Học sinh cá biệt nhìn từ góc độ của …

Phạm Toàn


Học sinh cá biệt - Ảnh minh hoạ:
anninhthudo.vn
Chẳng riêng một nơi nào, bây giờ đây, sắp mất hết bò rồi khắp nơi mới ồn lên lo chuyện học sinh cá biệt.

Trong trí nhớ của tôi, nhiều năm xưa vào dịp Ngày Nhà giáo 20-11, báo chí thường đăng những bài rất mùi mẫn xoay quanh học sinh cá biệt thành đạt trở lại thăm thày cô. Bao giờ bài báo cũng đi theo công thức rất dễ viết: khúc một, cô có nhận ra em không? Khúc hai, cô còn nhớ những trò cá biệt em gây đau khổ cho cô và cha mẹ em không? Khúc ba, cô rơm rớm nước mắt nhận quà, trò cười hồn nhiên ôm vai cô lắc lắc…

Bây giờ tình hình học sinh cá biệt chẳng con thơ mộng như xưa nữa rồi. Bây giờ mà không xử lý xong vụ này thì toi đời cả nước! Trong lúc mọi nơi mọi lúc mọi người – theo lối đồng phục – đang đồng thanh lên án rồi đồng lòng quyết nghị là phải đồng loạt ra quân giao nhiệm vụ cho từng học sinh, cho từng thày giáo và cô giáo, cho từng bậc mẹ cha… rồi cho từng nhà trường, cho từng đồng chí dân phòng nữa cũng nên… phải chịu trách nhiệm… thì cá biệt người viết bài này xin chỉ nói một điều… sẽ nằm ở đoạn kết bài viết.

Trước hết, có ai hoặc có những ai nhìn thấy học sinh cá biệt? Trả lời câu này rất dễ. Học sinh cá biệt thường bỏ giờ học, bỏ bài học, bỏ buổi học… Bỏ học thì phải bù hoạt động gì đó vào cái giờ trống trong khi thày cô và bè bạn đang lao động học tập. Vậy là sinh ra “việc” đi chơi lang thang. Đi chơi mỏi chân và khát nước thì phải tạt vào quán mới đầu chơi ghêm, rồi uống trà đá hoặc uống bia hơi tùy túi tiền, trên đường đi thì phì phèo thuốc lá. Muốn chơi thì phải có tiền: học sinh cá biệt bắt nạt bạn để moi tiền của mẹ cha đem tới “cúng”. Không đủ tiền cung cấp cho học sinh cá biệt một cách “nửa lương thiện” như thế, bắt đầu phải nghĩ chuyện đào tường khoét vách móc túi lừa đảo và cướp giật. Kịch bản đến thế đã là tột cùng rồi chứ gì? Hay là còn phải thêm tí án mạng nữa cho thêm gay cấn?

Nhưng có hai câu hỏi phụ cho câu hỏi chính vừa nêu trên – xin bà con ta lưu ý đừng tưởng “phụ” mà kém phần quan trọng!

Câu hỏi phụ thứ nhất: mọi người nhìn vào một em học sinh cá biệt thì đã định dạng được “hắn” rồi – song chính em học sinh cá biệt đó tự định dạng mình ra sao? Đã có bao nhiêu người lớn quan tâm đến điều đó? Đang học mà bỏ học, vậy thì “ta” là cái kiểu người gì đây? Ta bắt nạt các em nhỏ, có khi chỉ bắt nạt chơi, có khi vì tiền bạc, nhưng vì sao tên kẻ cướp ấy lại không thấy hành vi xấu xa đó là xấu xa? Lại nữa, có tiền trong túi, ra mua rượu và thuốc lá, người lớn vẫn bán chứ không cấm, vậy nó nghĩ gì khi đó? Lũ trẻ đó, từng đứa một, nhìn hành vi “đập phá” của mình bằng con mắt gì, chúng có thẹn không, chúng có sợ không, chúng có khi nào đau lòng không?

Các nhà tâm lý học mải dùng trụ sở bao cấp đem cho thuê dạy ngoại ngữ rồi khi rảnh rang thì nói chuyện trời đất cao xa, xã hội chẳng thấy một vị nào thống kê xem những học sinh cá biệt nghĩ gì về bản thân chúng. Muốn chữa cho chúng, không thể chỉ chữa cách chúng nhìn xã hội – phải chữa vào chỗ hiểm nhất là cách chúng tự đánh giá bản thân. Vì trong cách tự đánh giá bản thân chúng sẽ hàm chứa những ẩn ức của chúng với người lớn, với các thiết chế của xã hội, với cái không gian như trong tấm lưới chúng hình dung sẽ sống khi tròn mười tám tuổi cho tới ít nhất là tám mươi tuổi. Ở Liên Xô cũ, có một thực nghiệm tưởng như đùa: cho học sinh đóng vai giáo viên. Thế mà qua đó người ta “thanh tra” được vô khối chuyện liên quan đến nghề nhà giáo và rộng ra hơn là đến nguyên lý chi phối toàn bộ cái xã hội mọi người đang chung sống. Các nhà tâm lý học Việt Nam hãy thử lặp lại thí nghiệm đó đi, và sẽ thấy công việc này vui hơn là chuẩn bị những công viên đầu rùa và mai rùa để ghi tên các học giả thời hiện đại.

Và còn có câu hỏi phụ thứ hai cũng không kém phần quan trọng: có ai hoặc có những ai nhìn thấy từng em và tất cả các em học sinh cá biệt đã trở thành cá biệt như thế nào? Nhân chi sơ tính bản thiện. Không có nhẽ các em học sinh bé nhỏ đã phải trả món nợ tiền kiếp và nhất định phải trở thành “cá biệt”? Những cái hạt tinh khôi và những cái mầm non tơ tính bản thiện hà cớ gì trong tiến trình mười hai năm học “trong vòng tay yêu thương của xã hội” lại dứt khoát từ chối những cái hay cái đẹp, để rồi cứ trở thành “cá biệt”? Trong tiếng Pháp tuyệt nhiên không có thuật ngữ “học sinh cá biệt”, mà chỉ có “enfant difficile” – những trẻ em “có vấn đề”, trẻ em khó học khó dạy, chứ không là những trẻ em cá biệt theo định mệnh!

Cấn nhận thấy là cho tới nay, nền giáo dục nào cũng chậm hơn (“lạc hậu”) so với cuộc sống thực chuyển động ầm ầm như vũ bão. Lạc hậu ít thì trẻ em được nhờ, lạc hậu nhiều thì thành hệ thống ngu dân. Không thể tránh không có học sinh cá biệt. Điều quan trọng là nhà giáo dục cần nhận ra được sự hình thành các kiểu loại học sinh cá biệt do chính mình tạo ra trong một nền giáo dục không hoàn thành nhiệm vụ.

Ít nhất có thể chia các nhân vật đầy tranh cãi đó ra làm ba dạng. Ở một cực này, có một dạng “cá biệt vĩ đại”: trong nền giáo dục đầy tính thần quyền, ông Darwin chắc chắn là học sinh cá biệt, vì ông không tin rằng Chúa đã nặn nên con người. Ở một cực kia, có một dạng “cá biệt Chí Phèo”, vừa là nạn nhân vừa là tội nhân, tự hủy hoại đời mình, số lượng lúc nhiều lúc ít, rất khó cứu chữa. Nguy kịch cho xã hội thực ra lại nằm ở loại giữa: hết sức đông đảo là những trẻ em khước từ một nền giáo dục không phù hợp, nhưng tình nguyện đồng loạt mang đầu óc đồng phục. Ngay từ bé, những em này đã tự bưng tai bịt mắt, đã biết tự nô dịch mình, để vẫn là “cá biệt từng phần” nhưng không bị gán tội danh học sinh cá biệt. Chính cha mẹ những trẻ em này đã từng học lấy cách sống trái với bản tính tự nhiên để ép mình cho hợp với “vòng kim cô yêu thương” của cái nền giáo dục đã tự hủy hoại mình trước khi hủy hoại xã hội. Chính họ góp phần tạo ra những học sinh cá biệt đông đúc đó mà không biết.

Xét trên một khía cạnh nào đó – từ sự phán xét một nền giáo dục bất cập thảm hại – những em “cá biệt” đó quả là đáng thương, vì đó chính là con đẻ của một sự nghiệp giáo dục đã chối bỏ chúng và cũng bị chúng chối bỏ.

Cần dăm bảy chục năm công phu – chứ không phải là vài ba đợt “ra quân” – cần có sự điều hành của những nhà giáo dục đích thực, dựa trên những giải pháp nghiệp vụ, may ra có hy vọng sửa chữa tình trạng bi đát hôm nay. Đừng chữa ung thư bằng thuốc cảm cúm trong tủ thuốc nhà nghèo hoặc bằng tắm bùn tại các khu ăn chơi sang trọng.

Hà Nội, 7-4-2010



PT

Bài đã đăng một phần trên Tuổi trẻ cuối tuần số ra ngày 18-4-2010.

Bản đăng toàn văn trên BVN do tác giả cung cấp.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn