Đi tìm một mô hình phát triển bền vững đô thị Hà Nội

KTS Chân Phương

Một bản đồ quy hoạch mô hình Hạt nhân - Vệ tinh là một bức tranh vẽ lên một viễn cảnh của Hà Nội 30-50 năm sau. Sau đó, liệu mô hình phát triển này tiếp tục thế nào còn hoàn toàn bỏ ngỏ? Cũng như việc dành giụm cả đời để vất vả xây dựng một ngôi nhà mà không biết ngôi nhà đó xây xong mặc dầu vô cùng tốn công, tốn của có đem lại hạnh phúc cho người ở hay không. Nếu khi xây xong mới thấy bao vườn tược thiên nhiên xanh tốt, bao kỉ niệm của ông bà tổ tiên để lại đã bị xóa sạch, ta sẽ thấy căn nhà vô duyên và trống trải, thật chua xót.

Chúng ta đã làm một quy hoạch của Hà Nội vào những năm 60-70. Đến nay là ngoài 40 năm, nhưng những mô hình ấy đã không thành hiện thực và con người không được sống hạnh phúc trong những dự kiến lúc ấy được cho là đúng.

Thử hỏi bức tranh hôm nay chúng ta đang vẽ ra liệu có gì mới hơn, hay chỉ là một bức tranh khác, tuy hào nhoáng màu mè hơn, nhưng vẫn chỉ là một dự kiến xa lạ. Ba mươi năm sau, chúng ta nhìn lại thấy công trình chúng ta vừa lao lực cùng nhau xây dựng nên hóa ra đầy khiếm khuyết mà không sửa chữa được nữa, biết đâu lúc đó chúng ta lại chẳng hối hận rằng mình đã quá ngu ngốc (và có thể cả vì quá tư lợi, tham lam), không chịu bình tĩnh chín chắn hơn để nhìn thấy được bao nhiêu cách khác thông mình hơn, đẹp hơn, nhân văn hơn.

Việc phát triển Hà Nội không thể là một thí nghiệm vô tội vạ trên lịch sử, trên văn hóa và tâm linh của tổ tiên để lại. Những siêu dự án, siêu dự định hồ hởi của nhân loại với kiến thức lệch lạc vẫn còn để lại bao vết thương chưa lành trong lịch sử thế giới và của Việt Nam. Sự phát triển ồ ạt của Hà Nội dưới chủ trương của Nhà nước hôm nay chưa chắc đã đúng đắn trong nhiều năm sau, có thể để lại di chứng lâu dài cho sự phát triển của đô thị này và của các vùng xung quanh.

Chân Phương

Sơ lược lịch sử hình thành và mở rộng đô thị Hà nội

Vào khoảng thế kỷ thứ V, một thị trấn nhỏ tên goi Tống Bình được phát triển ở vị trí Hà Nội ngày nay. Thị trấn được các quan lại phương Bắc củng cố, xây dựng trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, tạo nên La Thành, sau đổi thành Đại La.

Sau khi giành được độc lập, năm 1010 nhà Lý dời kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La, và đổi tên là Thăng Long. Từ đây một trang sử mới phát triển của Thăng Long dưới thời kỳ đất nước độc lập, thoát khỏi kiềm tỏa của Trung Hoa. Thăng Long bấy giờ nằm giáp ba mặt sông là sông Hồng, sông Tô lịch và sông Kim Ngưu, có chu vi hơn 30 km. Các con sông vừa mang giá trị quân sự, vừa là yếu tố thiết yếu cho sự hình thành và phát triển của các làng mạc.

Dưới thời Lý, nhiều công trình được xây dựng như: Đền Quan Thánh 1024, đền Voi Phục, Chùa Một Cột (1049), Văn Miếu (1070), Đền Lý Quốc Sư (1141).

clip_image002

Hà Nội qua bản đồ thời Hồng Đức (nguồn: xaluan.com)

clip_image004

Hà Nội năm 1925, với khu trung tâm và các làng cổ rải rác ven những dòng sông. (Nguồn: Viện Viễn đông Bác cổ)

Trải qua nhiều biến cố lịch sử thăng trầm, Thăng Long luôn đóng vai trò quan trọng, là trung tâm kinh tế, chính trị của đất nước. Đến thế kỷ XVII – XVIII, Thăng Long buôn bán với nước ngoài rất hưng thịnh, các khu buôn bán nằm ở ngã ba sông Tô Lịch và sông Hồng. Một hệ thống thành lũy gồm 16 cổng được xây quanh kinh thành. Nay chỉ còn Ô Quan Chưởng.

clip_image005

Ô Quan Chưởng vẫn phảng phất sự thư thái của ngày xưa. (ảnh: Ngô văn Phú)

Bước qua giai đoạn mới dưới thời Pháp thuộc. Người Pháp xây dựng khu nhượng địa phía Nam hồ Hoàn Kiếm, phá bỏ nhiều công trình kiến trúc cổ của Hà Nội để xây dựng các công trình mang phong cách Đông Dương cùng với hệ thống giao thông, đường sắt hiện đại. Quy hoạch kiểu ô bàn cờ của phía Nam hồ Hoàn kiếm là do KTS. Ernest Hebrard thực hiện năm 1921.

Hà Nội giành độc lập từ năm 1954, thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa Miền Bắc. Tiến hành quy hoạch thành phố Hà Nội với sự cố vấn của các chuyên gia Liên Xô và khối XHCN. Các khu nhà cao tầng theo phong cách quốc tế được xây dựng, như khu Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, nhà máy dệt 8-3. Trường đại học Bách khoa được xây dựng trên khu đất vốn là ao chuôm và nghĩa địa.

Những năm 1990 đánh dấu thời kỳ mở cửa, đất nước chuyển dịch nền kinh tế, chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường. Tốc độ xây dựng và đô thị hóa gấp gáp và nhanh chóng chưa từng có trong lịch sử. Trong 30 năm phát triển từ năm 1990 đến nay Hà nội đột biến tăng diện tích đô thị và lượng dân cư. Đất làng mạc cổ truyền được thay thế bởi các công trình có mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất cao. Quá trình đô thị hóa này tác động lên mọi phương diện thiên nhiên môi trường, văn hóa xã hội của Hà Nội và các vùng xunh quanh.

clip_image007

Hà Nội nhìn từ Vệ tinh, quá trình đô thị hoá diễn ra gấp gáp, không gian xanh dần bị thay thế bởi các công trình xây dựng (nguồn: Wiki)

Cuộc sống có luôn có những biến động, những thay đổi, làm cho mỗi cộng đồng, mỗi cá nhân muốn tồn tại có ý nghĩa, phải có những hành động đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh và đặc điểm của bản thân. Việc xác định một tầm nhìn và một mô hình phát triển bền vững và phù hợp cho Hà Nội không những chỉ ảnh hưởng đến bản thân đô thị này mà còn có liên quan mật thiết đến sự phát triển lâu dài của Đồng bằng Bắc Bộ và của Việt Nam.

Các làng xã quanh Hà Nội đã và đang mất đi các yếu tố cơ sở, mất đi không gian ở cổ truyền và các giá trị tâm linh cộng đồng

Sự mất đi của làng xã trước hết là mất đất nông nghiệp. Trong công cuộc đô thị hóa của Hà Nội, diện tích nội thành ngày một mở rộng, diện tích đồng ruộng trồng lúa và cây trồng bao quanh làng xã, vốn là đặc thù của làng quê Bắc Bộ bị lấy đi.

Đồng lúa xanh, ao chuôm, mương ngòi vốn là mắt xích cân bằng của con người với thiên nhiên châu thổ trong mối quan hệ Trời – Người – Đất được thiết lập sau hàng ngàn năm trên chính nơi này bỗng chốc được thay thế bằng đường nhựa, bê tông, nhà cao tầng.

Khi đất nông nghiệp bị lấy đi, cơ cấu nghề nghiệp thay đổi, không gian làng cổ truyền vốn bao năm nuôi nấng con người cả về vật chất và tinh thần bỗng chốc trở nên không còn phù hợp. Sự ly tán của con người và mảnh đất xảy ra, các sinh hoạt cổ truyền, các nghề cổ truyền không còn có sức thu hút những thế hệ trẻ tuổi tiếp nối.

Sức ép của đô thị hóa gia tăng khi diện tích ở, vườn tược quanh nhà trong các làng cổ truyền bỗng chốc lên giá vùn vụt. Việc trồng trọt cây trái không còn thu hút người dân. Mảnh đất vốn nhiều màu xanh được chia nhỏ, để bán, xây dựng nhà ở, cửa hàng, nhà cho thuê…

Trong làng, các quần thể không gian sinh hoạt cộng đồng như Đình, Đền, Chùa vốn là trung tâm văn hóa và tâm linh dần bị lu mờ, o bế trong sự xô bồ của đô thị hóa. Các yếu tố thiên nhiên quanh những quần thể kiến trúc này bị ô nhiễm và xâm phạm. Các công trình xunh quanh ảnh hưởng nặng nề lên cảnh quanh và môi trường của khu vực vốn dĩ thiêng liêng và yên bình.

Các không gian lịch sử của khu vực nội thành cũ bị xâm phạm, đảo lộn không thể khôi phục.

Hà nội là một đô thị có tuổi đời hàng ngàn năm. Khu vực trung tâm lưu giữ nhiều dấu ấn của đời sống xưa kia, vốn dĩ như một cuốn sách để cho các thế hệ sau tìm về cội nguồn, tìm về không gian ngày xưa tổ tiên ông bà sinh sống qua bao thăng trầm lịch sử.

Dưới sức ép của quá trình đô thị hóa, cơ cấu không gian lập tức chuyển dịch theo những xu thế gặp thời của xã hội thay đổi hàng ngày. Để tìm trong khu vực 36 phố phường những ngôi nhà cổ quả thực là một việc khó.

Thành cổ Hà Nội nay phần lớn diện tích bị xâm phạm, dùng vào những mục đích khác. Dấu tích về kinh thành thời Lý, Trần, chỉ còn lại những mảnh vỡ rời rạc, trôi nổi trong các viện bảo tàng. Chính bản thân không gian kinh thành xưa thì được dùng để xây những công trình của quân đội.

Hà Nội là một vùng đất vốn nhiều con sông uốn khúc, mang nước về nuôi sống con người và điều hòa môi trường. Nhiều con sông gắn liền với lịch sử của Thăng Long – Hà Nội, gắn với các công trình tín ngưỡng, tâm linh. Các sông hồ ngày nay bị ô nhiễm và xâm phạm trầm trọng. Hệ sinh thái của các hồ bị phá hủy. Sông Tô Lịch thơ mộng và thiêng liêng trở thành cống thoát nước bẩn của thành phố. Nhiều con sông như sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu cùng chịu chung số phận. Diện tích nhiều hồ nước bị thu hẹp. Nhiều ao hồ đóng vai trò lọc và điều hòa đã bị lấp để xây dựng nhà cửa.

clip_image009

Sông Kim Ngưu (ảnh: internet)

clip_image011

Sông Tô Lịch, con sông huyền thoại của Thăng Long giờ trở thành cống thoát nước thải cho thành phố (ảnh: Chân Phương)

Triền miên ùn tắc giao thông. “Con đường đắt nhất hành tinh”. Thiếu hiểu biết và phá hoại.

Dubai là nơi sản sinh ra những ý tưởng, những dự án ngông cuồng và xa xỉ nhất. Vậy mà nước Việt Nam ta mới có “con đường đắt nhất hành tinh”.

clip_image013

clip_image014

Giao thông Hà Nội quá tải (nguồn: vnn.vn)

Vì đâu vậy? Đường đê La Thành vốn là một phần của thành La Thành được xây dựng từ thế kỉ thứ VIII, trải qua hơn ngàn năm và vẫn còn dấu tích đó. Ngoài vai trò làm con đê, làm bờ thành bảo vệ cuộc sống xưa bên trong thành, La Thành còn là tiếp giáp của nội thành Hà Nội xưa với ngoại thành. Dân cư đông đúc sống hai bên đường tạo nên đô thị có những dấu ấn lịch sử đan xen, chồng lớp phong phú.

Xu thế mở rộng Hà Nội, và xây dựng các đường vành đai đã chấm dứt sự đa dạng và giàu có của lịch sử La Thành như một sự tất yếu. Sức ép của dân cư đổ về thành phố làm cho các con đường vốn không chật chội ngày xưa trở nên quá tải trước bao xe cộ và hàng vạn người qua lại mỗi ngày. Có lẽ không một quốc gia nào phải giải tỏa nhiều không gian sinh sống của người dân đến vậy để xây đường. Chi phí giải phóng mặt bằng lên tới 80% chi phí của dự án[1] Tổng chi phí cho đoạn đường Kim liên – Ô Chợ Dừa dài 1000m là 800 tỉ đồng, đoạn Ô chợ Dừa – Hoàng Cầu dài 550m là 642 tỉ đồng.

Việc tìm thấy Đàn Xã Tắc trong quá trình làm con đường hoang phí là một khai quật muộn màng và chua xót. Sự thiếu hiểu biết và thiếu tầm nhìn dẫn đến hiện thực là Đàn Xã Tắc vốn là nơi xưa kia để cầu sự bình yên cho đất nước, cho đồng bào vậy mà giờ nằm hớ hênh giữa con đường như một cái bùng binh giao thông, với một cục đá to, hung dữ đè lên trên.

La Thành sẽ không là con đường duy nhất phung phí nhiều tiền bạc đến vậy. Đàn Xã Tắc sẽ không phải là chốn thiêng liêng duy nhất bị xâm phạm và phá hoại. Trong xu hướng mở rộng Hà Nội theo các đường hướng tâm, và mô hình “thành phố vệ tinh”, nhiều không gian lịch sử thiêng liêng khác của Hà Nội sẽ bị giải tỏa, dọn đường cho xe cộ và bê tông cốt thép.

Nhà siêu mỏng, hàng rong, dân ý thức kém hay quan kiến thức kém?

clip_image016

Nhà siêu mỏng đường Kim Liên Ô Chợ Dừa (nguồn:?)

“Giao thông ùn tắc do dân ý thức kém”, “Nhà siêu mỏng, siêu bé, lộn xộn do dân ý thức kém”, “Du lịch chặt chém, ép khách do dân ý thức kém”, “Ô nhiễm môi trường do dân ý thức kém”, “Hàng rong mất mỹ quan văn minh do dân ý thức kém”…

Có lẽ cái điệp khúc nhạt nhẽo này phải dừng lại, và phải nhìn vào những nguyên nhân làm cho xảy ra cái nông nỗi “ý thức kém” đó.

Nhân dân ta trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Một ngàn năm Bắc thuộc, một trăm năm thuộc địa của Pháp, người dân không có tinh thần yêu nước thì sao còn có nước Việt Nam hôm nay.

Dân gian là nơi sản sinh ra bao giá trị mỹ thuật, nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam, làm cho thế giới biết đến và trân trọng. Một cộng đồng thấp kém không có tâm hồn không thể tạo ra những giá trị độc đáo đến vậy.

Thăng Long - Hà Nội là nơi Kinh kỳ Kẻ chợ, nơi các phường thợ nổi tiếng xa xưa tụ về, cùng nhau cần cù làm nên sự độc đáo và đa dạng, dồi dào sức sống của bản sắc Thăng Long – Hà Nội. Đó không thể là sản phẩm của một nhóm người hỗn loạn hay lười nhác.

Phải nói những định hướng cứng nhắc, duy ý chí và không phù hợp với bản sắc Việt Nam, với đặc thù của Hà Nội đã làm nên sự xung đột và hỗn loạn xô bồ hôm nay. Chúng ta cần suy nghĩ tìm ra hướng đi phù hợp với đặc thù của nơi này, chứ không thể bắt Hà Nội phải gượng ép theo một lối đi khô cứng và áp đặt vay mượn từ bên ngoài.

Ngày xưa cổ nhân đã nói “thượng bất chính thì hạ tắc loạn”. Trước khi trách người dân, có lẽ các bậc có chức có quyền cùng nhìn lại mình, học hỏi và sửa lỗi của bản thân, được vậy thì may mắn lắm.

Mô hình Hạt nhân – Vệ tinh, Sức hút chất xám của các vùng xunh quanh, mất cân bằng giữa trung tâm và ngoại biên, phân biệt giàu nghèo gia tăng.

Có lẽ mọi người vẫn nhìn thấy hàng ngày hàng vạn người kéo về Hà Nội. Đó là những người ở những ngoại tỉnh về Hà Nội tìm cơ hội học tập, làm việc, chữa bệnh… mong muốn có những cơ hội tốt hơn [và các những con ông cháu cha quan lại các tỉnh dư thừa tiền của cũng đổ xô về Hà Nội mua nhà ăn chơi nữa chứ? – BVN chú thêm].

Nếu ở các tỉnh có những điều kiện học tập, có các trường đại học tốt, có những dự án tạo công ăn việc làm bền vững cho người địa phương, con người sẽ không phải lặn lội bon chen về thành phố chịu đựng khói bụi và gây nên mệt mỏi cho nhau mỗi ngày. Nếu được như vậy, mỗi người sinh ra sẽ lớn lên, gắn bó và làm việc học tập trên chính mảnh đất quê hương mình. Thành phố Hà Nội sẽ nhỏ nhắn và không phải căng thẳng gồng mình lên làm cái máy hút người từ các địa phương đổ về.

Nhiều làng xóm phía Nam Hà Nội bị ô nhiễm nguồn nước vì phải hứng chịu nước thải của thành phố. Nghĩa trang Văn Điển được xây dựng từ những năm 70 của thành phố dồn âm khí về cho bao nhiêu con người của các làng cổ phải hứng chịu. Rồi bây giờ một nghĩa trang khổng lồ ở Sơn Tây được xây dựng. Thật trớ trêu, nơi thì toàn mồ mả, nơi thì toàn sân golf, toàn là những thứ dân địa phương không cần và chả thể dùng nhiều đến thế. Ở Sóc Sơn, bãi rác khổng lồ ngập ngụa làm ô nhiễm môi trường sống hàng ngày của người dân trong khi Hà Nội dành 50 tỉ để làm mới và trang trí Hồ Gươm, quả là trớ trêu!

clip_image017

Bãi rác Nam Sơn, Đông Anh (ảnh: Đức Tuấn)

Mô hình “thành phố vệ tinh” của Hà Nội càng bơm phồng vai trò độc tôn của “hạt nhân” Hà Nội. Các vệ tinh sẽ luôn bị lệ thuộc và sự bất bình đẳng sẽ ngày càng gia tăng.

Mô hình thành phố vệ tinh không tận dụng được công nghệ tiên tiến để phát triển bền vững

clip_image018

Mô hình Hạt nhân - Vệ tinh thổi phồng vai trò của Hạt nhân, các vệ tinh bị lệ thuộc, mất tính độc lập của mình (Nguồn: Quy hoạch Hà Nội do Liên danh tư vấn quốc tế PPJ (Perkins Eastman - Mỹ, Posco E&C và Jina - Hàn Quốc)

Mô hình đô thị Vệ tinh của Hà Nội đang thực hiện tạo ra khoảng cách lớn giữa vùng trung tâm và ngoại vi. Sự phân biệt này sẽ tạo ra nhiều sự hao tổn năng lượng di chuyển và tạo ra sự phá hoại bản sắc từ trong ra ngoài.

Mô hình đô thị Hạt nhân - vệ tinh không còn phù hợp với sự thay đổi tiên tiến của thế giới. Với sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng Internet trong vài thập kỷ qua nhu cầu kết nối và trao đổi thông tin đã có những phương thức thực hiện rất hiệu quả và tiết kiệm. Một địa điểm ven bờ biển hay tai một thị trấn bất kì đều có thể bình đẳng tham gia trao đổi thông tin trên mạng Internet như bất cứ trung tâm sầm uất nào trên thê giới.

Với việc áp dụng Công nghệ thông tin, vô số trung tâm nhỏ có thể sống, làm việc và nghỉ ngơi với những bản sắc riêng được kết nối tạo thành mạng lưới vượt khỏi khoảng cách của không gian. Mỗi trung tâm nhỏ xác định trách nhiệm của mình với môi trường riêng, thay bằng việc lệ thuộc vào một “trung tâm” khác.

Thay vì tất cả đều lệ thuộc vào một trung tâm, mỗi con người, mỗi cộng đồng nhỏ đều có thể là một trung tâm, nhiều thành phố nhỏ có bản sắc của chúng với không gian sống, làm việc, và nghỉ ngơi khép kín cùng nhau tạo thành một mạng lưới với vô số những điểm trung tâm, bổ sung và tương trợ lẫn nhau phát triển.

Chính mô hình này cho phép ta có được sự bình đẳng về phương tiện, công nghệ để tự do phát triển trên cơ sở ưu điểm vốn có của mình. Sự phát triển bền vững được tạo nên bởi sự đa dạng và bình đẳng, thay vì mô hình độc tôn và lệ thuộc.

Quy hoạch cho 30 năm hay những hành động cần thiết cho hiện tại, cho mãi mãi mai sau?

Một bản đồ quy hoạch mô hình Hạt nhân - Vệ tinh là một bức tranh vẽ lên một viễn cảnh của Hà Nội 30-50 năm sau. Sau đó, liệu mô hình phát triển này tiếp tục thế nào còn hoàn toàn bỏ ngỏ? Cũng như việc dành giụm cả đời để vất vả xây dựng một ngôi nhà mà không biết ngôi nhà đó xây xong mặc dầu vô cùng tốn công, tốn của có đem lại hạnh phúc cho người ở hay không. Nếu khi xây xong mới thấy bao vườn tược thiên nhiên xanh tốt, bao kỉ niệm của ông bà tổ tiên để lại đã bị xóa sạch, ta sẽ thấy căn nhà vô duyên và trống trải, thật chua xót.

Chúng ta đã làm một quy hoạch của Hà Nội vào những năm 60-70. Đến nay là ngoài 40 năm, nhưng những mô hình ấy đã không thành hiện thực và con người không được sống hạnh phúc trong những dự kiến lúc ấy được cho là đúng.

Thử hỏi bức tranh hôm nay chúng ta đang vẽ ra liệu có gì mới hơn, hay chỉ là một bức tranh khác, tuy hào nhoáng màu mè hơn, nhưng vẫn chỉ là một dự kiến xa lạ. Ba mươi năm sau, chúng ta nhìn lại thấy công trình chúng ta vừa lao lực cùng nhau xây dựng nên hóa ra đầy khiếm khuyết mà không sửa chữa được nữa, biết đâu lúc đó chúng ta lại chẳng hối hận rằng mình đã quá ngu ngốc (và có thể cả vì quá tư lợi, tham lam), không chịu bình tĩnh chín chắn hơn để nhìn thấy được bao nhiêu cách khác thông mình hơn, đẹp hơn, nhân văn hơn.

Trong một thế giới chuyển dịch không ngừng, mọi dự tính cứng nhắc dài hạn sẽ không lường trước và linh hoạt thích ứng với các biến đổi xung quanh. Thay vào đó, cần có những hành động làm cho hiện tại tốt đẹp hơn, mạnh khỏe hơn.

clip_image020

Sơ đồ mô hình mạng World Wide Web, một bước ngoặt trong lịch sử phát triển của thế giới. Tạo ra một sơ đồ tương đối “phẳng” (nguồn: internet)

Mô hình mạng đô thị là mô hình phát triển phi thời gian. Mô hình này tôn trọng đời sống của chính ngày hôm nay. Chính cuộc sống ngày hôm nay được làm tốt hơn là điều chuẩn bị có ý nghĩa nhất cho ngày mai. Một dòng sông ô nhiễm đang chờ được khôi phục. Một con đường lầy lội cần được tu bổ. Một mái chợ nghèo cần được che mưa che nắng. Những bệnh viện, trường học cần được quan tâm xây dựng ở đâu đó xa xôi, trẻ em và người già cần được giúp đỡ. Mỗi người, mỗi cộng đồng cần nhìn ra những vấn đề, những tiềm năng của riêng mình để làm những việc cần thiết khác nhau.

clip_image022

Giáo dục cộng đồng và trẻ em có trách nhiệm với môi trường (nguồn: Báo ảnh VN)

Mô hình mạng là một mô hình mở không có giới hạn. Một số trung tâm sinh ra và một số khác có thể mất đi tuỳ theo hoàn cảnh nhưng sự linh hoạt và chặt chẽ của tổng thể và sự tự do của mỗi trung tâm không bị ảnh hưởng.

Thận trọng và bình thản, khơi nguồn tri thức, không phát triển vật chất bằng mọi giá.

Việc phát triển Hà Nội không thể là một thí nghiệm vô tội vạ trên lịch sử, trên văn hóa và tâm linh của tổ tiên để lại. Những siêu dự án, siêu dự định hồ hởi của nhân loại với kiến thức lệch lạc vẫn còn để lại bao vết thương chưa lành trong lịch sử thế giới và của Việt Nam. Sự phát triển ồ ạt của Hà Nội dưới chủ trương của Nhà nước hôm nay chưa chắc đã đúng đắn trong nhiều năm sau, có thể để lại di chứng lâu dài cho sự phát triển của đô thị này và của các vùng xung quanh.

Một tầm nhìn phát triển lâu bền cho một một đô thị có chiều sâu lịch sử như Hà Nội phải là kết quả của một quá trình tích tụ kiểm nghiệm, là kết tinh của nhiều điều kiện thuận lợi, phải thấm đẫm tinh thần và tư tưởng của dân tộc.

Một tầm nhìn khô cứng, duy ý chí hoặc thiên lệch không những không tạo được một sức mạnh lâu bền mà ngược lại, còn phá hoại những giá trị vốn có, ngăn cản sự phát triển thực sự hồn nhiên của một đô thị, rộng hơn là của cả của đất nước.

Đất nước Việt Nam đang đứng trước nhiều vận hội, vận hội để mở ra đón những ngọn gió thời đại, để tránh những điều nên tránh và có những hành động hợp lý. Sự chuẩn bị tốt nhất là một tâm hồn cởi mở, hòa hợp, gìn giữ và khơi nguồn những bản sắc của mình, tiếp thu và phát triển những giá trị tiến bộ của nhân loại để xác định hướng đi bền vững.


Bảng so sánh hai mô hình phát triển

Mô hình Vệ tinh Hướng tâm

Mô hình Mạng

Các tiêu chí của một thành phố bền vững và hạnh phúc[2]

1

Tối đa khai thác diện tích mặt đất, mặt nước

Sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Cân bằng quan hệ Con người – Môi trường

2

Tăng giao thông cơ giới, bãi đỗ xe, đường cao tốc

Giảm phương tiện cơ giới, giao tiếp thuận lợi

3

Vắt kiệt nguồn tài nguyên, hưởng thụ

Sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm ô nhiễm và lãng phí.

4

Phá hủy sự cân bằng của hệ sinh thái

Khôi phục hệ sinh thái

5

Nhà ở hiện đại,

điều hòa không khí nhân tạo.

Nhà ở và môi trường sống lành mạnh, gắn liền với thiên nhiên

6

Môi trường xã hội phân biệt, quan hệ truyền thống bị phá vỡ

Môi trường xã hội lành mạnh, duy trì quan hệ xã hội, tập tục truyền thống

7

Nền kinh tế bùng nổ và không bền vững

Một nền kinh tế bền vững mang đặc điểm địa phương.

8

Chi phối bởi tài chính và quyền lực tập trung

Tham gia của cộng đồng

9

Mất bản sắc

Bảo tồn bản sắc văn hoá và tri thức.

Hà nội ngày 6 tháng 5 năm 2010

CP

Chú dẫn:


[1] Việt Chiến, Con đường đắt nhất hành tinh

http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201017/20100421003443.aspx

[2] Stephen Wheeler, Planning Sustainable and livable cities, 1998

Tài liệu tham khảo:

Trần Huy Ánh, 50 năm qua, Hà Nội san lấp 80% diện tích mặt nước để xây dựng?

http://mag.ashui.com/index.php/tuongtac/phanbien/55-phanbien/809-50-nam-qua-ha-noi-san-lap-80-phan-tram-dien-tich-mat-nuoc-de-xay-dung.html

Nguyễn Khắc Tụng, Nhà ở Cổ truyền các dân tộc Việt nam, Hội khoa học lịch sử Việt nam, 1993

Alvaro Siza, El croquis Monograph 68/69+95

Fathy, Hassan, Architecture for the Poor : An Experiment in Rural Egypt. University of Chicago Press, 1976

Thomas L. Friedman, Thế giới phẳng, 2006

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn