Quy hoạch Hà Nội: Ba tồn tại, Chín phi lý

Hà Thủy

clip_image001Chúng ta lại có Thủ đô Hà Nội là một trong số ít các thành phố thủ đô trên thế giới 1000 năm tuổi. Việc dịch chuyển (hoặc lập mới) Thủ đô lại càng phải cẩn trọng hơn. Ảnh cầu Thê Húc (Hồ Gươm, Hà Nội).

Một bài viết được trình bày công phu và tâm huyết, nhưng BVN cảm thấy có vẻ như tác giả đã đổ nước lên lá môn hoặc đầu vịt mất rồi. Bởi cứ ngẫm nghĩ một tí khắc thấy cái dự án đưa Trung tâm Hành chính quốc gia vào tận chân núi Ba Vì chỉ là một cách xướng lên thế để tạo ra một cơn sốt đất ảo ở cái nơi khỉ ho cò gáy ấy thôi. Và quả nhiên cơn sốt đất ảo kia đã bùng nổ từ khi đồ án được công bố đến nay làm nhiều người phát ngốt. Sẽ có những kẻ bán trôi được bao nhiêu hecta đất từ lâu sở hữu ở đây và trở thành tỷ tỷ phú rất nhanh, sau đó khi đã bán xong bằng giá gấp mười, gấp mấy chục lần, vàng đã gửi đến nơi cần gửi, thì chiếc bong bóng ảo sẽ lại xẹp xuống. Chứ ai mà lại tin được rằng một trung tâm điều hành đất nước lại dại dột bỏ Hà Nội nghìn năm để đâm đầu vào núi kia chứ. Xin hãy nhìn vào thời hạn: phải đến 2050 thì Dự án mới thực hiện, có nghĩa là đến lúc ấy những người đề xuất dự án đã đi chầu ông bà ông vải hết tất tật. Dự án có thực thi hay không, bấy giờ có mà kiện củ khoai. Mẹo của những “cái ghế” ai còn lạ gì nữa.

Vậy thì xin các nhà chuyên môn hãy đừng mất thì giờ với những “đồ án”, “Quy hoạch”... kiểu ấy. Cò đất xoay tiền cả đấy mà.

Bauxite Việt Nam

Ở nước ta, Chính phủ là thiết chế - bộ phận cấu thành cực kỳ quan trọng, không thể tách rời của Nhà nước và của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, việc phân biệt các khái niệm (Trung tâm Hành chính quốc gia và Trung tâm Chính trị quốc gia) là hoàn toàn không có cơ sở cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Dịch chuyển trung tâm Thủ đô (hoặc lập Thủ đô mới) là một việc trọng đại, ảnh hưởng tới an nguy quốc gia. Song, cũng cần phải làm khi có đủ cơ sở về lý luận và thực tiễn mang lại sự thịnh vượng bền vững cho đất nước, dân tộc. Tuy nhiên, mỗi lần chuyển dịch (dù chỉ nằm trong chủ trương hay kế hoạch) trong chừng mực thường gây ra những xáo trộn nhất định về mặt chính trị, kinh tế và xã hội.

Ở nước ta, một quốc gia luôn chịu đựng các cuộc chiến tranh triền miên, người dân đều mong muốn sự ổn định lâu dài. Hơn thế, chúng ta lại có Thủ đô Hà Nội là một trong số ít các thành phố thủ đô trên thế giới 1000 năm tuổi. Việc dịch chuyển (hoặc lập mới) Thủ đô lại càng phải cẩn trọng hơn. Thế nhưng, trong đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đây lại là đề xuất thiếu luận cứ, nghiên cứu thiếu thực chất nhất.

"Trung tâm Hành chính quốc gia: sẽ dành khu đất dự trữ ở Ba Vì. Tại đây sẽ xây dựng các cơ quan của Chính phủ, các Bộ ngành. Dự kiến sẽ sây dựng sau 2050..." hay "Đề xuất một quỹ đất dự phòng cho Trung tâm Hành chính quốc gia" đều là những nội dung mơ hồ. Quả thực, đây là những ý tưởng khó hiểu, nửa vời, đồng nghĩa với việc tạo tâm lý bất an, tạm bợ, gây bất ổn về lâu dài (hệ lụy nhãn tiền mà chúng ta có thể thấy ngay được tại khu vực Ba Vì hiện nay). Trước mắt, tạo nguy cơ tước đi (vĩnh viễn) cơ hội mở rộng, hoàn thiện một Trung tâm Chính trị xứng tầm và ổn định ngay tại khu vực Ba Đình và phụ cận.

Tồn tại 3: Đề xuất cùng lúc 3 địa điểm dành cho Trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia là một ý tưởng phi lý, nửa vời.

Có rất nhiều phi lý dành cho những ý tưởng này. Nhưng có thể tóm lược vào 9 sự phi lý nổi bật:

Phi lý thứ nhất:

Như đã phân tích trong "Tồn tại 1: Từ sai lệch về khái niệm", khi đề xuất tách rời Trung tâm Hành chính quốc gia với Trung tâm Chính trị quốc gia, những người thực hiện đồ án không hề biết rằng việc phân tách này không phù hợp với thể chế chính trị, mô hình nhà nước của Việt Nam. Ở nước ta, về nguyên tắc (đã xác định trong Hiến pháp) Hệ thống chính trị và Nhà nước là thống nhất. Chính phủ là một bộ phận không thể tách rời trong khái niệm cũng như thực thể.

Đây là sự phi lý về Khái niệm thể chế.

Phi lý thứ hai:

Cũng có ý kiến cho rằng đây là mô hình nhà nước tiên tiến, theo hình mẫu Thủ đô Hành pháp (thủ đô thực tế) của Malaysia: Putrajaya là thành phố được quy hoạch hoàn toàn mới và được thành lập năm 1995 (cách Kuala Lumpur khoảng 30 km về phía Nam).

Song, không phải ai cũng biết rằng đây là một sản phẩm của thể chế chính trị hoàn toàn khác biệt. Xin lưu ý: Nhà nước Malaysia theo mô hình quân chủ lập hiến liên bang. Tuy nhiên, trên thực tế, quyền lực được trao nhiều hơn cho nhánh hành pháp chứ không phải lập pháp và tư pháp ("đã bị suy yếu sau những mưu toan của chính phủ thời thủ tướng Mahathir" (Nguồn: Malaysia Bách khoa toàn thư mở Wikipedia). Vì vậy, việc lập Thủ đô Hành pháp (Putrajaya) độc lập với Thủ đô Chính thức Kuala Lumpur là điều dễ hiểu. Cũng như Thái Lan (là nước theo mô hình Quân chủ nghị viện, luôn có bất ổn chính trị, tranh giành quyền lực hoặc sắc tộc, tôn giáo), Malaysia cũng có giới hạn phát triển bị ngăn cản bởi "bẫy thu nhập trung bình". Nước ta, chắc không ai muốn đi theo con đường này.

Có thể hình mẫu Putrajaya là thành phố thông minh. Nhưng với tư cách là một thành phố thủ đô, Putrajaya (cùng với một số thành phố thủ đô khác) lại là thiểu số trên thế giới về sự lạc hậu: mô hình Thủ đô phân quyền. Hiện nay, (như đã nêu - Tồn tại 1) trên thế giới chỉ có 9/232 quốc gia và vùng lãnh thổ còn mô hình này (3,88%). Với các đặc điểm (xin được nhắc lại): (1) Chế độ quân chủ: 3/9; (2) Xung đột sắc tộc, tôn giáo: 7/9; (3) Tranh giành quyền lực: 7/9; (4) Các mưu toan chính trị: 8/9; (5) Nghèo đói, bạo loạn, bất ổn 6/9.

Như vậy, không có một lý do nào khả dĩ được lựa chọn để cho nước ta hình thành mô hình Thủ đô phân quyền. Xem tài liệu tại đây <Tổng hợp thông tin về thủ đô các quốc gia có Thủ đô phân quyền>

Chúng ta không thể không biết: 223/232 quốc gia và vùng lãnh thổ (96,12%) có Thủ đô tập quyền (tức các trung tâm quyền lực nhà nước được bố trí ở trong cùng một thành phố), trong đó có Việt Nam. Mô hình Thủ đô tập quyền là một trong những thành tựu lớn của văn minh nhân loại, mang đến sự ổn định và phồn vinh cho các quốc gia. Không có lý do gì khiến chúng ta phải thay đổi một mô hình đang tốt và đã được lịch sử kiểm chứng.

Cùng với sai lệch trong khái niệm, việc quy hoạch tách rời (về không gian) các Trung tâm quyền lực Nhà nước có thể sẽ dẫn đến sự biến động, làm thay đổi về cấu trúc đô thị và tổ chức thể chế. Trong đồ án quy hoạch, dù vô tình hay hữu ý, sự sao chép máy móc mô hình của quốc gia khác trong khi chưa tìm hiểu thấu đáo sẽ gây ra hiệu ứng về hệ thống, sẽ ẩn chứa những vấn đề không chỉ giới hạn trong lĩnh vực chuyên môn.

Đây là sự phi lý về Mô hình nhà nước.

Phi lý thứ ba:

Có thể có ý kiến bác bỏ việc cho rằng (việc di chuyển Trung tâm Hành chính quốc gia lên chân núi Ba Vì) đó là "dời đô", vì "nhiều cơ quan đầu não về chính trị và lập pháp (Quốc hội, Văn phòng Trung ương, Tòa án tối cao) sẽ vẫn ở Ba Đình" (nguồn http://hanoi.org.vn/planning/archives/date/2010/03). Nhưng thực chất (với khoảng cách đường chim bay 30 - 40 km, khoảng cách dịch chuyển thực tế 50 - 60km một chiều đi) nếu duy trì mối liên hệ trực tiếp (thống nhất) của các trung tâm này với nhau còn tệ hơn về mọi phương diện.

Cũng có thể sẽ có ý kiến sử dụng địa giới hành chính để biện minh (2 trung tâm này vẫn cùng trong 1 "thành phố Hà Nội") thì e rằng chỉ là kỹ xảo ngôn từ mà thôi. Thành phố thủ đô (cũ) của Tây Đức là Bonn chỉ cách Cologne 6 -12 km nhưng vẫn là 2 thành phố hoàn toàn riêng biệt (có chính quyền đô thị khác nhau). Sẽ không thể bao biện, nếu không, các ý tưởng về đô thị vệ tinh hay hành lang xanh (của chính đồ án này) sẽ không còn ý nghĩa.

Nếu chấp thuận khái niệm Trung tâm Hành chính quốc gia (không phải là Thủ đô Hành pháp theo thông lệ quốc tế); chấp thuận cho việc 2 trung tâm (nơi đặt Chính phủ và nơi đặt Quốc hội, Trung ương Đảng, Tòa án tối cao) cùng "trong một thành phố Hà Nội" và không có chuyện Thủ đô phân quyền. Thì ngay lập tức vẫn sẽ xuất hiện sự phi lý khác:

Những người thực hiện đồ án có thể không biết rằng: trong 18 quốc gia thuộc nhóm các nền kinh tế lớn G20 (Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italia, Nhật Bản, Mexico, Nga, Arab Saudi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ) đều có Thủ đô tập quyền, khoảng cách trung bình giữa các trung tâm quyền lực nhà nước (Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp) là từ 2 - 3km (tương ứng là 2,18; 1,89; 2,72km). 17/18 thủ đô có khoảng cách giữa các trung tâm quyền lực nhà nước lớn nhất <6km; Xem tài liệu tại đây < Một số tài liệu về khoảng cách giữa các Trung tâm quyền lực Nhà nước >

1/18 thành phố có khoảng cách giữa các trung tâm lớn nhất là Seoul (tương ứng là 8,24; 8,94; 10,7km) - Sự bất hợp lý này cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến Hàn Quốc quyết định phải di chuyển thủ đô; Mặc dù, các khoảng cách này so với khoảng cách 30 - 40km mà đồ án đề xuất là không đáng kể (chỉ bằng 1/3 - 1/4).

Các nước nói trên phần lớn theo chế độ Cộng hòa (Tam quyền phân lập); khi khoảng cách giữa các trung tâm quyền lực nhà nước đều được quy hoạch khống chế, phổ biến (gần) như vậy hẳn có lý do (về an ninh, quốc phòng, đối ngoại, giám sát, phối hợp hoạt động lãnh đạo điều hành đất nước, tiếp xúc với dân chúng và các yêu cầu khác).

Với khoảng cách (thực tế) 50 - 60km chúng tôi tin rằng những người đề xuất ý tưởng này chưa kịp nghĩ tới những hệ lụy mà nó mang lại cũng như cơ sở để tồn tại bền vững. Hay nói cách khác, để hợp lý, Hà Nội trong tương lai gần sẽ phải hình thành Thủ đô phân quyền (2 trong 1): tại Ba Vì - Thủ đô Hành pháp (thực tế) độc lập với Ba Đình - Thủ đô chính thức. Tức sao chép mô hình của 9 quốc gia (thiểu số) kể trên.

Nếu lý giải rằng trong tương lai sẽ có "Chính phủ điện tử" nên khoảng cách không còn quan trọng, thì cũng không nên quên Chính phủ là một thực thể của thể chế chính trị, rằng loài người có thể có được một "nền Hành chính điện tử". Song, không bao giờ có được một "nền Chính trị điện tử". Mặt khác, nếu có một Chính phủ điện tử thật sự thì nhu cầu về quy mô càng không cần lớn và ý đồ dịch chuyển ra khỏi trung tâm lại càng không cần thiết.

Đây là sự phi lý về Cấu trúc trung tâm.

clip_image003

clip_image005Trong 18 quốc gia thuộc nhóm các nền kinh tế lớn G20 đều có Thủ đô tập quyền, khoảng cách trung bình giữa các trung tâm quyền lực nhà nước (Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp) là từ 2-3km

Phi lý thứ tư:

Có thể những người đề xuất ý tưởng của đồ án này nghĩ về một mô hình Thủ đô chức năng (Chính trị - Hành chính) riêng biệt (theo kiểu Washington, D.C - Mỹ; Canberra - Australia; Brasillia - Brazil), quả thực, đây là những hình mẫu mà bất cứ ai làm chính trị (hiện đại) đều mong ước, song, không phải quốc gia nào cũng thành công.

Washington, D.C (Thành lập 16/7/1790; Chính thức: 1800 - nay) là một thành phố được quy hoạch (mới), sau khi nước Mỹ giành được độc lập do đích thân Tổng thống đầu tiên G.Washington lựa chọn. Washington, D.C không chỉ là trung tâm chính trị (nơi đặt Nhà quốc hội; Chính phủ; Tòa án tối cao) mà còn là trung tâm văn hóa, với rất nhiều khu vực di sản, bảo tàng, nơi tưởng niệm, đã trở thành biểu tượng tinh thần của nước Mỹ hiện đại; Thủ đô trước đó: New York City; Philadelphia.

Canberra (chọn cho vị trí của thủ đô của quốc gia vào năm 1908; Chính thức lựa chọn và xây dựng bắt đầu vào năm 1913); Canberra vừa là trung tâm chính trị (nơi đặt Chính phủ; Nghị viện; Tòa án tối cao) vừa là trung tâm văn hóa quốc gia (nơi bố trí Đài tưởng niệm chiến tranh; Bảo tàng nghệ thuật, Bảo tàng quốc giaThư viện Quốc gia Australia; Thủ đô trước đó: Melbourne.

Brasília (Thành phố đã được quy hoạch và phát triển năm 1956; Năm 1960, chính thức trở thành thủ đô quốc gia Brazil); Cũng như Washington, D.C, Canberra, Brasilia vừa là trung tâm chính trị, vừa là trung tâm văn hóa và tinh thần quốc gia; Năm 1987 Brasillia được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại - Thành phố di sản duy nhất được xây dựng trong thế kỷ XX; Thủ đô trước đó: Rio de Janeiro.

Mặt khác, có hai quốc gia có kế hoạch (dự định) áp dụng mô hình này nhưng đã thất bại:

Argentina: Chính phủ Argentina cũng đã dự định chuyển thủ đô hành chính tới một vị trí khác. Dưới thời tổng thống Raúl Alfonsín (1983-1989), một Luật (Luật số 23 512) về chuyển thủ đô từ Buenos Aires đến Viedma, một thành phố của vùng Patagonia được thông qua nhưng do những khó khăn về kinh tế, dự án này đã không được thực hiện.

Hàn Quốc: Thực hiện theo kế hoạch đã được Quốc hội Hàn Quốc thông qua hồi tháng 12/2003; Ngày 11/8/2004, Chính phủ Hàn Quốc loan báo chính thức chọn khu vực Yeongi-Gongju thuộc tỉnh South Chungcheong làm địa điểm xây dựng thủ đô mới của Hàn Quốc. Địa điểm này cách thủ đô Seoul hiện tại 150 km về phía nam. Thủ đô mới (tên là Sejong có vị trí và địa thế được coi là đắc địa trong một thung lũng, rất phù hợp với luật "feng shui" - phong thủy) sẽ là nơi đặt 85 cơ quan hành chính đầu não của chính phủ trung ương, bao gồm cơ quan lập pháp, tư pháp, văn phòng Tổng thống, văn phòng Quốc hội, Tòa án tối cao; Việc di dời thủ đô sẽ được bắt đầu từ năm 2012 và hoàn thành vào năm 2030.

Mặc dù đã tiến hành trưng cầu dân ý (việc lựa chọn 1/ 4 địa điểm đã được thực hiện với 1 quy trình rất nghiêm túc với Ủy ban đánh giá gồm 80 thành viên), kế hoạch này vẫn không có được sự đồng thuận cao trong xã hội. Ngày 11/1/2010, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố bản kế hoạch phát triển thành phố Sejong, thành một trung tâm khoa học và giáo dục, với tổng đầu tư 16,5 nghìn tỷ won (14,6 tỷ USD). Như vậy, Chính phủ Hàn Quốc đã từ bỏ kế hoạch được thông qua năm 2005 dưới chính quyền của cố Tổng thống Roh Moo-hyun. Theo đó, 9 Bộ trong Chính phủ cùng 4 cơ quan ngang Bộ (chiếm 2/3 Chính phủ) sẽ được chuyển đến Sejong từ năm 2012 nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ xóa bỏ sự chênh lệch về vùng miền và sự mất cân đối về phát triển giữa thành phố và nông thôn. Tuy nhiên, Chính phủ đương nhiệm cho rằng kế hoạch này không hiệu quả và lãng phí tài nguyên quốc gia (nguồn: TTXVN/Vietnam+)

Như vậy, cho đến nay, trên thế giới mới chỉ có ba quốc gia thực hiện mô hình này thành công (như trên), mặc dù đây là mô hình lý tưởng; song, để biến ý tưởng thành hiện thực phải có tập hợp các điều kiện cần và đủ sau đây:

1. Việc từ bỏ thủ đô cũ bởi các lý do chính trị và an ninh; quy hoạch thủ đô mới mang lại sinh lực cho đất nước, gắn với hình ảnh thể chế mới, mang lại sự ổn định, thịnh vượng, đảm bảo an ninh quốc phòng (theo hình mẫu Washington, D.C);

2. Lựa chọn địa điểm được nghiên cứu rất kỹ, tạo được được sự đồng thuận của xã hội, chuẩn bị kỹ lưỡng cả về phương diện pháp lý (trưng cầu dân ý, đưa vào hiến pháp, các bộ luật), kỹ thuật và tài chính;

3. Là Thủ đô tập quyền, được quy hoạch tổng thể (mới) ngay từ đầu cho chức năng chủ đạo: phục vụ hoạt động chính trị, hành chính của các trung tâm quyền lực nhà nước (bao gồm Lập pháp, Tư pháp, Hành pháp);

4. Tổ chức rành mạch các trung tâm quyền lực tập trung trong phạm vi bán kính hợp lý (có tính lý tưởng); Cụ thể các khoảng cách (Quốc hội - Chính phủ; Quốc hội - Tòa án tối cao; Chính phủ - Tòa án tối cao) tương ứng: Washington, D.C (2,54; 0,42; 2,90km); Canberra (4,32; 1,45; 5,23km); Brasillia (4,53; 0,36; 4,38km);

5. Với vai trò chủ đạo là trung tâm chính trị quốc gia, song các đô thị này cũng thành công trong việc tạo ra một hình ảnh trung tâm văn hóa, tinh thần của dân tộc;

6. Do các quy hoạch gia hàng đầu thế giới thiết kế (qua thi tuyển); thời gian chuẩn bị đầu tư và xây dựng và đưa vào hoạt động không quá 10 năm;

Những đặc điểm nêu trên cho thấy việc đồ án quy hoạch Hà Nội đề xuất rời rạc 3 địa điểm (Ba Đình, Mỹ Đình và Ba Vì) cho Trung tâm quyền lực nhà nước cũng như cách thức tiến hành cho thấy một sự nghiên cứu thiếu thấu đáo, thiếu nghiêm cẩn (nghiêm túc, cẩn trọng). Trái ngược với những nỗ lực của các nước kể trên mong muốn có được một Thủ đô tập quyền hoàn chỉnh làm biểu tượng cho sức mạnh của quốc gia.

Đây là sự phi lý về Ý thức nghiêm cẩn.

Phi lý thứ năm:

Những nước lập thủ đô mới thành công thì rất ít trong khi đó các nước lựa chọn những thủ đô truyền thống (có từ khi lập quốc) để phát triển thành công là rất phổ biến. Có thể dẫn ra đây các quốc gia Argentina, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italia, Nhật Bản, Mexico, Nga, Arab Saudi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, các nước thuộc cộng đồng châu Âu khác.

Biết cần phải dời đô, định đô làm xoay chuyển vận mệnh, cục diện của đất nước, đấy là sứ mệnh của lãnh tụ. Biết trân trọng giá trị lịch sử, hoàn thiện di sản của thế hệ đi trước, thể hiện đẳng cấp trí tuệ của lãnh đạo. Không thay đổi, dịch chuyển thủ đô cũng là một lựa chọn sáng suốt.

Trên thế giới, đến nay mới chỉ có 2 quốc gia thành công với việc lựa chọn phi truyền thống đó là Brazil và Australia (với lịch sử hơn 220 năm; Washington, D.C đã trở thành thủ đô truyền thống, là biểu tượng văn hóa, tinh thần và quyền lực trí tuệ của nước Mỹ).

2/232 quốc gia và vùng lãnh thổ có thủ đô mới thành công; 9/232 quốc quốc gia và vùng lãnh thổ có thủ đô phân quyền, các con số này đã nói lên nhiều điều.

Vùng đất lịch sử của các thủ đô truyền thống luôn được coi là thiêng liêng và là biểu tượng của quốc gia. Trong quá khứ, Berlin đã nhiều lần là thủ đô của các nước Đức như Đế chế Phổ, Đế chế Đức hay nước Cộng hòa dân chủ Đức; Bonn đã từng là thủ đô của nước Cộng hòa liên bang Đức từ năm 1949 đến 1990; Sau khi nước Đức thống nhất (ngày 3 tháng 10 năm 1990); Berlin lại được chọn lại làm thủ đô của nước Đức thống nhất; Với đa số sít sao (338 phiếu thuận trên 320 phiếu chống) vào ngày 20 tháng 6 năm 1991 Quốc hội Liên bang quyết định dời Chính phủ và Quốc hội từ thủ đô tạm thời Bonn về Berlin. Tháng 9 năm 1999 công cuộc dời đô hoàn thành.

Cần phải nói thêm Bonn là một thành phố đã được thiết kế làm Thủ đô Chính trị - Hành chính (theo kiểu Washington, D.C) hoàn chỉnh, đã hoạt động tốt (tạo ra một CHLB Đức hùng cường) có thể là giấc mơ của nhiều quốc gia khác. Việc lựa chọn quay trở lại thủ đô truyền thống (với khu vực làm việc của Chính phủ, Quốc hội và Tòa án tối cao chật hẹp hơn) thể hiện ý chí đoàn kết, toàn vẹn lãnh thổ của một nước Đức thống nhất.

Vùng đất lịch sử rất quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền quốc gia, Jerusalem là một ví dụ (nơi tranh chấp triền miên giữa Israel và Palestine). Trên thế giới những thành phố lịch sử 1000 năm như Hà Nội cùng với Vienna (Áo); Rome (Italia); Paris (Pháp); Bắc kinh (Trung Quốc); Brussels (Bỉ); Athens (Hy lạp); Cairo (Ai Cập); Delhi (Ấn Độ); London (Anh); Madrid (Tây Ban Nha); và một số thành phố khác được coi là thủ đô vĩnh viễn của quốc gia; Xem tài liệu tại đây <Các thành phố thủ đô 1000 năm tuổi>

Tất cả các nước phát triển hàng đầu thế giới đều chọn được vị trí tốt nhất (của quốc gia) cho thành phố thủ đô. Khảo sát thủ đô của 18 quốc gia (G20) cho thấy sự lựa chọn vị thế của thành phố thủ đô như sau: Vùng đồng bằng: 14/18; lưu vực sông, hồ: 17/18; thung lũng: 11/18; cao nguyên 3/18; vùng núi, chân núi cao: không có. Hà Nội ở trong khu vực đồng bằng, lưu vực sông hồ, thuộc nhóm đa số.

Tất cả các quốc gia nói trên đều tập trung hoàn thiện các trung tâm quyền lực tại địa danh, địa điểm lịch sử với sự tự hào không giấu diếm. Ấn độ đã tạo ra New Delhi tại vùng đất thiêng liêng - một quận Hành chính dành cho các trung tâm quyền lực nhà nước. Đây cũng là một giải pháp đáng để tham khảo.

Tại thành phố thủ đô các nước (phát triển) đều giữ vị trí trang trọng nhất cho trung tâm chính trị như một biểu tượng của quốc gia và đặt tại trung tâm thành phố (luôn luôn là ở giữa trung tâm thành phố). Họ khai thác được lợi thế quy tụ của vùng đất thuận lợi về địa chính trị và địa kinh tế như một sức mạnh mang ý nghĩa quyết định cho việc chấn hưng đất nước (những Tokyo; Berlin và nhiều thành phố khác).

Các quốc gia có thủ đô ngàn năm tuổi vẫn đầy sức sống; bao gồm: Anh (London); Ấn độ (New Delhi); Italia (Roma); Pháp (Paris); Trung Quốc (Bắc Kinh). Các thành phố thủ đô này cũng giống như Hà Nội  về địa thế, các thành phố này đều nằm trong các khu vực giữa (trung tâm), khu vực cao của vùng đồng bằng rộng lớn, đất đai trù phú,  là nơi hợp lưu các dòng sông, hội tụ các con đường;

Việc lựa chọn các vùng đất rộng lớn đã thể hiện khát vọng phát triển, tầm nhìn của những người đứng đầu đất nước (ngược lại với xu thế thời Cổ đại và Trung đại - các lãnh chúa, các tiểu vương quốc thường chọn nơi có địa thế xung yếu, hiểm trở dễ phòng thủ làm nơi đóng đô). Các thành phố thủ đô này đều đã trở thành biểu tượng tinh thần của quốc gia, trung tâm văn minh thế giới.

Năm nước trên đây đều là những quốc gia hùng mạnh trong suốt quá trình lịch sử. Ngày nay, các quốc gia này vẫn duy trì các trung tâm quyền lực nhà nước tại vị trí truyền thống (ở giữa) các vùng đất mà tổ tiên họ đã chọn lựa và duy trì vị thế hàng đầu trên trường quốc tế. Xem tài liệu tại đây <Một số tài liệu về vị thế các thành phố thủ đô - Nhóm các nền kinh tế lớn>

Việt Nam vinh dự nằm trong số ít các quốc gia có thủ đô ngàn năm tuổi. Thăng Long - Hà Nội có được vị thế của "các thủ đô vĩnh hằng" như đã nêu (khẳng định tầm nhìn thiên niên kỷ, nhãn quan quảng đại của Thái tổ Lý Công Uẩn và Chủ tịch Hồ Chí Minh). Lẽ ra, đồ án phải thấy được thế mạnh, sự tương đồng (về đẳng cấp) này, tiếp thu kinh nghiệm để khẳng định vị thế, nâng cao tính cạnh tranh, duy trì sự phát triển kế tiếp di sản chức năng một cách bền vững của đô thị thủ đô Hà Nội trong khu vực và trên thế giới. Ngược lại, việc lựa chọn giải pháp đưa Trung tâm quyền lực Nhà nước ra ngoài vùng đất lịch sử (chúng ta sẽ phải cạnh tranh bằng tài nguyên, đất đai, tài chính - điều này chúng ta luôn ở thế yếu) tức tư duy, hành động "lấy sở trường làm sở đoản", "dời biển lớn vào nơi rãnh, ngòi".

Đây là sự phi lý về Nhận thức giá trị.

clip_image007

clip_image009Việc lựa chọn các vùng đất rộng lớn đã thể hiện khát vọng phát triển, tầm nhìn của những người đứng đầu đất nước (ngược lại với xu thế thời Cổ đại và Trung đại - các lãnh chúa, các tiểu vương quốc thường chọn nơi có địa thế xung yếu, hiểm trở dễ phòng thủ làm nơi đóng đô). Các thành phố thủ đô này đều đã trở thành biểu tượng tinh thần của quốc gia, trung tâm văn minh thế giới.

Phi lý thứ sáu:

Khi đề xuất địa điểm (dù cho 40 năm sau) đặt Trung tâm Hành chính quốc gia (đồng nghĩa với Trung tâm Chính trị quốc gia) tại Ba Vì - tức kế hoạch dời đô. Những người đề xuất có thể không biết rằng trong số các thành phố thủ đô 1000 năm tuổi của thế giới (khoảng 29) chỉ duy nhất 2 quốc gia (có kế hoạch) từ bỏ vùng đất lịch sử để lập thủ đô mới. Đó là Hàn Quốc (với Seoul và Sejong); Myanma (với Yangon và Naypyidaw);

Myanma có kế hoạch dời đô là do ý chí của giới quân sự cầm quyền; Naypyidaw có một vị trí trung tâm hơn Yangon (mặt khác Yangon tuy là một thành phố lâu đời song cũng kém phát triển). Kế hoạch này hiện nay đang được thực hiện, chưa rõ có thành công hay không.

Như đã giới thiệu, với Hàn Quốc kế hoạch dời đô có lý do phức tạp hơn: Seoul là một thành phố cổ, từng là kinh đô của Bách Tế (18 TCN - 660) và Triều đại Triều Tiên (1392-1910); thành phố đã trở thành thủ đô của Hàn Quốc sau khi thành lập Chính phủ năm 1948; sự đông đúc, sự phồn vinh của thành phố này thể hiện sức hút và sự thành công của đô thị. Tuy nhiên, với tư cách một trung tâm chính trị quốc gia, Seoul có nhiều bất lợi, xin được dẫn:

Bất lợi về an ninh, quốc phòng: Bán đảo Triều Tiên hiện vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh trong khi đó khoảng cách Seoul với biên giới Bắc Triều Tiên chỉ có 50km (trong tầm đạn pháo) - mặc dù không được (hoặc ít được) nói đến song có lẽ đây là lý do chính của chủ trương di chuyển.

Bất lợi về vị trí, dân số và phát triển thiên lệch: Hàn Quốc là một quốc gia không thuận lợi về tự nhiên; quốc gia này phần lớn diện tích là đồi núi, thành phố Seoul nằm trong lưu vực Sông Hàn (Han River) là một vùng thung lũng rộng lớn nhất (tuy diện tích cũng chỉ 605 km²). Sự thiên lệch về vị trí; về dân số (thành phố trên 10.000.000 người; vùng đại đô thị khoảng 24.500.000 người) và phát triển (Seoul tạo ra 21% của GDP cả nước - 175/ 833 Tỷ USD (2009) -  mặc dù nhắc đến nhiều, tuy nhiên không phải lý do chính.

Bất lợi về cấu trúc đô thị quyền lực (thủ đô): Seoul là một thành phố lâu đời, trung tâm quyền lực của các triều đại phong kiến thường được đặt tại cung điện chính của nhà vua (Gyeongbokgung); qua thời kỳ độc tài, nơi này vẫn là nơi ở và làm việc của Tổng thống Syngman Rhee; sang thời kỳ dân chủ, Gyeongbokgung đã được đổi tên (Cheongwadae - ngày 30 tháng 12 năm 1960 được Tổng thống Yun sun - Po, người đã tuyên bố rằng tên cũ là một lời nhắc nhở của chế độ thực dân Nhật Bản và cai trị độc tài của Tổng thống Rhee) nhưng các trung tâm quyền lực khác của nhà nước (Quốc hội, Tòa án tối cao) do không có địa thế đã phải bố trí phân tán cách xa nhau 8 ~ 10km (như đã nêu ở phần "Sự phi lý thứ ba").

Bất lợi về vị thế của trung tâm quyền lực nhà nước: Với đặc điểm điển hình về lựa chọn vị thế của các trung tâm quyền lực thời Trung cổ, với địa thế tựa vào phía Nam núi Bugaksan và vị trí ở vùng ngoại biên của đô thị (giáp núi) - Không biết có phải vì lý do này khiến cho bán đảo Triều Tiên luôn bị chia cắt, chiến tranh triền miên hay không? Nhưng có thể khẳng định rằng trong 18 quốc gia có nền kinh tế lớn thì Hàn Quốc là nước duy nhất có trụ sở Chính phủ (phủ Tổng thống) ở vào địa thế này; sự bất lợi về phong thủy đã được nhắc tới khi Hàn Quốc tiến hành kế hoạch lựa chọn thủ đô mới (nguồn: http://www.koreaittimes.com và Korea Now).

Với các lý do dời đô (chính đáng) như vậy, quá trình chuẩn bị lại rất chu đáo, bài bản (đến nay đã 7 năm), hợp hiến, hợp luật, hơn nữa, Hàn Quốc có thực lực kinh tế lớn hơn ta nhiều lần (832,5 so với 92, 4tỷ USD), vậy mà kế hoạch này vẫn thất bại. Cuối cùng, ở đâu cũng vậy, lịch sử và lòng dân vẫn mạnh hơn hết thảy.

Vậy, lý do gì để di chuyển Chính phủ (từ đây sẽ gọi là Trung tâm Chính trị) ra khỏi Hà Nội là gì?

Hà Nội, (chúng tôi nói về vùng đất lịch sử Ba Đình - Hoàn Kiếm - Hồ Tây) - Một "thành phố vì hòa bình" Hà Nội của chúng ta  không (tại thời điểm dời chuyển thủ đô) là biểu tượng của thời kỳ chiếm hữu nô lệ như Philadelphia, không có bất ổn như Melbourne, không phải thủ phủ của chế độ độc tài, là một trong những thành phố bạo động nhất thế giới như Rio de Janeiro, cũng không phải thành lũy (cố thủ) của lãnh chúa Trung cổ như Seoul, không có ý chí (duy ý chí) của giới quân sự cầm quyền như Myanma.

Hà nội, (hiện trạng) cũng có mật độ dân số (trong đô thị, các quận, thị xã: Hà nội khoảng 9.330/km2; so với Seoul 17.270/ km2; Tokyo 14.250/km2; Paris 20.780 /km2; London 8.980/km2; Bắc Kinh 7.400/km2; Delhi 28.440 / km2; Jakarta 12.740/km2 ; Buenos Aires 15.030; Moscow 9.720/ km2) thuộc nhóm trung bình (nguồn: http://en.wikipedia.org).

Đưa trung tâm ra ngoài Hà Nội với lý do đất chật người đông, vì thế,  không thuyết phục. Bởi lẽ, Trung tâm Chính trị không cần đất quá nhiều (chỉ cần >60ha là đủ). Có thể dẫn: London: khoảng 40ha (không bao gồm hoàng cung 80ha); Berlin: khoảng 60ha (không bao gồm công viên); Tokyo: khoảng 85ha (không bao gồm hoàng cung 190ha); Washington, D.C: khoảng 85ha (không bao gồm các không gian công cộng khác). Với bán kính <6km với Ba Đình hoàn toàn có thể lựa chọn các khu vực đắc địa để kết nối mở rộng. Tiếc thay, đồ án đã không nghiên cứu quy hoạch theo hướng này. Khu vực Ba Đình và phụ cận (Tây và Tây Nam Hồ Tây) vẫn còn có quỹ đất có thể mở rộng, hoàn chỉnh (khoảng 150 - 300ha); Trong khi đó, Hà Nội mở rộng đã tạo cơ hội cân bằng quỹ đất để bảo tồn và phát triển Trung tâm Chính trị Ba Đình.

Hà Nội, chưa giàu, càng không phải nguyên nhân làm mất cân đối vùng miền, ngược lại sức hút của "đất thánh Hà thành" là hạt nhân, làm động lực cho phát triển vùng và cả nước.

Hà Nội, cũng không có vấn đề về an ninh quốc phòng như Seoul (vùng chiến sự), Melbourne; Rio de Janeiro (thành phố cảng); Hà Nội luôn là nơi Việt Nam có những chiến thắng quyết định trong các cuộc chiến tranh vệ quốc.

Hà Nội, với Nhà Quốc hội đang được xây dựng mới (để xây dựng được, chúng ta đã phải dỡ bỏ Hội trường Ba Đình - nơi đã ghi nhận rất nhiều sự kiện lịch sử trong thế kỷ XX) là sự khẳng định khu vực Ba Đình là Trung tâm Chính trị, nơi thiêng liêng, biểu tượng cho sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của toàn dân tộc Việt Nam. Đất nước mới thống nhất được 35 năm, vận nước đang lên, không có lý gì chuyển đổi (để từ xấu thành tốt) mà ngược lại, việc chuyển đổi có thể chuyển tốt thành xấu.

Đồ án đã không chứng minh và không thể chứng minh được lý do phải chuyển dời Trung tâm Chính trị ra khỏi Ba Đình (vào năm 2050). Hà Nội không có luận cứ cho việc phân rã, chuyển dời thủ đô (dù chỉ là trong ý nghĩ). Chỉ có thể hoàn thiện và mở rộng.

Đây là sự phi lý  về Lý do dời đi.

clip_image011Trong số các thành phố thủ đô 1000 năm tuổi của thế giới (khoảng 29) chỉ duy nhất 2 quốc gia (có kế hoạch) từ bỏ vùng đất lịch sử để lập thủ đô mới. Đó là Hàn Quốc (với Seoul và Sejong). Myanma (với Yangon và Naypyidaw). Một (Myanma) chưa rõ có thành công hay không. Một (Hàn Quốc) đã thất bại.

Phi lý thứ bảy:

Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội với mong muốn có được một Trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia xứng tầm, tương xứng, là nguyện vọng chính đáng không riêng những người có trách nhiệm thực hiện mà là nguyện vọng chung của toàn dân; Tuy nhiên, giải quyết nhiệm vụ này như thế nào là một chuyện khác.

Việc đồ án đề xuất lựa chọn: "Trung tâm Hành chính quốc gia: sẽ dành khu đất dự trữ ở Ba Vì. Tại đây sẽ xây dựng các cơ quan của Chính phủ, các Bộ ngành. Dự kiến sẽ sây dựng sau 2050..."

Xét riêng về địa điểm, đây là lựa chọn sai lầm, vì:

1. Ba Vì cách quá xa trung tâm Chính trị Ba Đình (không thể hợp lý trong việc tổ chức không gian và thời gian với khoảng cách 30 ~ 40 km (50 ~ 60km thực tế) giữa các trung tâm quyền lực nhà nước sẽ không thể tổ chức hợp lý các quan hệ lãnh đạo, điều hành đất nước, đối nội và đối ngoại, thời chiến và thời bình). Lãng phí trên mọi phương diện. Trên thế giới, (ngoại trừ các nước có Thủ đô phân quyền) không quốc gia phát triển nào có cách bố trí này.

2. Vị trí lựa chọn ở khu vực đô thị ngoại biên thành phố (lệch tâm), việc giải quyết mối liên hệ (không truyền thống) sẽ gặp nhiều bất lợi về nhiều phương diện, không chỉ khi kết nối giao thông tối ưu cho các hoạt động cục bộ và toàn thể (khảo sát 18 quốc gia thuộc nhóm các nền kinh tế lớn G20 cho thấy 17/18 có các trung tâm quyền lực nhà nước bố trí tại một khu vực trung tâm (giữa) thành phố. Riêng Hàn Quốc có phủ Tổng thống bố trí lệch tâm (cũng áp chân núi - xem Sự phi lý thứ tư và thứ sáu) - đây là một hạn chế, không phải ưu việt.

3. Về  an ninh quốc phòng: Núi Ba Vì là một khu vực linh thiêng (nhưng đơn độc), tiến thoái lưỡng nan (thế phòng thủ bị động - không phù hợp với chiến tranh hiện đại), dễ bị cô lập, chia cắt, không có khả năng ứng biến (với khoảng cách quá xa Trung tâm Chính trị Ba Đình sẽ rất hạn chế trong phối hợp lãnh đạo đất nước trong tình trạng khẩn cấp), vì vậy, hoàn toàn bất lợi khi đặt Chính phủ ở đây.

4. Sai lầm về địa thế: vùng chân Núi Ba Vì với địa hình bán sơn địa, địa thế "tiền án, hậu chẩm" chỉ có thể phù hợp với việc đặt đền đài, lăng tẩm, nơi thờ cúng (có thể tham khảo các bài viết "Hậu thế hiểu sai Chiếu dời đô nên định đô sai?" và "Đọc lại "Chiếu dời đô" để thấy tầm nhìn quy hoạch của ông cha"). Chọn nơi đặt Chính phủ và các cơ quan trung ương (tức thủ đô - dù chỉ là dự kiến) phải chọn nơi "chính", "giữa", "tụ hội quan yếu của bốn phương" (quy tụ với nghĩa đen và nghĩa bóng - về giao thông và lòng người), địa thế rộng lớn, có khả năng phát triển lâu dài. Khu vực đồ án đề xuất thuộc thế "cùng", đường "cụt". Vị thế này thường dùng chọn cho các đô thành thời Trung cổ của các lãnh chúa phong kiến (ở nước ta có Nhà Hồ, Nhà Mạc cũng ở thời này) - Chúng ta cũng đều biết vì sao thời Trung cổ còn được ví như "đêm dài" trong lịch sử loài người.

Đây là sự phi lý về Lý do chuyển đến.

Phi lý thứ tám:

"Về trung tâm hành chính mới, quy hoạch chỉ đặt vấn đề có quỹ đất dự phòng" - Người đại diện cho Bộ Xây dựng phát biểu (nguồn: http://hanoi.org.vn/planning/archives/394 ). Trái ngược với các tuyên bố trước đó của đại diện khác cũng của Bộ Xây dựng: "Trung tâm hành chính quốc gia sẽ về chân núi Ba Vì" (nguồn: http://dantri.com.vn/c20/s20-382199/trung-tam-hanh-chinh-quoc-gia-se-ve-chan-nui-ba-vi.htm). Đồng thời trái ngược với nội dung đồ án đã được trưng bày xin ký kiến nhân dân.

Và "Cần có trục Thăng Long trong quy hoạch Hà Nội" (nguồn: http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/04/3BA1B1FE/ - một sự khẳng định của đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quy hoạch vùng Thủ đô. Và "Chưa quyết địa điểm xây Trung tâm hành chính quốc gia"; "nhưng định hướng là theo vị trí kết thúc của trục Thăng Long, qua hồ Đồng Mô, dưới chân núi Ba Vì" (nguồn: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201004/Chua-quyet-dia-diem-xay-Trung-tam-hanh-chinh-quoc-gia-905539/)

Đồ án  đã  gây lãng phí lớn, khi chỉ vì điều này (khu đất dự phòng) đã phải mở một trục "Thăng Long" - hệ quả của ý tưởng Trung tâm Hành chính quốc gia cách xa 30 - 40km với chi phí phải cần tới trên 10.000 tỷ đồng (trong khi phân bổ ngân sách trung ương năm 2010 chi cho Chương trình biển Đông, hải đảo, cảnh sát biển chỉ có 1.708 tỷ đồng - nguồn: Tủi cho kinh tế biển). Nếu việc lựa chọn vị trí này (Chính phủ - Trung tâm Hành chính quốc gia) sai lầm thì toàn bộ cấu trúc đô thị sẽ bị phá vỡ và con đường này sẽ không còn có ý nghĩa. Ai sẽ chịu trách nhiệm về sự lãng phí này?

"Nam Phi có Thủ đô Lập pháp, Thủ đô Hành pháp, các cơ quan đầu não ở các đô thị khác nhau" -  Với lời giải thích này chúng ta có thể hiểu đến năm 2050 Việt Nam cũng sẽ có Thủ đô Hành pháp như họ (nguồn: http://www.vtc.vn/2-247249/xa-hoi/)

Tổng hợp lại, thấy các ý tưởng đề xuất rất mơ hồ, thiếu luận cứ, trong khi đây là nội dung quan trọng nhất. Sự không nhất quán trong phương pháp luận thể hiện nội dung đồ án chưa được nghiên cứu đầy đủ và thực chất.

Cần phải thẳng thắn rằng đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội dường như đã lấy Malaysia và Nam Phi làm hình mẫu. Khi  đưa ra lời giải thích  như trên chắc vị đại diện này quên Nam Phi có chế độ (phân biệt chủng tộc) Apartheid đã "sáng tạo" nên 1 quốc gia có 3 thủ đô độc nhất vô nhị trên thế giới (Thủ đô Lập pháp: Cape Town; Thủ đô Tư pháp: Bloemfontein; Thủ đô Hành pháp: Pretoria); và Malaysia đã tạo ra một Thủ đô Hành pháp Putrajaya là sản phẩm "với những mưu toan của chính phủ thời thủ tướng Mahathir". Vậy có gì chung với Việt Nam không?

"Quy hoạch là ý chí của quyền lực" nhưng nên là ý chí của quyền lực trí tuệ, quyền lực cầu thị, của quyền lực quên mình, đưa lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.

Đây là sự phi lý về Năng lực quyền hạn.

Phi lý thứ chín:

Sai lầm về khái niệm đã dẫn đến sai lầm về mô hình nhà nước; sai lầm về mô hình nhà nước đã dẫn đến sai lầm về cấu trúc đô thị; sai lầm về cấu trúc đô thị đã dẫn đến sai lầm trong giải pháp lựa chọn địa điểm và tổ chức không gian.

Sai lầm về tư duy (do trình độ) sẽ ảnh hưởng đến phương pháp và thái độ làm việc; sự ngộ nhận về năng lực, quyền hạn sẽ biến việc lớn thành việc nhỏ, dẫn đến vai trò chính phụ bị đảo lộn.

Việc hệ trọng như kế hoạch dời đô (nếu Quốc hội đồng tình, đồng ý với đồ án Quy hoạch Hà Nội, tức chấp thuận với kế hoạch di chuyển Chính phủ - đồng nghĩa với dời đô vào năm 2050) song cách thức tiến hành rất xem nhẹ (Chưa nghiên cứu thấu đáo đã khẳng định ý đồ; không qua trưng cầu dân ý; không thông qua Quốc hội; không có luận cứ về sự cần thiết phải dịch chuyển Trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia ra ngoài vùng đất lịch sử. Không có luận cứ cho thấy sự đúng dắn của địa điểm được lựa chọn).

"Trung tâm Hành chính quốc gia: sẽ dành khu đất dự trữ ở Ba Vì. Tại đây sẽ xây dựng các cơ quan của Chính phủ, các Bộ ngành. Dự kiến sẽ sây dựng sau 2050..." hay "Đề xuất một quỹ đất dự phòng cho Trung tâm Hành chính quốc gia" đều là những nội dung rất khó hiểu và nửa vời.

Khó hiểu - Vì sự phi lý về Khái niệm thể chế; về Mô hình nhà nước; về Cấu trúc trung tâm; về Ý thức nghiêm cẩn; về Nhận thức giá trị; về Lý do dời đi; về Lý do chuyển đến; về Năng lực quyền hạn. Khó hiểu hơn nữa: với các ý tưởng đề xuất tản mạn, manh mún, mờ nhạt và lửng lơ, không khẳng định được một Trung tâm Chính trị xứng tầm, ổn định và bền vững; không trả lời được câu hỏi: Chúng ta đang quy hoạch một Đô thị thủ đô (lấy Trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia làm hạt nhân chủ đạo) hay chỉ tổ chức quy hoạch một Hệ thống quần cư đô thị và thêm vào đó các Trung tâm Hành chính (hoặc Chính trị) quốc gia?

Nửa vời - Vì theo nội dung của đồ án, từ 20 - 40 năm tới sẽ không có một khu vực nào được lựa chọn để quy hoạch tập trung, hoàn chỉnh, ổn định; tất cả đều "ăn nhờ, ở đậu" ngóng về thời điểm (Năm 2050 - năm mà sự "Phi lý thứ hai" và "Phi lý thứ ba" xuất hiện) cùng lúc sẽ có 3 Trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia với "hiện tượng giao thông con lắc của thời đại chúng ta khi giải quyết các thủ tục hành chính"(Quy hoạch đô thị: Những khái niệm bị lật nhào) và đánh dấu một sự kiện còn khó hiểu hơn: chúng ta sẽ có Thủ đô phân quyền với một Chính phủ "ra ở riêng" ở Chân Núi Ba Vì.

Quả thực, đây là những ý tưởng khó hiểu, nửa vời, đồng nghĩa với việc tạo tâm lý bất an, tạm bợ, gây bất ổn về lâu dài (hệ lụy nhãn tiền mà chúng ta có thể thấy ngay được tại khu vực Ba Vì hiện nay). Trước mắt, tạo nguy cơ tước đi (vĩnh viễn) cơ hội mở rộng, hoàn thiện một Trung tâm Chính trị xứng tầm và ổn định ngay tại khu vực Ba Đình và phụ cận.

Trong khi, với điều kiện hiện nay, hoàn toàn có thể quy hoạch một Thủ đô Hà Nội (mới) - "một thủ đô vĩnh viễn" giữa vùng đất lịch sử, thiêng liêng mà không phải là phương án di dời, chắp vá như đề xuất của đồ án. Nếu có khó khăn, có lẽ, do năng lực hạn chế của những người tổ chức, tham gia thực hiện.

Đây là sự phi lý Không thể gọi tên, bởi, Nửa vời, bản thân đã là Phi lý.

clip_image013"Đây là một ý tưởng nửa vời, đồng nghĩa với việc tạo tâm lý bất an, tạm bợ, gây mất ổn định về lâu dài. Trước mắt, tạo nguy cơ tước đi (vĩnh viễn) cơ hội mở rộng, hoàn thiện một trung tâm chính trị xứng tầm và ổn định ngay tại khu vực Ba Đình và phụ cận".

Các câu hỏi đặt ra:

1. Chúng ta đã dỡ bỏ đi Hội trường Ba Đình - địa điểm lịch sử của thời đại Hồ Chí Minh để xây dựng Nhà Quốc hội (mới) - Thể hiện ý chí toàn Đảng, toàn dân coi Ba Đình là Trung tâm Chính trị vĩnh viễn. Vậy tại sao không quy hoạch hoàn chỉnh khu vực này và phụ cận trở thành Trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia đàng hoàng, tập trung, tương xứng với tầm vóc của một nước Việt Nam (mới) tại vùng đất lịch sử, ngay trong lòng thủ đô ngàn năm tuổi (thịnh vượng bền vững như Roma, London, Paris, Bắc Kinh và Delhi) "đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời"?

2. Các mô hình phát triển, cấu trúc đô thị của Thủ đô Hà Nội sẽ như thế nào để có thể phát triển bền vững và có khả năng cạnh tranh (thực sự) trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương? Yếu tố nào là chủ đạo?

3. Còn những tồn tại cốt lõi khác của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là gì? Nguyên nhân?

4. Quy hoạch tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng; những đồ án quan trọng như Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, với nội dung lựa chọn địa điểm cho Trung tâm Chính trị, có ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước? Diện tích đất phải chuyển đổi mục đích sử dụng hàng trăm, hàng chục ngàn ha; gây xáo trộn, tác động đời sống hàng triệu người; số tiền phải chi phí rất lớn (từ 1 ~ 3 lần GDP của quốc gia)? Tại sao Quốc hội  (đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân) lại có vai trò cho ý kiến "chỉ để tham khảo"?

5. Có thể có một Nghị quyết của Quốc hội về các đồ án quy hoạch quan trọng quốc gia (dành cho quy hoạch vùng, quy hoạch thủ đô, quy hoạch sử dụng đất quốc gia v.v. - tương tự như Nghị quyết 66/2006/QH11 Về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư) được không? Bởi vì, khi các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt, các dự án thành phần (dù lớn đến mấy, đương nhiên là hệ quả của quy hoạch) nếu có trình (việc đã rồi), thì Quốc hội có lẽ chỉ còn có quyền góp ý, và đồng ý - không lẽ còn cách khác?

HT

Nguồn: Tuần Việt Nam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn