Đáng lẽ lũ không thể "giết" nhiều người đến vậy

"Phòng" hơn "chống". Câu nói cửa miệng. Ai cũng biết. Người chức trách lại càng phải biết. Nói trước dân tại nơi thảm cảnh lũ Hà Tĩnh, ông Thủ tướng nhắc đi nhắc lại: "Sẽ làm hết sức mình ...". Làm hết sức là bao nhiêu, những gì, xin Trời cao chứng giám, quốc dân đồng bào "biết - bàn - kiểm tra".

Riêng việc "phòng", như được thấy, rõ ràng quá ít. Xin mời đọc ý kiến của PGS.TS Nguyễn Đình Hòe: "Đáng lẽ lũ không thể "giết" nhiều người đến vậy”.

"Lãnh đạo đi xuống tận hiện trường là đáng hoan nghênh và cần khích lệ, nhưng nếu chỉ như vậy là không đủ. Không hề đủ đối với việc ứng phó thiên tai... Lãnh đạo quản lý tốt làm cho thiên tai dù có xảy ra thì thiệt hại cũng là rất nhỏ. Tức là khâu phòng ngừa trước thiên tai và tái thiết, củng cố, tăng cường năng lực sau thiên tai ...", ông Hòe viết.

Cùng với những "kiến nghị" kính gửi đến quí vị lãnh đạo các cấp (mà dường như đã chẳng bao giờ được "hồi âm"!), thiển nghĩ nhóm "ngoài nhà nước" chúng ta hãy "tiên trách kỷ ...", hãy thực hiện những "việc cần làm ngay". Như trong ý kiến của ông Hòe, có những việc: 1) vẽ bản đồ ngập lũ; 2) thu thập và phổ biến những kinh nghiệm thực tiễn phòng chống lũ; 3) quyên góp, hỗ trợ "phòng" (mà không đợi chỉ khi "chống" mới quyên góp); 4) lập Quỹ bảo hiểm thiên tai, thảm họa, v.v.

Kính mong được quý vị cao minh, cao kiến chỉ giáo thêm.

Đỗ Thịnh, 68 tuổi, Hà Nội

"Nếu chúng ta chuẩn bị tốt công tác ứng phó với lũ thì cứu hộ không tốn kém nhiều, và cũng không chết nhiều người đến vậy" - PGS.TS Nguyễn Đình Hòe – Trưởng ban phản biện xã hội, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN bày tỏ quan điểm với Bee.net.vn.

Lũ càng trầm trọng do phá rừng, xây thuỷ điện

Trước những thiệt hại nặng nề trong 2 cơn lũ vừa qua tại miền Trung, liệu chúng ta rút ra được những bài học gì về ứng phó với lũ lụt, thưa ông?

clip_image004

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe.

Miền Trung là vùng địa hình nhạy cảm với lũ lụt, nhưng ngàn xưa tới nay vẫn vậy. Tại sao chúng ta không thích ứng được? Vì chúng ta không có chiến lược ứng phó hợp lý.

Các sông ở miền Trung có trung lưu rất ngắn. Cửa sông miền Trung đổ ra biển thường bị roi cát chắn lại gọi là cửa sông dạng khuyết áo. Mùa khô các sông miền Trung thường cạn nước vì động lực từ biển thắng dẫn tới cát chắn lấp các cửa sông. Vậy nên nếu mưa to 100-200mm trong vòng 1, 2 tiếng là có lũ.

Chiến lược ứng phó của chúng ta không hoàn hảo. Năm nào cũng lụt, năm nào cũng chết người. Phải có cách sống chung với nó.

Theo ông hiện nay, ngoài nguyên nhân khách quan do tự nhiên thì lũ lụt xảy ra miền Trung những năm gần đây có lỗi gì ở con người?

Các tỉnh miền Trung phá rừng rất dữ dằn. Cả nước mật độ phủ rừng 45% (mức độ an toàn sinh thái), các tỉnh miền trung Tây Nguyên phải cao hơn, có thể 70-80% để bù cho các nơi khác. Nhưng tiếc thay nhiều tỉnh đưa hẳn chiến lược kinh tế rừng ngay trên đỉnh Trường Sơn.

Mặt khác, khi quy hoạch các hồ đập thủy lợi, thủy điện không tính được hết các mức lũ cao, khi vỡ đập nhiều hồ đập xả lũ làm nghiêm trọng thêm thiên tai.

Đặc điểm miền Trung là rất nhiều thủy điện vừa và nhỏ. Những thủy điện này không có bụng hồ để điều tiết nước cho nên mùa khô tích nước khiến hạ lưu bị hạn. Mùa lũ không tích nước để cắt lũ được. Thậm chí có hồ không có bụng tích nước, cứ có lũ là xả. Nhiều thủy điện không có cửa xả lũ, cứ lũ tràn là xả. Nó làm cho vận tốc dòng nước tăng lên và thời gian ngâm nước tăng lên. Thực tế đó đã chứng minh ở Quảng Nam, ở Phú Yên.

Là người từng đi nhiều địa phương trong vùng lũ lụt, ông thấy người dân ở các địa phương đó có kinh nghiệm ứng phó với lũ lụt như thế nào?

Dân Hội An năm nào cũng có lũ, dân Điện Bàn (Quảng Nam) ven sông Thu Bồn cũng vậy. Ở đó, người ta lấy nilon dày bịt miệng giếng thắt dây cao su vào, đặc điểm miền Trung ngập nhưng không ngập lâu, 1 đến 2 ngày là nước rút, tháo dây, nilon vẫn dùng tốt.

Vùng ven sông ngập lũ ở ven sông Bưởi (Thạch Thành, Thanh Hóa), người dân xây nhà làm gác cao, gác đó mở cửa thông ra đầu hồi, ngoài đầu hồi có cây ăn trái người dân đặt cái xuồng ngay trên đó. Khi lũ lên thì lên thang gác rồi ra ngoài.

Những kinh nghiệm này trong thực tiễn rất quý giá. Nhà nước nên thu thập và phổ biến rộng rãi đến mọi người dân vùng lũ.

clip_image005

Hà Tĩnh chìm ngập trong trận lũ lịch sử.

Nên có quỹ bảo hiểm thiên tai

Thường thì khi có thiên tai, chúng ta huy động rất nhanh các tổ chức chính trị, xã hội vào cuộc cứu hộ, cứu trợ. Nhưng việc tính lâu dài để phòng lũ thì lại chưa được quan tâm đúng mức?

Cách quản lý, ứng phó với thiên tai của chúng ta lâu nay là cùng tắc biến. Biến tắc thông hay không thì chưa biết.

Hoạt động cứu hộ cứu nạn là tốt. Nhưng phòng chống thiên tai thì không dừng ở cứu hộ cứu nạn. Việc quan trọng hơn là trước và sau khi thiên tai xảy ra. Trước và sau thiên tai chúng ta làm rất dở nên chạy trong guồng quay bão, lũ thường xuyên.

Cụ thể việc sau khi cứu trợ, nhiều nơi tiền cứu trợ cho dân vẫn chưa dùng hết. Số tiền đó có thể để xây dựng hạ tầng phòng chống thiên tai của cộng đồng. Ví dụ: bỏ tiền ra thuê chuyên gia vẽ bản đồ ngập lũ. Hoặc mua xuồng, thuyền và tập huấn người lái xuồng.

Trong những đợt lũ lụt, hình ảnh lãnh đạo các địa phương không ngại vất vả, nguy hiểm  đi vào rốn lũ để đốc thúc cứu hộ, cứu trợ, động viên nhân dân có làm ông xúc động?

Lãnh đạo đi xuống tận hiện trường là đáng hoan nghênh và cần khích lệ, nhưng nếu chỉ làm như vậy là không đủ. Không hề đủ với việc ứng phó thiên tai. Nếu chính quyền chỉ làm việc ấy thôi thì không hoàn thành nhiệm vụ, không thực hiện chức năng của mình.

Đối với nhà quản lý các địa phương, nhất là Chủ tịch, Phó chủ tịch các tỉnh thì quản lý tốt là biến quản lý thành tự quản lý. Nghĩa là trang bị cho người dân vùng lũ các công cụ cần thiết để ứng phó với lũ khi cần.

Lãnh đạo địa phương quản lý tốt làm cho thiên tai dù có xảy ra thì thiệt hại cũng là rất nhỏ. Tức là khâu phòng ngừa trước thiên tai và tái thiết củng cố tăng cường năng lực sau thiên tai mới thể hiện bản lĩnh của người lãnh đạo.

Để sống chung với lũ, có những gợi ý rằng, Nhà nước nên hỗ trợ địa phương xây dựng nhà văn hóa kiêm chức năng nhà cộng đồng lưu trú khi có lũ, mỗi hộ dân có áo phao, xuồng cứu hộ... Nhưng thực hiện ở tất cả các tỉnh miền Trung thì đó là nguồn ngân sách lớn?

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, vậy nên mới sinh ra bảo hiểm. Thiên tai cũng vậy, trong quá trình quy hoạch xây dựng phải ứng phó với thiên tai. Xây cầu, làm đường, quy hoạch xác định các khu định cư, hồ thủy điện phải có tính toán khi thiên tai xảy ra để những công trình đó phát huy kịp thời trong trường hợp khẩn cấp

Chúng ta chưa có quỹ bảo hiểm thiên tai. Thiên tai không cứ là lũ lụt, có thể động đất, lốc xoáy…Nếu có quỹ bảo hiểm thiên tai thì không phải ai chi tiền, không phải làm từ thiện nhiều mà do người dân sống trong vùng thiên tai đóng tiền vào để tương trợ lẫn nhau.

Khi dân quá nghèo, không đủ ứng phó thì nhà nước phải hỗ trợ. Hỗ trợ ứng phó trước khi thiên tai xảy ra bằng một số tiền rất lớn cũng ít tốn kém hơn cứu hộ khi thiên tai xảy ra. Nếu chúng ta chuẩn bị tốt công tác ứng phó với lũ thì cứu hộ không tốn kém nhiều, và cũng không chết nhiều người đến vậy.

Xin cảm ơn ông!

Thông Chí (thực hiện)

67 người chết và mất tích do mưa lũ

Theo Cổng TTĐT Chính phủ, tính đến 6 giờ sáng 20/10, số người chết và mất tích do mưa lũ đã lên tới 67 người. Trong đó, Nghệ An 16 người chết, Quảng Bình 8 người, Thanh Hóa 1 người, Hà Tĩnh 21 người chết và 21 người mất tích trong đó có 19 người mất tích do xe khách của tỉnh ĐăkNông bị cuốn trôi trên địa bàn Hà Tĩnh.
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, trong số 211.259 nhà bị ngập, tỉnh Hà Tĩnh chiếm nhiều nhất với 115.378 nhà.
Hiện Nghệ An vẫn còn 120 xã với 38.029 nhà bị ngập sâu, trong đó có 35 xã bị cô lập; Hà Tĩnh 183 xã với 115.378 nhà bị ngập; Quảng Bình còn 27 xã với 57.320 nhà bị ngập, trong đó có 8 thôn thuộc 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy bị cô lập; Thanh Hóa có 532 nhà thuộc huyện Nông Cống bị ngập.

Nguồn: Beenet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn