Tại sao phố cổ Hà Nội bị từ chối công nhận là di sản văn hóa thế giới ?

Bài phỏng vấn bà Irina Bokova đăng trên blog "http://banmaixanhblog.tk" dù là thực hay giả tưởng cũng phản ảnh rất đúng thực trạng chỉnh trang Thủ đô Hà Nội để chuẩn bị lễ hội Nghìn năm Thăng Long mà chúng ta đang gấp rút tiến hành lâu nay, tiêu tốn hàng chục tỷ đồng tiền thuế của dân.

Nó làm tôi lo ngại và liên tưởng đến kỷ niệm cười ra nước mắt sau đây!

Hồi tôi còn sống ở Paris vào thập niên 1975-80, ăn mặc xập xệ một cách bình thường theo lề thói tự do sinh hoạt của cộng đồng giới Đại học.
Có một nữ trí thức Hà Nội khá xinh sang làm thực tập. Tháng đầu mỗi khi phải đi ăn restaurant trong campus cùng với bà ta, nhiều khi tôi ngượng chín người vì nhiều đồng nghiệp nhìn theo "mốt đầm à la HN". Bà ta lại càng "se faire remarquer" (tự làm cho người ta chú ý) tợn và nói với tôi:

- Em phải bỏ nhiều tiền tìm những tiệm "mode thời thượng ở HN" để may đấy !

Một tháng sau tôi thấy trên thân thể bà ta biến mất những "mode thời thượng" và ngạc nghiên.

Bà ta cười xòa trả lời:
- Bây giờ em đã biết "mình chả giống ai !".
- Chị tiến bộ cực nhanh!

“Ta có cách làm của ta”, câu nói đó của một vị lãnh đạo đâu từ nhiều thập niên trước vốn là cách nghĩ tiểu nông của kẻ vừa thắng Mỹ nên đâm ra hoang tưởng, nhưng không hề tư vị, nay thì hình như đã được thế hệ lãnh đạo mới tiếp nhận theo một quan điểm thực dụng khác hẳn. Tuân theo sự “chỉ đạo” của túi tiền mà họ có thể vay được và thu lãi được, mặc cho bộ mặt Hà Nội cổ truyền cần gìn giữ ra sao, họ có thể đập phá đi tất cả, nhào nặn lại tất cả, để có một Hà Nội theo con mắt “thời trang” của họ. Đúng là “Mốt đầm à la HN” đấy.

GSTS Nguyễn Thu
Bà Irina Bokova

15h paris tức khoảng 22h Hà Nội ngày 12-4-2010, tại Paris, Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên hiệp quốc (Unesco) đã chính thức từ chối công nhận Phố cổ Hà Nội là di sản văn hóa thế giới. Trong thông cáo chính thức, Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova cho biết: "Unesco đã có những điều tra độc lập và không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ Hà Nội có những di sản như hồ sơ mà họ đã đệ trình". Quyết định của Unesco đã giáng mạnh vào tham vọng của Hà Nội khi thành phố này chuẩn bị mừng đại lễ 1000 năm tuổi với sự tham gia của chính Unesco: Chỉ riêng trong năm 2009, Unesco đã công nhận không gian văn hóa Quan họ Bắc Ninh và Ca trù là di sản văn hóa phi vật thể. Unesco cũng đã đồng ý tham gia đại lễ hội nhân sự kiện 1000 năm Thăng Long, tuy nhiên, những cuộc điều tra và khảo sát và độc lập của Unesco cho thấy riêng đối với Khu phố cổ Hà Nội, không có bất cứ bằng chứng gì chứng tỏ khu phố này đã từng tồn tại hàng trăm năm nay. Bà Bokova trả lời phỏng vấn PV TTXVH tại Paris.


Tháp Nước Hàng Đậu

Tháp Nước Hàng Đậu sau khi cải tạo

PV
: Nhưng thưa bà, những khu phố cổ của Hà Nội hiện vẫn đang tồn tại?!

Bà Bokova: Với tư cách đứng đầu cơ quan Unesco, chính tôi đã trực tiếp tới Hà Nội. Hà Nội chỉ còn lại những nhà vệ sinh thật cổ, và cũng "thật khổ". Kiến trúc những ngôi nhà tại các tuyến phố Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu...có vẻ là kiến trúc hộp diêm, nhưng thực chất nó đã được làm mới. Không có một công trình cổ nào lại có màu hồng hoặc màu xanh.

PV: Thưa bà, nhân dịp đại lễ 1000 năm, Hà Nội đang tu bổ lại các di tích cổ để chúng sạch sẽ và đẹp hơn mà thôi

Bà Bokova: Tôi hiểu những điều các bạn đang làm, nhưng điều đó thực chất lại đang giết chết yếu tố thời gian của di tích. Trên thế giới hiện có 2 cách bảo tồn: Thứ nhất, người ta giữ nguyên trạng di tích, cố gắng tạo cho chúng một môi trường tốt nhất chứ không động chạm tới di tích. Thứ hai, là cách mà các bạn đang làm, tu bổ, thay thế gần như là một sự làm mới. Thật khó có thể chấp nhận một ngôi chùa với toàn gạch men được giới thiệu đã 400-500 năm tuổi, một ngôi nhà trăm tuổi có màu vàng nhạt và mới kính coong; Hoặc một tháp nước có màu xanh da trời.

PV: Nhưng không trùng tu thì di tích sẽ biến thành phế tích, không sơn sửa lại thì di tích trông sẽ rất bẩn thỉu.

Bà Bokova: Nhưng nếu các bạn, gọi theo cách của người Việt là "vôi ve" khu phố cổ, thì sẽ phải đóng hộp quần tây-cà vạt cho vua Lý Thái Tổ?

PV: Thế còn Tháp Rùa, thưa bà, nom nó vẫn cổ kính đấy chứ?

Bà Bokova
: Vâng. Đã có nhiều ý kiến nói Tháp Rùa thực chất chỉ là một ngôi mộ. Unesco coi trọng tất cả các di tích cổ, chứ không phân biệt tính chất của di tích. Ngay tại quê hương Bulgari của tôi 2 di tích được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới đều là các công trình lăng mộ. Quần thể các công trình tôn giáo được đục trong đá tại làng Ivanovo và Mộ người Thrace ở Kazanlak. Riêng đối với Mộ người Thrace, tôi có thể tự hào nói rằng trong đó vẫn còn giữ được những bức tranh cổ được coi là những tuyệt tác nghệ thuật của Bulgari từ thời Hy Lạp cổ và được bảo quản tốt đến ngày nay. Chúng tôi hoàn toàn không hề vôi ve hay trùng tu kiểu làm mới như các bạn mà vẫn có thể giữ gìn được. Xin lưu ý đây là ngôi mộ được xây từ thế kỷ thứ 4 trước công nguyên. Còn Tháp Rùa của các bạn đã được "vôi ve" từ cách đây 20 năm, cùng đợt với một ngôi chùa khác là Trấn Quốc.

PV: Xin nhắc lại câu hỏi, thưa bà, Tháp Rùa vẫn giữ được vẻ cổ kính đấy thôi?

Bà Bokova: Tôi đã đến chiêm ngưỡng Tháp Rùa và trực tiếp sờ tay vào những bức tường. Tôi xin nói thật, có vẻ nó đã được sơn bằng loại sơn không đạt chất lượng nên chỉ 20 năm nó đã có vẻ... cổ kính. Nhiều người trong Ủy ban điều tra độc lập cho rằng Tháp Rùa chỉ có tuổi thọ là 20 và vẻ cổ kính là ngẫu nhiên khi chất lượng vôi ve thấp và được làm cẩu thả một cách tình cờ. Khi đến Hà Nội, tôi được Ủy ban Unesco Việt Nam giới thiệu những tấm ảnh Tháp Rùa được các viên chức người Pháp chụp hồi đầu thế kỷ nhưng chúng tôi không tìm thấy sự liên quan giữa ngôi tháp trong ảnh và ngôi tháp mới hiện đang tồn tại. Hơn nữa, về mặt giá trị kiến trúc, trong sách Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội, từ năm 1971, tác giả Hoàng Đạo Thúy cũng đã đánh giá: "Bang Kim biếu Tây cái Tháp Rùa. Cái tháp này nhìn mãi cũng quen mắt, nhưng dưới thì cửa lối gô-tích, trên thì nóc vụn vặt, kiến trúc không ra lối gì". Còn chùa Trấn Quốc. Nói thật tôi thấy cách thức trùng tu kiểu xây mới và việc bố trí những bộ bàn ghế gỗ trong hiên nom ngôi chùa này giống với một quán cà phê hơn.

PV: Thưa bà, không lẽ phố cổ không còn chút ấn tượng nào đối với bà? Không lẽ hơn 50 tỷ đồng bỏ ra để làm mới di tích cho du khách lại khiến những người nước ngoài không thích?

Bà Bokova: Câu trả lời thứ hai có thể nói được ngay: Không ai thích ở những ngôi nhà mới sáng choang và toàn mùi sơn nhưng lại rúm ró chật hẹp như thế cả. Người ta sẽ chỉ ấn tượng khi chiêm ngưỡng và hít thở sự cổ kính của di tích. Còn ấn tượng của tôi thì lại nằm ở sự ngạc nhiên với cách sống, thích nghi và đầy sáng tạo của cư dân phố cổ. Thật thích thú khi đi trên phố Hàng Bạc chúng tôi bất ngờ bắt gặp một nhà vệ sinh trên ban công tầng hai. Nếu các bạn gìn giữ được những di tích này, hy vọng trong tương lai, Unesco sẽ xem xét lại việc công nhận cho Hà Nội.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn: http://banmaixanhblog.tk/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn