'Tham nhũng tồn tại dưới nhiều hình thức trong ngành giáo dục VN’

Thưa quý vị, mới đây, một cuộc đối thoại về cuộc chiến chống tham nhũng trong ngành giáo dục ở Việt Nam, với sự tham gia của đại diện Chính phủ Việt Nam cùng nhiều nhà ngoại giao và tổ chức phi chính phủ, đã diễn ra ở Hà Nội để tìm lời đáp cho câu hỏi: ‘Liệu chúng ta có thể chống tham nhũng nói chung, và trong hệ thống giáo dục nói riêng?’ Trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam tuần này’, mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi của Nguyễn Trung với bà Marie Ottosson – Phó Đại sứ đồng thời là Trưởng Bộ phận hợp tác phát triển của Đại sứ quán Thụy Điển, cơ quan đại diện cho các đối tác phát triển ở Việt Nam tham gia cuộc đối thoại lần thứ Bảy.

Nguyễn Trung

clip_image001

Bà Marie Ottosson nói rằng mọi người ở Việt Nam phải 'chung tay chống tham nhũng'. Hình: The Embassy of Sweden

clip_image003

Đối thoại lần 2 (3/12/2007) về phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức. Ảnh: VTC.

VOA: Thưa bà, vì sao vấn đề chống tham nhũng trong ngành giáo dục ở Việt Nam là trọng tâm của cuộc đối thoại lần này?
Bà Marie Ottosson: Đây là một quyết định chung của Chính phủ Việt Nam, và Thụy Điển, đại diện cho các đối tác phát triển. Chúng tôi thảo luận về các chủ đề khác nhau sáu tháng một lần. Lần này, đại diện Chính phủ Việt Nam đã đưa ra đề xuất về chủ đề chống tham nhũng trong hệ thống giáo dục.
Đây là một ý tưởng thảo luận tốt vì chúng tôi tin rằng tham nhũng trong ngành giáo dục rõ ràng ảnh hưởng tới tất cả mọi người và gây tác động xấu tới sự phát triển của Việt Nam.

clip_image005

Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 3 (3/6/2008) tại Hà Nội. Ảnh: Giáo dục thời đại Online


VOA: Theo đánh giá của các đối tác phát triển, tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam hiện có nghiêm trọng không?
Bà Marie Ottosson: Chúng tôi thấy nhiều hình thức tham nhũng khác nhau trong ngành giáo dục Việt Nam. Một cuộc nghiên cứu chính thức mới đây cho thấy, tình trạng tham nhũng tồn tại trong mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh. Ngoài ra, đối với phụ huynh học sinh ở các thành phố lớn, họ nghĩ rằng việc trả tiền cho các thầy cô giáo dạy thêm ở nhà là chuyện bình thường.
Bản thân các giáo viên cũng cho rằng việc dạy kèm học sinh ngoài giờ cũng là điều bình thường. Thêm nữa, việc mua sắm sách vở hoặc những vật dụng khác (trong nhà trường) cũng tạo cơ hội cho tham nhũng phát sinh.
VOA: Tính minh bạch đóng vai trò như thế nào đối với chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam, thưa bà?
Bà Marie Ottosson: Chúng tôi thấy rằng đôi khi có các giải pháp khác nhau được đề xuất để chống tham nhũng, nhưng điều luôn quan trọng là tính minh bạch. Tôi và Đại sứ quán Thụy Điển tin chắc rằng đó là một yếu tố cơ bản trong chiến dịch chống tham nhũng.
Nếu mọi chuyện minh bạch, mọi người sẽ biết thu nhập của giáo viên, cách cho điểm học sinh và cách xếp loại các trường học. Tính minh bạch cũng nên được thể hiện trong các quyết sách, và đó là điều cực kỳ quan trọng. 
VOA: Thế còn vai trò của truyền thông và tự do báo chí?
Bà Marie Ottosson: Chúng tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của một nền báo chí tự do. Chúng tôi tin rằng báo chí tự do và độc lập là điều cần phải được khuyến khích nhiều hơn. Báo chí cũng cần phải được phát triển mạnh hơn để đóng vai trò quan trọng trong cả việc thúc đẩy một xã hội dân chủ và lẫn chống tham nhũng.
Chúng tôi cũng tin rằng truyền thông cần phải được khuyến khích viết về các vụ việc liên quan tới vấn đề tham nhũng. Việc hỗ trợ báo chí sẽ mang lại những thay đổi tích cực, và điều đó sẽ củng cố vai trò cũng như trách nhiệm của báo chí cũng như vấn đề tự do báo chí và tự do tiếp cận thông tin.
'Đại diện của các cấp cao phải làm việc làm sao để trở thành một tấm gương cho cấp thấp hơn', bà Marie Ottosson nói.
VOA: Có quan điểm cho rằng việc chống tham nhũng ở Việt Nam không mang tính hệ thống. Bà nghĩ sao về ý kiến này?
Bà Marie Ottosson: Tôi không ở vị trí để có thể đưa ra bình luận về ý kiến này. Nhưng như tôi đã nói ngay lúc đầu, một số nghiên cứu về tham nhũng đã được tiến hành ở Việt Nam. Tôi cũng tin là các cuộc đối thoại chống tham nhũng như chúng tôi đang thực hiện sẽ đóng vai trò thúc đẩy các cuộc nghiên cứu chính thức khác về tình trạng tham nhũng ở Việt Nam.
VOA: Vậy thưa bà, về lâu dài, các nước cấp viện như Thụy Điển cần hành động như thế nào để thúc giục Việt Nam mạnh mẽ hơn nữa trong chiến dịch chống lại tình trạng tham nhũng nói chung?
Bà Marie Ottosson: Chúng tôi cho họ thấy rằng chống tham nhũng là điều đã được giải quyết ở các nước khác, và có thể làm được ở Việt Nam. Theo tôi, chống tham nhũng  tại bất kỳ quốc gia nào hay trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần nhiều nỗ lực của các cá nhân khác nhau. Tôi cho rằng, bằng việc chứng tỏ quyết tâm của mình, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ là một tấm gương tốt cho Việt Nam trong cuộc chiến chống tham nhũng.
VOA: Vậy trong lĩnh vực giáo dục, Chính phủ Việt Nam cần phải làm gì để giải quyết vấn nạn đó, thưa bà?
Bà Marie Ottosson: Như tôi đã nói, qua các nghiên cứu gần đây, tham nhũng rõ ràng đang tồn tại trong hệ thống giáo dục của Việt Nam. Vì đây là một vấn đề của toàn bộ hệ thống, cho nên tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là phải tính tới chuyện thay đổi hệ thống. Một cá nhân không thể mang lại sự thay đổi mà mọi người cùng phải chung tay chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục.
Nếu muốn thay đổi hệ thống, cần phải đảm bảo rằng các giáo viên được trả lương đủ để sinh sống, để họ không cần phải dạy thêm kiếm sống. Thêm nữa, cần phải có các quy định rõ ràng và cụ thể về chuyện tuyển dụng giáo viên cũng như việc phân bổ học sinh vào các lớp. Một điều rất quan trọng khác là đại diện của các cấp cao phải làm việc làm sao để trở thành một tấm gương cho cấp thấp hơn. Cần phải làm sao để việc tham nhũng trở nên khó khăn trong hệ thống.
VOA: Chống tham nhũng là một trong các ưu tiên hàng đầu trong  mục tiêu hợp tác phát triển của Thụy Điển ở Việt Nam. Đại sứ quán có thể làm gì để giúp chính quyền địa phương?
Bà Marie Ottosson: Chúng tôi đã được Chính phủ giao phó nhiệm vụ trở thành cơ quan đi đầu trong việc chống tham nhũng. Và một phần trong nỗ lực đó là việc chúng tôi tổ chức các cuộc đối thoại chống tham nhũng với Chính phủ Việt Nam hai năm một lần. Tôi nghĩ đó không những là diễn đàn cho chúng tôi, cho các đối tác phát triển,  và cho cả đại diện của Chính phủ Việt Nam chia sẻ, thảo luận các vấn đề tham nhũng. Đó là một cách tiếp cận minh bạch.  
Nhưng có nhiều vấn đề cần phải làm hơn nữa, và chúng tôi sẽ hành động để thúc đẩy điều đó. Chúng tôi cũng sẽ điều phối công việc của các đối tác phát triển của Việt Nam để hỗ trợ nhau và giúp mọi việc không bị chồng chéo.
Nguồn: VOA Vietnamese

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn