Từ chuyện Vinashink – Con tàu không bến đến một cơ chế cần khai tử

Nguyễn Trung

image I. Vinashink – Con tàu không bến

Với hơn 85 triệu người Việt Nam, chuyện các công ty quốc doanh hay các tập đoàn Nhà nước làm ăn thua lỗ nợ nần triền miên không là chuyện lạ. Do vậy, chuyện Vinashin chìm ngập trong nợ nần và trở thành Vinashink không phải là chuyện mới mẻ với người dân Việt Nam.

Sau khi con tàu Vinashin trở thành Vinashink thì đương kim Thủ tướng – ông Nguyễn Tấn Dũng – đã có kế hoạch “tái cấu trúc” con tàu Vinashink. Việc “tái cấu trúc” một doanh nghiệp cũng không có gì là lạ. Bởi vì mụch đích của việc “tái cấu trúc” một doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả là để doanh nghiệp hoạt động tốt hơn lúc trước.

Vậy thì, liệu kế hoạch “tái cấu trúc” của ông Thủ tướng vốn từng làm Y tá Nguyễn Tấn Dũng có thể cứu Vinashink thoát khỏi nợ nần để trở thành Vinashin như ông Thủ tướng và bộ sậu dưới quyền hy vọng và mong đợi hay không? Hay tệ hại hơn Vinashink sẽ mãi mãi chìm sâu dưới đáy biển bởi vì bài toán “tái cấu trúc” Vinashink là một phương trình không có nghiệm.

Đến lúc này, kế hoạch “tái cấu trúc” Vinashink chỉ mới bắt đầu. Do đó, câu trả lời cho những câu hỏi trên đây còn đang ở phía trước. Bởi lẽ, việc vực dậy một công ty đang chìm trong nợ nần thua lỗ có thể cần một thời gian từ 2 năm, 5 năm, 10 năm, và cũng có thể là công ty không bao giờ hồi sinh bởi đi không đúng hướng.

Nhưng nếu dựa vào những con số thực từ những người lãnh đạo quan trọng của Vinashink và lãnh đạo Chính phủ thì có thể thấy trước một tương lai mù mịt đầy đen tối đang chờ Vinsahink. Bởi vì, kế hoạch “tái cấu trúc” Vinashink của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không có điều gì khả quan ngoài những bất cập.

Thứ nhất. Việc chuyển nợ 20.000 tỷ đồng – tương đương 1 tỷ USD – cho PVN và Vinalines (1).

Chuyện tách rời các công ty con của Vinashink để nhập vào các tập đoàn nhà nước khác trong kế hoạch “tái cơ cấu” Vinashink là chuyện có thể chấp nhận. Nhưng việc Chính phủ cho phép “chuyển số nợ 1 tỷ USD” cho hai công ty PVN và Vinalines là việc làm không thể chấp nhận.

Việc chuyển 1 tỷ USD nợ cho PVN và Vinalines chỉ có thể chấp nhận với điều kiện là PVN và Vinalines chỉ giúp Vianshink trả món nợ 1 tỷ USD trước mắt. Còn về lâu về dài thì Vinashink vẫn phải có trách nhiệm hoàn trả lại món nợ 1 tỷ USD này. Đơn giản, Vinashink gây ra số nợ này thì Vinashink phải chịu trách nhiệm. Bởi vì, cho dù PVN và Vinalines có khả năng trả khoản nợ 1 tỷ USD này giúp cho Vinashink, nhưng nếu Vinashink không hoàn trả lại món nợ ân tình 1 tỷ USD này thì có nghĩa ngân sách Quốc gia – hay 85 triệu dân Việtnam – đã mất đi 1 tỷ USD. Lại bài ca “bù lỗ” muôn thuở mà hơn 85 triệu đã nhàm tai – nhưng “bù lỗ” 1 tỷ USD thì quả là khó mà chấp nhận.

Thứ hai. Không minh bạch trong con số nợ của Vinashink.

Theo lời ông tân TGĐ Trần Quang Vũ thì “Vinashin đã thành công trong 2 đợt phát hành trái phiếu liên tiếp 750 triệu, rồi 600 triệu USD” (2). Như vậy, số nợ của hai đợt trái phiếu là 1 tỷ 350 triệu USD.

Ngoài số nợ qua hai lần phát hành trái phiếu 1 tỷ 350 triệu USD trên đây, “Số liệu đã biết cho thấy ngoài phần trái phiếu Chính phủ, còn có khoảng 600 triệu USD Tập đoàn này tự vay của nước ngoài, không có bảo lãnh của Chính phủ” (3).

Vậy thì, kể cả số nợ qua hai lần phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo trợ là 1 tỷ 350 triệu USD và 600 triệu USD mà Vinashink tự đi vay thì số nợ của Vinashink là 2 tỷ USD – làm tròn!

Trong khi đó, theo buổi họp báo do ông Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chủ trì chiều ngày 4 tháng 8 thì […Tháng 6/2010, tổng tài sản của Vinashin khoảng 104.000 tỷ đồng nhưng gánh khoản nợ 86.000 tỷ đồng….] (4).

86.000 tỷ đồng tương đương 4 tỷ USD. Câu hỏi được đặt ra ở đây là vì sao tổng số nợ của Vinashink lên đến 4 tỷ USD? Trong khi đó, tổng số nợ cả do Chính phủ bảo lãnh và do Vinashink tự đi vay chỉ có 2 tỷ USD!

Ai đã thò tay ký giấy để vay, để gây thêm món nợ 2 tỷ USD dôi ra kia và mượn vào lúc nào? Nơi nào đã cho Vinashink vay món nợ này? Và đã cho Vinashink vay với điều kiện gì? Tại sao Chính phủ mà người đại diện là ông PTT Nguyễn Sinh Hùng vốn quen ăn to nói lớn thế mà lại không trình bày rõ vì sao có sự chênh lệch 2 tỷ USD này cũng như làm rõ nguyên nhân vì đâu mà phát sinh món nợ đó? Là một Tiến sĩ kinh tế (chắc không phải bằng dỏm?), có quá khó khăn để ông PTT Nguyễn Sinh Hùng không nhận biết sự chênh lệch khủng khiếp đến như vậy hay không?

Thứ ba. Những con số ma – con số tổng giá trị hợp đồng của Vinashin bị khách hàng hủy bỏ vào năm 2008.

Theo lời ông tân Tổng Giám đốc (TGĐ) điều hành của Vinashink Trần Quang Vũ thì […..Khi Vinashin bắt đầu đóng tàu thì thị trường rất tốt, tàu tranh nhau đóng, các đơn đặt hàng rất nhiều. Đỉnh điểm có lúc chúng tôi ký được trên 5 tỷ USD đơn hàng, thậm chí 10 tỷ USD.….] (đã dẫn 2).

Còn theo buổi họp báo do ông Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chủ trì chiều ngày 4 tháng 8 thì […..Năm 2008 do khủng hoảng tài chính toàn cầu, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, Vinashin chịu tác động mạnh với số lượng hợp đồng bị hủy trị giá tới 8 tỷ USD. Riêng năm 2010, con số này là 700 triệu USD…] (đã dẫn 4).

Trong khi đó, theo lời của ông Phạm Thanh Bình trả lời báo chí trước khi bị bắt thì [….Khi trong tay tôi đã có cả mớ hợp đồng đóng tàu trị giá tới 17 tỷ USD mà tôi không đầu tư thì làm sao đáp ứng được nhu cầu của khách hàng….] (5).

Một ông tân TGĐ, một ông PTT, và một ông cựu TGĐ không có sự thống nhất trong con số giá trị của hợp đồng bị hủy của Vinashink. Tại sao con số ông tân TGĐ Trần Quang Vũ đưa ra là “trên 5 tỷ USD, thậm chí 10 tỷ USD”? Trong kinh doanh, không có từ “thậm chí” bao giờ! Chỉ có thể “Chúng tôi đã ký được 5 tỷ” hoặc là “Chúng tôi đã ký được 10 tỷ” chứ không có “thậm chí”!

Và con số giá trị hợp đồng 8 tỷ USD trong buổi họp báo chiều ngày 4 tháng 8 ở đâu chui ra? Tiếp đến là con số 17 tỷ USD như lời ông cựu Phạm Thanh Bình trả lời báo chí?

Dù hợp đồng đã bị hủy, nhưng thiết tưởng việc soát lại giá trị các hợp đồng không phải là khó. Việc làm một phép tính cộng đơn giản để biết được tổng giá trị các hợp đồng cũng không phải là quá khó khăn. Tại sao lãnh đạo của Vinashink và lãnh đạo của Chính phủ không biết được, không thể đưa ra con số thực của những hợp đồng bị hủy là bao nhiêu? Để rồi mỗi người đưa ra một con số khác nhau như vậy?

Có ba cách hiểu khi nhìn vào những con số 5 tỷ USD (thậm chí 10 tỷ USD), 8 tỷ USD17 tỷ USD mà các ông tân cựu TGĐ và ông PTT đưa ra như sau.

- Một là. Các ông này không không biết làm phép tính cộng đơn giản. Phép tính cộng mà những ai học hết lớp 5 là có thể làm được.

- Hai là. Các ông này là những người vô trách nhiệm. Cả hai ông tân cựu TGĐ và ông PTT Nguyễn Sinh Hùng là những người không có trách nhiệm với Vinashink và với Nhân Dân.

- Ba là. Các ông là những người nói láo để lừa Nhân Dân và những con số này đều không đáng tin cậy.

Dù là cách hiểu nào đi chăng nữa thì thật là đáng buồn khi mà những người có trách nhiệm quản lý một doanh nghiệp được mệnh danh là con tàu cứu cánh của nền công nghiệp đóng tàu lại thiếu trách nhiệm, quan liêu, và kém cỏi trong tính toán đến ngô nghê như vậy.

Thứ tư. Sự cố tình đánh lận con đen, sự lập lờ về con số giá trị hợp đồng bị hủy trong năm 2008.

Giá trị hợp đồng đóng tàu bị khách hàng hủy bỏ là 8 tỷ USD – tạm dùng con số của ông PTT Nguyễn Sinh Hùng. Theo lời ông tân TGĐ Trần Quang Vũ thì “Mỗi tàu 100.000 tấn là 100 triệu USD, tàu 350.000 tấn là hơn 200 triệu USD” (đã dẫn 2). Và cũng cứ tạm cho rằng giá trị tàu 350.000T là 250 triệu USD.

Xin tạm đặt giả thuyết là 8 tỉ USD này là hợp đồng để đóng hai loại tàu 100.000T và 350.000T và chia đồng 4 tỷ USD cho mỗi loại tàu. Vậy thì, với hợp đồng 4 tỷ USD, Vinashink đóng được 40 con tàu loại 100.000T. Còn với loại tàu 350.000T thì với giá trị hợp đồng 4 tỷ USD, Vinashink đóng được 16 tàu.

Như vậy, nếu giá trị hợp đồng 8 tỷ USD của năm 2008 không bị khách hàng hủy bỏ thì Vinashink phải đóng được 40 tàu 100.000T và 16 tàu 350.000T! Tổng cộng là 56 tàu để giao cho khách hàng. Một con số kỷ lục đáng nể và đáng mừng – nhưng là điều không tưởng đối với Vinashink – vì Vinashink không có khả năng làm chuyện này!

Qua đó, chỉ có thể hiểu rằng giá trị hợp đồng 8 tỷ USD là giá trị của hợp đồng đóng tàu kéo dài nhiều năm. Có thể có những hợp đồng mà phải đến năm 2013-2015 hoặc hơn, Vinashink mới giao tàu cho khách hàng. Năm 2008, khủng hoảng toàn cầu ảnh hưởng đến kinh tế là điều không thể chối cãi. Nhưng chưa chắc khách hàng sẽ hủy bỏ hết hợp đồng – nhất là những hợp đồng đến những năm 2013-2015, hoặc hơn mới giao tàu. Bởi lẽ, chưa chắc những hợp đồng này đã bị ảnh hưởng trực tiếp từ cơn khủng hoảng của năm 2008!

Theo lời ông tân TGĐ Trần Quang Vũ “Chúng tôi sẽ dùng tiền thu về từ việc sang nhượng công ty để tập trung các dự án dở dang. Có những tàu khoảng 1 tỷ USD chúng tôi chỉ còn thiếu 300-400 triệu USD là có thể hoàn thành” (đã dẫn 2). Điều này chỉ rõ khả năng Vinashink chỉ có thể hoàn thành số hợp đồng có giá trị từ 1–2 tỷ USD trong một năm! Và điều này khẳng định con số giá trị hợp đồng 8 tỷ USD là một giá trị hợp đồng kéo dài trong nhiều năm là đúng – không thể chối cãi.

Và cho dù khách hàng có hủy bỏ những hợp đồng yêu cầu giao tàu từ năm 2013-2015 thì Vinashink vẫn không bị ảnh hưởng trực tiếp hay bị thiệt hại trực tiếp trong khoảng thời gian 2008-2010. Và cho dù Vinashink có bị ảnh hưởng thì cũng không thể nào bị ảnh hưởng nặng nề để dẫn đến ngập chìm trong nợ nần đến như vậy. Bởi lẽ, Vinashink chưa tốn đồng xu cắc bạc nào để đầu tư cho những con tàu này. Không một công ty nào lại ngu ngốc đi đóng tàu những 5-7 năm trước ngày giao tàu cho khách trong hợp đồng. Nhất là những con tàu chỉ cần thời hạn 1-2 năm là có thể hoàn thành.

Còn nếu Vinashink bị thiệt hại trực tiếp vì Vinashink đã đầu tư các nhà máy đóng tàu sau khi có hợp đồng 8 tỷ USD – hay theo như lời ông cựu Phạm Thanh Bình [….Khi trong tay tôi đã có cả mớ hợp đồng đóng tàu trị giá tới 17 tỷ USD mà tôi không đầu tư thì làm sao đáp ứng được nhu cầu của khách hàng….] thì những khách hàng của Vinashink là những khách hàng ngu ngốc – những khách hàng thuộc loại trong đầu chứa đầy đất sét.

Bởi lẽ, không khách hàng nào lại đi ký hợp đồng đóng tàu có giá trị cả 8 tỷ USD khi mà đối tác chưa có cơ sở sản xuất, chưa có nhà máy để đóng hoàn thiện các con tàu mà khách hàng muốn mua. Xin thưa, các công ty vận tải đường biển nước ngoài thường là các công ty tư nhân. Chủ cả của các công ty này thường là triệu phú hay tỷ phú sau nhiều năm gây dựng sự nghiệp trong thương trường. Với họ, thương trường là chiến trường chứ không phải nơi trà dư tửu hậu để làm nơi giải sầu tiêu khiển với những hợp đồng nửa vời.

Những người chủ, lãnh đạo các công ty vận tải đường biển này là những người khôn nẻ vỏ chứ không phải dân ngu si mà có thể bị lừa bởi cái cung cách làm ăn theo lối tiểu thương “mượn đầu heo nấu cháo”. Cung cách làm ăn ma mãnh này của dân lường gạt, phường ma mãnh chỉ có thể dùng với những người nhẹ dạ cả tin ngu ngốc mà thôi. Cò đối với những tay trùm này thì đừng có nằm mơ!

Còn nếu Vinashink có thể thuyết phục khách hàng đặt mua số lượng tàu có giá trị đến 8 tỷ USD mà Vinashink chưa có cơ sở sản xuất, nhà máy để hoàn thành số hợp đồng này thì đây là một điều kỳ tài của ông Phạm Thanh Bình và bộ sậu dưới trướng.

Nhưng đây là một điều đáng buồn hơn đáng vui. Bởi vì, Vinashink đã đi lường gạt khách hàng. Do đó, một khi khách hàng biết được sự gian dối này của Vinashink thì tất cả “thượng đế” đã bỏ Vinashink ra đi không một lời từ giã là điều dễ hiểu. Trong môi trường kinh doanh lành mạnh, nhất là vào cái thời Việt Nam đã gia nhập WTO, thì những kiểu làm ăn với đầu óc tiểu thương, quen thói lường gạt chỉ có hại cho Việt Nam hơn là có lợi.

Trong buổi họp báo chiều ngày 4 tháng 8 thì vào năm nay (2010) giá trị hợp đồng bị khách hàng hủy bỏ “là 700 triệu USD” (xem chú thích 4)! Điều này khẳng định Chính phủ cho rằng số hợp đồng giá trị 8 tỷ USD bị khách hàng hủy bỏ là giá trị hợp đồng mà Vinashink phải giao tàu cho khách hàng trong năm 2008. Như vậy, Chính phủ mà người đại diện là ông PTT Nguyễn Sinh Hùng đã cố tình đưa ra con số hợp đồng bị hủy giá trị 8 tỷ USD hòng đánh lừa dư luận.

Theo phân tích ở trên – để đóng được 40 con tàu loại 100.000T và 16 con tàu loại 350.000T trong một năm – là điều “không tưởng” với Vinashink. Cùng với những dự án dở dang của Vinashink qua lời ông tân TGĐ Trần Quang Vũ, có thể kết luận rằng con số 8 tỷ USD mà ông PTT Nguyễn Sinh Hùng rao to lên là một con số của sự dối trá, lừa gạt đầy trơ trẽn chỉ có thể đánh lừa được những người kém trí hay bọn trẻ lên ba mà thôi.

Đằng sau âm mưu của cú lừa này là gì? Động cơ nào đã khiến ông PPT Nguyễn Sinh Hùng đích thân đi đánh cú lừa với hơn 85 triệu người Việt Nam như vậy? Và có phải ông PTT cùng cấp trên của ông ta đã nghĩ rằng hơn 85 triệu người dân Việt Nam là một bầy cừu. Do đó, ông PTT Nguyễn Sinh Hùng và cấp trên của mình muốn đưa con số nào thì đưa, muốn nói sao thì nói hay không?

Thứ năm. Sự lập lờ trong khái niệm nợ.

Theo lời ông tân TGĐ trả lời vitinfo ngày 10 tháng 7 thì […Tất nhiên, món nợ ngoài ý nghĩa là nợ thì nó còn hình thành nên tài sản của chúng tôi, chứ không phải hoàn toàn là 60 nghìn tỷ đồng. Phần hình thành các nhà máy, các cơ sở sản xuất của chúng tôi cũng chiếm khoảng 40 nghìn tỷ đồng trong đó, còn lại chỉ có 20 nghìn tỷ đồng là vốn lưu động. Cho nên, khi thị trường kích hoạt trở lại thì chúng tôi hoàn toàn có khả năng trả nợ được…] (6).

Một lối kiến giải hết sức ấu trĩ. Dù 40.000 tỷ đồng nợ này hiện là tài sản như cơ sở sản xuất, nhà máy đóng tàu của Vinashink. Nhưng số tài sản này không phải từ trên trời rơi xuống hay từ dưới đất mọc lên. Số tài sản này có từ tiền Vinashink đi vay mượn mà có. Do đó, một khi Vinashink chưa có khả năng trả hết nợ gốc – trả hết số tiền vay mượn để đầu tư máy móc, xây dựng những cơ sở, những tài sản này thì Vinashink vẫn phải trả tiền lời hàng tháng cũng như vẫn phải trả khoản nợ mà Vinashink đã vay! Vì vậy, 40.000 tỷ đồng này vẫn là một gánh nặng của Vinashink – Vinashink không thể thoát được nó – trừ phi Vinashink hoàn trả hết cho chủ nợ.

Là tân TGĐ của Vinashink, tại sao ông Trần Quang Vũ lại có cách kiến giải ấu trĩ như vậy? Có phải ông tân TGĐ Trần Quang Vũ muốn dùng chiêu “lập lờ” hòng đánh lừa dư luận hay không? Thiết tưởng, ông tân TGĐ Trần Quang Vũ nên có cái nhìn đúng với thực trạng của Vinashink lúc này. Bởi lẽ, con tàu Vinashink chìm ngập trong nợ nần hôm nay là hệ quả của sự gian dối của ông cựu TGĐ Phạm Thanh Bình.

Thứ sáu. Sự lạc quan tếu về khả năng phục hồi của Vinashink.

Một là. Theo lời ông Nguyễn Xuân Phúc trong buổi họp báo chiều ngày 4 tháng 8 thì “Sau khi tính toán sơ bộ, Hội đồng quản trị Vinashin dự báo các năm 2010-2012 sẽ còn lỗ nhưng năm 2013, 2014 sẽ bắt đầu có lãi và sau 2015 phát triển ổn định" (đã dẫn 4). Điều này cho thấy sự hời hợt của Chính phủ cũng như lãnh đạo chủ chốt của Vinashink. Một công ty đang ngập chìm trong nợ nần như Vinashink để rồi Chính phủ phải “chẻ làm ba” thì kế hoạch vực dậy, sự tính toán không thể nào bằng mấy chữ “sơ bộ” bao giờ!

Hai là. Theo lời ông tân TGĐ Trần Quang Vũ thì […Ví dụ như các nhà máy lớn của chúng tôi hoàn toàn có thể làm được 15-20 tàu cỡ 53 nghìn tấn mỗi năm. Mà chúng ta biết là tổ chức sản xuất tốt thì một con tàu chúng tôi lãi từ 3-5 triệu USD, sản xuất không ra gì thì mới lỗ. Và với sản lượng khi phục hồi trở lại, chúng tôi hoàn toàn có khả năng tạo ta lợi nhuận để trả món nợ này…] (đã dẫn 6).

Hạ thủy một con tàu 53.000T để giao cho khách hàng với giá 50 triệu USD, Vinashink lời từ 3-5 triệu USD. Có nghĩa tiền lời dao động từ 6%-10% với điều kiện Vinashink giao tàu đúng hoặc trước thời hạn. Còn nếu giao tàu sau thời hạn thì lỗ.

Hiện nay, Vinashink nợ 1 tỷ USD vốn lưu động và 2 tỷ USD vốn đầu tư vào các nhà máy, cơ sở đóng tàu. Tạm cho rằng những lời ông tân TGĐ Trần Quang Vũ là đúng thì Vinashink có thể thu hồi số vốn 1 tỷ USD sau khi đầu tư thêm 300-400 triệu USD cho những dự án dở dang này (đã dẫn 2). Nhưng ít nhất phải đến cuối năm 2011 thì Vinashink mới có thể giải quyết sạch sẽ số dự án này để thu hồi 1 tỷ USD.

Như vậy, trong hai năm 2010-2011, Vinashink phải trả tiền lời cho 3 tỷ USD nợ. Nếu phân lời 2.5% thì một năm Vinashink phải trả 75 triệu USD. Còn nếu phân lời là 5% thì Vinashink phải trả 150 triệu USD. Và số tiền này chỉ là tiền lời – chưa phải tiền gốc.

Trong khi đó, khi bán một con tàu 53.000T với giá 50 triệu USD, Vinashink chỉ thu lời từ 3-5 triệu USD. Vậy thì, với phân lời 2.5% trên tổng số nợ, Vinashink phải xuất xưởng 15 con tàu 53.000T một năm. Còn nếu phân lời vốn vay là 5% thì Vinashink phải bán được 30 con tàu 53.000T một năm. Số tiền lời bán được từ những con tàu này chỉ đủ để trả tiền lãi phát sinh mà thôi chứ chưa đụng chạm tới tiền gốc 3 tỷ USD Vinashink đang nợ! Vậy thì, bao giờ Vinashink sẽ có khả năng hoàn trả hết số nợ 2-3 tỷ USD mà Vinashink đã vay???

Qua những điều bất cập trên đây, có thể khẳng định rằng kế hoạch “tái cấu trúc” Vinashink của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ là kế hoạch nửa vời của những người hoang tưởng. Hoặc giả là của những người “Thầy bói (mù) xem voi” mà thôi.

II. Một cơ chế cần khai tử

Ngoài việc nợ nần như chúa chổm của Vinashink khiến dư luận quan ngại, có những vấn đề khác khiến người dân lo ngại không kém. Đó là chuyện các doanh nghiệp Nhà nước tự đi vay vốn mà không có sự bảo trợ của Chính phủ. Và tất nhiên là vay nợ mà Chính phủ không biết thì việc dùng số tiền làm gì Chính phủ cũng không hay là điều đương nhiên.

Tính đến nay thì có hai doanh nghiệp đã “lộ mặt” chuyện này. Đó là TKV dưới thời ông cựu Kiển –và nay là Vinashink. Việt Nam hiện có bao nhiêu doanh nghiệp Nhà nước đã, đang, và sẽ đi mượn nợ kiểu này – và số nợ đã vay là bao nhiêu? Có lẽ, 85 triệu người dân Việt Nam rất muốn biết con số thực của vấn đề này. Nhưng có lẽ, người dân Việt Nam phải mua thuốc trợ tim uống trước. Đơn giản, 85 triệu dân Việt Nam hôm nay, cùng con cháu họ sẽ cật lực làm để trả nợ cho Chính phủ được gây ra bởi các tập đoàn con cưng của Chính phủ. Những tập đoàn kinh tế mà hiệu quả kinh tế thì kém cỏi nhưng theo lời các vị Bộ trưởng thì “hiệu quả chính trị, hiệu quả xã hội vẫn tốt”!

Những vấn nạn mà theo lời của ông PTT Nguyễn Sinh Hùng là “Tôi nhấn mạnh một lần nữa việc kiểm soát trước còn nhiều yếu kém . Yếu kém này là do cơ chế” (đã dẫn 3).

Xin được liệt kê ra xem có bao nhiêu vấn đề đã khiến cho Đất nước đi thụt lùi:

Tham nhũng: cơ chế

Chạy chức: cơ chế

Bằng giả: cơ chế

Công an đánh chết người: cơ chế

Xử lý môi trường yếu kém: cơ chế

Chất lượng và hiệu quả công trình kém: cơ chế

Chính phủ không quản lý được các tỉnh trong việc thuê đất rừng đầu nguồn: cơ chế.

Quan chức kiêm một lúc nhiều nhiệm vụ (như Chủ tịch tỉnh & Đại biểu QH) nên làm việc chả ra đâu vào đâu mà theo như lời ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ tịch QH là “Cõng em thì khỏi xay lúa”: cơ chế

Người có thực tài không được nhận vào những chức vụ quan trọng của Chính phủ: cơ chế

Cơ man nào là cơ chế và cơ chế nào cũng hung hiểm như bệnh nan y khiến cho Việt Nam không thành rồng thành hổ. Vậy thì, đã đến lúc khai tử cái cơ chế này – đó là cách duy nhất để Việt Nam thành Rồng nơi biển lớn– còn không thì Việt Nam mãi là Rồng nơi lỗ chân trâu mà thôi!

NT

(1) http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/07/3BA1DA1B/

(2) http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/07/3BA1DD24/

(3) http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/08/3BA1ED79/

(4) http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/08/3BA1ED5F/

(5) http://phapluattp.vn/2010080909571314p0c1015/cuu-chu-tich-vinashin-pham-thanh-binh-do-bung-ra-khong-dung-luc.htm

(6) http://vitinfo.com.vn/MMuctin/Xahoi/kinhtexahoi/LA78992/default.html

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn