Thất vọng với lãnh đạo ngành điện

Lê Văn Cuông
(phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa)
Lê Kiên ghi

clip_image001

 

Ngân hàng Nam Việt chi nhánh Tiền Giang chạy máy phát điện để duy trì hoạt động - Ảnh: VÂN TRƯỜNG

 
TT - Tôi đọc rất kỹ nội dung ông Đào Văn Hưng - chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực VN - trả lời trên báo chí về những nguyên nhân thiếu điện.

Tôi cố gắng tìm xem có nguyên nhân và giải pháp nào mới để giải được bài toán thiếu điện trầm kha nhiều năm nay không, nhưng tôi rất thất vọng vì tất cả sự biện bạch ấy đều rất cũ và dường như ông ấy không đưa ra được giải pháp nào mới để khắc phục.

Có nghĩa là, theo sự trả lời của ông Hưng, điện còn thiếu, sẽ thiếu và chưa biết đến bao giờ đáp ứng đủ được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ dân sinh.

Trước khi cùng với nhiều vị đại biểu Quốc hội chất vấn về việc thiếu điện triền miên, tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh khốn khổ của nhiều doanh nghiệp, nhiều người dân giữa mùa hè nóng nực. Doanh nghiệp thì phải đầu tư mua máy phát điện chạy dầu, phải ngưng nghỉ sản xuất khi bị cắt điện luân phiên dẫn đến việc hợp đồng bị hủy, thu nhập của công nhân giảm sút, người dân bỏ ra 3-4 triệu đồng mua bình ăcquy và bộ kích điện để chạy quạt và bóng đèn...

Những thiệt hại vật chất cho nền kinh tế và đời sống người dân do cúp điện đến nay chưa ai thống kê, nhưng chắc chắn con số không hề nhỏ. Ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho doanh nghiệp và người dân? Tập đoàn Điện lực VN là doanh nghiệp nhà nước nhiều năm nay độc quyền sản xuất, phân phối điện, được coi như con cưng trong nền kinh tế và nhận nhiều ưu ái. Khi có thành tích thì họ vơ vào mình, đòi chia thưởng cao, nhưng khi thiếu điện thì không thấy vị lãnh đạo nào trong tập đoàn đứng ra nhận trách nhiệm. Thử hỏi vai trò đầu tàu của một doanh nghiệp nhà nước lớn ở đâu?

Trong các văn kiện của Đảng, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội và Chính phủ, chúng ta đều đặt quyết tâm cao là đến năm 2020 có thể hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảm bảo nguồn cung năng lượng có vai trò cực kỳ to lớn đối với việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Vậy mà bây giờ thiếu điện triền miên, các quan chức Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công thương và lãnh đạo Tập đoàn Điện lực VN cứ hứa tới hứa lui là đến năm này, năm kia sẽ đảm bảo nhu cầu về điện.

Nhưng từ năm 2005 đến nay, năm nào cũng thiếu và năm nào những vị có trách nhiệm cũng giở “bài ca” cũ rằng thiếu nước, giá điện thấp, than sắp phải nhập khẩu, phát triển ngành thép nóng quá... ra để biện minh. Thiếu điện nhiều năm liên tục và sắp tới lại thiếu nữa, tôi xin hỏi Chính phủ là đến năm 2020 có đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa không? Để xảy ra tình trạng như trên, ai là người phải chịu trách nhiệm chính?

Có thể nói những người quan tâm đến ngành điện nghe nội dung trả lời của ông Hưng đều thấy rất là mệt. Mệt vì tương lai một vài năm tới rất bi quan: điện thiếu, nguồn thủy năng có thể đầu tư nhà máy thủy điện đã cạn kiệt, than thì đến năm 2015 phải nhập khẩu trong tình trạng bấp bênh nên đầu tư nhiệt điện thì sợ lắm... Nguyên nhân thì nhiều, bi quan thì lớn nhưng giải pháp thì không thấy đề cập nhiều và không nhìn thấy tương lai xán lạn. Đến nay, Bộ Công thương với vai trò là cơ quan quản lý ngành, cơ quan tham mưu hoạch định kế hoạch, chính sách phát triển năng lượng cũng không thấy có tuyên bố nào để giải tỏa những lo lắng trên.

Tôi muốn hỏi rằng Đảng, Nhà nước lựa chọn các vị ấy đứng đầu ngành, đứng đầu tập đoàn để chăm lo phát triển năng lượng, đáp ứng nhu cầu năng lượng để nền kinh tế phát triển, để mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa sớm được hoàn thành, nhưng đến nay tình trạng xảy ra như thế, các nguyên nhân quá cũ và tồn tại trong thời gian dài, vậy thì năng lực, trách nhiệm của các vị ấy đến đâu? Nếu không giải quyết được vấn đề đặt ra thì tôi nghĩ các vị chịu trách nhiệm chính trong quản lý ngành điện, các vị lãnh đạo Tập đoàn Điện lực VN nên xin từ chức.

Tôi cũng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, báo cáo trước Quốc hội, để nếu còn gì vướng mắc thì Quốc hội, Chính phủ tập trung đưa ra những quyết sách, biện pháp mạnh mẽ, sớm khắc phục tình trạng thiếu điện, đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng của nền kinh tế. Cá nhân tôi cho rằng giải quyết bài toán thiếu điện khó nhưng không phải là không làm được. Tiền ư? Vinashin nợ mấy chục ngàn tỉ Chính phủ vẫn ra tay “cứu” được cơ mà, tìm nguồn vài ba chục ngàn tỉ đầu tư cho điện năng đâu phải là quá khó.

L. V. C.

Nguồn: Tuoitre

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn