Kiến nghị mới về quy hoạch Thủ đô Hà Nội của KTS Trần Thanh Vân

TS Đặng Thị Hảo

clip_image002Sáng 3/6/2010, sau cuộc họp phản biện Đề án Quy hoạch Thủ đô 2030 tầm nhìn 2050 tại 1A Hùng Vương, Kiến trúc sư cảnh quan Trần Thanh Vân đã trực tiếp chuyển cho Ban tổ chức thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó TT Hoàng Trung Hải, Văn phòng CP & Văn phòng TƯ  kiến nghị không nên vội vàng phê duyệt bản quy hoạch, cần chấn chỉnh lại bộ máy làm việc cho thật nghiêm túc, có chất lượng để tiếp tục nghiên cứu thêm. Lý do: 1/ bản Quy hoạch sai về cơ sở pháp lý và trình tự nghiên cứu. Bộ xây dựng thay mặt Chính phủ thuê PPJ (Perkins Eastman Mỹ, Posco E&C Hàn quốc và Jina Architect Hàn quốc) chỉ là hình thức, vừa lãng phí vừa sai nguyên tắc hợp đồng kinh tế; 2/ Những người làm quy hoạch không hiểu hiện trạng, và không coi trọng giá trị văn hóa lịch sử ngàn năm, không có ý thức kế thừa những người đi trước. Việc đưa Trung tâm hành chính quốc gia vào chân núi Ba Vì và vẽ ra trục Thăng Long với cái gọi là “trục tâm linh” của bản Quy hoạch đã “vi phạm luật Phong thủy, có thể dẫn đất nước đến họa diệt vong”. Theo KTS Trần Thanh Vân thì những người chỉ đạo nghiên cứu quy hoạch đã không hiểu gì về các bước và trình tự làm quy hoạch, ý tưởng vội vã phi thực tế, chưa bàn bạc kỹ cũng như chưa qua các bước thiết kế chi tiết, thiết kế thi công, chưa có khái toán, dự toán, thậm chí chưa được phê duyệt, v.v. đã vội công bố chi phí hết 10 nghìn tỷ đồng và tuyên bố chắc như đinh đóng cột “năm 2011 sẽ thi công”. Điều đó cho thấy, người công bố những vấn đề trên không chỉ non kém ở trình độ chuyên môn, trình độ quản lý mà động cơ cũng “rất không lành mạnh”.

Từ thực tế trên, KTS Trần Thanh Vân đưa ra ba kiến nghị:

1/ Trung tâm hành chính quốc gia đặt ở Tây Hồ Tây vì:

Sử sách đã nhiều lần chứng minh Trung tâm Thăng Long thời Lý, Trần, Lê là ở Hồ Tây, các phường quanh Hồ Tây xưa là những đơn vị hành chính cấp cơ sở của Kinh thành như Thụy Chương, Hồ Khẩu, Yên Thái, Trích Sài, Võng Thị, Bái Ân, Nhật Chiêu, Quảng Bá, Nghi Tàm, Yên Hoa,… trong đó, phường Nhật Chiêu (nay gọi là phường Nhật Tân quận Tây Hồ) chính là nơi đồn trú của quân lính bảo vệ Kinh thành. Từ đây, các đoàn thuyền xuất quân ra đi đánh giặc và cũng là nơi tổ chức lễ khao quân khi chiến thắng trở về. Tục lệ ấy đến nay vẫn còn được lưu giữ. Như vậy, Hoàng thành, nơi vua ở, nằm ở phía Nam Hồ Tây; phường Nhật Chiêu, nơi quân lính đồn trú, nằm ở phía Bắc Hồ Tây. Bố cục này chỉ bị phá bỏ khi vua Gia Long dời Kinh đô vào Phú Xuân (Huế). Kinh thành Thăng Long bị hạ cấp thành trấn thành, các phường quanh Hồ Tây chỉ còn là các làng của huyện Từ Liêm. Đến nay Thủ đô ta mở rộng theo cấu trúc “Tựa núi nhìn sông, rồng cuộn hổ chầu” nên vì lợi ích dài lâu sống còn của đất nước thì NÃO THỦY Hồ Tây cần phải trở lại vai trò Trung tâm của Thủ đô. Chúng ta không được để cho người nước ngoài (hay bất cứ ai) đầu tư xây dựng khu đô thị mới với Trung tâm thương mại, ngân hàng, Trung tâm tài chính, khách sạn, biệt thự… tại đây. KTS nhấn mạnh: “Nơi đây phải là Trung tâm Hành chính quốc gia và các hoạt động công cộng như xây Trung tâm đào tạo nhân tài Đất Việt hoặc Viện Hàn lâm khoa học (cho trí tuệ thăng hoa, cho người tài xuất hiện), nơi này rất gần Ba Đình, thuận lợi cho mọi hoạt động Nhà nước. Ngoài ra cần xây công viên mở cho nhân dân cả nước đến di dưỡng tinh thần. Xây Đàn Nam Giao mới để tiến hành nghi thức tạ ơn Trời đất cho quốc thái dân an”.

Từ góc nhìn khoa học Phong thủy, KTS Trần Thanh Vân còn nhấn mạnh: suốt mấy ngàn năm qua, từ Mã Viện đến Cao Biền, và đặc biệt là cơn lốc Hồ Tây chiều ngày 11/9/1955 làm chết 4 mạng người của Đoàn văn công Tề Cáp Nhĩ (Trung Quốc) mà bản thân bà từng chứng kiến… cho thấy, Hồ Tây là huyệt đạo quốc gia rất quan trọng, luôn luôn bị dòm ngó, phá hoại: “Nay ta bỏ Hồ Tây lên Ba Vì là ta mất nước”.

2/ Phục hồi hệ thống sông Nhụê, sông Thiên Phù, sông Tô Lịch và Hồ Tây nối với sông Hồng (sơ đồ kèm theo)

Theo KTS, sông Thiên Phù bị lấp dần trong quá trình xuất hiện đê sông Hồng, từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX thì người Pháp xây thành phố Hà Nội lấp gần hết sông Tô Lịch. Long mạch Thăng Long bị triệt phá trầm trọng. Việc phục hồi các dòng sông và cải tạo các hồ như Thủ tướng đã chỉ thị trong một số Hội nghị về QH Thủ đô là hoàn toàn cần thiết và đúng lúc.

KTS cho biết, để thực hiện hai kiến nghị trên, bà và các cộng sự đã hợp tác với các Kiến trúc sư người Pháp đưa ra ý tưởng quy hoạch Tây Hồ Tây theo trục phong thủy, hướng Tây Bắc Đông Nam dựa vào dòng chảy sông Hồng (khác với QH trục Đông Tây Hà Nội đã duyệt năm 2008), đề xuất ý tưởng nối các kênh mương tạo ra một tuyến Du lịch ca-nô như một Vernice của nước Ý ngay trong lòng Thủ đô.

Về thiện chí của ông Tổng thống Hàn quốc giúp ta cải tạo sông Tô Lịch và hệ thống sông hồ Hà Nội, KTS Trần Thanh Vân cho rằng đó là là hảo ý đáng quý, nhưng bà cũng bày tỏ quan ngại các nhà thiết kế Hàn Quốc không thể có ý tưởng và hiểu biết địa lý, phong thủy đặc biệt phương diện ý nghĩa tâm linh, tình cảm… của người Việt như nhóm nghiên cứu Pháp và Việt kiều Pháp đang hợp tác với bà. Hiện tại nhóm của bà đang làm việc hoàn toàn tình nguyện, chưa xin Nhà nước cấp kinh phí. Hơn nữa, nếu Thủ tướng cho phép, Nhóm của bà sẽ hoàn tất công việc và sẽ trình bày rất sớm ý tưởng kiến trúc trên; Nguồn tiền đầu tư cũng đã sẵn sàng từ  phía Việt kiều Mỹ.

3/ Bảo tồn thành cổ Thăng Long là đô thị hành chính, văn hóa, du lịch

Đây là nhiệm vụ cấp bách vì theo KTS Trần Thanh Vân: nếu ta nhìn vào Bản đồ dấu tích các dòng sông cổ thì thấy gần như toàn bộ Hà Nội cũ nằm trên lòng Nhĩ Hà xưa. Theo phân tích của các tài liệu địa chất, do con đê ngăn cách, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng Hà Nội đang tiếp tục bị sụt lún mà hàng năm không được phù sa bồi đắp nên Hoàng thành Thăng Long sau 1000 năm đã sụt 5m. Việc chúng ta tiếp tục xây nhiều công trình cao tầng sẽ khiến tốc độ sụt lún nhanh hơn, nguy hại khó lường. 

Nhìn vào ba triều đại thịnh vượng lâu dài nhất trọng lịch sử nước ta là Lý, Trần, Lê, thì Kinh đô Thăng Long luôn là một đô thị hành chính. Thậm chí kể cả thời Tây Sơn, thời Nguyễn Gia Long và suốt 100 năm Pháp đô hộ, Hà Nội vẫn là đô thị hành chính, dân số cho tới năm 1961 mới chỉ dưới 10 vạn người .

Ngày nay chúng ta mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là để đáp ứng nhu cầu phát triển và để bảo tồn đô thị cổ. Trong phạm vi vành đai I và vành đai II, tuyệt đối không cho xây công trình cao tầng, tháo dỡ hết những công trình cơi nới, xen cấy và cần đưa hết bệnh viện, nhà máy, cơ sở sản xuất ra các đô thị vệ tinh. Đến lúc có thể được, phải đập bỏ những công trình cao tầng phá vỡ cảnh quan như Napoleon đã làm với Paris.

Cuối cùng nhà kiến trúc nhắc lại nguyện vọng: “Hà Nội cũ sẽ mãi mãi chỉ là đô thị hành chính và văn hóa, du lịch…” và bà tin tưởng “ Nếu Hà Nội cổ chỉ có nhà thấp tầng và cây xanh, vườn hoa và công viên, sẽ bảo vệ được Thăng Long trường tồn”.

ĐTH

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn