Vinashin - con tàu không bến

Mặc Lâm, phóng viên RFA

Phần 1

clip_image002

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinashin Phạm Thanh Bình. Photo courtesy of VietNamNet

Tổng Giám đốc Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (VINASHIN) bị Ủy Ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật và cách chức.

Vụ này tuy không làm dư luận ngạc nhiên, nhưng lại dấy lên nhiều câu hỏi liên quan đến các hoạt động của các tập đoàn hiện nay. Mặc Lâm có loạt bài xoay quanh vấn đề này, mời quý vị theo dõi.

Đầu tư quá dàn trải

Bản cáo trạng nêu rõ ông Phạm Thanh Bình trong khi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Vinashin đã huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn của Nhà nước một cách thiếu tinh thần trách nhiệm. Ông Bình đã cố ý làm trái và có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị và xã hội. Là người lãnh đạo của Vinashin nhưng ông Bình tạo ra các khoản nợ rất lớn, mất khả năng thanh toán. Theo sự thừa nhận của ông Bình thì nợ mà Vinashin đang mang lên tới 90 ngàn tỷ đồng, tương đương với gần 4 tỷ rưỡi đô la Mỹ. Bên cạnh đó, hơn 5.000 lao động không có việc làm. Các khoản nợ lương và bảo hiểm xã hội của Vinashin với công nhân cũng lên đến 234 tỷ đồng.

Tại sao một tập đoàn quốc doanh như Vinashin kinh doanh và hoạt động dưới sự bảo hộ của nhà nước, lại có thể mang những món nợ lớn không trả nổi mà không bị Chính phủ kiểm tra, phát hiện để có biện pháp thích đáng trong suốt thời gian dài như vậy?

clip_image001

Tàu Hoa Sen, một trong những dự án thua lỗ của Vinashin. Photo courtesy of VietNamNet

Câu hỏi này phải lần về thời gian của năm 2006, khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt đề án thí điểm hình thành Tập đoàn kinh tế Vinashin. Tiếng là thí điểm nhưng Vinashin ngay lập tức được Chính phủ rót vốn, nhân lực cùng mọi chính sách dễ dàng nhất cho tập đoàn này. Vinashin được giao nhiệm vụ hoạt động trong ngành tàu thủy gồm đóng mới, sửa chữa, kinh doanh các loại thiết bị hàng hải cũng như đào tạo chuyển giao công nghệ...

Vinashin đã xin quá nhiều đất, dùng các miếng đất đó để thế chấp vay ngân hàng và dùng vốn đó để đầu tư quá nhiều vào các công ty, dự án. Trong khi đầu tư vào ngành đóng tàu của Vinashin thì chậm tiến triển và thua lỗ nghiêm trọng.

TS Lê Đăng Doanh

Nói chung, các hoạt động này nằm gọn trong phạm vi ngành tàu thủy.

Thời gian đầu Vinashin đã theo đúng chỉ tiêu đề ra và hoạt động tương đối hiệu quả. Với cách tiếp cận thông minh, nhiều Kỹ sư của Vinshin đã nghiên cứu và đóng mới thành công các con tàu có tải trọng 150 ngàn tấn và triển vọng mở ra một ngành công nghệ hàng hải lớn mạnh của Việt Nam, làm cho nhiều tờ báo trong nước lúc ấy bị hoa mắt. Những bài phóng sự với “lời lẽ có cánh” đã làm cho Vinashin lớn hơn hình ảnh thật của nó, và từ những thành tựu ban đầu này Vinashin đã trượt dài trên con đường kinh doanh ngày một mất dần định hướng.

Khi được hỏi về thành tựu thật sự của Vinashin có đúng như báo chí mô tả hay không, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia nghiên cứu về kinh tế tài chánh cho biết: “Các trang thiết bị cơ bản về công nghệ đóng tàu của Vinashin vẫn phải nhập từ nước ngoài. Vì vậy cho nên một mặt trân trọng thành quả lao động của công nhân, các tiến bộ của Vinashin song phải nói rằng những tiến bộ đó còn ở dưới tiềm năng và những công việc ở phía trước đang còn rất nhiều”.

Vinashin đã tận dụng bước đầu thành công của mình để nhảy sang nhiều lãnh vực khác như nhiều tập đoàn đã và đang làm. Vinashin tập trung vốn vào những dự án có tính phiêu lưu và ngày càng lún sâu vào các món nợ phát sinh từ những dự án không dính gì tới chức năng của nó. TS Lê Đăng Doanh đưa ra một vài thí dụ:

“Vinashin đã xin quá nhiều đất và dùng các miếng đất đó để thế chấp vay ngân hàng, vì vậy nâng số vốn vay của Vinashin so với vốn tự có rất lớn và dùng vốn đó để đầu tư quá nhiều vào các công ty, dự án. Vinashin có đến 200 công ty. Ở Thanh Hóa có một trang trại nuôi lợn Vinashin. Ở đường Lê Duẩn Hà Nội có một salon bán ô tô Vinashin. Ở Tam Đảo có một khu nghỉ dưỡng Vinashin...

Tất cả các điều là hết sức không bình thường. Trong khi đầu tư vào ngành đóng tàu của Vinashin thì chậm tiến triển và thua lỗ nghiêm trọng”.

Sự đổ vỡ được báo trước

Sự ưu ái của Nhà nước cộng với các dự án phiêu lưu khác đã làm Vinashin ngày một lún sâu vào các món nợ không trả nổi. Cuối năm 2007, Chủ tịch Phạm Thanh Bình đã ký một quyết định cho phép đầu tư dự án san lấp mặt bằng của khu kinh tế Hải Hà để xây dựng thành một khu kinh tế với nhà máy đóng tàu, cán thép. Vinashin đã vay của Ngân hàng quốc tế Credit Suisse, có trụ sở tại Hongkong, 600 triệu đô la cho dự án này. Tuy nhiên, số tiền này lại được Vinashin dùng vào việc khác, mà không chi trả cho các doanh nghiệp trúng thầu san lấp mặt bằng của khu kinh tế Hải Hà. Các doanh nghiệp này sau đó viết thư lên Thủ Tướng Chính phủ để nhờ can thiệp, nhưng không thành công và nhiều công ty phải phá sản trong thời gian này.

Trong vòng không đầy 5 năm, Vinashin đã to lên quá mức và người ta tự hỏi động lực nào đã khiến nó trở nên khổng lồ trên “đôi chân bằng sáp”? Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, lý do là từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép nó ra đời bởi một văn bản chỉ đạo mà không qua quy luật tích tụ tập trung tư bản của kinh tế thị trường.

TS Nguyễn Quang A, một nhà nghiên cứu độc lập, nguyên Viện trưởng Viện IDS cho rằng sự sai lầm của Chính phủ bắt đầu từ lý do ý thức hệ, ông nói: “Đấy là một vấn đề rất là lớn, nhưng vì những lý do ý thức hệ, vì những lý do mà người ta nghĩ rằng phải quốc doanh, tập thể, những vấn đề liên quan đến sở hữu để đảm bảo tính xã hội chủ nghĩa; cái cốt lõi nó nằm ở chỗ đó. Nếu người ta đặt vấn đề là làm sao sử dụng những nguồn lực ấy tốt nhất cho sự phát triển của đất nước thì có lẽ phải có một sự cải tổ rất mạnh mẽ đối với khu vực quốc doanh này”.

Trách nhiệm đầu tiên là của Chính phủ và những người lãnh đạo, sau đó đến các vị lãnh đạo của Vinashin. Các tập đoàn như thế nó không phù hợp với bất kể luật hiện hành nào ở Việt Nam.

TS Nguyễn Quang A

Đối với TS Lê Đăng Doanh, thì sự đổ vỡ này đã được báo trước. Theo ông, “Sự đổ vỡ của Vinashin đã được báo trước từ lâu, và đã có các nỗ lực, kể cả của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối năm 2009 đã nghe báo cáo và đã được thông báo về tình trạng nợ nần của Vinashin. Tình trạng đó diễn ra là bởi vì Vinashin đã đầu tư một cách quá dàn trải không qua thủ tục về giám định về đánh giá hiệu quả của các dự án đầu tư”.

TS Nguyễn Quang A cũng chỉ ra những trách nhiệm cụ thể mà ông cho là cần phải chấp nhận: “Trách nhiệm đầu tiên là của chính phủ và những người lãnh đạo, sau đó đến các vị lãnh đạo của Vinashin. Các tập đoàn như thế nó không phù hợp với bất kể luật hiện hành nào ở Việt Nam. Tất nhiên người ta có thể lý giải đây là chuyện thí điểm và đã là thí điểm thì phải du di đi một chút.

Tuy nhiên, thành lập các tập đoàn gọi là thí điểm đến hàng chục cái thì nếu tính tổng tài sản, tổng nguồn lực của các thí điểm này sẽ chiếm phần lớn tài nguyên của quốc gia, chiếm một tỷ lệ áp đảo trong tổng tài sản, tổng nguồn lực của tất cả các doanh nghiệp quốc doanh. Tuy số lượng nó nhỏ so với cả ngàn xí nghiệp quốc doanh, chỉ hơn một chục tâp đoàn với số lượng không đáng kể, nhưng tỷ trọng rất đáng kể. Tôi nghĩ rằng đã là thí điểm thì làm một hai cái để rút kinh nghiệm rồi mới làm tiếp, còn bây giờ tuy gọi là thí điểm nhưng làm tràn lan”.

Những sai phạm của ông Phạm Thanh Bình liệu có thể ngưng ngay vào lúc các mầm mống thất bại hé lộ hay không? Tại sao Chính phủ lại tiếp tục đứng ra bảo lãnh cho Tập đoàn này vay 750 triệu đô la trái phiếu, khi dấu hiệu phá sản của nó đã gần kề. Và liệu quyết định tái cơ cấu của Chính phủ mới đây có cứu vãn được con tàu Vinashin đang chìm dần kia hay không?

Phần 2

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định tái cơ cấu Vinashin sau khi thừa nhận Tập đoàn này bên bờ vực thẳm. Vinashin bị chia ra thành nhiều mảnh trong đó hai Tập đoàn PetroVN và Vinalines phải gánh những món nợ khổng lồ mà tập đoàn Vinashin gây ra.

clip_image003

Một cửa hàng kinh doanh ôtô, xe máy tại Hà Nội thuộc Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy và xe máy - một trong 200 công ty của Vinashin. Photo courtesy of tuoitre.vn

Liệu việc tái cơ cấu này có phải là liều thuốc trị đúng căn bệnh của Vinashin hay không và Chính phủ phải làm gì tiếp theo sau đó để rà soát lại hiệu quả thật sự của các tập đoàn kinh tế hiện nay?

Được nhà nước ưu đãi

Những tập đoàn kinh tế nhà nước từ trước tới nay vẫn đựơc báo chí dùng những cụm từ hết sức ấn tượng như “Anh cả Đỏ” hay “Quả đấm thép” hoặc “Xương sống của Quốc gia”... để chỉ sức mạnh tuyệt đối của chúng trong nền kinh tế thị truờng, nhưng lại “định hướng theo xã hội chủ nghĩa” mà Việt Nam vẫn quyết tâm theo đuổi trong nhiều chục năm qua. Những con số lớn lao về doanh thu của các tập đoàn này được báo cáo trước Quốc hội hàng năm, đã làm nhiều người an tâm cho sức mạnh của những cỗ xe tập đoàn đang kéo nền kinh tế Việt Nam.

Thế nhưng phía sau các con số ấy là những dấu hỏi rất lớn mà các chuyên gia kinh tế đặt ra, và sự phân tích chi tiết của họ có thể làm cho người lạc quan nhất phải giật mình. Các tập đoàn kinh tế Việt Nam hoạt động dưới cơ chế được Chính phủ giao quyền tự chủ cho Ban quản trị tập đoàn. Cụ thể là, chế độ tài chính hiện nay cho phép Chủ tịch Ban quản trị được quyền sử dụng lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư vào các mục đích, mà tập đoàn này muốn.

Lợi nhuận sau thuế của các tập đoàn rất lớn, đặc biệt là những tập đoàn chuyên khai thác tài nguyên thô của đất nước như dầu mỏ hay than đá. PetroVN và Tập đoàn Than-Khoáng sản VN là hai tập đoàn không hề do năng lực tự thân mang lại, mà chỉ đơn thuần ngồi yên thu tiền từ tài nguyên quốc gia. Hai tập đoàn này khai thác chính sách tài chánh để đầu tư dàn trải trên rất nhiều khu vực khác và tiền lệ này được các tập đoàn nhỏ hơn theo sau, mà không bị bất cứ quy định nào của Chính phủ trói buộc, Vinashin là một thí dụ.

Nguồn lực của quốc gia không nhất thiết phải thuộc về Nhà nước. Khi Nhà nước đứng ra làm kinh tế tức là có những doanh nghiệp riêng của mình và được ưu ái nên tôi nghĩ rằng đây là cách làm không tốt.

TS Nguyễn Quang A

Không có nguồn lợi trực tiếp từ tài nguyên thô, nên Vinashin phải trông cậy vào những yếu tố ưu đãi của nhà nước. Vinashin trong những bước đầu tương đối thành công nhờ năng lực và sức sáng tạo của công nhân lành nghề trong lĩnh vực đóng tàu. Thay vì phát triển thế mạnh này Vinashin lại chạy theo các đàn anh trong lĩnh vực đầu tư vào tài chánh, bất động sản, dịch vụ... và hậu quả là sau 5 năm ngắn ngủi, con tàu Vinshin đang tiến dần tới “tảng băng”, mà con tàu nổi tiếng thế giới Titanic đụng phải vào năm 1912.

“Tảng băng” trước mũi Vinashin này đang được nhà nước nỗ lực phá vỡ bằng biện pháp chẻ nhỏ ra làm nhiều mảnh, giao lại cho PetroVN và Vinalines, là hai tập đoàn hiếm hoi tương đối vững vàng hiện nay. Liệu những món nợ mà nhà nước giao cho PetroVN và Vinaline có làm nhẹ gánh cho Vinashin để nó có thể chuyển hướng tránh “tảng băng” gây phá sản đang trôi về mũi của nó hay không. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia nghiên cứu kinh tế tài chánh cho biết ý kiến của ông về biện pháp tái cơ cấu của nhà nước, giống như đập băng cứu tàu:

“Tôi rất ngạc nhiên về quyết định tái cơ cấu đó. Một quyết định tái cơ cấu thường phải dựa trên sự phân tích hết sức sâu sắc về kinh tế, về kỹ thuật, về công nghệ và về các mối liên quan. Trước đây đã có hai lần hoãn phái đoàn thanh tra về Vinashin, bây giờ thì lại có quyết định tái cơ cấu. Vinashin chia làm ba và trong đó chuyển cho Vinalines và PetroVN.

Hiện nay người ta chưa thấy được cơ sở pháp lý cũng như các vấn đề chuyển nợ, gán nợ. PetroVN nhận nợ bao nhiêu và Vinaline nhận nợ bao nhiêu là chưa rõ ràng. Bởi vì rất có thể PetroVN đã cho Vinashin vay rất nhiều và sẽ coi như các doanh nghiệp đó gán nợ, và không sẵn sàng lãnh nhận thêm các món nợ mà họ không tự gây ra. Cho nên đây là một vấn đề cần phải tiếp tục được theo dõi và dư luận hiện nay đang rất quan tâm theo dõi”.

Chữa cháy không đúng chỗ

clip_image004

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinashin Phạm Thanh Bình. Photo courtesy of tuoitre.vn

Quốc hội Việt Nam đã biết rất rõ sự tuột dốc của Vinashin. Chính phủ cũng biết rất rõ điều này, khi đơn thưa của các nạn nhân Tập đoàn này liên tiếp gửi vào Văn phòng Thủ tướng. Quốc hội không đủ sức mạnh để các câu hỏi của mình được Chính phủ tôn trọng, còn Chính phủ thì lại do dự và được tư vấn sai lạc tiếp tục nuôi dưỡng Vinashin với các biện pháp chữa cháy không đúng chỗ. Biết Vinashin mang quá nhiều mối nợ không trả nổi, nhưng Thủ tướng Chính phủ cũng đặt bút bảo lãnh cho Tập đoàn này được phép bán trái phiếu cho ngoại quốc trị giá 750 triệu đô la để Vinashin tiếp tục hoạt động.

Động thái ưu ái này một lần nữa khiến Vinashin và nhiều tập đoàn khác cảm thấy sự quan trọng của chúng, và càng mạnh tay hơn vung tiền vào các dự án không liên quan gì đến chức năng được Chính phủ giao cho. Vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp nhà nước vẫn được Chính phủ lặp đi lặp lại và báo chí theo đó cổ võ một cách nhiệt tình. Nhà nước đứng ra làm kinh tế có gì bất ổn hay không, và có thật vai trò của các tập đoàn quan trọng đến nỗi nhà nước phải tập trung tất cả nguồn lực quốc gia cho họ. TS Nguyễn Quang A, một nhà nghiên cứu độc lập, nguyên Viện trưởng Viện IDS nói:

“Thực sự đây là một vấn đề thuộc về nhận thức rất sâu sắc cần phải thay đổi. Nguồn lực của quốc gia không nhất thiết phải thuộc về Nhà nước. Khi Nhà nước đứng ra làm kinh tế tức là có những doanh nghiệp riêng của mình và được ưu ái nên tôi nghĩ rằng đây là cách làm không tốt. Những nguồn lực ấy nếu cải tổ một cách hợp lý thì Nhà nước không mất đi một đồng xu nào cả. Vẫn là tài sản của Nhà nước.

Tôi lấy thí dụ, khi một doanh nghiệp được bán đi hoặc cổ phần hóa một cách triệt để thì tài sản đó của Nhà nước chuyển thành tiền, và số tiền đấy thu về kho bạc của Nhà nước và Nhà nước có thể sử dụng tài sản ấy dùng vào những việc như phát triển giáo dục, y tế hay hạ tầng cơ sở. Trong khi đó doanh nghiệp họ hoàn toàn tự chủ, làm công việc kinh doanh của họ. Đấy là cách mà tôi cho rằng hữu hiệu hơn cách Nhà nước trực tiếp điều khiển”.

Việc thành lập các tập đoàn của Nhà nước được TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận còn nhiều bất cập và thiếu tính khoa học:

“Việc thành lập tập đoàn là một thí điểm mà đã là thí điểm thì về mặt khoa học mà nói thì là thì nghiệm có giới hạn về không gian, thời gian với các điều kiện nhất định. Sau đó được đánh giá để lượng định mô hình đó có thể sử dụng và mở rộng hay không. Cho đến nay, quá trình thí điểm đó đã diễn ra sáu năm và được thực hiện với quy mô rất lớn mà không thấy có đánh giá gì các cơ chế, khung pháp luật hoạt động của các tập đoàn”.

Chừng nào Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn xem kinh tế nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, rồi kinh tế nhà nước phải là kinh tế tập thể, thì tôi nghĩ cái gốc của nó không thể giải quyết và các vấn đề tương tự cũng sẽ còn lặp lại.

TS Nguyễn Quang A

Trong nhiều năm về trước, Nhà nước gom các công ty quốc doanh trong đó có không ít công ty từng thất bại, để thành tập đoàn. Thủ tướng Chính phủ chỉ định một nhóm Đảng viên vào các chức vụ quan trọng, lãnh đạo tập đoàn như lãnh đạo một tổ chức Đảng. Với cách làm này nhiều chuyên gia kinh tế độc lập cho là sai lầm vì không tận dụng đựơc khả năng lãnh đạo thật sự của người am hiểu về kinh tế. Hai nữa vì thiếu giai đoạn gây dựng và phát triển nguồn vốn cũng như nhân lực, các tập đoàn quốc doanh không thể tự đứng trên đôi chân của mình mà luôn phải nhờ vào các ưu đãi của Nhà nước. Cái gốc của vấn đề này được TS Nguyễn Quang A chia sẻ:

“Chừng nào đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn xem kinh tế nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, rồi kinh tế nhà nước phải là kinh tế tập thể, thì tôi nghĩ cái gốc của nó không thể giải quyết và các vấn đề tương tự cũng sẽ còn lặp lại”.

Quay trở lại với sự sụp đổ của Vinashin, liệu tác động của nó có thể gây “hiệu ứng domino” hay một cuộc khủng hoảng dây chuyền cho nền kinh tế Việt Nam hay không TS Nguyễn Quang A đưa ra nhận xét:

“Tôi không nghĩ rằng cái việc đổ vỡ của Vinashin sẽ kéo theo một cuộc khủng hoảng. Thật sự đây là một bài học cần phải nghiên cứu một cách hết sức thấu đáo và có những thay đổi tận gốc rễ về tư duy thì sẽ làm cho sự phát triển của đất nuớc tốt hơn lên, hiệu quả hơn lên”.

Nếu vì một lý do chính trị mà không thể buông tay đối với tập đoàn thì trong thời gian tới, liệu Nhà nước có nên lấy mô hình của Trung Quốc để áp dụng vào cách quản lý tập đoàn của Việt Nam nhằm kiểm soát chúng hiệu quả hơn hay không. TS Lê Đăng Doanh nói:

“Trung Quốc có những tập đoàn rất lớn, họ có những kinh nghiệm về quản lý như họ ký một hợp đồng với ông Chủ tịch Hội đồng quản trị rằng, ông phải cam kết tăng năng suất lao động bao nhiêu phần trăm. Phải tiết kiệm điện, năng lượng bao nhiêu phần trăm. Phải nâng cao xuất khẩu bao nhiêu phần trăm... Nếu ông đồng ý ký vào đó thì tới thời hạn mà ông không thực hiện được thì ông sẽ mất chức”.

Kinh tế Việt Nam mặc dù đang khởi sắc và tương đối ổn định trong nhiều năm qua, nhưng về lâu về dài nhiều tổ chức tài chánh uy tín quốc tế nhận định mối lo tiềm ẩn của Việt Nam vẫn là sự sụp đổ của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Vinashin chưa phải là bài học cuối cùng và tác hại của nó không thể xem thường như nhiều giới chức trong bộ máy kinh tế chính trị Việt Nam tuyên bố.

Nguồn:

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnam/kinh-te/Vinashin-a-ship-without-a-destination-part-1-Mlam-07082010152108.html

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vinashin-a-ship-without-a-destination-Part%202-MLam-07092010083511.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn