Hoa Kỳ dũng cảm đương đầu với sự bắt nạt của Trung Quốc

image Ngoại trưởng Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Gates thông báo cho Bắc Kinh rằng chúng tôi sẽ chống lại bất kỳ chủ nghĩa bành trướng nào trong khu vực.

Daniel Blumenthal

Bà Hillary Clinton đã làm náo nhiệt hồi tuần trước khi bà nói rằng một giải pháp hòa bình cho việc tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông là “lợi ích quốc gia” của Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án lời bình luận đó là sự can thiệp tùy tiện của Mỹ và cố gắng để “quốc tế hóa” một vấn đề nghiêm trọng trong khu vực. Bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh, sự khéo léo của bà Clinton đánh dấu một bước tiến triển tích cực của Chính phủ Obama về phương pháp tiếp cận châu Á.

Vấn đề đang tranh cãi là Bắc Kinh đòi phần lớn lãnh thổ trên Biển Đông. Trung Quốc hành động như người ta đoán trước về một cường quốc đang lên: khi phát triển mạnh hơn, họ mong muốn thay đổi các quy tắc quốc tế đã được viết lúc họ còn yếu.

Tuy nhiên, các chuyên gia chính sách đối ngoại đã dành nhiều thời gian để bảo đảm với người châu Á và người Mỹ rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ là một ngoại lệ, ít hỗn loạn hơn sự trỗi dậy của Hoa Kỳ, Đức hay Nhật Bản. Quan điểm đó cổ vũ cho chính sách "bảo đảm chiến lược" ác liệt của Tổng thống Obama trong năm đầu nhiệm kỳ của ông, trong đó Washington bảo đảm với Bắc Kinh rằng Mỹ sẽ không tranh giành tình trạng trỗi dậy trở thành cường quốc của Trung Quốc. Trung Quốc ngửi mùi yếu kém [của Mỹ] và đứng dậy đánh cược, tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” và xác định nó là lãnh hải của Trung Quốc.

Bây giờ là ý kiến của bà Clinton và hành động của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates để khôi phục lại các mối quan hệ quân sự với Indonesia trong chuyến đi châu Á hồi tuần trước, cho thấy rõ rằng đội ngũ Obama hiểu sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là ngoại lệ trong lịch sử. Thương hiệu mới của họ về chủ nghĩa hiện thực nguyên tắc đặc trưng do các biện pháp nhằm cân bằng quyền lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc và đẩy mạnh tham gia với các đồng minh và đối tác, [tham gia] tất cả nhưng không bỏ mặc các giá trị của Mỹ.

Cụ thể trên Biển Đông, Hoa Kỳ muốn tự do đi lại, tự do đi vào các vùng biển chung, và tôn trọng luật pháp quốc tế. Tuần trước tại Hà Nội, bà Clinton đề nghị để giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua phương tiện đa phương thay vì song phương. Trong khi đó, bà thể hiện trong cuộc họp với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Mỹ sẽ nắm lấy các đối tác, những nước cùng chia sẻ mục đích trong việc kiểm tra sức mạnh của Trung Quốc, nhưng cũng sẽ không tránh né khi [họ đáng] bị chỉ trích vi phạm nhân quyền. Ví dụ, bà Clinton đã nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ chỉ trích sự tàn bạo của chế độ Miến Điện, mặc dù một số nước thành viên ASEAN ngần ngại trong việc chỉ trích này.

Có hai lý do tại sao một giải pháp đa phương cho vấn đề Biển Đông làm Bắc Kinh khó chịu. Lý do thứ nhất, việc sách nhiễu định kỳ các tàu hải quân Mỹ và mở rộng việc đòi chủ quyền hàng hải chứng minh rằng Trung Quốc không tôn trọng các tiêu chuẩn ứng xử trên biển đã được chấp nhận rộng rãi. Trung Quốc giữ quan điểm toàn bộ Biển Ðông là lãnh hải của họ, là tin mới đối với Philippines, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan, những nước đều đòi chủ quyền lãnh thổ ở đó. Trung Quốc cũng đang cố gắng để ngăn chặn các hoạt động quân sự hợp pháp của Hoa Kỳ trên biển. 

Thứ hai, Trung Quốc cố giữ cho tranh chấp với các nước Đông Nam Á [chỉ được bàn thảo] song phương. [Bởi vì sẽ] dễ dàng hơn để bắt nạt và phớt lờ những nước đòi chủ quyền khác đối với các đảo san hô vòng, đường hàng hải và các nguồn tài nguyên thiên nhiên với từng nước một. Chỉ riêng hai lý do trên, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Đài Loan không thể đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình một cách hiệu quả. Các nước nói trên cùng hợp tác với nhau, cộng thêm sự hậu thuẫn của Mỹ, thì họ có thể.

Đó là lý do tại sao bà Clinton được chào đón, điều đáng lẽ đã xảy ra từ lâu. Nhiệm vụ của Hoa Kỳ là bảo vệ các nguyên tắc ứng xử đã được thiết lập và mong Trung Quốc tuân theo. Hơn nữa, Washington đang chấm dứt chiến lược chia để trị của Trung Quốc ở Đông Nam Á.

Bắc Kinh có khả năng thực hiện đòi chủ quyền lãnh thổ không hợp lý và bành trướng, và họ đã bắt đầu làm điều đó ở bên ngoài và bên trong Biển Hoa Đông. Không có chỗ cho sự mơ hồ khi nói đến lợi ích của Mỹ trong việc tự do đi lại trên vùng biển quốc tế.

Trong khi đó, sự nối kết của bà Clinton về an ninh Đông Nam Á với các giá trị tự do rất là chính đáng. Các nước Đông Nam Á muốn Trung Quốc tuân theo các quy tắc quốc tế và minh bạch hơn về các hoạt động trên biển. Điều đó sẽ chỉ xảy ra nếu Trung Quốc trở thành một xã hội tôn trọng pháp luật và cởi mở hơn. Và Mỹ không thể kêu gọi Trung Quốc cư xử có trách nhiệm trong khi cho phép Miến Điện tàn bạo hoặc để cho Việt Nam lạm dụng [quyền lực] mà không nói tới. 

Không có điều nào nói rằng bà Clinton đã thật sự giải quyết vấn đề. Trung Quốc sẽ gây áp lực rất lớn lên các nước ASEAN để các nước này tôn trọng việc đòi chủ quyền của Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ lập luận rằng trong khi Trung Quốc thường trực ở châu Á, sự chú ý của Mỹ chỉ là nhất thời. Đây là một luận cứ thuyết phục, nhưng là điều có thể bị bác bỏ.

Trình tự đầu tiên là đặt quân đội Mỹ đằng sau các nỗ lực ngoại giao. Lầu Năm Góc nên đưa ra một kế hoạch cân bằng tương xứng với việc gia tăng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Mọi người đều biết quân đội Mỹ suy yếu ở Thái Bình Dương. Đã đến lúc nói thật và tìm kiếm được hỗ trợ từ Quốc hội và công chúng Mỹ về phí tổn và sự cần thiết trong việc bảo đảm sự ổn định ở châu Á.

Thứ hai, Hoa Kỳ nên tiếp cận khu vực một cách đa phương bằng cách lập một Sứ quán quan hệ đối tác khu vực châu Á ở một thủ đô liên minh giống như chúng ta có ở Brussels với Liên minh châu Âu. Washington nên yêu cầu bạn bè của mình để làm như vậy và lập các tổ chức ngoại giao mới với cán bộ ngoại giao và sĩ quan quân đội để đối phó với các vấn đề an ninh châu Á rộng lớn. Mỹ không cần phải thành lập tập hợp chính thức các đồng minh quốc phòng giống như liên minh NATO, nhưng đã đến lúc xây dựng mạng lưới các đồng minh hợp tác chặt chẽ ở châu Á.

Bà Clinton cho thấy sự giao thiệp ngoại giao khéo léo và sáng tạo trong chuyến thăm Việt Nam. Washington nên tiếp tục cái đà này bằng các bước thể hiện sự cam kết tôn trọng của mình đối với an ninh khu vực. Phản ứng hiếu chiến của Trung Quốc đối với chính sách “bảo đảm chiến lược” dạy cho Chính phủ [Hoa Kỳ] rằng Bắc Kinh tôn trọng quyền lực trên hết. Thay vì trấn an Trung Quốc hiếu chiến, chúng ta nên trấn an những người bạn châu Á của chúng ta bằng cách xây dựng các thể chế cần thiết để thực hiện các chính sách mới của bà Ngoại trưởng.

Ông Blumenthal đã làm việc trong Cơ quan An ninh Quốc tế của Bộ Quốc phòng Mỹ từ năm 2002-2004, là thành viên thường trực tại American Enterprise Institute, Washington, DC.

Ngọc Thu dịch

Dịch từ: WSJ

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn