Nhà nước hãy trả lại quyền tư hữu chính đáng về đất đai cho nhân dân

Hà Đình Sơn

Bách khoa toàn thư mở WikipediaE_439_6 :

Đất hiểu theo nghĩa thông thường nhất là phần mỏng nằm trên bề mặt của Trái Đất mà không bị nước bao phủ. Tuy nhiên, trong các ngành khoa học có liên quan đến đất đai như kinh tế học, thổ nhưỡng học, địa chất học v.v thì có những khái niệm hay thuật ngữ hoàn toàn khác nhau khi nói tới đất.

Bộ Luật Dân sự 2005:

Tiết a, khoản 1, Điều 174. Bất động sản và động sản

“1. Bất động sản là các tài sản bao gồm: a) Đất đai;…”

Xác định đất đai là một loại tài sản.

Tuyên ngôn nhân quyền Liên hiệp quốc 1948:

“Điều 17

Ai cũng có quyền sở hữu, hoặc riêng tư hoặc hùn hiệp với người khác. Không ai có thể bị tước đoạt tài sản một cách độc đoán.”

Khẳng định mọi người dân có quyền tư hữu về tài sản.

Công ước Quốc tế về những quyền kinh tế, xã hội và văn hóa 1966:

“Ðiều 1:

1/ Các dân tộc đều có quyền tự quyết. Chiếu theo quyền này, họ được tự do quyết định về chế độ chính trị và tự do theo đuổi đường hướng phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.

2/ Ðể đạt được mục tiêu này, các dân tộc có quyền tự do sử dụng các nguồn lợi thiên nhiên của mình, miễn là không vi phạm những nghĩa vụ phát sinh từ sự hợp tác quốc tế về kinh tế, đặt căn bản trên quyền lợi hỗ tương và luật pháp quốc tế. Trong mọi trường hợp các phương tiện sinh sống của người dân không thể bị tước đoạt.

Hơn 80% người dân Việt Nam sống ở nông thôn và một phần không nhỏ dân sống ở thành thị, đất đai là phương tiện sinh sống của họ.

Như vậy, luật pháp trong nước và luật pháp quốc tế đều khẳng định đất đai là một loại tài sản của người dân không thể bị tước đoạt.

Thực trạng sở hữu đất đai ở miền Bắc trước năm 1954 và miền Nam trước 1975, đất đai đều có chủ, đa phần đất đai là sở hữu của nhân dân và một phần đất đai là thuộc sở hữu nhà nước. Cho đến khi chính quyền về tay Đảng Cộng sản thì chính quyền đã xóa bỏ chế độ tư hữu nói chung và tư hữu đất đai nói riêng.

Hãy xem quan điểm của người cộng sản về sở hữu tài sản?

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản 1848:

Phần II. Những người vô sản và những người cộng sản

“Nhưng chế độ tư hữu tư sản hiện thời, lại là biểu hiện cuối cùng và đầy đủ nhất của phương thức sản xuất và chiếm hữu sản phẩm dựa trên những đối kháng giai cấp, trên cơ sở những người này bóc lột những người kia

Theo ý nghĩa đó, những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xoá bỏ chế độ tư hữu.”

Pháp luật Việt Nam về sở hữu đất đai, hiện nay:

Hiến pháp 1992 và sửa đổi 2001:

“Điều 17:

Đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào các xí nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước, đều thuộc sở hữu toàn dân”.

Khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân.

Sở hữu toàn dân được pháp luật thể chế hóa như thế nào?

Luật Đất đai 2003:

“Điều 5. Sở hữu đất đai

1. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.

2. Nhà nước thực hiện quyền định đoạt đối với đất đai như sau:

a) Quyết định mục đích sử dụng đất thông qua việc quyết định, xét duyệt quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất (sau đây gọi chung là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất);

b) Quy định về hạn mức giao đất và thời hạn sử dụng đất;

c) Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;

d) Định giá đất.

3. Nhà nước thực hiện quyền điều tiết các nguồn lợi từ đất đai thông qua các chính sách tài chính về đất đai như sau:

a) Thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất;

b) Thu thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất;

c) Điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại.

4. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thông qua hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với người đang sử dụng đất ổn định; quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.”

Khoản 4, Điều 7. Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai

“Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai và quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền quy định tại Luật này”.

Chỉ rõ người sở hữu đất đai chính là ủy ban hành chính các cấp.

Khoản 1, Điều 38. Các trường hợp thu hồi đất

“Nhà nước thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:

Nhà nước sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế”.

Nhà nước quyết định quyền chiếm hữu đối với đất đai.

Điều 44. Thẩm quyền thu hồi đất

“1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam”.

Phân chia quyền định đoạt cho ủy ban hành chính các cấp.

Khoản 7, Điều 107. Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất

“Giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất hoặc khi hết thời hạn sử dụng đất”.

Có nghĩa rằng người dân bị thu hồi đất bất cứ lúc nào, khi có lệnh của nhà nước.

Đến đây có thể khẳng định pháp luật về đất đai của Nhà nước Việt Nam đang đi ngược lại với Tuyên ngôn nhân quyền Liên hiệp quốc 1948, Công ước Quốc tế về những quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 mà chính mình đã ký cam kết khi gia nhập các tổ chức này.

Tuy rằng, Nhà nước Việt Nam đã trả lại quyền tư hữu đối với hầu hết các loại tài sản, nhưng còn tài sản quan trọng nhất là đất đai thì chưa chịu trả lại quyền tư hữu đó.

Nhà nước hãy trả lại quyền tư hữu chính đáng về đất đai cho Nhân Dân!

Hà Nội, tháng 8/2010

Hà Đình Sơn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn