Làm sao thực hiện được tư tưởng Hồ Chí Minh: “NẾU CHÍNH PHỦ LÀM HẠI DÂN THÌ DÂN CÓ QUYỀN ĐUỔI CHÍNH PHỦ”?

Tống Văn Công

image Sau bài viết “Vì sao Hồ Chí Minh đặt dân chủ trước giàu mạnh?”, tôi nhận được nhiều ý kiến bạn đọc trong, ngoài nước, hỏi vì sao hiện nay cả nước đang liên tục rầm rộ tổ chức học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng những tư tưởng lớn của người rất cần cho sự nghiệp Đổi mới, cho cuộc sống nhân dân thì lại không được học tập, vận dụng?

Trong bài viết này, tôi muốn đề cập đến một trong những nội dung cốt lõi về dân chủ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định một cách mạnh mẽ: "Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ” (HCM toàn tập, NXB Sự thật, tập 4, trang 283).

Đây là một nội dung có ý nghĩa then chốt ở một thể chế dân chủ, nó như lửa thử vàng để biết vàng thật hay vàng giả, ở đây là dân chủ thật hay dân chủ giả.

Có thể bạn sẽ hỏi liệu Chính phủ của chúng ta đã có những sai lầm gì "làm hại dân"?

Năm qua, Chính phủ có nhiều việc làm bị chỉ trích nặng nề như:

– Dung dưỡng các tập đoàn kinh tế làm ăn tùy tiện gây thất thoát lớn (hiện dư luận đang bức xúc về chỉ thị của Thủ tướng giải cứu sự sụp đổ của Vinashin).

– Quản lý kém làm cho nền kinh tế mất sức cạnh tranh (giá chi phí cho một đơn vị tăng trưởng cao gấp đôi, thậm chí gấp ba các nước Châu Á, Thái Bình Dương).

– Cho nước ngoài vào khai thác bauxite Tây nguyên gây bất an về quốc phòng và môi sinh; cho nước ngoài thuê rừng biên giới.

– Gần đây nhất là đề án đường sắt cao tốc bị toàn dân đặt ra nhiều nghi vấn...

Tuy nhiên tôi chỉ xin nêu ra đây một hiểm họa của đất nước: Tham nhũng – Giặc nội xâm!

Nếu chính phủ để tình trạng tham nhũng kéo dài và tăng lên vô hạn thì có phải là đã mang tội "làm hại dân"?

Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật bị mất chức chỉ vì “nghe lén” và “không thực hiện được một lời hứa”. Ngày 5-7-2010, Thủ tướng Hàn quốc từ chức vì đề án xây dựng một thành phố mới của ông đưa ra bị Quốc hội bác bỏ... So với người thì các vị lãnh đạo nước ta có lỗi nặng gấp nhiều lần, nhưng đã được xuê xoa quá mức, chính vì thế mà không có sức răn đe để sửa chữa sai lầm!

Vậy tìm điều kiện để thực hiện được tư tưởng Hồ Chí Minh “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ” chính là tìm đơn thuốc hiệu quả trị được chứng nan y tham nhũng và nhiều khuyết điểm khác của hệ thống chính trị.

Bài viết này bắt đầu từ tình trạng tham nhũng; xác định chân tướng, nhân thân kẻ tham nhũng; phân tích nguyên nhân bất trị của tham nhũng; và cuối cùng là đề ra phương thuốc đặc trị tham nhũng. Phương thuốc ấy tạo ra điều kiện và khả năng thực hiện thắng lợi tư tưởng Hồ Chí Minh.

1. Khuyến nghị quốc tế: kiểm soát quyền lực

Nghị quyết Đại hội 8 năm 1996 kết luận tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đe dọa đất nước.

Gần 10 năm sau, tham nhũng phình to, câu kết nhau như thành như lũy, khiến nguyên Phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Trần Bạch Đằng kêu gọi: “Nã đại bác vào tham nhũng!” (Báo Tuổi trẻ xuân) với những lời lẽ thống thiết. Ông nói: "Tham nhũng đang đe dọa sự phát triển kinh tế cùng đạo đức xã hội"!

Gần một năm sau, tại Hội nghị Trung ương 3/7/2006, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhận định: "Tham nhũng là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ".

Ba năm sau nữa, ông Đặng Quốc Bảo – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng – miêu tả hình dáng tham nhũng nằm lồ lộ ở nước ta với hai đặc trưng: (1) Kinh tế ngầm lộng hành, mafia cộng với cán bộ thoái hóa; (2) Bộ máy công quyền hư hỏng, vô cảm, tham nhũng, quan liêu, hách dịch, thiếu chuyên nghiệp, ít hiểu biết, xa rời nhân dân, dị ứng với dân chủ.

Các vị lãnh đạo Việt Nam cho rằng Đảng đã rất quyết tâm chống tham nhũng, nhưng do luật pháp còn bất cập, năng lực quản lý yếu, cán bộ bị sa sút đạo đức trong cơ chế thị trường, các hoạt động chống tham nhũng chưa đồng bộ.

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết trong cuộc gặp Việt kiều dịp Tết 2010 nói: “Ở nước người ta đó thì muốn tiêu cực, muốn tham nhũng cũng khó, vì cái hệ thống luật pháp nó chặt chẽ. Còn ở Việt Nam mình thì có khi không muốn tham nhũng cũng động lòng tham".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: "Có bốn nguyên nhân dẫn đến tham nhũng là: thể chế còn sơ hở, thủ tục hành chính rắc rối, phiền hà, tinh thần phê tự phê bình còn yếu, đặc biệt là vai trò của cấp ủy Đảng và người đứng đầu chưa được thể hiện" (Báo Tuổi trẻ ngày 13-1-2008).

Liệu những nguyên nhân mà các vị lãnh đạo Việt Nam nêu ra đã đủ chưa?

Năm 2009, chương trình Hỗ trợ Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) có một công trình nghiên cứu quan trọng về vấn đề tham nhũng ở Việt Nam và đã trao kết quả công trình cho Chính phủ ta. Công trình này nêu rõ hình tướng của tham nhũng ở Việt Nam. Xin tóm lược:

- Do kinh tế tăng trưởng cho nên dù cho nạn tham nhũng đang tràn lan vẫn ít được đề cập. Tham nhũng hủy hoại dần tính chính danh của chế độ.

- Nông dân biểu tình chống tham nhũng đất đai gia tăng, doanh nhân bực dọc nạn nhũng nhiễu gia tăng.

- Nền kinh tế tự do hóa, nhưng vai trò quản lý của Nhà nước không giảm đã tạo điều kiện cho tham nhũng.

- Tham nhũng xảy ra dưới 3 hình thức: Hối lộ – còn gọi là "bôi trơn"; tư nhân hóa bất hợp pháp tài sản Nhà nước trong chính sách cổ phần hóa; mua bán quyền lực.

- Quan hệ mờ ám giữa cán bộ chính trị và doanh nhân được gọi là "doanh nghiệp sân sau", "công ty gia tộc", “thế lực đen móc ngoặc với các phần tử biến chất trong bộ máy cầm quyền".

- Đảng và Nhà nước Việt Nam cho rằng thực thi kém hiệu quả việc chống tham nhũng là do luật pháp bất cập, đạo đức suy đồi trước kinh tế thị trường. Thực ra đó chỉ là những yếu tố liên quan, chứ không phải vấn đề trung tâm của tham nhũng.

Tham nhũng ở Việt Nam thực chất là một vấn đề mang tính hệ thống.

Biểu hiện của tính hệ thống là: Tham nhũng vận hành phổ biến, bình thường, không phải biệt lệ, không thể tiến hành công việc nếu không chịu dính với tham nhũng! Hầu hết những người vốn là tốt,nhưng khi nằm trong guồng máy họ cũng phải chấp nhận tham nhũng để tồn tại.

- Các văn bản pháp lý ở Việt Nam thường thiếu rõ ràng và chồng chéo. Không phải người soạn thảo kém, mà do hệ thống đòi hỏi phải như vậy để dễ dàng lạm dụng quyền lực, tham nhũng. Đó là tác động của các nhóm lợi ích có quyền lực lớn. Bà Phạm Chi Lan – nguyên tư vấn Văn phòng Chính phủ phát biểu trong cuộc Hội thảo hồi tháng 3/2009 cho rằng đó là cách các nhóm lợi ích “cài cắm lợi ích cục bộ khi soạn thảo luật, cơ chế”.

- Xu thế coi công quyền như công cụ làm giàu, nên tệ nạn mua quan bán chức tràn lan. Tập tục “một người làm quan cả họ được nhờ” đang sống lại.

- Lương thấp, đạo đức xuống cấp chỉ là nguyên nhân thứ yếu. Không làm rõ các quy định được, chừng nào cái “logic” đang chi phối hệ thống vẫn tồn tại.

Nâng cao tính minh bạch và kiểm soát quyền lực bộ máy công quyền là khuyến nghị mấu chốt của UNDP.

Nâng cao tính minh bạch gồm: công khai tài liệu thanh tra; nâng cao tính độc lập của thanh tra, của hoạt động tòa án, của cơ quan giám sát; coi trọng giải quyết tố cáo của dân; nâng cao vai trò xã hội dân sự, các cơ quan truyền thông giám sát hoạt động của nhà nước, khuyến khích công dân tố giác, khuyến khích báo chí dám đứng ra điều tra tham nhũng.

Để làm rõ thêm bộ mặt của tham nhũng, xin nghe bà Lê Hiền Đức (tên thật là Phạm Thị Dung Mỹ) sinh năm 1932, giáo viên nghỉ hưu, người được Tổ chức Minh bạch quốc tế tặng Giải thưởng Liêm chính năm 2009 kể:

“Các cấp trung gian nó bao che cho nhau, bảo kê cho nhau mình không thể cựa được. Tôi nhận đơn từ của nhân dân 63 tỉnh thành tố cáo đủ các mặt, đất đai nhà cửa... Thanh tra Nhà nước đã đến [nhà tôi] chở đi hồ sơ 214 vụ rồi, nhưng chưa thấy thông báo việc này việc kia được giải quyết. Có người đi kiện lúc 27 tuổi tới năm 54 tuổi mà vẫn chưa được giải quyết! Ông Bí thư quận Cầu Giấy có biết bao tội, là kẻ bảo kê cho bà Hiệu trưởng tham nhũng. Tôi báo cáo việc này với ông Bí thư Thành ủy Hà Nội thì hai tháng sau được tin ông quận này đã được chuyển công tác… Ở cấp nào bọn tham nhũng cũng có ô dù cả”!

Tham nhũng ở Việt Nam năm 2008 được Tổ chức Minh bạch toàn cầu xếp ở đầu trong nhóm 1/3 nước cuối bảng xếp hạng. Chỉ số thứ hạng từ năm 1997 - 2008 hầu như không đổi: 2,8; 2,6; 2,7. So sánh với các nước trong vùng thì điểm số của Việt Nam khá hơn Indonesia 5 bậc, hơn Philippines 20 bậc, xấu hơn Thái Lan 41 bậc, Trung quốc 49 bậc, Malaysia 74 bậc, Hongkong 109 bậc, Singapore 117 bậc. Năm 2009, Tổ chức Tư vấn Rủi ro chính trị, kinh tế (PERC) xếp Việt Nam là nước tham nhũng đứng thứ 3 Châu Á, chỉ khá hơn Indonesia và Campuchia, tụt lại sau Philippines. Chỉ số minh bạch về thị trường bất động sản thì Việt Nam xấu hơn Indonesia 22 bậc, Philippines 29 bậc, Thái Lan 31 bậc, Malaysia 54 bậc, Singapore 68 bậc.

2. Tham nhũng là ai?

Tham nhũng là hành vi của kẻ có chức quyền.

Ngày xưa là quan lại. Do đó, Luật Hồng Đức của Lê Thánh Tông có 40 điều chống tham nhũng (trong tổng số 722 điều) đều là dành cho quan lại chứ không phải cho thứ dân.

Ngày nay, kẻ tham nhũng là viên chức trong hệ thống cầm quyền. Tham nhũng nhỏ xảy ra ở người có chức quyền nhỏ. Tham nhũng lớn ở người có chức quyền lớn. Tuy không có quy định thành văn nhưng trong thực tế từ cán bộ cấp trưởng ấp, trưởng khu phố đến phó trưởng phòng của phường xã, đều phải là đảng viên. Do vậy bệnh tham nhũng trong thực tế lại chính là bệnh của đảng viên từ thôn ấp cho tới những cơ quan cao nhất! Nhiều đảng viên không làm công tác chính quyền, nhưng với cơ chế Đảng lãnh đạo toàn diện, họ có điều kiện tham nhũng còn hơn cả viên chức chính quyền. Vậy tham nhũng là bệnh của Đảng, của cả hệ thống chính trị.

Xin nêu ra đây một số nhận định của các nhà nghiên cứu về tham nhũng ở nước ta.

Giáo sư Yoshiharu Tsuboi người Nhật Bản – là nhà Việt Nam học có nhiều công trình sâu sắc – đã nói như sau về tham nhũng ở Việt Nam:

– “Tham nhũng ở Việt Nam không đơn thuần là vấn đề đạo đức mà là cơ cấu trong tổ chức, để loại được tham nhũng phải cải thiện lớn cơ cấu tổ chức và quản lý tài chính”.

– “…Khó thúc đẩy tình hình nếu như không có một số lợi nhuận cho các đảng viên và cán bộ chính quyền. Vì vậy Đảng Cộng sản Việt Nam phải làm ngơ ở mức độ nhất định trước vấn đề biển thủ hoặc tham nhũng của họ”.

– “...Số lượng tham nhũng quá đông, nếu toàn bộ các vụ tham nhũng bị lật tẩy thì hệ thống hành chính có nguy cơ ngừng hoạt động, thậm chí dẫn tới khủng hoảng chính trị. Do vậy nếu khoản tiền tham nhũng không cao quá mức và được chia đều cho những người dính líu thì chính quyền để yên cho họ”.

– “…Tham nhũng ở Việt Nam có thể tóm gọn là “Ai lại sợ đèn đỏ, khi tất cả đều vượt đèn đỏ”!

– “...Hệ thống được thành lập theo kiểu khi bên trong xuất hiện có người có khả năng phản đối tham nhũng thì tham nhũng sẽ được dùng làm lý do để loại bỏ người đó”.

– “...Bằng cơ cấu nuôi dưỡng tham nhũng, nhà cầm quyền đặt gần như toàn bộ người dân vào vị trí tội phạm tiềm năng, với cung cách phán xử tùy tiện, những ai làm mất lòng hệ thống tham nhũng có thể bị trừng phạt đúng theo pháp luật”!

Giáo sư Carl Thayer người Úc, một chuyên gia nghiên cứu Việt Nam có uy tín trên thế giới, cũng có bài viết về tham nhũng ở Việt Nam. Nhận xét các vụ án tham nhũng lớn như PMU 18, Đại lộ Đông - Tây, giáo sư nhận định: “Các vụ tham nhũng lớn ở Việt Nam có trung tâm bảo trợ của những hệ thống quyền lực gồm những đảng viên cao cấp và gia đình họ, và ngay trong luật lệ... Khi tham nhũng bị phơi bày, chúng đều được chỉ đạo giải quyết từ “bên trong cánh cửa”.

...“Trong vòng 5 năm có 12 ủy viên Trung ương bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng, nhưng rất ít vụ bị đưa ra tòa. Qua hai kỳ Đại hội, 12 năm, tham nhũng đã tăng nhiều hơn. Nguyên nhân là do Đảng cộng sản Việt Nam chống thực hiện tam quyền phân lập (hành pháp, lập pháp, tư pháp) mà nắm trọn, kiểm soát cả ba quyền này”.

Các tác giả Lê Đăng Doanh, Nguyễn Trung, Phạm Chi Lan, Hoàng Ngọc Giao... cũng có những bài viết miêu tả rõ nét khuôn mặt tham nhũng đang ngự trên chiếc ghế quyền lực của đất nước. Những đảng viên còn giữ lòng tự trọng hẳn sẽ luôn cảm thấy căm giận và xấu hổ!

3. “Tham nhũng nã đại bác vào Đảng”

Chúng ta đều biết rằng chủ nghĩa Mác – Lênin không có khái niệm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chỉ có các hình thức Nhà nước chuyên chính vô sản được "vận dụng sáng tạo thích hơp với thực tiễn của mỗi quốc gia".

Nhà nước xã hội chủ nghĩa là Nhà nước tập quyền và Đảng hóa. Trong một bài nói ở Hội nghị Trung ương khóa 3, ông Lê Duẩn cũng cho rằng Đảng Cộng sản Liên Xô không coi trọng nhà nước.

Thật ra các nhà nước toàn trị đều đặt Đảng trên nhà nước, nghị quyết Đảng cao hơn pháp luật.

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường phân tích nguyên nhân chính gây ra sai lầm lớn của cải cách ruộng đất ở Việt Nam là không dùng luật pháp mà dựa vào đấu tố. Vì nhận định đúng đắn ấy mà ông bị sa thải. Sau Đổi mới, cùng với sự hội nhập quốc tế, khẩu hiệu “Sống và làm việc theo pháp luật” mới được xuất hiện.

Mãi đến 29/11/1991, tại Hội nghị lần thứ 2 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 7, Tổng Bí thư Đỗ Mười với tư duy bị trói bởi ý thức hệ đã khiên cưỡng lắp ghép từ “xã hội chủ nghĩa” vào "nhà nước pháp quyền”. Hơn 15 năm sau, tháng 4/2006, nghị quyết Đại hội 10 của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra nội dung: “Xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp… Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến hợp pháp trong các hoạt động và các quyết định của các cơ quan công quyền”.

Tiến sĩ Hồ Bá Thâm đã thắc mắc rằng: kiểm tra, giám sát được đặt riêng ra như vậy, không rõ là nó nằm bên trong hay nằm ngoài hệ thống quyền lực nhà nước?

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh công bố nội dung học thuyết Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong bài diễn văn ở phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 12, ngày 19/7/2007. Nhiều nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã viết bài lý giải học thuyết mới mẻ này.

Với cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, ông Trần Đức Lương có bài viết đăng trên tạp chí Cộng sản số 1 năm 2007 với tựa đề: “Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, ngày càng trong sạch vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của Đảng, nhà nước và nhân dân ta”. Xin trích ra đây một nội dung cơ bản:

“Một trong những điểm cơ bản của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân là quyền lực Nhà nước thống nhất trên cơ sở phân công và phối hợp trong việc thực hiên quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể hiểu rằng sự thống nhất là nền tảng, sự phân công và phối hợp là phương thức để đạt được sự thống nhất của quyền lực Nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng cũng nhằm đảm bảo cho sự phân công và phối hợp được thông suốt, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, đưa cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống”.

Các nhà nghiên cứu lý luận Việt Nam viết nhiều bài dẫn giải nội dung học thuyết Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đưa ra những khái niệm lạ lẫm như “tam quyền phân hợp", "tam quyền phân hợp giám". Nói chung, những khái niệm phân lập, đối trọng không được phép đặt ra. .

GS. TS. Tô Xuân Dân và cán bộ Mặt trận Tổ quốc Trung ương Nguyễn Thanh Bình có bài viết chung nhan đề “Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng” (Tạp chí Cộng sản số 1/2007). Hai ông đưa ra 7 vấn đề có tính nguyên tắc để thực hiện đúng đắn Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đọc dẫn giải 7 vấn đề thấy hai ông là những lý thuyết gia chính trị hơn là nhà luật học. Tôi đặc biệt chú ý đoạn văn sau đây của hai ông:

“...Vấn đề là ở chỗ, bản chất của Đảng cầm quyền thế nào, mục tiêu chính trị của nó có phải vì lợi ích chung của dân tộc, vì con người hay không và do đó có sẵn sàng tuân theo những quy định của pháp luật hay không; có đủ phẩm chất đạo đức để vượt qua các cám dỗ quyền lực to lớn mà một Đảng cầm quyền duy nhất có nhiều khả năng gặp phải hay không và nó có tự đặt ra và thực hiện được những lề luật nghiêm khắc cho chính mình hay không?”.

Nêu ra nội dung trên hai ông không nhằm cảnh báo nguy cơ đối với Đảng mà ngay sau đó đưa ra khẳng định: “Thực tiễn phát triển của xã hội ta, đất nước ta xác nhận và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng. Hơn 74 năm qua Đảng thể hiện tập trung ý chí nguyện vọng và trí tuệ của toàn dân tộc”. Hai ông tin rằng: “Hoàn thiện những cơ sở pháp lý đó sẽ giúp tránh được bao biện, làm thay hay can thiệp không đúng nguyên tắc của cấp ủy và cán bộ Đảng vào công việc của chính quyền mà có thời kỳ nhiều nơi đã mắc phải”.

Thực tiễn đất nước 3 năm qua đã bác bỏ nhận định nói trên của hai ông, và chứng minh rằng số đông đảng viên cộng sản không thể “vượt qua các cám dỗ quyền lực to lớn”!

Tiến sĩ Hồ Bá Thâm trong bài “Dân chủ hóa, phân quyền hóa cơ cấu hệ thống quyền lực Nhà nước theo tư duy pháp quyền biện chứng” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp tháng 11/2009 đã nêu ra nhiều điều còn băn khoăn. Đặc biệt là đoạn văn sau:

“...Với thực tế nảy sinh tràn lan và kéo dài ngày càng trầm trọng tệ nạn tham nhũng, cửa quyền, quan liêu và lãng phí hiện nay trong hệ thống chính trị và trong xã hội ta,càng thấy thiếu sót lớn trong một cơ chế thiếu giám sát và kiềm chế quyền lực tệ hại như thế nào. Đó là chỗ hổng và yếu kém nhất trong cơ chế hệ thống tam quyền của Nhà nước, phải được khắc phục sớm bằng cả nhận thức và thể chế”.

Tuy nhiên, Dự thảo Văn kiện trình Đại hội 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền lực Nhà nước vẫn na ná như nội dung văn kiện Đại hội 10: “Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; có cơ chế kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện ba quyền đó”.

Thực tế hiểm họa “nội xâm”của đất nước đã chứng tỏ sự “liệt kháng” của thể chế phân công ba quyền thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. Xin dẫn chứng thêm hai câu chuyện:

(1) Cách đây 15 năm, ngày 16/11/1993, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc trả lời phỏng vấn báo Lao động về việc “phải cấp bách cải cách Tư pháp để chấm dứt tệ nạn “thư tay gửi tòa án” và “những bản án bỏ túi” trước khi tòa xử. Cơ quan Nhà nước cũng như công chức Nhà nước khi thực thi công vụ phải trong khuôn khổ pháp luật và họ có thể bị kiện trước tòa nếu gây hại cho dân”.

Sau 15 năm cấp bách cải cách Tư pháp như ông Lộc nói, hiện trạng của quyền Tư pháp được thể hiện trong vụ án bà Ba Sương ở Cần Thơ là thế này:

UBND thành phố Cần Thơ có công văn số 1575/UBND -NC ngày 25/3/2008 nội dung: “Thực hiện ý kiến kết luận của thường trực Thành ủy tại Thông báo số 91-TB/VPTU ngày 20/8/2008, Chủ tịch UBND thành phố có ý kiến chỉ đạo như sau: Sau khi Thanh tra Thành phố chuyển một số nội dung sai phạm của Nông trường Sông Hậu sang Cảnh sát điều tra thì tổ chức họp báo, công khai với báo chí...”. Cơ quan Tư pháp các cấp đều không có phản ứng gì về cách chỉ đạo ấy, chỉ có nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi thư phản đối: Tôi không rõ có những lý do gì bên trong mà cơ quan Đảng chỉ đạo cơ quan điều tra khởi tố vụ án? Việc này phải do cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát tiến hành chứ? (Có tin “lý do bên trong” mà cụ Võ Văn Kiệt hỏi là lãnh đạo Cần Thơ muốn tìm cớ để thu hồi đất của Nông trường Sông Hậu cho một dự án lớn!).

Như vậy là tệ nạn “thư tay”, “bản án bỏ túi” kiểu du kích thời Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc ngày nay đã được chính quy hóa thành những Công văn, Thông báo rất ngang nhiên!

(2) Ngày 19/9/1997, Thủ tướng Chính phủ có công văn số 4678/QT1 “chuyển khu dân cư ở số 2 Thụy Khuê, Hà Nội. Văn phòng Chính phủ xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu đất phía sau khách sạn La Thành cho các hộ dân ở đó tái định cư”. Ngày 6/9/1998, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có quyết định số 498/QĐ-VPCP phê duyệt phương án bố trí diện tích đất cho từng hộ gia đình, nhưng danh sách này thiếu 11 hộ, trong đó có bốn hộ do các ông bà Nguyễn Xông Pha, Chu Quang Biên, Lê Lục Công, Trần Minh Hồng làm đại diện. Văn phòng Chính phủ có công văn 6403/VPCP-QT1 giao cho UBND quận Tây Hồ bố trí tái định cư cho 4 hộ dân nói trên. Bốn hộ dân này tìm hiểu biết rằng Văn phòng Chính phủ làm trái công văn Thủ tướng, cốt để thừa ra 233 m2 đất ở một ví trí đắc địa xây chung cư đưa ra bán giá cao cho 15 hộ dân không thuộc khu nhà số 2 Thụy Khuê. Ngày 21/9/2009, bốn hộ dân nói trên làm đơn khiếu nại gửi Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhưng không được Bộ trưởng giải quyết. Ngày 2/11/ 2009, bốn hộ dân làm đơn gửi Tòa án nhân dân Hà Nội. Tòa án nhân dân Hà Nội thông báo trả lại đơn với lý do “Không thuộc thẩm quyền giải quyết bằng một vụ án hành chính tại Tòa án”. Bốn hộ dân khiếu nại Tòa án Hà Nội nhận lại đơn kiện, nhưng không được. Ngày 29/12/2009, bốn hộ dân gửi đơn kiện lên Tòa án nhân dân Tối cao. Tòa án nhân dân tối cao im lặng. Bốn hộ dân cầu cứu luật sư Cù Huy Hà Vũ. Luật sư Cù Huy Hà Vũ gửi hồ sơ vụ này lên Ủy ban Tư Pháp của Quốc hội. Và vụ việc được... nằm yên trên đó!

Vụ này không lớn, nhưng sự ách tắc của nó chứa 3 điều đáng suy ngẫm:

1/ Nó dính líu đến nhiều bộ luật: Luật đất đai, Luật khiếu nại tố cáo, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao...

2/ Nó liên quan đến ba nhánh quyền lực nhà nước là hành pháp, tư pháp, lập pháp mà không giải quyết được.

3/ Nó liên quan trách nhiệm của các Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Thủ tướng, Bộ trưởng, Chánh án tòa tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật mà vẫn bị tắc!

Điều ấy đủ để nói lên rằng, công thức pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện hành có nhược điểm lớn nhất là trao cho Đảng trực tiếp lãnh đạo cả ba quyền lực Nhà nước, tạo tình thế Đảng đứng trên pháp luật. Nhà tư tưởng Montesquieu từng cho rằng, khi quyền lực tập trung vào một mối, dù là một người, hay một tổ chức thì nguy cơ chuyên chế vẫn còn. Rõ ràng pháp quyền xã hội chủ nghĩa không tạo sức mạnh và uy tín cho Đảng mà nó tạo ra nguy cơ, tôi muốn dùng cách nói của ông Trần Bạch Đằng: “Hằng phút, hằng giờ tham nhũng nả đại bác vào Đảng”! Trong khi Đảng thì... ngay một nhà lý luận lớn của Đảng như Giáo sư Tiến sĩ Mạnh Quang Thắng cũng phải rầu buồn: “Thật đáng tiếc là cho đến nay vẫn còn một bộ phân không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái một cách nghiêm trọng...”.

4. Phải tam quyền phân lập mới có “thần linh pháp quyền”

Gần đây có nhiều bài viết tán dương việc cải cách tư pháp theo hướng không để tòa án ở cùng với cấp hành chính, cho rằng như vậy sẽ tránh được cơ quan hành pháp can thiệp vào việc xét xử của tòa án, và từ đó sẽ có tư pháp độc lập. Có đúng vậy không? E rằng những người nêu ý kiến này mới nhìn sự thật ở một nửa! Cần thẳng thắn đặt ra và bàn bạc thấu đáo trước thềm Đại hội 11 của Đảng là: Đảng có nên lãnh đạo tư pháp theo kiểu cầm tay chỉ việc như vậy hay không? Sự lãnh đạo của Đảng đối với quyền Tư pháp nên theo cách nào?

Mới đây, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An có bài trả lời rất hay phỏng vấn của Thu Hà trên VietNamNet về việc sửa đổi Hiến pháp. Ông nói: “Còn quyền lực của cơ quan tư pháp thì sao? Trong thực tiễn thì nó yếu thế hơn các cơ quan lập pháp và hành pháp, và còn bị chi phối trong xét xử”.

Vậy ai chi phối? Và để chi phối được tư pháp, họ có cần phải ở cùng một cấp hành chính hay không? Nếu họ ở trên một cấp, hoặc trên hai, ba cấp hành chính, ở tận Hà Nội thì họ có thể chi phối được tòa án ở các tỉnh thành phía Nam hay không?

Mặc dù rất dè dặt khi phân tích những nguyên nhân yếu kém của quyền tư pháp, Tiến sĩ Hồ Bá Thâm cũng đã nêu ra một ý kiến rất đáng suy nghĩ về sự lãnh đạo của Đảng đối với quyền tư pháp: “Hơn nữa, khi đường lối của Đảng đã được cụ thể hóa thành Hiến pháp thì Hiến pháp là cao nhất chứ không phải Đảng cầm quyền khi thực thi quyền lực Nhà nước”.

Tiến sĩ Hồ Bá Thâm đã chỉ đúng chỗ mắc mứu lớn chính là vì học thuyết Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đặt “việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Lẽ ra sự lãnh đạo của Đảng chỉ nhằm đưa ra quan điểm lớn là: “Phải làm thế nào để thực hiện cho được quyền tư pháp độc lập, thượng tôn pháp luật, không chấp nhận bất cứ sự chi phối nào ngoài pháp luật”.

Với tinh thần nói thẳng, nói thật có từ Đại hội 6 - Đổi mới, nhưng từ đó đến nay không được nuôi dưỡng tốt, tôi muốn tiếp lời Tiến sĩ Hồ Bá Thâm đặt ra câu hỏi vốn rất kiêng kỵ này: Tại sao chúng ta không chấp nhận tam quyền phân lập? Đó là kết tinh tư tưởng cao cả của các hiền triết thời cổ đại từ Platon, Aristotle cho đến các nhà tư tưởng thế kỷ 18 như Lock, Montesquieu, J.J. Rousseau, Kant, Hegel... đã trở thành tài sản vô giá của toàn nhân loại trong tiến trình tranh đấu tìm đến Dân chủ - Tự do. Chính Marx, Engels lúc cuối đời cũng chấp nhận các phương pháp đấu tranh nghị trường trong thể chế của Nhà nước pháp quyền. Cương lĩnh của Quốc tế xã hội dân chủ do Engels sáng lập đã được phát triển và vận dụng ở nhiều nước, có xây dựng Nhà nước tam quyền phân lập, đưa các quốc gia ấy trở thành dân chủ, giàu mạnh. Sự nghiệp Đổi mới của chúng ta thực ra cũng đã vận dụng nhiều bài học của chủ nghĩa xã hội dân chủ, rất tiếc lại không vận dụng bài học xây dựng Nhà nước theo Tam quyền phân lập!

Tại sao? Vì sợ mất đi tính thống nhất của quyền lực Nhà nước chăng? Không đúng! Tính thống nhất của Nhà nước chính là lý tưởng của dân, do dân, vì dân. Một nền tư pháp độc lập mạnh mẽ sẽ kiềm chế được sự lạm quyền của hành pháp, hoặc sự vi hiến của lập pháp, sự bạc nhược của tư pháp thì đó mới là bảo vệ thành công sự thống nhất lý tưởng xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân!

Sợ mất đi trách nhiệm “phân công quyền lực”? Ai phân công? Các nghị quyết của Đảng đều dùng từ “phân công”. Bài viết của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng dùng từ “phân công quyền lực”. Tuy không nói rõ chủ thể phân công, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước thì mặc nhiên phải hiểu rằng Đảng phân công ba quyền lực Nhà nước. Đúng ra, phải dùng từ phân quyền (decentralize) vốn là một thuật ngữ đã phổ biến thế giới về nhà nước pháp quyền. Còn từ phân công (to divide the work) là để chỉ việc phân chia lao động như phân công lao động theo ngành, giới tính, vùng đất, phân công lao động quốc tế... Có ý kiến cho rằng từ “phân công” tỏ ra nhẹ nhàng hơn "phân quyền" (Tiến sĩ Hồ Bá Thâm). Nhưng ở đây điều cần đạt tới không phải là cảm giác "nặng”hay "nhẹ”mà rất cần đạt được sự chính xác của thuật ngữ quốc tế giữa thời hội nhập toàn cầu.

Sợ mất sự “phối hợp”, tạo nên “sức mạnh tổng hợp” vốn là truyền thống? Xin thưa, các lý thuyết phân quyền chỉ nhấn mạnh kiềm chế, kiểm soát, đối trọng. Nếu muốn nói đến sự phối hợp thì cũng có thể tìm thấy được: Khi cả ba quyền kiểm soát, kiềm chế lẫn nhau sẽ bật lên một sức mạnh tổng hợp kéo nhà nước đang ở trên đầu nhân dân, phải hạ xuống nằm bên dưới luật pháp!

Sao lại kiêng kỵ tam quyền phân lập đã có mầm mống hằng ngàn năm, được hoàn chỉnh hằng trăm năm, tạo ra sự phân quyền cân bằng và độc lập giữa ba quyền lực nhà nước (Lập pháp, Hành pháp,Tư pháp), quyền lực này kiểm soát, kiềm chế quyền lực kia, tránh xảy ra lạm quyền, chuyên quyền, độc quyền, đảm bảo cho sự tự do chính trị của Nhà nước được lập nên từ quyền lực nhân dân?

Sợ thực hiện tam quyền phân lập sẽ làm cho ba quyền ấy vuột khỏi tầm tay lãnh đạo của Đảng? Rất sai! Trước hết, nó làm cho chúng ta có một Nhà nước dân chủ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và phù hợp với xu thế thời đại. Xu thế thời đại là: Pháp luật đứng trên Nhà nước. Chính quyền phục vụ nhân dân chứ không phải hành dân. Chính phủ có trách nhiệm tìm chính sách phù hợp để phát triển đất nước nâng cao phúc lợi nhân dân và bảo vệ an ninh Tổ quốc. Người dân được làm mọi việc mà luật pháp không cấm, còn chính quyền chỉ được làm đúng theo quy định của pháp luật. Quốc hội chỉ tuân thủ Hiến pháp lập nên từ ý chí, nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân. Quốc hội không giơ tay theo nghị quyết đã có sẵn, để bị mang tiếng là nghị gật!

Hệ thống tư pháp độc lập ngăn chặn những việc làm sai trái của hành pháp và lập pháp gây hại cho quyền lợi và tự do của công dân. Tòa án độc lập xét xử mọi tranh chấp và mâu thuẫn xã hội theo luật pháp và chỉ tuân theo luật pháp, cho nên được coi là “thành trì của tự do”. Hôm qua, 6/7/2010, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói với Hội nghị cải cách tư pháp, dặn rằng việc đầu tiên là phải bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ tòa án trong sạch, vững vàng. E rằng điều ông dặn chỉ là vấn đề thuộc vào thứ yếu.

Lịch sử xây dựng quyền tư pháp của nhân loại đã chứng tỏ rằng, Bao Công chỉ xuất hiện được từ cơ chế. Cơ chế mới là vấn đế số một, vấn đề đầu tiên! Cơ chế tam quyền phân lập, dùng quyền lực hạn chế quyền lực, sẽ buộc được các Tổng Bí thư, Thủ tướng cũng như phó thường dân khi tòa gọi phải nhanh chóng kíp hầu tòa. Không còn chuyện Tòa án Hà Nội, rồi cả Tòa án tối cao đều bó tay không gọi nổi Thủ tướng! Như vậy có làm giảm quyền lãnh đạo của Đảng? Không! Vụ Quốc hội bác bỏ dự án Đường sắt cao tốc vừa qua đã làm cho nhân dân tin Đảng đã tôn trọng ý dân, đã có thêm động lực để “Đảng phải gần dân, hiểu biết dân, học hỏi dân” (Hồ Chí Minh). Nhân dân sẽ thấy Nhà nước của dân, do dân, vì dân không phải chỉ ở khẩu hiệu mà đã là sự thật nhìn thấy. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước nhận được thêm năng lực mới. Quyền Tư pháp độc lập sẽ góp một trong những sức mạnh lớn nhất tẩy trừ tham nhũng. Đảng thải loại được lũ sâu mọt thoái hóa đang ẩn náu trong hàng ngũ của mình. Đảng viên sẽ gồm những người liêm khiết trong mắt của nhân dân. Hồ Chí Minh nói “chống tham ô lãng phí quan liêu là dân chủ”, có ý nghĩa như vậy. Nhân dân sẽ công nhận Đảng tích cực đổi mới toàn diện, từ đó mà tính chính danh được nâng lên.

“Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”! Với tam quyền phân lập, “trăm điều phải có Thần linh pháp quyền” (Hồ Chí Minh), tư tưởng ấy sẽ hiện diện trong đời sống, nâng cao quyền dân, làm trong sạch Đảng, tăng cường sinh lực Nhà nước. Há chẳng phải là một việc cấp bách mà Đại hội Đảng rất cần quan tâm?

Đến đây, xin dùng một danh ngôn đã có sức sống 2500 tuổi của nhà hiền triết Platon thay cho lời kết: “Tôi nhìn thấy sự sụp đổ nhanh chóng của Nhà nước ở nơi nào mà pháp luật không có hiệu lực và nằm dưới quyền lực của một ai đó. Còn ở nơi nào mà pháp luật đứng trên các nhà cầm quyền và các nhà cầm quyền chỉ là nô lệ của pháp luật thì, ở đó tôi thấy có sự cứu thoát của Nhà nước”.

T. V. C

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn