Tái cơ cấu Vinashin: “Xấu hổ và cay đắng”

 

clip_image001

Con tàu Vinashin sẽ hướng về đâu?

Lãnh đạo Vinashin nói về trách nhiệm, điều chỉnh cơ cấu quyền lực và điều hành khi tái cơ cấu tập đoàn “Trong việc này, chúng tôi thật sự xấu hổ và cay đắng”, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) mới thay chân ông Phạm Thanh Bình bày tỏ trong cuộc trao đổi với báo chí, xung quanh cách thức xử lý các vấn đề tồn đọng, quyền lợi và trách nhiệm các bên liên quan, cũng như định hướng của việc tái cơ cấu tập đoàn này.

Ông Tổng giám đốc mới nói những lời mà dân gian vẫn gọi là “vừa đấm vừa xoa”, nói thật với ông như thế đấy. Nhìn nhận mọi thất bại với tất cả xấu hổ và cay đắng chỉ là câu mở đầu, nhưng rồi đến các câu tiếp theo thì “cái gì chúng tôi cũng trong thế mạnh”, thế có thể “ăn người”. Cách nói ấy, tôi ngờ sẽ chính là nguyên nhân dẫn đến những thất bại mới vì hình như các ông đã thấm thía cái tội của mình đâu, trong khi dân chúng chúng tôi đang mong chờ ở các ông một sự nhìn nhận thực sự cầu thị hơn. Thắng hay bại keo tới đây, sẽ chờ thời gian, tuy nhiên, xin ông nhớ cho, rằng đây là cái giao kèo với cả dân tộc, ông không thể lùi được nữa, dù ông Thủ tướng có ưu ái với các ông hơn cả mức ưu ái vốn đã quá mức như bây giờ.

Chuyển sang một vấn đề khác, trong cách nhìn trở lại những việc mình làm, tôi chỉ xin hỏi ông Tổng giám đốc một câu thôi: Nếu như Vinashin là một tập đoàn tư nhân, nghĩa là mọi chi phí đầu tư của tập đoàn này trong thời gian vừa qua là tiền của các ông chứ không phải của Nhà nước, thì liệu các ông có dám mua những con tàu cũ nát về để sử dụng hay không? Liệu các ông có để những công trình nham nhở mục nát tàn tạ như trong những cảnh quay của VTV1 chiếu trong các chương trình thời sự vừa qua hay không? Liệu các ông có dám nợ nần chồng chất hàng chục tỷ của người dân rồi trả lời họ một cách vô trách nhiệm “Nhà nước nợ chứ không phải chúng tôi nợ” không? Trong việc mua bán các con tàu cũ nát về không sử dụng được cái mất thì đã rõ nhưng liệu có phải không ai được lợi? Chẳng ai làm Tổng giám đốc lại ngu si ném tiền qua cửa sổ như thế. Tiền của Nhà nước là tiền chùa mới có tình trạng đó thôi. Cả tập thể Ban lãnh đạo tập đoàn Vinashin có tội với đất nước mà đứng đầu là ông Tổng giám đốc [Phạm Thanh Bình]. Ông xấu hổ thay ông ấy ư? Nếu ông ấy biết trọng danh dự và biết xấu hổ thì ông ấy đã không để Vinashin đến thảm họa như ngày hôm nay. Một lời xin lỗi của ông giờ đây thiết tưởng thật vô nghĩa. Chỉ khi nào ông Bình và những người lãnh đạo trong tập đoàn của ông ấy đào tất cả của chìm của nổi để trả nợ cho những người đầu tắt mặt tối gom góp thuế đóng vào Tập đoàn cho ông ấy để các ông xà xẻo làm tan tành một cơ ngơi lớn đến mức nói đến nó ai cũng ngạt thở vì lo lắng, thì mới gọi là rửa được một phần tội lỗi này.

Tội lỗi này còn phải kể đến những vị lãnh đạo cao cấp đã bảo lãnh vay những khoản vay khổng lồ từ nước ngoài (nếu tôi nhớ không lầm thì khoản vay là 750 triệu USD) tống vào Tập đoàn Vinashin để họ mặc sức phá hoại. Tội lỗi này còn phải kể đến những vị chức sắc của các Bộ ngành có liên quan buông lỏng quản lý, một khi đồng tiền lót tay làm mờ mắt thì họ đã bỏ qua tất cả để bọn tham nhũng tha hồ hoành hành, làm sao Vinashin không nốc ao.

Than ôi! Nếu như các Tập đoàn và Tổng công ty khác mà như Vinashin - chắc chắn khi phanh phui ra sẽ còn nhiều tập đoàn tương tự chứ không riêng Vinashin chơi trò “độc đáo” thế đâu - thì đất nước này sớm lụi tàn là điều khỏi bàn cãi.

Minh Nguyễn

 

 

Ông Vũ nói:
- Đáng ra nó không phải như thế này, kể cả có khủng hoảng. Đáng ra, chúng tôi phải tỉnh táo hơn từ năm 2008. Đấy là những điều làm chúng tôi day dứt.
Danh dự chúng tôi đã bị tổn thương, trong khi đó, những người công nhân của Vinashin rất tốt lại là nạn nhân của hệ thống điều hành. Đấy là điều đau đớn, phải vực nó lên, phải bổ nhiệm được lãnh đạo kế tiếp và chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm, trả giá cho câu chuyện vừa qua, không né tránh.

Có thể xin phép bán nhà máy để trả nợ

Mới đây, Vinashin cho biết đã mất đi khoảng 15 nghìn nhân công trong quá trình khó khăn vừa qua. Có phải là nghịch lý không khi Tập đoàn luôn khẳng định đủ việc làm đến 2011 nhưng vẫn có công nhân thiếu việc làm?
Trong quá trình khủng hoảng vừa qua, chúng tôi mất đi khoảng 15 nghìn lao động thật. Nhưng 15 nghìn lao động này rơi vào các công ty xây dựng, công ty dịch vụ, công ty cổ phần mới thành lập. Còn lực lượng đóng tàu chúng tôi chỉ mất đi khoảng 2 nghìn người, không phải con số quá lớn. Còn lực lượng tinh nhuệ của chúng tôi hãy còn nguyên.
Còn chuyện công nhân không có việc làm là do không có vốn cho sản xuất. Việc hợp đồng ký là đảm bảo cho đến năm 2012, nhưng hiện chúng tôi không thể huy động vốn nhiều để đóng các con tàu cho nên dẫn đến công nhân không có việc làm.
Với đợt tái cơ cấu này, chúng tôi dồn toàn lực nguồn tiền thu về được để tập trung đủ sống và cho sản xuất. Và khi các con tàu được giao thì chúng tôi tiếp tục cân đối được những khoản tiền lớn về để cân đối tài chính. Hiện nay chúng tôi đang có khoảng hơn 1 tỷ USD giá trị tàu đóng dở dang. Chúng tôi chỉ cần bỏ thêm một ít nữa thì sẽ thu được số tiền này về.
Với bài toán này, chúng tôi thu được hai mục tiêu, vừa cân đối được tài chính, vừa thúc đẩy sản xuất và thu tiền về. Tất nhiên, do khó khăn về tài chính nên có những hợp đồng nhỡ hạn, chúng tôi phải dàn xếp với chủ tàu để họ chia sẻ khó khăn với chúng tôi.
Ông có lạc quan quá không, khi mà Vinashin vẫn còn đứng trước khoản nợ khoảng 60 nghìn tỷ đồng, sau khi đã chuyển được 20 nghìn tỷ đồng khác cho đối tác?

Chúng tôi không phải hoàn toàn ảo tưởng. Chúng tôi hiểu rằng phía trước còn nhiều thách thức và khó khăn. Nhưng với quyết tâm rất cao, chúng tôi chắc chắn sẽ vượt qua được.
60 nghìn tỷ đồng phải tính là chúng ta làm được cái gì trong 1 năm. Ví dụ như các nhà máy lớn của chúng tôi hoàn toàn có thể làm được 15-20 tàu cỡ 53 nghìn tấn mỗi năm. Mà chúng ta biết là tổ chức sản xuất tốt thì một con tàu chúng tôi lãi từ 3-5 triệu USD, sản xuất không ra gì thì mới lỗ. Và với sản lượng khi phục hồi trở lại, chúng tôi hoàn toàn có khả năng tạo ra lợi nhuận để trả món nợ này.
Tất nhiên, món nợ ngoài ý nghĩa là nợ thì nó còn hình thành nên tài sản của chúng tôi, chứ không phải hoàn toàn là 60 nghìn tỷ đồng. Phần hình thành các nhà máy, các cơ sở sản xuất của chúng tôi cũng chiếm khoảng 40 nghìn tỷ đồng trong đó, còn lại chỉ có 20 nghìn tỷ đồng là vốn lưu động. Cho nên, khi thị trường kích hoạt trở lại thì chúng tôi hoàn toàn có khả năng trả nợ được.
Và thậm chí chúng tôi cũng thẳng thắn là khi thị trường phục hồi mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, chúng tôi sẵn sàng xin phép Chính phủ bán một số nhà máy đi để trả nợ. Có phải chúng tôi vứt tiền đi đâu? Mọi người đều hiểu nhầm là 60 nghìn tỷ đồng ấy mất đi, thực tế có mất đi đâu.
Ví dụ như Tổng công ty Nam Triệu, trước chúng tôi đầu tư chỉ có 200 triệu USD, vào khoảng 4 nghìn tỷ đồng. Nay, chúng tôi hoàn toàn có thể bán với giá 5-6 nghìn tỷ đồng cho nước ngoài khi thị trường hồi phục. Các nhà máy chúng tôi đầu tư ở giai đoạn trước đây với chi phí rất thấp. Chúng tôi đã tính toán đến khả năng khả thi để trả nợ.

Sẽ chỉ đầu tư ngoài ngành bằng lãi kiếm được

Sau quyết định tái cơ cấu, với những dự án còn lại, bao nhiêu dự án vẫn đầu tư dở dang, và tập đoàn cần thêm bao nhiêu vốn nữa?

Hiện tại chúng tôi đang kiểm kê lại, rà soát những dự án không thật cần thiết và có thể bán đi để thu tiền về. Việc này sẽ được làm rất kiên quyết.
Quan điểm của chúng tôi là sẽ xây dựng kế hoạch cả gói cho Vinashin trong đó quan điểm của chúng tôi là vẫn giữ nguyên Vinashin là kinh doanh đa ngành đa nghề, vì đây là quy luật của phát triển kinh tế. Thế nhưng, chúng tôi sẽ đưa ra chiến lược và lộ trình.
Ví dụ như hiện nay, Vinashin đang dựa trên nền tảng hoạt động từ vốn vay thì chúng tôi chỉ tập trung vào đóng tàu, sửa chữa tàu và chế tạo thiết bị cho tàu thủy. Sau này, khi chúng tôi làm ăn có lãi thì chỉ đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính phần lãi chúng tôi làm ra, chứ không phải bằng vốn vay.
Việc phát hành trái phiếu cho Vinashin vay lại, hay yêu cầu các ngân hàng cho Vinashin vay, vài năm gần đây không còn. Như vậy Vinashin sẽ đứng tự chủ thế nào sau rất nhiều năm được quan tâm quá mức?
Tất nhiên, chúng tôi là doanh nghiệp nhà nước, sự hỗ trợ, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ là cần thiết. Theo quan điểm của tôi, các ngành nghề công nghiệp nặng, khó, tư nhân không làm được, nhà đầu tư nước ngoài không đầu tư, thì Chính phủ nên có hỗ trợ. Các nước cũng vậy. Nhưng sự hỗ trợ đó chỉ là lúc ban đầu, còn lại tự họ phải tổ chức sản xuất để làm ăn có lãi. Chúng ta không thể bao cấp mãi được.
Đương nhiên, chúng tôi bây giờ, dù có "bò" thì cũng sẽ "bò" bằng đôi chân của mình. Nếu cần thiết thì chúng tôi cũng xin hỗ trợ ngắn hạn, nhưng phải đảm bảo hoàn trả lại hỗ trợ theo đúng cam kết.

Xin cơ hội giải thích


Ý ông là Tập đoàn có thể sẽ vượt qua rất nhanh. Vậy vì sao kết quả kinh doanh 6 tháng qua không thấy Vinashin công bố?

6 tháng đầu năm nay không được bằng năm ngoái, sản xuất đang có dấu hiệu đi xuống. Doanh thu toàn tập đoàn khoảng 21 nghìn tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là khoảng 30 nghìn tỷ đồng. 6 tháng đầu năm không có lãi. Làm sao mà lãi được, với tình hình hiện nay cầm cự được đã là tốt lắm rồi. Doanh số đi xuống rồi chi phí về lãi vay phát sinh ra… làm gì có lãi.
Cho nên, vấn đề với doanh nghiệp chúng tôi hiện nay là phải đẩy mạnh sản xuất, tạo ra doanh số cao, tiết kiệm chi phí thì mới đương đầu được. Tôi hy vọng giải quyết nhanh đợt này thì từ tháng sau sẽ đi lên. Bắt đầu tư sáng nay, tôi họp phiên đầu tiên trên cương vị điều hành đã ra lệnh kiểm soát chặt chẽ và yêu cầu tất cả từ Tổng giám đốc đến mọi người, thứ Bảy, Chủ nhật cần thiết là không có ngày nghỉ.
Cuối tuần này, lãnh đạo chúng tôi đi các đơn vị, tuần sau đi các tỉnh phía Nam, giải thích và làm rõ, đưa ra kế hoạch. Sẽ kêu gọi mọi người từ lãnh đạo cao nhất trở xuống, trong 3 tháng tới làm việc với cường độ cao nhất để phục hồi sản xuất.

Khi vấn đề tái cơ cấu Vinashin được thông tin đến dư luận, có ý kiến cho rằng khủng hoảng bộc lộ hạn chế chất lượng cũng như khả năng đóng tàu của Tập đoàn. Ông giải thích thế nào?

Tôi cho là không phải. Vinashin khó khăn như hiện nay do chúng tôi có nhiều tham vọng tạo ra ngành công nghiệp toàn diện, tự tin vào thị trường tài chính tốt, phải đầu tư. Giả sử phát hành 2 tỷ USD, nếu tình trạng đất dự án giao chậm như hiện nay sẽ tai họa khi tiền về. Chúng tôi đi trước một bước, mở các dự án trước khi phát hành. Nhưng không may thị trường đổ nên gây ra tình trạng hiện nay.
Ngành đóng tàu không khó khăn như mọi người nghĩ. Chúng tôi đã đóng tàu khó nhất trên thế giới, trình độ không thua kém các nước trên thế giới. Trước đây đóng tàu 53 ngàn tấn đầu tiền mất 14 tháng đấu đà, nay chỉ mất 2 tháng rưỡi, trình độ quản lý, tay nghề công nhân tốt, khẳng định sức mạnh kỹ thuật và quản lý các dự án đóng tàu của Vinashin mạnh hơn trước đây rất nhiều. Chúng tôi tự tin cạnh tranh được.
Có ý kiến độc giả phản ánh với chúng tôi rằng, tàu của Vinashin không dám cập cảng quốc tế vì sợ xiết nợ, hoặc sợ phạt vì không đủ tiêu chuẩn, chất lượng không đảm bảo. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Cái đó không phải như vậy. Cần phải phân định rõ Vinashin hoạt động nhiều ngành nghề, trong đó có cả đóng tàu và vận tải biển.
Những con tàu chúng tôi đóng đạt các tiêu chuẩn của đăng kiểm thế giới và Vinashin đã đóng tàu là theo tiêu chuẩn của đăng kiểm thế giới. Cái thứ hai là tàu của Vinashin chạy vòng quanh thế giới rất nhiều lần rồi và không có phản hồi nào về kỹ thuật trong 4-5 năm nay.
Còn các con tàu bị bắt giữ ở cảng chủ yếu là tàu của một công ty vận tải của Vinashin, đó là tàu cũ của nước ngoài đã mua về từ nhiều năm trước và khi tài chính có khó khăn chưa đủ tiền để sửa chữa cho hoàn hảo theo yêu cầu của đăng kiểm. Cho nên, nó xảy ra tình trạng như vậy.
Tất nhiên chúng tôi hoàn toàn tôn trọng và lắng nghe mọi ý kiến phản hồi và xin có cơ hội để được giải thích.

Khi "phân vai" sẽ khác


Sau tái cơ cấu, những vấn đề như nhân sự, tổ chức, quản lý giám sát tài chính, đầu tư có gì thay đổi, thưa ông?

Chúng tôi bước đi trên một nền tảng không phải như mọi người đã nghĩ. Ngoài những vấn đề báo chí đã nêu, chúng tôi có một cơ sở vật chất đã được tạo dựng lên. Trong 10 năm vừa rồi, Vinashin tạo nên một đội ngũ đóng tàu có trình độ và đã từng vượt qua nhiều thử thách.
Ngoài ra, rõ ràng về quản lý, chúng tôi có những vấn đề cần phải hiệu chỉnh. Chúng tôi sẽ xem xét một cách bình tĩnh, những gì tốt đẹp những năm vừa qua chúng tôi làm được thì sẽ tiếp tục phát huy nó lên, những gì tồn tại cần được hiệu chỉnh cho phù hợp với chiến lược phát triển mới, tất cả nhằm mục đích hiệu quả.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào ngành đóng tàu và chế tạo thiết bị, củng cố bộ máy cho phù hợp chiến lược phát triển mới, co cụm lại ở các vùng miền và giảm nhẹ các đầu mối. Chúng tôi dự kiến số lượng công ty sẽ giảm xuống dưới 100 để tăng cường nguồn lực cho các công ty còn ở lại.
Và xây dựng lại một hệ thống quản lý hiện đại, nếu như ngành đóng tàu mà không xây dựng được hệ thống quản lý và điều hành “bán quân sự” thì ngành đóng tàu sẽ lỗ. Một con tàu trị giá khoảng 600 tỷ đồng, cộng với thiết bị để hạ thủy nó khoảng 500 tỷ đồng là 1.100 tỷ đồng. Nếu chúng tôi giao đúng hạn thì sẽ lãi, nhưng nếu quản lý không tốt, hệ thống vật tư cung cấp có vấn đề, bộ máy chuyển động không trơn trượt, chậm 3-4 tháng là chúng tôi lỗ vài triệu USD. Cho nên, vấn đề quản lý và vận hành hệ thống quản lý đó là quan tâm hàng đầu.
Cái nữa là tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân của chúng tôi rất giỏi, nhưng cán bộ quản lý cần phải xây dựng và chuyên nghiệp hơn. Đó là những chiến lược lớn của Vinashin trong thời gian tới.
Quản lý tài chính sẽ phải làm chặt chẽ hơn. Chúng tôi không háo hức trong việc phát hành mà tất cả đều phải xây dựng lại, các dự án tính toán cho cụ thể, thị trường tầm gần tầm xa, mức đầu tư, nguồn nhân lực và tính khả thi của nó thì mới bắt đầu huy động vốn.
Còn các dự án đầu tư thì vẫn tiếp tục theo chiến lược phát triển mới và phải kiểm soát chặt chẽ. Chúng tôi là người kinh doanh nên khi thị trường sôi động rất khó giữ mình. Cho nên, chúng tôi sẽ cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình khi mà bất chợt có một thị trường ngoài ngành phát triển. Chúng tôi khẳng định rằng chỉ đầu tư ngoài ngành khi có lãi để đảm bảo doanh nghiệp phát triển bền vững.
Với ban lãnh đạo, chúng tôi có những người biết việc và chúng tôi tin tưởng vào ban lãnh đạo, nhưng vấn đề là hệ thống phải thay đổi. Những người đang làm việc tại Vinashin hoàn toàn có thể làm tốt công việc của mình trong thời gian tới.
Điều lệ của Vinashin vẫn chủ yếu là từ thời còn là mô hình Tổng công ty. Lần này sẽ có điều chỉnh như thế nào để không còn những "nạn nhân" như ông nói?
Điều lệ cũng đã có hiệu chỉnh rồi, tất nhiên là chưa phù hợp. Hiện nay chúng tôi bắt đầu trình lên Chính phủ điều lệ mới, trên chúng tôi là hội đồng quản lý và dưới là ban điều hành. Tức là điều lệ cũng có sự thay đổi cho phù hợp với chiến lược mới và phù hợp với việc kiểm soát.
Trước đây, đồng chí Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc điều hành, thì tới đây chúng tôi tách Hội đồng Quản trị ra, giữ vai trò điều hành về chiến lược; ban điều hành sẽ chịu trách nhiệm điều hành và chịu trách nhiệm trước Hội đồng Quản trị và trước pháp luật, đó là thay đổi lớn.
Thứ hai, chúng tôi cũng có hiệu chỉnh công tác quản lý, ví dụ trước đây giai đoạn đầu các đơn vị chưa giải quyết được một số vấn đề thì tập đoàn làm thay một số việc. Giai đoạn này tập đoàn chỉ làm công tác điều hành và quản lý vĩ mô, còn lại các đơn vị sẽ phải thực hiện các công việc cụ thể và chịu trách nhiệm.
Tuyệt đối không can thiệp quá sâu vào các doanh nghiệp thành viên và quyền chủ động của các doanh nghiệp phải được tôn trọng. Chúng tôi giữ vai trò kiểm soát và sẽ hành động khi có đơn vị có dấu hiệu bất ổn. Tôi cho cách làm này sẽ hiệu quả hơn.

Chúng tôi không tránh né


Liên quan đến việc kiểm điểm lãnh đạo các cấp, việc thực thi như thế nào?

Hiện nay, chúng tôi đã có thông báo đến tất cả các đồng chí trong ban chấp hành, trong Hội đồng quản trị, trong Ban điều hành và Tổng giám đốc các công ty lớn đều phải kiểm điểm cá nhân.
Có thể có đồng chí không sai cũng phải làm kiểm điểm, sau đó chúng tôi tổ chức một buổi kiểm điểm sâu sắc trách nhiệm từng cá nhân một, và cuối cùng sẽ là kiểm điểm tập thể để báo cáo lên cho Thủ tướng quyết định. Trách nhiệm tập thể thì tập thể phải chịu, trách nhiệm của cá nhân thì các nhân phải chịu, dù có thế nào chúng tôi cũng không né tránh.
Đợt này chúng tôi muốn làm kiểm điểm một cách kỹ càng, chúng tôi muốn dành thời gian để mọi người suy nghĩ về những điều đã qua và làm một cách trung thực, rõ ràng. Chúng tôi dự kiến đến cuối tháng 7 sẽ báo cáo lên Thủ tướng.

Lần trước, để tránh "xáo trộn" hoạt động doanh nghiệp, Thanh tra Chính phủ đã lui lại thời gian thanh tra Vinashin, nay có lùi hay dừng không?

Cái này là quyết định của Chính phủ, chúng tôi chưa nhận được thông báo về việc này nhưng sẵn sàng tiếp đoàn thanh tra, mặc dù Vinashin đang ở hoàn cảnh rất khó khăn.
Xét trên quan điểm cá nhân thì tôi cho là thanh tra lúc này chưa hợp lý, vì đằng sau chúng tôi là 5-7 vạn người, trước sau chúng tôi cũng phải đối mặt với thanh tra, nhưng quan trọng bậc nhất lúc này là phải ổn định cuộc sống cho người công nhân. Nói đây không phải là chúng tôi chạy hồ sơ, chạy giấy tờ. Chúng tôi không né tránh và sẵn sàng chịu trách nhiệm.

Vẫn có ý kiến cho rằng việc trì hoãn kế hoạch thanh tra có phải Vinashin đang né tránh làm rõ tình hình tài chính, công nợ… của Tập đoàn?

Chuyện thanh tra kiểm tra là bình thường, mục tiêu cuối cùng khi thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp là làm cho doanh nghiệp tốt lên. Chúng tôi cũng không có ý kiến gì về vấn đề này, thật ra lúc đó đang tập trung giải quyết công việc của tập đoàn.
Khi chưa có quyết định tái cơ cấu của Thủ tướng, từ đầu năm Ban lãnh đạo Vinashin đã có những cuộc họp khẩn cấp, Tập đoàn đã tiến hành các cuộc họp bàn, tiếp xúc các doanh nghiệp đối tác trong và ngoài nước để chuyển nhượng những dự án không cần thiết.
Có nhiều lí do, nhưng chúng tôi cho rằng mục tiêu để chúng tôi cố gắng xử lý công việc của mình, thời điểm nào, ban lãnh đạo dù có bị xử lý kỷ luật nhưng làm thế nào để doanh nghiệp vẫn tồn tại và phát triển, đó là mục tiêu cao nhất.

Tái cơ cấu Vinashin: Cuộc thay đổi nào cũng kèm chấn động

clip_image002

Tàu chở khách Hoa Sen được Vinashin đầu tư khoảng 60 triệu Euro (hơn 1.300 tỷ đồng Việt Nam), mua từ Ý đưa về Việt Nam vào cuối năm 2007, hiện đã ngừng hoạt động.

Lãnh đạo Vinashin tiếp tục trả lời về mối quan hệ với các đối tác, bạn hàng quốc tế và ngân hàng thời tái cơ cấu. Mặc dù khoảng 20 nghìn tỷ đồng trong tổng dư nợ 80 nghìn tỷ đồng của Vinashin, sau khi tái cơ cấu sẽ do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) “gánh vác”, tuy nhiên, các ngân hàng có quan hệ tín dụng với Vinashin cũng như các bạn hàng quốc tế của tập đoàn có thể vẫn đang phải cân nhắc giữa được và mất.



Dư nợ không phải là lớn

Thông tin những con số đưa ra về dư nợ và nợ quá hạn của Vinashin là lớn, nhưng vì sao lại kéo dài mà không được tỏ tường?

Thật ra, nợ của Vinashin không hẳn là lớn. Với số tiền 80-90 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 4 tỷ USD, để phát triển một ngành công nghiệp tàu thủy như hiện nay, số tiền như thế vẫn có thể nói là khiêm tốn.
Muốn phát triển ngành đóng tàu đạt đến tầm Top 10 thế giới, kiểm soát hoàn toàn về mặt công nghệ, với khả năng nội địa hóa 60-70%, thì số tiền cần đầu tư lớn hơn rất nhiều, tất nhiên là việc giải ngân cần phải có lộ trình.
Đơn cử như một nhà máy đóng tàu lớn của Trung Quốc có thể tiêu tốn hết khoảng 3 tỷ USD rồi, ở đây là cả một ngành đóng tàu mới phát triển của Việt Nam.
Ý tôi là nợ không phải là nhiều so với việc phát triển một ngành, vấn đề nằm ở chỗ là phải sử dụng đồng tiền như thế nào, lộ trình như thế nào cho hiệu quả thì là cả một vấn đề cân nhắc xem xét.

Thông tin tổng tài sản của Vinashin là 90 ngàn tỷ, dư nợ là 80 ngàn tỷ đồng có chính xác không?

Con số về tổng tài sản 90 nghìn tỷ và dự nợ 80 nghìn tỷ của Vinashin chính xác khoảng 99%. Năm 2006 chúng tôi đã vay về 750 triệu USD và sau đó là 600 triệu USD, tổng cộng là hơn 20 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, ở thời điểm năm 2008, nợ tín dụng là hơn 20 nghìn tỷ đồng, nợ quá hạn hơn 3 nghìn tỷ đồng…
Vinashin tập trung huy động vốn vào những năm 2005, 2006, 2007, những năm 2008 và 2009 hầu như không huy động, riêng năm 2009 chủ yếu xử lý nợ.
Ông giải thích thế nào khi con số dư nợ của Vinashin chỉ khoảng 19,9 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2008, do một số cơ quan có trách nhiệm công bố, mà nay lại tăng lên nhanh thế?
Ý kiến cho rằng trong thời gian ngắn như vậy, dù đã có cảnh báo, nhưng Vinashin vẫn vay nợ thêm là hiểu sai. Bởi nếu huy động được số vốn khổng lồ như vậy thì Vinashin đã không gặp nhiều khó khăn về vốn như bây giờ.
Tôi mới lên nắm nhiệm vụ nên chưa tìm hiểu hết được, nhưng năm 2008 Vinashin đã bị “cắt cụt” tài chính. Nếu trong hai năm huy động được 60 ngàn tỷ thì quá tốt, vì số tiền huy động của Vinashin có thời hạn khoảng 10 đến 15 năm. Do đó, khá chắc chắn là trong hai năm 2008, 2009 Vinashin không huy động thêm vốn.

Cụ thể khi chuyển giao, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu và nợ quá hạn đến thời điểm này như thế nào?

Hiện nay, vốn chủ sở hữu theo quy định của Vinashin vào khoảng gần 14 nghìn tỷ đồng, nhưng Chính phủ chưa cấp đủ, mới cấp khoảng 9 nghìn tỷ đồng. Như vậy, dư nợ gấp chưa đến 9 lần, và tỷ lệ này giảm đi so với năm 2008.
Nguyên nhân chủ yếu do các công ty trong quá trình hoạt động hình thành được tài sản, chúng tôi tiếp tục bổ sung theo hàng năm, theo kế hoạch. Ngoài ra, Nhà nước xác định vốn chủ sở hữu của Vinashin là 14 nghìn tỷ đồng thì mỗi năm cấp một phần vốn cho đến khi đủ số tiền đó.
Nợ quá hạn hiện nay chưa thống kê, do tôi mới điều hành ngày thứ hai, cần thời gian khoảng 1 tháng nữa mới có thể trả lời rõ ràng.

Petro Vietnam "tự tin", Vinalines gặp khó?

Trong các phát biểu trước báo giới gần đây, Petro Vietnam tỏ ra khá “tự tin” khi nhận những dự án chuyển giao từ Vinashin, nhưng Vinalines có vẻ như đang gặp khó khăn?

Tập đoàn Dầu khí có tiềm lực và nhiều dự án phát triển ngành. Còn Vinalines chủ yếu vận tải biển, trong khi đó hoạt động này đang khó khăn, không được như trước nên nhận tàu về cũng có phần lo lắng. Tuy nhiên, nếu sau này thị trường đi lên, sôi động như 2006, 2007 thì họ có lợi.
Tất nhiên chúng tôi cùng chia sẻ với Vinalines và có trách nhiệm đến cùng. Hoàn toàn không phải chúng tôi mất cân đối tài chính và “xuất khẩu” nợ như mọi người nghĩ. Về nguyên tắc, những khoản đầu tư không có cơ hội đầu tư tiếp thì chuyển nguyên trạng sang các đơn vị kia.

Khi chuyển Nhà máy đóng tàu Dung Quất cho Petro Vietnam, Vinashin có chuyển giao công nghệ hay không? Có giúp Petro Vietnam điều hành một nhà máy đóng tàu hiệu quả không?

Chúng tôi có một nguyên tắc cao nhất là chuyển toàn bộ Bban giám đốc, tất cả đội ngũ công nhân. Điều này đạt được hai mục tiêu, thứ nhất đội ngũ đó đã làm việc tại đó, chịu trách nhiệm về công việc được giao và họ sẽ là "quân" của Petro Vietnam và Vinalines, chúng tôi không giữ bất cứ một cán bộ nào lại cả.
Cái thứ hai, chúng tôi khẳng định một cam kết là khi cần đến lĩnh vực chuyên môn thì Tập đoàn sẵn sàng hợp tác với các đơn vị. Đơn giản lúc này là tài sản quốc gia, là trách nhiệm của chúng tôi, và chúng tôi không nghĩ là của riêng ai, đơn vị nào.
Vậy ngược lại, nếu đã chuyển cả nhà máy, cả công nghệ thì các khách hàng này có còn đặt hàng Vinashin nữa hay không?

Dung Quất vừa qua trong quá trình xây dựng, chưa ra một con tàu nào cả. Nhóm khách hàng cho Dung Quất chúng tôi chưa thiết lập nhưng định hướng là chủ yếu tàu đóng cho dầu khí, nay thuộc về họ thì càng thuận lợi cho các hoạt động đó. Petro Vietnam có thể hợp tác với chúng tôi hoặc có thể tự làm, nhưng sản lượng đó không nhiều.
Sức mạnh của Vinashin tập trung ở Nam Triệu, Hạ Long, Phà Rừng… những nhà máy đó, khách hàng của chúng tôi vẫn làm bình thường, không có ảnh hưởng gì cả. Còn Vinalines tất nhiên sẽ tiếp tục hợp tác với chúng tôi để đóng tiếp các con tàu của họ.
Vinashin hướng tới thị trường thế giới chứ không chỉ là một, hai đơn vị trong nước. Qua các hợp đồng ký đến nay, thế giới chiếm 80%, trong nước chỉ có 20%, và chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện để hướng ra thế giới.
Trong việc tái cơ cấu này, các ngân hàng tham gia cho Vinashin vay vốn các dự án điều chuyển nhận được những gì? Một số ngân hàng vướng vào các dự án thất thoát vốn sẽ như thế nào?
Các ngân hàng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Thứ nhất, chúng tôi giảm được nợ quá hạn, các đơn vị kế tục đều có tiềm lực, cần đất cát của chúng tôi để tiếp tục đầu tư thì họ sẽ trả nợ ngân hàng.
Thứ hai, đối với các ngân hàng cho chúng tôi vay sẽ bắt đầu nhìn thấy Vinashin có tiềm lực, bắt đầu sản xuất lành mạnh trở lại thì rõ ràng sẽ tốt cho ngân hàng rất nhiều, đặc biệt là về niềm tin vào doanh nghiệp.

Cuộc thay đổi nào cũng kèm chấn động


Thông tin về tái cơ cấu vừa qua có ảnh hưởng đến các khách hàng quốc tế của Vinashin?

Đương nhiên, bất cứ một cuộc thay đổi nào cũng kèm chấn động cả, chúng tôi sẽ có giải thích với khách hàng. Sắp tới, khi đã củng cố tinh thần đội ngũ cán bộ trong Tập đoàn, giải thích rõ ràng, thì chúng tôi sẽ có giải thích với khách hàng quốc tế.
Thực ra, khách hàng quốc tế họ đơn giản lắm, chỉ quan tâm đến nhà máy có hoạt động hay không, tài chính có ổn định không, lực lượng lao động có còn không, có tốt không thế là xong.
Hiện tại, chúng tôi chưa dành nhiều thời gian giải thích với khách hàng quốc tể bởi lý do là thị trường đang đi xuống, các tàu ký hiện nay hiệu quả chưa cao, trong khi chúng tôi phải củng cố, đánh giá lại, sửa chữa những vấn đề còn tồn tại để chúng tôi thực sự lành mạnh và giải quyết các con tàu còn lại.

Điều này có ảnh hưởng gì đến giá trái phiếu Vinashin huy động trên thị trường quốc tế do Chính phủ bảo lãnh?

Một số khoản có biến động. Chúng tôi thống nhất là sẽ thông báo lại cho các nhà đầu tư và tất nhiên khi tài sản đảm bảo thì các nhà đầu tư sẽ yên lòng.

Họ có nên lo cho khoản tiền mà họ đã đầu tư, thưa ông?

Đầu tư vào một công ty nào đó,  khi có biến động nhà đầu tư đều lo lắng. Nhưng chúng tôi khẳng định họ sẽ không bị mất tiền vì chúng tôi cân đối được giữa tiền và tài sản mà không phải đồng tiền mất đi.

Chúng tôi không bị động

Xin ông cho biết, việc tái cơ cấu Tập đoàn lần này là do chủ kiến của Vinashin hay các Bộ, ngành chủ động đề xuất lên Thủ tướng?

Thực ra về phía chúng tôi, Vinashin đã bắt đầu cuộc tự tái cơ cấu và khởi động từ đầu năm nay. Nhưng việc vừa qua là do các Bộ ngành đề xuất và Chính phủ giải quyết. Chúng tôi không hề bị động vì đã có kế hoạch này từ rất lâu rồi.
Quyết định của Thủ tướng và kế hoạch tái cơ cấu của Vinashin không có nhiều khác biệt. Sau quyết định chuyển một số đơn vị vừa rồi, chúng tôi sẽ còn đề xuất thêm nữa, Thủ tướng có thể là can thiệp, hoặc chúng tôi sẽ tự giải quyết để thu hồi vốn về cho Vinashin.

Vậy việc chuyển một số đơn vị thuộc ngành nghề kinh doanh chính của Vinashin như Công ty Công nghiệp tàu thủy Lai Vu, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất… có phải là “đề xuất thêm” của Vinashin không?

Những dự án chuyển giao vừa qua chủ yếu là các dự án đất đai như khu công nghiệp, ví dụ Nhà máy Đóng tàu Nhơn Trạch, chưa  xây dựng hoặc xây dựng ít. Nếu để đấy mà không có tiền xây thì Nhà nước thiệt hại, người cần xây phải đi lo dự án, thủ tục đất đai cũng dở.
Hiện nay, chúng tôi chuyển chủ yếu các công ty trái ngành nghề như vận tải biển. Với trường hợp Công ty Công nghiệp tàu thủy Lai Vu, gọi tên là thế vì lúc đó các dự án đều muốn đưa chữ tàu thủy vào, đơn giản là thương hiệu và gần gũi về mặt quan hệ công ty mẹ con.
Thực ra, đây là một công ty sản xuất cơ khí, một số sản phẩm dùng cho ngành đóng tàu nhưng cũng dùng cho công nghiệp ngoài ngành, việc đầu tư khu công nghiệp cũng chưa được nhiều, còn nhiều đất trống, Vinashin chưa đủ lực đầu tư tiếp. Phải xác định đây là tài sản quốc gia, đơn vị nhận chuyển giao tiến hành đầu tư tiếp sẽ được lợi ích chung.
Còn Nhà máy Đóng tàu Dung Quất đúng là ngành nghề kinh doanh chính của Vinashin, nhưng hiện nay mới đầu tư khoảng hơn 5 nghìn tỷ đồng, muốn hoạt động hiệu quả phải đầu tư thêm 6 nghìn tỷ đồng nữa, trong đó phần vốn cho xây lắp chiếm khoảng 3-4 nghìn tỷ đồng, còn lại là vốn lưu động.
Đồng thời, Dung Quất phải tổ chức một lực lượng lao động khoảng hơn 8 nghìn công nhân để một năm có thể làm ra được tối thiểu 4 tàu 300 nghìn tấn thì Dung Quất mới đạt hiệu quả. Vinashin không đủ khả năng lo số tiền lớn như vậy trong thời điểm hiện nay.
Tập đoàn Dầu khí hiện tại là tập đoàn có tiềm lực và có nhiều chương trình phục vụ dầu khí như kho nổi dàn khoan, có điều kiện tài chính hoàn tất dự án, với mục đích xét về lợi ích quốc gia có lợi cho các bên.
Vấn đề không phải ở Vinashin mà quan trọng là ngành đóng tàu mạnh. Nếu Tập đoàn Dầu khí tiếp quản và có sự đầu tư kịp thời sẽ thành công, góp phần xây dựng một ngành đóng tàu mạnh. Chỉ là tái cơ cấu Vinashin, dù là chuyển đơn vị nào thì đó cũng là ngành đóng tàu của Việt Nam. Ngành đóng tàu chúng ta vẫn phát triển dù rời khỏi Vinashin.
Việc xử lý của Chính phủ như vậy đạt lợi ích quốc gia, đạt lợi ích các bên, cả bên giao và bên nhận.

Vậy sau khi chuyển đi trên 10 doanh nghiệp, “cơ ngơi” còn lại của Vinashin có hình thành ngành đóng tàu hoàn chỉnh?

Các nhà máy chủ lực sản xuất của Vinashin vẫn còn nguyên vẹn, Nam Triệu, Bạch Đằng, Hạ Long, Phà Rừng bao nhiêu năm nay hạ thủy tàu chủ yếu ở đó vẫn còn hoạt động. Những cơ sở sản xuất nội địa hóa như cần cẩu, thép, máy ép, máy lốc vẫn còn nguyên ở lại Vinashin và sức mạnh Vinashin không giảm sút. Theo thống kê hiện nay còn trên 100 công ty.

Đơn giản là một cuộc chuyển nhượng tài sản

Quá trình tái cơ cấu thực chất là chuyển phần vốn Nhà nước tại Vinashin cho các đơn vị khác quản lý, hay Petro Vietnam và Vinalines phải trả tiền cho Vinashin?
Về nguyên tắc là chuyển nguyên hiện trạng, các doanh nghiệp nhận phải kế thừa cả những cái có hoặc không có lợi. Vinashin cũng vậy, cái nào có lợi hay không có lợi cũng phải chuyển.
Ví dụ, đa số các dự án không vấn đề gì, chủ yếu là đất. Chúng tôi cũng có thiệt thòi vì giá đất rõ ràng cao lên nhiều, thời gian thủ tục rất lâu, tuy nhiên, bên cạnh đó một số đơn vị làm ăn không hiệu quả. Cho nên, nhìn chung là cân bằng.
Nguyên tắc tối cao thì bỏ ra cái gì, chúng tôi lấy lại cái đó. Ví dụ chúng tôi bỏ 10 đồng xây dựng Nhà máy Dung Quất thì chỉ lấy lại 10 đồng. Xin nói lại, đây không phải là chuyển nợ mà đơn giản là một cuộc chuyển nhượng tài sản.

Tức là cũng tương tự như chuyển nhượng cổ phần của Vinashin tại Bảo Việt cho SCIC?

Trường hợp cổ phần Bảo Việt, do vấn đề thị trường, dư luận báo chí cho rằng khi chuyển sang thì  Vinashin có lợi. Thật ra, đây lại không phải mua bán, chỉ chuyển chủ sở hữu. Bảo Việt và Vinashin đều là tập đoàn nhà nước và đây đơn giản là việc chuyển chủ sở hữu người đại diện chứ không phải là một cuộc mua bán.
Trong việc tái cơ cấu lần này cũng vậy, mặc dù đất rất đắt nhưng không được lấy hơn, lấy theo giá đền bù cách đây 3-4 năm, chứ không phải tính giá đất tại thời điểm hiện tại.
Chúng tôi đã thống nhất với các bên bàn giao là mời kiểm toán độc lập và đề nghị các bên chọn kiểm toán cho khách quan để khẳng định rằng chúng tôi không có gì không minh bạch trong chuyển giao mà là hết sự rõ ràng.

Khoản nợ quá hạn chuyển đi là bao nhiêu trong tổng số 20 nghìn tỷ đồng dư nợ đã được xác định trong các dự án, nhà máy của Vinashin sang Petro Vietnam và Vinalines?

Chúng tôi đang cho rà soát và thống kê cụ thể. Sau này chúng tôi sẽ công khai hết, không ngại ngần gì cả.
Theo ông, các đơn vị sẽ phải chuyển trả cho Vinashin bao nhiêu khi nhận các dự án lần này? Và tình hình tài chính của Vinashin có được cải thiện hơn không? Các dự án còn lại có nhận được thêm vốn để hoàn thành?
Các bộ phận đang thống kê, chưa có số liệu chính thức, nhưng theo tinh thần là các khoản chuyển đi khoảng hơn 20 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi sẽ thu lại được một phần tiền Vinashin bỏ ra, còn lại tiền vay ngân hàng, các đơn vị nhận tài sản thì có trách nhiệm trả nợ số tiền hình thành nên tài sản đó.
Chắc chắn tình hình sẽ được cải thiện rõ ràng, khi chúng tôi không phải gánh các dự án trả lãi suất ngân hàng mà chưa sinh lãi, sẽ giảm chi phí rất nhiều cho Vinashin thời gian tới. Ngoài ra, Vinashin sẽ có thêm một nguồn tiền thu về để tập trung hoàn thiện các nhà máy chủ lực và có thêm vốn lưu động tập trung vào sản xuất.

Tin vào cơ hội tương lai


Sau tái cơ cấu, ngành đóng tàu chia nhỏ cho một số tập đoàn, Tổng công ty tham gia và Vinashin mất vị thế hàng đầu?

Ngành công nghiệp tàu thủy không hề chia theo cái nghĩa đó, chỉ có một Nhà máy Dung Quất. Nên hiểu là chia Vinashin, nhưng ngành đóng tàu Việt Nam thì còn nguyên vẹn và chắc chắn sau cuộc tái cơ cấu lần này nó sẽ tốt hơn chứ không giảm sức mạnh đi. Xét về ngành đóng tàu Việt Nam, xét về phía Vinashin đều có cái lợi, chúng tôi cũng được đi lên.
Điều này không có gì đặc biệt cả. Những năm khủng hoảng, Chính phủ một số nước cũng can thiệp làm nhỏ các doanh nghiệp lớn. Còn khi nó đã mạnh lên thì tự khắc lại tập hợp lại.
Các tập đoàn khác trên thế giới cũng thế, phải điều chỉnh theo thị trường, theo tình hình. Nếu tình hình tốt, cần khống chế thị trường, đảm bảo hiệu quả thì nó sẽ sáp nhập lại. Ngược lại, khi gặp khủng hoảng thì nó chia nhỏ ra để tồn tại. Đây là chuyện hết sức bình thường trong quan hệ kinh tế thế giới.

Dư luận cho rằng tập đoàn đang rất khó khăn, khác với quan điểm của Vinashin. Có thể giải thích thế nào?

Chúng tôi hoàn toàn lạc quan, trong vài năm tới thị trường đóng tàu sẽ khởi sắc và chúng ta hoàn toàn cạnh tranh được.
Chúng tôi luôn nói, trong tương lai Vinashin sẽ đi về đâu? Một doanh nghiệp muốn hoạt động được phải đạt được hai mục tiêu, thứ nhất là mục tiêu về xã hội, giải quyết được những vấn đề bức thiết đặt ra; thứ hai là theo cơ chế thị trường và có thể cạnh tranh được.
Xét về chiến lược biển, rõ ràng chúng ta chưa làm chủ được biển vì đơn giản chúng ta lạc hậu về công nghệ. Cho nên, ngành đóng tàu là cần thiết.
Cái thứ hai, xét về mặt kinh doanh, chúng tôi cho rằng ngành đóng tàu chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh được vì hiện nay, các nước trên thế giới, châu Âu lương rất cao, khoảng 2 nghìn Euro/tháng. Nhật Bản và Hàn Quốc lương cũng rất cao, khoảng 2 nghìn USD/tháng. Trung Quốc là nước trả lương thấp như chúng ta, khoảng 3-4 nghìn Nhân dân tệ. Nhưng tôi tin rằng trong tương lai, Nhân dân tệ sẽ còn lên giá.
Như vậy, trong 10 năm nữa, khi đóng tàu khởi sắc thì mặt bằng lương chúng ta, tôi cho rằng khoảng 3-4 trăm USD. Mà ngành đóng tàu cần nhiều lao động, như vậy hoàn toàn là về mặt giá thành chúng tôi cạnh tranh được.
Thứ hai, về mặt công nghệ, quá trình những năm vừa rồi, những cái chúng tôi đạt được cũng rất to lớn, bên cạnh những cái không được thì đội ngũ chúng tôi có trình độ tuyệt vời. Như tôi đã nói, trình độ đóng tàu của chúng ta không thua kém bất cứ một quốc gia nào cả.
Hơn nữa, trong lưu thông hàng hóa, vận tải biển vẫn là hình thái quan trọng bậc nhất, chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tàu khác với các loại hình vận tải khác là thời gian già đi nhanh chóng, nên yêu cầu đổi mới cao. Hơn nữa, các công ước đi biển mới ra đời với yêu cầu ngặt nghèo hơn về an toàn, về môi trường, cho nên hàng loạt các thiết kế cũ sẽ đều phải thay đổi.
Thị trường thế giới thì đang hồi phục. Chúng tôi cho rằng đến năm 2012-2014 sẽ hồi trở lại và nhu cầu vận tải biển sẽ rất lớn. Chính vì thế, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng trong tương lai sẽ có thị trường và đó là cơ hội của chúng tôi.

Nguồn: Vneconomy

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn