân phốt phát. Chiến tranh xảy ra và mọi việc phải đình chỉ.
- Thưa cha, cơ quan nào đã nghiên cứu nhiều nhất về quần đảo Hoàng Sa trước năm 1950 ?
- Hải Học Viện Nha Trang với chiếc tàu “De Lanessan” thực hiện công tác quan trọng nhất bằng cách khuyến khích và phổ biến các nghiên cứu dưới nhiều khía cạnh liên quan đến hải dương, điểu loại và cả địa chất. Ông R.Bourret, giáo sư trường Đại Học Khoa Học Hà Nội, đã định loại các con rắn mối ở Hoàng Sa. Năm 1838, nha Khí Tượng cho đặt một đài quan sát ở đảo Pattle (hoàng Sa).
- Sau năm 1950, xin cha cho biết cơ quan nào đã lưu tâm nhiều nhất đến quần đảo Hoàng Sa?
- Vào thời kì này, một ủy Ban Hải Dương Học và nghiên cứu Duyên Hải Đông Hải được thành lập gồm các sĩ quan hải quân và các vị đại diện thuộc Hải Học Viện và Sở Địa Chất. Năm 1953, hải quân có công tác khảo sát thủy tính vùng quần đảo Hoàng Sa. Đây là một công tác quan trọng, đòi hỏi 3 tuần lễ, từ ngày 6 đến ngày 22-7. Có 6 chiếc tàu tham dự vào công tác này và hải quân cũng có mời Hải Học Viện Và Sở Địa Chất tham dự. Tất cả có bốn người đi, hai người của sở địa chất (ông Saurin và tôi, linh mục Fontaine) và hai người của Hải Học Viện.
- Thưa cha, còn về các công trình đã thực hiện được?
- Hồi đó tôi còn trẻ và tôi đi cùng ông Saurin để giúp đỡ ông theo khả năng của tôi. Chúng tôi đến viếng nhóm đảo Croissant (Nguyệt Thiềm) và Amphitrite (Tuyên Đức), lấy mẫu đá, một số mẫu cây hiếm và rất nhiều vỏ sò ốc của biển và đất. Sau đó các mẫu trên được ông Saurin khảo sát và đăng tải trên ” Việt Nam Địa Chất Khảo Lục ” (Archives Géologiques du Việt Nam) và Niên San Đại Học Khoa Học Sài Gòn.
- Nhưng thưa cha, sau công tác quan trọng này còn công tác nào khác nữa không ?
- Năm 1956, Sở Hầm Mỏ Kĩ Nghệ và Tiểu Công Nghệ tổ chức một cuộc viếng thăm quần đảo Hoàng Sa trong 3 ngày, với sự hỗ trợ cuả hải quân với chiếc tàu LST. Người ta đến các đảo Pattle (Hoàng Sa), Money (Quang Ảnh hay Vĩnh Lac), Roberts (Hữu Nhật hay Cam Tuyền), và Drummont (Duy Mộng) nhưng không khám phá được điều gì mới mẻ về địa chất. Nhân dịp này tôi thu nhặt được nhiều mẫu cây; các mẫu cây này được ông Schmidt và Lê Văn Hối định loại và tôi đã phổ biến kết quả công cuộc nghiên cứu thảo mộc của quần đao Hoàng Sa trong Niên san Đại học khoa học Sài Gòn. Có chiếc tàu đâm phải ám tiêu phía bắc kêu cứu và vì vậy, chúng tôi phải viếng ám tiêu san hô này, rất gần mặt nước ngay khi thủy triều hạ.
- Đến đây chúng tôi xin thay mặt cho ban biên tập Tập San Sử Địa, chân thành cảm tạ cha.

Giới thiệu một bài khảo cứu Hoàng Sa của Linh mục H. Fontaine và ông Lê Văn Hội

Đóng góp thêm vào sự tìm hiểu tộc đoàn thảo mộc trên quần đảo Hoàng Sa (1)

“Quần đảo Hoàng Sa nằm trong Đông hải, cách phía đông Đà Nẵng 30 cây số, gồm 36 đảo lớn nhỏ.
Trong chuyến đi mới đây trên tàu loại LST “Golo” và với sự giúp đỡ tích cực của hạm trưởng Mescam, một người trong chúng tôi đã có thể thăm viếng 4 hòn đảo quan trọng nhất của quần đảo Pattle (Hoàng Sa), Money (Quang Ảnh hay Vĩnh Lạc), Roberts (Hữu Nhật hay Cam Tuyền), và Drummond (Duy mộng) thuộc một phần của nhóm đảo Croissant (Nguyệt Thiềm). Các đảo này được cấu tạo bởi đá vôi san hô trẻ và có phosphorite phủ lên trên. Phần bìa các đảo nằm chìm dưới lớp cát vôi của các đụn cát (Saurin 1955). Vũ lượng trung bình hàng năm trên đảo là 1.150mm và các ngày mưa được kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11.
Về tập đoàn thảo mộc, cho đến nay người ta mới biết có 4 loại: Scaevola Koenigii VAHL (Goodeniacée), Wedelia biflora DC (Composés), Guettarda speciosa LINNE (Rubiacée) và Tournefortia và argentea (Boraginacée) (Saurin, 1955, trang 14-15).
Một số mẫu đã được lượm về để bổ túc thêm các loại thảo mộc trên. Rất tiếc là vài mẫu bị nước biển làm hư nên không định loại được. Dù thế nào đi nữa thì thảo mộc trên 4 đảo thăm viếng cũng nghèo nàn, luôn luôn thảo mộc mọc theo hình dạng chung sau: một vòng cây nhỏ mọc quanh một đống cỏ. Với một chiều rộng thay đổi, vòng cây nhỏ này gồm các loại Scaveola koenigii, Tournefortia argentea, Guettarda speciosa, Premma sp, và hai hay ba loại cây chưa định tên (Verbenacee ở đảo Roberts (Hữu Nhật), Caesalpinée có gai trên đảo Money (Quang Ánh); quan trọng nhất trên đảo là cây Scaevola koenigii mọc rậm đến nỗi tạo thành một hàng rào chắn không thể vượt qua được. Trên đảo Money (Quang Ảnh) và Drummond (Duy Mộng) cây Guettarda thay thế một phần loại Scaevola koenigii. Thảo mộc của đồng cỏ thay đổi tùy theo đảo, Tridax procumbens rất nhiều ở đảo Pattle [Hoàng Sa], nhưng ít gặp ở đảo Roberts [Hữu Nhật], trong khi Stachytarphita jamaicensis hiếm hoi trên đảo Pattle [Hoàng Sa] lại rất thường trên đảo Roberts [Hữu Nhật]; đảo Money [Quang Ảnh] được bao phủ bởi đồng cỏ Achyrantes aspera và Phaseolus (calcaratus?) mọc rất nhiều. Tất cả các loại cỏ nêu trên không còn gặp ở đảo Drummond [Duy Mộng] nữa. Một đồn binh và một trạm khí tượng được thiết lập trên đảo Pattle; tại đây, vài loại cây mới được du nhập như dương liễu, cây kiểng và cây thực phẩm (bí).
Trên tất cả các đảo đều gặp nấm mọc trên gỗ mục chết.
Dưới đây là các định danh, một phần đã được ông Schmidt làm mà chúng tôi chân thành cảm tạ.
GRAMMINÉES
  • Eleusine indica GAERTIN: đảo Pattle [Hoàng Sa] (ít gặp): cây gặp khắp nơi tại Việt Nam, Cao Miên, Ai Lao, Thái Lan.Vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới của cựu lục địa.
  • Eragrotis amabilis WIGTH ET ARN: đảo Pattle [Hoàng Sa] (ít gặp); khắp nơi ở Việt Nam, Ấn độ, Mã lai.
  • Eriochloa racemosa HACK: đảo Roberts [Hữu Nhật] (ít) gặp khá thường ở Việt Nam, Á Châu, Phi Châu, Mã Lai, Úc Đại Lợi.
  • Brachiaria distachya A CAMUS: đảo Pattle [Hoàng Sa] (ít); khắp nơi ở Việt Nam, Ấn Độ, Trung Hoa, Úc Đại Lợi, Mã Lai.
  • Lepturus repens R.Br: (ít); được thấy ở Bắc Việt, Thái Lan, Tích Lan, Châu Đại Dương.
AMARANTACEES – Achyrantes aspera LIN: đảo Money [QuangẢnh] (thường): cây mọc trên hoang địa, rất thường ở Việt Nam, Cao Miên, Ai Lao, Trung Hoa, Ấn Độ.
NYCTAGINACEES – Boerhaavia repens LIN: đảo Money [Quang Ảnh], đảo Drummond [Duy Mộng]; khắp nơi ở Việt Nam, Cao Miên, Hoa Nam, Ấn Độ, Phi Luật Tân, Java, Phi Châu, Mĩ Châu.
PORTULACACEES – Portulaca p’losa LIN:Đảo Pattle [Hoàng Sa] (trên những lối đi); Trung Việt, Ai Lao, Thái Lan (xuất xứ tại Châu Mĩ nhiệt đới).
LAURACEES – Cassytha filiformis LIN:đảo Pattle [Hoàng Sa], đảo Roberts [Hữu Nhật] thường gặp ở Việt Nam,vùng nhiệt đới.
MALVACEES – Sida corylifolia WALL: đảo Drummond [Duy Mộng]: cây mọc ở Bắc Việt, Ai Lao, Thái Lan, Hải Nam, Java, Madura, Phi Luật Tân.
Sida rhombifolia LIN.var.parvifolia GAGNEP:đảo Pattle [Hoàng Sa] ít, Trung Việt.
TILIACEES – Triumfetta pseudocana SPER: đảo Drummond [Duy Mộng]; thường gặp ở Việt Nam, Thái Lan, Trung Hoa, Phi Luật Tân, Ấn Độ.Corchorus sp.: đảo Roberts [Hữu Nhật]
ZYGOPHULLACEES – Tribulus terrestris LIN.: đảo Pattle ( hiếm), cây mọc lại trên duyên hải cát Trung và Nam Việt Nam, vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới.
EUPHOREIACEES – Euphorbia (thymofilia BRUM?), đảo Roberts [Hữu Nhật] (hiếm).
Euphorbia Atorao: đảo Pattle, cây trên duyên hải, thường gặp ở Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Phi Luật Tân, Trung Hoa, Úc Đại Lợi.
Phyllanthus Niuri LIN: đảo Pattle (ít gặp): cây mọc trên hoang địa, ruộng vườn, khắp nơi ở Việt Nam; dưới chí tuyến.
LEGUMINEUSES PAPILIONEES – Phaseolus (calcaralus ROXB?): đảo Money [Quang Ảnh] ( thường gặp).
CONVOLVULACEES – Ipomea turpethum R.Br: đảo Pattle [Hoàng Sa]. Đảo Roberts [Hữu Nhật], đảo Drummond [ Duy Mộng]; Việt Nam, Trung Hoa, Phi Luật Tân, Timor, Java
BORAGINACEES – Tournefortia argentea lin. F. :đảo Pattle [Hoàng Sa], đảo Roberts [Hữu Nhật]; cây mọc trên giồng Trung Phần Việt Nam, Ấn Độ, Mã Lai, Tích Lan, Phi Luật Tân, Đài Loan.
VERBENACEES – Premna sp. :đảo Money [Quang Ảnh]
Lippia nodiflora lin.: đảo Pattle [Hoàng Sa]; cây bò trên đất, rất thường gặp ở Việt Nam, nhất là trên vùng đất cát; Châu Mỹ nhiệt đới và bán nhiệt đới và khắp Viễn Đông.
Stachytarphita jamaicensis LIN. :đảo Pattle [Hoàng Sa] hiếm, đảo Roberts [Hữu Nhật] (thường gặp); khắp nơi ở Việt Nam. Cây xuất phát từ châu Mỹ nhiệt đới.
GOODENIACEES – Scaevola Koenigii VAHL.: các đảo Pattle [Hoàng Sa], Money [Quang Ảnh], Roberts [Hữu nhật], Drummond [Duy Mộng], thường gặp ở vùng ven biển Việt nam, vùng Đông Á nhiệt đới, Đại Dương Châu
RUBIACEES – Morinda citrifolia LIN. Var bracteata HOOK: đảo Pattle, Roberts, Drummond; cây hoang và có khi được trồng ở Trung và Nam Việt Nam, ấn Độ, Tích Lan, Mã Lai. Cây này ít gặp trên trên quần đảo hoàng Sa (một hai cây trên mỗi đảo) và dường như được ngư dân mang đến trồng vì dược tính.
Guettarda speciosa LIN. : đảo Money [Quang ảnh]. Đảo Drummond [Duy Mộng]; Nam Việt Nam, Cao Miên, Thái Lan, vùng nhiệt đới.
COMPOSEES – Tridax procumbens LIN. : đảo Pattle [Hoàng Sa], đảo Roberts [Hữu Nhật]; khắp nơi ở .
Wedelia biflora DC.: đảo Money (Quang ảnh), rất thường gặp ở Eupatorium sp. : đảo Pattle [Hoàng Sa] (hiếm)
Tất cả các mẫu trên được gìn giữ cẩn thận, định danh và đều thuộc các loại có trên thuộc địa. Không có giống nào là đặc thù của quần đảo Hoàng Sa. Điều này được giải thích dễ dàng dưới khía cạnh địa chất:
Quần đảo Hoàng Sa mới nỗi lên gần đây. Các mảnh đất mới này tạo nên một chỗ trống cho cây cỏ đến và tiếp tục đến chiếm lập. Từ các vùng đất lân bang đến bảng nhiều cách, các hạt giổng cả nảy nở và thảo mộc từ đó phủ trùm gần hết các đảo Pattle, Roberts, Money Và Drummond; nhưng tập đoàn thảo mộc đó chưa đủ thời gian để trải qua một tiến trình nhằm mang lại một đặc tính riêng biệt. Không có loại thảo mộc nào là tại chỗ cả.
Về thú vật hình như cũng vậy; một ít bài khảo cứu đã thực hiện cho đến nay chứng minh rằng thực vật sống trên đất tại Hoàng Sa đều thuộc các loài vật ở nơi khác. J.Delacous và P.Jabouille (1930) đã phát hiện có một giống chim: Zosteropo simplex swing, giống này thường gặp ở Trung Hoa cũng như ở Bắc và Trung phần Việt Nam. R.Bournet (1937) đã tìm thấy loại rắn mối Emoia atrocostatum trên quần đảo Hoàng Sa; Emoia atrocostatum còn gặp ở bán đảo Mã Lai, ở Phi Luật Tân và khắp Đại Dương Châu.
THƯ TỊCH
BOURNET R. (1937) – Les Lézards de la collection de la Faculté des Sciences de Hanoi. (Notes herpétologiques sur l’Indochine francaise, XII, Hanoi)
DELACOUR J.et JAB OUILLE P. (1930) – Oiseaux des iles Paracels (Travaux du Service Océanographique. 3è Mém. Saigon).
SAURIN E. (1955 – Notes sur les iles Paracels. (Archives géologiques du Vietnam, No 3, p, i-39, Sài Gòn).
xxxxXXXxxxx
Theo công trình nghiên cứu hoàn toàn khách quan trên của linh mục H.Fontaine, một người Pháp đã đi đến kết luận rõ ràng rằng ” không có loại thảo mộc nào là tại chỗ cả, tất cả từ vùng đất liền du nhập đến bằng nhiều cách “. Cũng theo sự phân tích một cách khoa học của linh mục Fontaine thì mọi thảo mộc hiện có ở Hoàng Sa đều tìm thấy ở Việt Nam, nhất là miền Trung Việt Nam. Mặt khác trong lịch sử Việt Nam có ghi nhận sự kiện: triều đình đã từng sai binh lính đem hạt giống, trồng cây trên quần đảo Hoàng Sa để mưu lợi cho muôn đời về sau, nhất là cho cây cối mọc khiến các tàu thuyền có thể nhận ra đảo ở xa để tránh bị mắc cạn hay bị đụng chìm. Tỷ như năm Minh Mạng thứ 14(1833), vua Minh Mạng đã bảo hộ công: ” dải Hoàng Sa trong hải phận Quảng Ngãi, xa trông trời nươc một màu không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây, thuyền buôn thường bị hại. Nay nên dự bị thuyền bè. Đến sang năm sẽ phái người tới dựng miếu, lập bia, lại trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người sẽ nhận biết, có thể tránh được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời vậy “. (Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ II kỷ, quyển 104, tờ 16b-17a, bản dịch chép tay của Trần Quang Huy). Việc trồng cây này đã được thực hiện và được Đại Nam Hội Điển Sử Lệ(1851), quyển 207, tờ 25b cũng như Việt Sử Cương Giám Khảo Lược (1876), quyển 4 của Nguyễn Thông nhắc đến. (1)
Như thế, ta có thể đi đến một kết luận rằng ” chính binh lính người Việt thời vua Minh Mạng cũng như các thời đại khác đã du nhập các tộc loại thảo mộc hiện có tại Hoàng Sa nhằm giúp ích cho tàu bè qua lại có thể dễ nhận ra đảo để tránh mắc cạn, khỏi đụng vào đảo và đá ngầm. Do đấy, chính thảo mộc hiện có ở Hoàng Sa là di tích quá khứ các người Việt cũng như việc hành xử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, một điều không ai có thể chối cãi. (2)
Tất cả đều dựa vào những dữ kiện lịch sử có từ hàng trăm năm nay, cũng như công trình nghiên cứu khoa học của người Tây phương từ gần 20 năm nay. Hiện nay, Hoàng Sa bị người Trung Hoa cưỡng chiếm, liệu người Trung Hoa có thể làm thay đổi xuất xứ của thảo mộc tại Hoàng Sa hay không? Nếu họ muốn chắc cũng không khó khăn lắm, bởi triều đình Việt Nam trước đây hàng trăm năm với phương tiện thô sơ, còn có thể thực hiện được dễ dàng cơ mà !
CHÚ THÍCH:
(1) Fontaine H. et Lê Văn Hội ” Contribution à la connaisance de la flore dé iles Paracels”, Khảo Cứu Niên San Khoa Học Đại Học Đường (Annales de la Faculté de Sciences), Sài Gòn, 1957, p 133-137.
(2) Chuyến đi khảo sát năm 1956 của Sở Hầm Mỏ, Kỹ Nghệ và Tiểu Công Nghệ thuộc Bộ Kinh Tế, Sài Gòn
(1) Xem Hãn Nguyên “Những Sử Liệu Chữ Hán Minh Chứng chủ quyền của việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa”, cũng đăng tải trên sử địa số báo này.
Nguồn: Tập san Sử Địa số 29. trang 203 – 210.
In lại trên Blog Nguyễn Xuân Diện ngày 19-3-2010: http://nguyenxuandien.blogspot.com/2010/03/hoang-sa-duoi-mat-nha-ia-chat-hfontaine.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn