Cần một thứ hơn tiền và lòng nhân ái... tồi tệ

Trực Ngôn

clip_image008  

Từ thiện bằng những thứ không bán được, không ăn được nữa cho người nghèo

 

Thành Tuyên 500 năm tuổi nay bị biến thành lò gạch, lòng hảo tâm nay bị lợi dụng để tiêu thụ hàng quá đát... Những cái tát vào văn hóa là trăn trở của Trực Ngôn trong Phát ngôn & Hành động tuần này.

Người chống tham nhũng cần một thứ hơn tiền

Báo chí đưa tin: Văn phòng Chính phủ thông báo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Thanh tra Chính phủ soạn thảo, ban hành thông tư liên tịch quy định về khen thưởng người có thành tích xuất sắc trong phòng chống tham nhũng và người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng.

Rồi sau đó nhấn mạnh: cá nhân xuất sắc trong việc tố cáo, phát hiện tham nhũng sẽ được khen thưởng. Mức dự kiến từ 10 đến 30 lần lương tối thiểu chung. Đây là một tin vui đối với những người chống tham nhũng, không phải vì họ có thể được một khoản tiền. Tuy rằng khoản tiền này nếu gấp 10 lần hay 20 lần cũng chỉ là mấy chục triệu thôi, nhưng họ vui vì họ biết phía sau những việc làm nhiều nguy hiểm của họ có Chính phủ.

Thế nhưng, họ vẫn đợi chờ một thứ khác cho cuộc chiến đấu chống tham nhũng của cá nhân họ hoặc của một tập thể cá nhân. Nhìn vào thực tế chúng ta thấy, những người nông dân hay những người không làm việc trong các cơ quan Nhà nước rất ít có khả năng chống tham nhũng, vì họ không có cơ hội tiếp xúc "hang ổ" của những "con bạch tuộc tham nhũng". Nếu những người nông dân chống tham nhũng thì cùng lắm là chống sự tham nhũng của ông Bí thư Đảng ủy xã hoặc ông Chủ tịch xã... Mà mấy ông này có tham nhũng thì cũng chỉ là "con chuột tha miếng tóp mỡ", còn những "ông hổ" ăn cả hàng triệu con lợn, hàng vạn con trâu, hàng trăm nghìn mét đất, hàng triệu đôla... thì những chiến sỹ chống tham nhũng nông dân không bao giờ có khả năng biết và chống được.

Ai chống được những "ông hổ tham nhũng"? Đó tất nhiên phải là những người làm việc cùng các "ông hổ tham nhũng". Nhưng người đó là các cán bộ Nhà nước, thậm chí là những người có vị trí trong các cơ quan Nhà nước. Nhưng những người này rất sợ sự "phản đòn" của các "ông hổ tham nhũng". Khi đã bị "phản đòn" thì coi như "xong" sự nghiệp. Còn những người nông dân hoặc dân thường thì có bị "phản đòn" cũng vẫn là nông dân, vẫn là dân thường.

Chính vậy, thưởng gấp 10 lần, 30 lần hay 100 lần lương tối thiểu cũng chưa đủ làm nên sự quả cảm cho những người chống tham nhũng. Thứ mà những người chống tham nhũng thực sự cần không phải là tiền thưởng mà là một niềm tin chắc chắn rằng: họ thực sự được bảo vệ bằng những hành động cụ thể của những người lãnh đạo trong chính cơ quan của họ ở các cấp. Liệu một ông (bà) Phó thủ trưởng cơ quan có sát cánh cùng họ để chống lại sự tham nhũng của ông (bà) Thủ trưởng cơ quan đó không?

Tôi đã mang câu hỏi này tới nhiều người là cán bộ trong cơ quan Nhà nước và hầu hết nhận được câu trả lời bằng sự lắc đầu lè lưỡi. Vậy Chính phủ sẽ có phương sách gì để giúp những người chống tham nhũng có thêm lòng quả cảm trong cuộc đấu tranh cho sự công bằng và phát triển của đất nước?

Liệu chúng ta có dám thí điểm tiến hành đấu tranh chống tham nhũng một cách công minh ở một số cơ quan Nhà nước với sự giám sát công tâm của các chuyên gia Chính phủ và với chính sách bảo vệ những người chống tham nhũng một cách cụ thể có hiệu lực.

clip_image001

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và ông Phùng Chí Công, Chánh văn phòng HĐND và UBND quận Ô Môn (Cần Thơ) - một trong 88 tấm gương nhiệt tình chống tham nhũng được tuyên dương hôm 7/9, Ảnh: VNN

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Chính phủ là một đại sự, là một con đường hợp lòng dân, vì sự trong sạch và vì sự phát triển của đất nước, nhưng chỉ với những văn bản, chỉ thị không thôi thì chưa thật sự trực tiếp bảo vệ được những người chống tham nhũng.

Những người chống tham nhũng cần sự trợ giúp bởi bàn tay cụ thể của Chính phủ ở các cấp, các nơi.

Và trên hết, họ cần một môi trường minh bạch, công khai thông tin, không còn những vùng cấm, vùng nhạy cảm... làm tiền đề để họ có điều kiện chống tham nhũng quyết liệt và hiệu quả.

Chỉ khi làm được điều nói trên thì công cuộc chống tham nhũng mới có ý nghĩa xã hội của nó và mới đóng góp cho sự trong sạch và phát triển của đất nước.

Cái chết của thành Tuyên và những người quản lý lò gạch

Tôi quả thật sững sờ và không sao hiểu được khi đọc bài báo viết về di tích lịch sử thành nhà Mạc mà ta thường quen gọi là thành Tuyên với gần 500 tuổi đã trở thành những lò gạch ở Tuyên Quang. Nếu chỉ nghe nói thì tôi chẳng bao giờ tin. Và nếu chỉ đọc bài không mà không có ảnh thì tôi cũng vẫn không tin. Nhưng bài viết có cả ảnh thành Tuyên xưa và lò gạch nay đã làm lòng tôi chết điếng.

Bỗng thấy mặt mày sây sẩm. Biết là bị một cái tát. Nhưng nhìn ra không thấy ai. Nghĩ mãi mới nhận ra những cái lò gạch kia tát mình.

Xin thưa, danh từ lò gạch không phải tôi nghĩ ra mà do một số văn nghệ sỹ thành Tuyên đau đớn kêu lên. Nhìn bức ảnh về những cổng thành Tuyên được xây thế vào những cổng thành xưa quả đúng là những cái lò gạch. Than ôi, vì đâu ra sự thể này?

Sự biến mất của những cổng thành Tuyên rêu phong cổ kính là một cái chết của văn hóa. Nếu bạn là người có trí tưởng tượng, bạn sẽ thấy thi thoảng một di tích lịch sử hay di tích văn hóa trên đất nước chúng ta từ từ gục xuống bởi những viên đạn phi văn hóa bắn tỉa.

Nhưng mãi mãi cho đến khi giã từ cõi đời này, tôi cũng không sao hiểu nổi vì sao những người quản lý văn hóa của Tuyên Quang, cao hơn nữa là lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và những cơ quan liên quan khác lại giết chết những di tích lịch sử vô giá kia và hung hăng đặt vào đó những cái lò gạch mới thê thảm nhưng tốn hàng tỷ đồng của Nhà nước. Và ngay cả những lò gạch mới xây ở Tuyên Quang cũng không có thẩm mỹ bằng những lò gạch thực sự mà chúng ta vẫn nhìn thấy ở một số làng quê.

Nếu vô tình mất đi những cổng thành Tuyên rêu phong kia do thiên tai, do chiến tranh... chúng ta có tiếc nuối nhưng không phải hổ nhục. Nhưng những di tích lịch sử ấy mất đi là do sự cố tình của con người. Mà những con người này lại không phải là bọn đào vàng hay đào mộ cổ tìm của quý phá hoại mà do chính một số người mang danh nhà quản lý văn hóa phá hoại. Đó là một sự hổ nhục ê chề.

Và không ai có thể biện minh cho những hành động phi văn hóa này. Xin quý vị nào định lên tiếng bảo vệ cho những hành động nói trên hãy "uốn lưỡi bảy lần" trước khi lên tiếng. Các quý vị hãy hỏi lương tâm và sự hiểu biết của mình thử xem. Nếu các quý vị không trả lời được câu hỏi đó thì hãy hỏi những người thân của mình thử xem.

Công luận đã lên tiếng, đã tranh đấu về những cái chết văn hóa như thế này nhiều năm nay rồi. Nhà nước cũng đã ban hành bao chính sách vể bảo vệ các di tích lịch sử và văn hóa, nhưng chúng ta vẫn cứ phải chứng kiến những di tích lịch sử, di tích văn hóa và cả những di sản thiên nhiên bị giết chết một cách công khai bởi những người được giao nhiệm vụ bảo vệ. Nghe thật bi hài, nghe thật kinh hãi, nghe thật hổ nhục và nghe thật không tin nổi.

Cho đến lúc này, bạn sẽ gọi những người phá thành Tuyên lịch sử để xây những lò gạch không nung gạch là gì? Nếu bạn đọc chưa nghĩ ra một cái tên nào thật hay thì tôi xin gọi họ bằng một cái tên tạm: Những người xây lò gạch thời hiện đại.

clip_image003

clip_image005

Cổng thành Tuyên lịch sử 1

Cổng thành Tuyên lịch sử 2

clip_image007

Và "lò gạch" mới xây với hàng tỷ đồng

Lòng nhân ái... tồi tệ

Báo chí đưa tin: 650 hộ dân chịu thiệt hại từ cơn bão số 3, ở thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đã tá hoả khi nhận được quà từ thiện quá hạn sử dụng từ Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nam Dương (Công ty kinh doanh sữa STAR có trụ sở tại TPHCM).

Quả là một tấm lòng nhân ái... khủng khiếp. Để che giấu những hàng hóa tài trợ đã quá hạn sử dụng, người ta dán một cái tem thông báo hàng tài trợ cấm bán. Tưởng có ý gì, hóa ra dưới cái tem kia là dấu vết của một lòng nhân ái... tồi tệ.

Chúng ta vô cùng xúc động và trân trọng nhiều doanh nghiệp đã luôn luôn chia sẻ với những người dân trong lúc gặp khó khăn, hoạn nạn. Nhưng cũng có không ít những doanh nghiệp dùng chiêu bài "từ thiện" chỉ để kinh doanh thương hiệu của mình. Nhưng như thế còn không ác tâm bằng việc dùng những thứ không dùng được nữa, không ăn được nữa, không bán kiếm lời được nữa để tỏ lòng "từ bi" của mình.

Những hộp sữa đã hết hạn sử dụng đã làm rung động lòng những bậc cha mẹ có con nhỏ trước đó. Hỡi những nhà từ thiện tồi tệ kia, các ngươi sao lại đang tâm mang những thứ có thể gây bệnh, gây ngộ độc... đến cho những đứa trẻ?

Cho dù Công ty kinh doanh sữa Star có đổi lại hàng mới cho những người được nhận tài trợ của họ trước đó thì cũng không rửa sạch được lương tâm của các người. Không có những món hàng tài trợ đó thì những người dân ở Hồng Lĩnh không chết. Nhưng họ có thể mang bệnh và có thể mất tính mạng vì lòng "nhân ái" phi lương tâm của các người.

Sẽ lại có người chuẩn bị phê phán tôi nói quá lời đây hay bôi đen đây. Xin thưa các người, nếu trong những người nhận tài trợ bằng thứ hàng hóa không được phép sử dụng nữa là thân nhân của các người thì các người nghĩ sao?

Tại sao những chuyện này người ta lại có thể ngang nhiên làm được? Cái gì đang phá vỡ lương tâm của con người? Cái gì đã làm cho con người công khai đối xử một cách tồi tệ như thế với đồng loại của mình? Có một điều sai lầm trầm trọng ở đâu đó trong việc giáo dục tính nhân văn của con người của chúng ta trong nhiều bình diện.

Hỡi những người có lương tâm hãy lên tiếng. Tôi cầu xin các bạn.

T.N

Nguồn: Tuanvietnam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn