Lỡ tàu

Đoàn Khắc Xuyên

clip_image001(TBKTSG) - “Bây giờ chúng ta mong muốn anh (Ngô Bảo) Châu về nước làm việc. Tại sao những người như anh ấy phải quay về Việt Nam? Điều ấy được nói ra đã muộn mất 20 năm rồi. Nay Việt Nam không còn cơ hội dùng những người như vậy với tư cách các nhà khoa học nữa. Việt Nam đã lỡ con tàu đó rồi… Việt Nam đã mất ba thế hệ khoa học rồi”.

Đó là những câu nói đượm buồn và đầy vẻ tiếc nuối cho chính đất nước chúng ta của Giáo sư Pierre Darriulat, một nhà vật lý hàng đầu quốc tế, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Pháp, người đã thành lập phòng thí nghiệm vật lý tia vũ trụ đầu tiên của Việt Nam đặt tại Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân, đào tạo các nhà nghiên cứu trẻ về vật lý tia vũ trụ, người - như chính ông tự nói về mình - “đã sống ở Việt Nam hơn mười năm và đang cống hiến phần còn lại của cuộc đời tôi cho Việt Nam” (trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần ra ngày 12-9-2010).

Bernard Tan, giáo sư - tiến sĩ, Trưởng khoa Công nghệ thông tin Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Chủ tịch Hội Quản trị hệ thống thông tin quốc tế, giảng dạy tại nhiều đại học danh tiếng thế giới, và là biên tập viên một số tạp chí có uy tín về khoa học thông tin và khoa học quản lý, khẳng định: “Hễ người giỏi là chúng tôi (NUS) tiếp nhận, mời gọi”.

Ông cho hay: “Singapore không có tài nguyên, nên chính sách nhân lực là quan trọng nhất, là nguồn tài nguyên quý nhất. Ngay từ khi đất nước mới độc lập (1965), ưu tiên số một của chính phủ là làm cho mỗi người dân trở thành những công dân có khả năng cao hơn, giỏi hơn...

Với một nước nhỏ, dân số ít, phải kiên trì với chính sách này trong nhiều năm, Singapore mới có đủ nhân tài để phát triển như hôm nay… Mới đây, nhân Quốc khánh Singapore, chính phủ đã ban hành quyết định Phủ thủ tướng sẽ là cơ quan điều phối hai vấn đề: quản trị dân số và quản trị tài năng” (trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Tiếp Thị ra ngày 10-9-2010).

Tất cả những thông tin, ý kiến này thật ra không hoàn toàn mới. Nhiều người Việt Nam, nhà khoa học Việt Nam, cả các nhà lãnh đạo cũng biết và từng nói. Nhưng năm này qua năm khác, hết kế hoạch này đến kế hoạch khác, thế hệ này qua thế hệ khác, đất nước vẫn chưa thoát ra khỏi mớ bòng bong cải cách giáo dục, vẫn chưa có được một chiến lược đào tạo và sử dụng tài năng, hay nói như ông Bernard Tan, “quản trị tài năng”.

Chúng ta nói rất hay khi mượn lại một câu của tiền nhân: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” và nói xong rồi thì chẳng có một kế hoạch thực hiện nào có hiệu quả cả. Nóng lòng thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trước ta, có người hô “phải đi tắt, đón đầu” mà không vạch ra con đường để đi tắt. Đi tắt, đón đầu mà không có tri thức thì rất dễ sụp hố. Như – chỉ để lấy ví dụ mới nhất – Vinashin muốn nhanh chóng phình to, trở thành tập đoàn đóng tàu có tên tuổi trong khi quản trị công ty kém cỏi, đã lâm cảnh phá sản và trở thành gánh nặng cho quốc gia, phải được Nhà nước giải cứu bằng tiền ngân sách.

Cho nên, từ muốn (ý chí chủ quan) đến biết (tri thức đúng, cần thiết) và hành động (có kế hoạch cụ thể, chặt chẽ chứ không phải là hô khẩu hiệu) để phát triển đất nước là những chặng đường không thể tùy tiện bỏ qua, làm liều, đặc biệt là khâu biết. Mà muốn biết thì phải học, phải mời người giỏi dạy cho và phải trọng dụng người giỏi.

Chân lý thật đơn giản như ông bà ta nói “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Vậy mà trong thực tế, trong các nấc thang của bộ máy quản trị quốc gia, không phải bao giờ người ta cũng hành động như vậy. Nạn chạy chức chạy quyền, tay chân bè phái, đố kỵ và trù dập người tài, người cương trực là một bí mật mà ai cũng biết. Trong môi trường đó, liệu người tài và cương trực có thể tồn tại mà không đánh mất mình? Và ở phạm vi quốc gia, ai “quản trị các tài năng”?

“Việt Nam đã lỡ con tàu đó rồi”, lời nhận xét của GS. Darriulat nghe sao mà nhức nhối. Điều gì đã khiến chúng ta lỡ con tàu phát triển khoa học, tri thức và sử dụng nhân tài để thu hẹp khoảng cách tụt hậu với các nước dù đất nước đã có 35 năm hòa bình, nguồn lực tăng gấp đôi (từ hai miền chia cắt thành một đất nước thống nhất)? Đó là câu hỏi cần trả lời khi đất nước lại sắp sửa bước vào một chặng đường mới với bao kỳ vọng xen lẫn âu lo: làm thế nào để 20 năm sau chúng ta không còn phải nghe lại câu nói “các bạn đã lỡ con tàu đó rồi”.

Đ. K. X.

Nguồn: Thesaigontimes

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn