Kính gửi các Đại biểu Đại hội 11: Những yêu cầu tối thiểu

Tống Văn Công

Từ khi được đọc Thông báo về Đại hội Đảng lần thứ 11 tôi đã liên tục viết những góp ý với tất cả tâm huyết của một đảng viên nhận thức phải đổi mới Đảng sao cho ngang tầm với đòi hỏi của dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa. Những bài viết ấy tôi đều đặt ra những yêu cầu tối đa cho tương lai. Hôm nay trước thềm Đại hội, sau khi đã đọc rất nhiều ý kiến của đồng chí, đồng bào ở trong và ngoài nước, lòng tôi lại đầy ắp tâm tư, những mong Đại hội thành công tốt đẹp xứng với chờ đợi của nhân dân và những đảng viên đã suốt đời vì dân, vì nước.

Thưa các đồng chí đại biểu Đại hội 11,

Nhận thức được rằng những “yêu cầu tối đa” chỉ có thể đạt tới qua một quá trình phấn đấu liên tục, nhất quán, không chỉ trong một nhiệm kỳ đại hội, nên trong lá thư này, tôi chỉ xin nêu những yêu cầu tối thiểu mà hiện tình đất nước buộc phải đạt được để tạo chuyển biến căn bản thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, có cơ hội bắt kịp sự phát triển của các nước trong khu vực đang ngày càng bỏ xa chúng ta.

Các nghị quyết của Đảng nhiều lần ghi nhận xây dựng Đảng có ý nghĩa then chốt. Vậy, trước hết xin nói về xây dựng Đảng.

I - ĐẢNG PHẢI LÀ TINH HOA CỦA TOÀN DÂN TỘC, PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM TOÀN DIỆN TRƯỚC NHÂN DÂN

A / CHỦ NGHĨA DÂN TỘC SÁNG SUỐT LÀ SỨC MẠNH TƯ TƯỞNG TẬP HỢP DÂN TỘC

"Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy." Đó là Tuyên ngôn Việt Nam từ 65 năm trước, đã thôi thúc triệu triệu nhân dân dám hi sinh tất cả để có ngày nay, trong đó có tính chính đáng về độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Độc lập, Tự do là khát vọng nghìn đời của dân tộc ta. Cương lĩnh, chương trình hành động của Mặt trận Việt Minh ngùn ngụt tinh thần Độc lập, Tự do. Cương lĩnh, chương trình hành động của Mặt trận giải phóng Miền Nam cũng ngùn ngụt tinh thần Độc lập, Tự do. Cho đến vua Bảo Đại cũng nói: “Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị." Ngọn cờ độc lập dân tộc là thế mạnh tuyệt đối nhưng ngày nay lại trở thành gót chân Achille của Đảng, lý do là trong một thời kỳ vừa qua Đảng có xu hướng dựa vào Trung Quốc – quốc gia ngày càng thể hiện rõ ý chí bành trướng xâm hại chủ quyền, lãnh thổ nước ta. Điều bất lợi là Đảng coi sự gắn bó giữa nước ta và Trung Quốc dựa vào tình đồng chí Mácxit – Lêninit, trong khi nhiều dân tộc trên thế giới kể cả Liên Bang Nga, quê hương cách mạng Tháng 10 không còn tin theo. Thế giới đang chăm chú quan sát một Trung Quốc vươn tới siêu cường, vừa tuyên bố kiên trì chủ nghĩa xã hội, vừa dứt khoát từ bỏ mọi nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, từ nguyên lý về kinh tế, đến tư tưởng và tổ chức Đảng và cả chính sách đối ngoại đoàn kết quốc tế. Cách xử lý thực sự cầu thị lúc này là "nghiên cứu phân tích xem trong chủ nghĩa Marx-Lenin điều gì trước đây đúng và đến nay vẫn đúng, điều gì trước đây đúng, nhưng nay không còn phù hợp nữa, điều gì ngay từ trước đã có sai sót, điều gì chưa có cần bổ sung và phát triển" (Võ văn Kiệt, Góp ý kiến báo cáo Tổng kết lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới). Chúng ta thực hiện Đổi mới chính là để bỏ đi những cái sai lớn của chủ nghĩa Marx - Lenin: không công nhận nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, xã hội dân sự…

Tóm lại, để giữ được tính chính đáng của mình, giương cao được ngọn cờ đoàn kết dân tộc, Đảng phải dựa hẳn vào tư tưởng Độc lập – Tự do của Hồ Chí Minh.

Chúng ta cũng rất cần biết mình đang ở nấc thang nào của thế giới văn minh hiện đại và không ngừng trở nên văn minh hiện đại hơn. Việt Nam ta về dân số đứng hạng 13 thế giới, nhưng về thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 1 phần 10 mức thu nhập bình quân của thế giới; về chỉ số phát triển con người (gồm có sức khỏe, tuổi thọ, giáo dục, …), Liên Hiệp Quốc mới công bố ngày 4 tháng 11-2010: Việt Nam đứng ở hạng 113 trên 169 quốc gia (cao nhất là Na Uy, tuổi thọ bình quân 81, thu nhập bình quân 59.000 USD, kế tiếp là Australia, New Zealand, Hoa Kỳ, Iceland, …); Tổ chức Nhà báo không biên giới xếp hạng về tự do báo chí của Việt Nam ở hạng 165 trên 178. Đứng đầu bảng là Phần Lan hạng 1, kế đó là Iceland, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển,… Một số nước châu Á: Thái Lan hạng 53, Đài Loan hạng 11, Hàn Quốc hạng 27, … Nói chung về mọi mặt chúng ta đều đứng sau hơn 100 quốc gia trong một thế giới toàn cầu hóa lần thứ 3. Hằng ngàn năm trước ông bà ta đã dạy "Trâu chậm uống nước đục". Chúng ta phải nhanh chóng công nghiệp hóa, hiện đại hóa để thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu và cả nghèo dân chủ, tự do.

B / "TRONG ĐẢNG PHẢI THỰC HÀNH DÂN CHỦ RỘNG RÃI ". (Di chúc Hồ Chí Minh)

Lenin cho rằng: "Trong Đảng có quyền tự do thảo luận phê bình và phát biểu ý kiến. Nếu không có quyền tự do thảo luận và phê bình thì giai cấp vô sản không thể nhất trí trong hành động". Lenin còn cho rằng để phát huy dân chủ có "việc bảo vệ quyền lợi của bất kỳ thiểu số nào." (Những vi phạm về nguyên tắc xây dựng Đảng, TuanVietnam, 16-8-2010).

Đối chiếu lời khuyên đó, sẽ thấy Đảng Cộng sản Việt Nam còn thiếu sót. Những người có ý kiến khác Nghị quyết chẳng những không được lắng nghe mà cũng không được bảo vệ. Điều ấy gây tác hại lớn cho Đảng và đất nước, ví dụ như trường hợp đồng chí Kim Ngọc.

Trong cuộc gặp gỡ giữa 5 đồng chí lão thành cách mạng đang ưu tư việc nước, việc Đảng, nguyên ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn An nói: "Thật ra không có dân chủ đâu, vì bầu tôi làm Chủ tịch Quốc hội chỉ giới thiệu có một mình tôi thôi, nên đại biểu buộc phải bỏ phiếu cho tôi chứ sao nữa?". Cuối cùng cả 5 lão đồng chí nhất trí cho rằng "Nếu trong Đảng không có dân chủ và công bằng thì làm sao ngoài xã hội có những thứ đó được?"

Ở Đại hội các cấp, một số nơi đã thực hiện tự do thảo luận và trực tiếp bầu bí thư đảng bộ. Đại hội 11 rất nên phát huy bài học tốt ấy, thảo luận những ý kiến phản biện của trong và ngoài Đảng về những vấn đề lớn trong Cương lĩnh như: Đổi mới hệ thống chính trị được coi là quá chậm trễ, vậy cần đổi mới ngay điều gì? Cơ chế thị trường hay cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa? Tại sao chống tham nhũng ít hiệu quả? Tại sao cải cách tư pháp đã hơn 10 năm mà vẫn chưa có được nền tư pháp độc lập vững mạnh?Thế nào là tự do ngôn luận, tự do báo chí?...

Nên thực hiện tự do ứng cử Tổng bí thư để Đại hội trực tiếp bầu Tổng bí thư.

C / THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ GIÁM SÁT NGHIÊM MINH ĐỐI VỚI MỌI CẤP

Nguyên nhân đưa tới thoái hóa biến chất của Đảng Cộng sản Liên Xô là do "chế độ giám sát đồng bộ tương đối hoàn chỉnh do Lenin đích thân xây dựng đã không được thực hiện một cách triệt để". Và "Về căn bản cơ quan giám sát không thể giám sát cơ quan lãnh đạo và các thành viên cơ quan lãnh đạo cùng cấp" (Bài Những vi phạm nguyên tắc xây dựng Đảng nói trên).

Đó là bài học lớn cho Đảng Cộng sản Việt Nam trong tình trạng tham nhũng chưa thể ngăn chặn có hiệu quả. Nhiều ý kiến không tin rằng ở cấp Trung ương chỉ chiếm có 0,3 % số người tham nhũng. Số đảng viên làm trái điều lệ, luật pháp còn rất đông. Để khắc phục tình trạng nguy hiểm này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nên do Đại hội bầu ra, để khắc phục nhược điểm "không kiểm tra được lãnh đạo cùng cấp" và quyền chỉ đạo thanh tra độc lập, có quyền kiểm tra cả Bộ Chính trị.

D / ĐẢNG PHẢI CÔNG KHAI MỌI HOẠT ĐỘNG VỚI NHÂN DÂN

Từ sau đổi mới nhiều hoạt động của Đảng đã được công khai với nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Thế thì không có lý do gì để không công khai các hoạt động cho dân biết. Hiện nay các Hội nghị Trung ương, người dân chỉ được biết bài diễn văn của Tổng bí thư và Thông báo sau Hội nghị. Nếu dân được nghe những người lãnh đạo, những người đầy tớ của dân bàn luận chuyện "dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh " thì dân nức lòng xiết bao? Trừ những việc an ninh quốc phòng rất cơ mật, mọi việc khác đều phải công khai.

Có một vấn đề lớn nữa đã có nhiều người nhắc là: Dù việc chi tiêu của Đảng là chi tiêu để làm việc cho dân, nhưng đó là đồng tiền từ mồ hôi nước mắt của dân, không có lý do gì phải “bí mật” với dân.

Đ / ĐẢNG CẦM QUYỀN THEO LUẬT ĐỊNH

Trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Đảng ta là Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng Hồ Chí Minh nói như vậy là hơi hẹp, phải nói là Đảng lãnh đạo. Rất tiếc, nói như vậy là không hiểu Hồ Chí Minh!

Hồ Chí Minh đã nói rất nhiều về sự lãnh đạo của Đảng, ở đây xin không nhắc lại. Khi Đảng chưa cầm quyền, các đảng viên và những người chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng chỉ lấy Nghị quyết Đảng để soi đường cho các hoạt động cách mạng ở tất cả mọi lĩnh vực. Lúc ấy đảng viên sống nhờ dân nuôi, làm sao có thể tham nhũng? Làm việc gì, đảng viên cũng phải dựa vào dân mới thành công được, làm sao dám quan liêu? Giờ đây, Đảng đã cầm quyền, Hồ Chí Minh muốn nói về trách nhiệm của Đảng và các đảng viên khi đã có quyền lực trong tay thì phải biết cần, kiệm, liêm, chính; Cần thì biên chế không cồng kềnh mà công việc trôi chảy; Kiệm thì ngân sách không bị bội chi; Liêm thì không có quốc nạn tham nhũng; Chính thì không báo cáo láo, mua bằng giả. Chí công là rất công bằng. Vô tư là không có lòng riêng, không tư túi khi làm việc nhà nước; "Là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân", thì sẽ không là "phụ mẫu chi dân". Ở đây, Hồ Chí Minh rất sáng suốt đưa nhận thức của một xã hội hiện đại trao cho Đảng Cộng sản Việt Nam: Giống như mọi Đảng cầm quyền trên thế giới là phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật trong mọi hoạt động.

Bởi chưa quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh cho nên trong Đảng còn lẫn lộn giữa hai khái niệm LÃNH ĐẠO và CẦM QUYỀN, tổ chức Đảng luôn lộn sân của Chính quyền, khiến người ta kêu là Đảng trị! Các văn kiện Đại hội 11 ghi nhận "Coi trọng mở rộng dân chủ trực tiếp trong xây dựng Đảng và chính quyền, khắc phục tình trạng Đảng buông lỏng sự lãnh đạo, hoặc bao biện làm thay, nhiệm vụ quản lý điều hành của chính quyền" (Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2010 -2020).

Trả lời phóng viên Nghĩa Nhân, báo Pháp luật ngày 14 tháng 4 năm 2009, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nói: "Nhà nước pháp quyền thì mọi tổ chức, mọi hoạt động phải điều chỉnh bằng luật pháp. Cho nên Luật về Đảng về Hội là rất cần thiết". Nguyên Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc trả lời VietNamNet cũng khẳng định "Không có gì phải né tránh luật về Đảng".

Các dự thảo văn kiện Đại hội 11 nhiều lần nhắc lại Đảng "hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật " (Cương lĩnh). Như vậy, đã rất chín mùôi cho việc Luật hóa Điều 4 Hiến Pháp". Việc này Đại Hội 11 cần có quyết định.

II - ĐỂ " TẤT CẢ QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC THUỘC VỀ NHÂN DÂN"…

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Bao nhiêu quyền hạn đều của dân" và "quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Để đạt được điều đó Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương do dân cử ra" và "Chính quyền dân chủ là chính quyền do người dân làm chủ ". Để khẳng định quyền dân Hồ Chí Minh nói rất mạnh: "Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ".

Hiến pháp 1992 viết: "Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" (Điều 2) và "Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội." (Điều 6). Thế nhưng các đại biểu Đại hội 11 nhìn lại xem, tại sao những điều Hồ Chí Minh nói với bao tâm huyết vẫn chưa trở thành hiện thực sau 65 năm cách mạng? Cần nhanh chóng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sửa đổi Hiến pháp, ít nhất là bằng Hiến pháp 1946, nhưng có những điều cụ thể thích hợp tình hình mới.

A/ QUỐC HỘI CÓ THỰC QUYỀN QUYẾT ĐỊNH CÁC VẤN ĐỀ LỚN CỦA QUỐC KẾ DÂN SINH

Nhiều đại biểu Quốc hội thổ lộ tâm tư trong cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu Lập pháp và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam chủ trì, hai ngày 8, 9 tháng 10 năm 2009. Chỉ xin trích một ý kiến của giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Đường, Viện nghiên cứu lập pháp: "Hiện nay nhiều vấn đề mang tầm cỡ quốc gia đều do Bộ Chính trị quyết định trước, nhờ đó Quốc hội thông qua nhanh chóng, nhưng nhược điểm của cách làm như vậy là thiếu dân chủ. Ông nhấn mạnh: "Để quyết định của nhà nước dân chủ hơn thì phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Đây là vấn đề có ý nghĩa tiên quyết. Phương thức lãnh đạo của Đảng phải đổi mới một cách căn bản mới phát huy được sức mạnh của nhà nước. Bản thân Đảng cũng nhờ đó sẽ mạnh lên".

Ông Nguyễn văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, có nhận định khái quát: "Về hình thức thì Quốc hội quyết, song thực chất là Đảng quyết" (Trả lời phóng viên Thu Hà VietnamNet).

Làm sao khắc phục tình trạng nói trên?

Thực là đơn giản khi nghiêm túc thực hiện tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh, Hiến pháp và các văn kiện của Đảng coi dân chủ "vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển đất nước" (Dự thảo Cương lĩnh). Trên cơ sở đó tìm những giải pháp đổi mới.

Hiến pháp ghi nhận "Công dân, không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật" (Điều 54). Nếu Đảng và Nhà nước tạo điều kiện thực hiện đúng Hiến pháp thì sẽ không có tình trạng 3 triệu đảng viên mà có tới 92 % đại biểu Quốc hội là đảng viên trong dân số 85 triệu. Tình trạng nói trên lặp đi lắp lại khiến trong nhân dân truyền tai nhau câu "Đảng cử dân bầu ".

Một đặc điểm nữa của Quốc hội Việt Nam là có đến 70% đại biểu là cán bộ đương chức ở các cơ quan công quyền, nhiều người giữ trọng trách hành pháp. Do đó có tình trạng gọi là "vừa đá bóng vừa thổi còi", làm giảm khả năng giám sát cơ quan công quyền và giảm khả năng xây dựng luật pháp trung thực của Quốc hội.

Để tránh các tình trạng nói trên, đảm bảo Quốc hội đúng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất cần:

- Quy định tiêu chuẩn cho người được ứng cử đại biểu

Quốc hội (tuổi nên chăng phải từ 25 tuổi trở lên; không phải cán bộ công quyền; học lực; về quyền công dân; về quốc tịch…).

- Không dùng hình thức hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc nhằm loại bỏ những người cấp ủy Đảng ở địa phương không muốn chọn. Bởi vì ai cũng biết rằng Mặt trận thực chất là một tổ chức do Đảng thành lập từ 1930, và cho đến nay vẫn chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Nhiều nghị quyết Đảng đã viết rằng: "Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục…". Do đó, việc bầu cử Quốc hội, Đảng phải tin dân, những người đã trải qua cuộc cách mạng lâu dài do Đảng lãnh đạo, đã từ thân phận "thần dân" trở thành "công dân", sẽ có đủ bản lĩnh chính trị chọn mặt gửi vàng.

Có thể có câu hỏi: Nếu Quốc hội có ý kiến trái với Nghị quyết của Bộ Chính trị thì về nguyên tắc ý kiến bên nào bị phủ quyết? Xin thưa: Nếu Đảng không còn "lộn sân", làm thay Nhà nước thì không bao giờ xảy ra tình huống đó. Ví dụ Đảng không nên có Nghị quyết "Tái cơ cấu Vinashin" theo hình thức nào!

B / CHỦ TỊCH NƯỚC LÀ NGƯỜI THAY MẶT QUỐC GIA

Hiện nay quyền hành pháp có những nhược điểm:

1 - Vị trí quyền lực của Chủ tịch nước đặt dưới Tổng bí thư. Khi khách nước ngoài là Chủ tịch nước CHND Trung Hoa (ông này là Tổng bí thư Đảng CS Trung Quốc), bên ta phải có hai vị cùng tiếp khách mà Tổng bí thư là người đứng trước, được giới thiệu trước, bắt tay trước, nói trước.

Tổng bí thư có thể thay mặt cả Đảng và Nhà nước ký Tuyên bố chung có những nội dung thuộc chức năng của Nhà nước.

2 - Do sự lãnh đạo của Đảng không được luật hóa, cho nên, Đảng thường xuyên can thiệp vào công việc của Nhà nước, khiến cho phía Nhà nước có thói quen thụ động chờ Đảng cho ý kiến.

3 - Quyền hành pháp bị phân tán và chồng chéo, trách nhiệm không rõ ràng, khi có sai lầm gây hậu quả lớn cũng không quy được trách nhiệm cá nhân, thậm chí không quy được trách nhiệm cho một Bộ, một Ủy ban. Vụ Vinashin là một ví dụ.

Để Hành pháp được đặt xứng tầm là do toàn dân ủy quyền, quản lý việc xây dựng, bảo vệ đất nước, Hiến pháp sửa đổi nên quy định:

Đảng cầm quyền đề cử hai liên danh chủ tịch và phó chủ tịch nước để cử tri (các) cả nước bầu chọn. Cách làm này vừa bảo đảm vị thế của Đảng cầm quyền vừa bảo đảm quyền dân trực tiếp bầu ra người thay mặt mình nắm quyền hành pháp. Cử hai liên danh vừa là mở rộng dân chủ, vừa để Đảng có thể đánh giá mức độ "ý Đảng, lòng dân" có là một hay chưa.

Liên danh 1: Tổng bí thư và một nhân sĩ trí thức tiêu biểu (có thể là đảng viên hoặc ngoài Đảng).

Liên danh 2: Một ủy viên Bộ chính trị (hoặc đảng viên không trong Bộ Chính trị) và một nhân sĩ, trí thức tiêu biểu.

Hiến pháp sửa đổi nên dựa vào 10 quyền của Chủ tịch nước mà Hiến pháp 1946 đã ghi nhận để soạn lại sao cho tốt hơn chứ không thấp hơn.

Chủ tịch nước bổ nhiệm Thủ tướng và theo đề nghị của Thủ tướng Chủ tịch nước bổ nhiệm các Bộ trưởng. Chủ tịch nước thấy cần có thể cải tổ nội các, hoặc cải tổ khi có yêu cầu của Quốc hội.

C / TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO NẮM QUYỀN TƯ PHÁP ĐỘC LẬP

Hiến pháp sửa đổi quy định Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm thực hiện quyền Tư pháp độc lập. Đảng cầm quyền cử Ủy viên Bộ Chính trị làm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Tòa án nhân dân tối cao có 15 ủy viên. Các thẩm phán xử án bầu chọn 5 thẩm phán xử án xuất sắc nhất. Các thẩm phán công tố bầu chọn 5 thẩm phán công tố xuất sắc nhất. Đoàn luật sư Việt Nam bầu chọn 5 luật sư xuất sắc nhất. Quốc hội và Chủ tịch nước xem xét cùng quyết định, sau khi nhất trí, Chủ tịch nước ký quyết định bổ nhiệm.

Tòa án nhân dân tối cao có quyền:

- Giải thích Hiến pháp, phán quyết các bộ luật, sắc luật, nghị định có hợp hiến, hợp pháp hay không.

- Nếu có quyết định của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền xét hỏi Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ.

- Chỉ đạo hệ thống Tư pháp cả nước.

D / TỰ DO NGÔN LUẬN

Nhà nước Việt Nam đã gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp Quốc từ ngày 24 tháng 9 năm 1982. Điều 19 của Công ước này là:

"1 - Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp vào.

"2 - Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng chữ viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua mọi phương tiện thông tin đại chúng khác tùy theo sự lựa chon của họ."

Thế mà cho đến nay hầu như năm nào Việt Nam cũng bị phê phán xâm phạm tự do ngôn luận. Tháng 5 -2009 tại cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền, đại biểu của 15 quốc gia có quan hệ tốt với Việt Nam vẫn phê phán ta xâm phạm quyền tự do báo chí. Việc không cho ra báo tư nhân là điều khó chống đỡ nhất. Thực ra thì đâu phải nhà nước Việt Nam không thể quản lý được báo chí tư nhân.

Nguyễn Ái Quốc nhiều lần đòi tự do báo chí với hàm ý là báo của tư nhân. Trong quyển "Đây "công lý" của thực dân Pháp ở Đông dương ", Cụ viết: "Mãi tới bây giờ chưa có người Việt Nam nào được phép xuất bản một tờ báo. Tôi gọi tờ báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở châu Âu và một số nước châu Á, chứ không phải một tờ báo do chính quyền thành lập… " (Hồ Chủ Tịch với Báo chí, Phân Hội Nhà báo TP HCM xuất bản năm 1980, trang 9). Sau cách mạng Tháng 8, Hồ Chí Minh nói: "Dân chủ là để cho dân mở mồm ra nói. Dân chủ là đừng bịt miệng dân.". Trong phát biểu ngày 24 tháng 1 năm 2006, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nói: "Phải tôn trọng những ý kiến khác biệt". Vậy nếu không cho những ý kiến khác biệt lên tiếng trên công luận thì làm sao được gọi là tôn trọng?

Nhà nước Việt Nam đã từng quản lý tốt báo chí tư nhân ngay từ lúc còn non trẻ:

- Từ năm 1945 đến 1946 nhà nước non trẻ đã cho báo tư nhân hoạt động. Sau toàn quốc kháng chiến, báo tư nhân Bạn Trẻ sơ tán ra vùng kháng chiến tiếp tục hoạt đông và được Ủy ban Kháng chiến Khu 3 đánh giá cao.

- Từ năm 1975 đến 1980 báo tư nhân Tin Sáng đã đáp ứng rất tốt yêu cầu thông tin cho đồng bào vùng mới giải phóng, chấp hành rất tốt các quy định của pháp luật. Tờ báo được cho phép "hoàn thành nhiệm vụ" là để cả nước thực hiện đường lối "cải tạo xã hội chủ nghĩa toàn diện" của Đại hội 4.

Đại hội 6 đã nhận ra nhiều sai lầm tả khuynh trong nhiều điểm của Nghị quyết Đại hội 4 và chủ trương Đổi mới, trước hết là đổi mới về kinh tế. Nay Đảng chủ trương đổi mới toàn diện về chính trị văn hóa, xã hội. Vậy đổi mới báo chí nên là mũi đột phá trong nghị quyết Đại hội 11 bởi tầm quan trọng của nó như lời của Karl Marx: "Đối lập với báo chí tự do là báo chí bị kiểm duyệt. Báo chí bị kiểm duyệt "là cái quái dị không có tính cách", "là con quái vật được văn minh hóa, cái quái thai được tắm nước hoa" (theo tạp chí Tia Sáng). Và lời của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: "Nếu không có các quyền tự do ấy, thiết yếu cho việc truyền bá những tư tưởng và kiến thức mà đời sống hiện đại đòi hỏi thì không thể trông mong tiến hành bất cứ một công cuộc giáo hóa nghiêm chỉnh nào cả" (báo Nhân Đạo của Đảng Xã hội Pháp ngày 2 - 8 -1919). Và lời của Voltaire: "Tự do ngọn luận là nền tảng của tất cả tự do khác". Và mới đây, ông đại sứ Thụy Điển S. Herrstrom cho rằng: Minh bạch thông tin sẽ giúp cho Việt Nam chống tham nhũng hiệu quả.

Hiến pháp Việt Nam nêu rõ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhưng Luật báo chí lại bóp hẹp quyền tự do báo chí trái Hiến pháp. Quyền này luôn bị hạn chế bởi sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Trung ương và sự kiểm soát của cơ quan an ninh không theo quy định của pháp luật. Bảo đảm quyền tự do ngôn luận, mọi phương tiện truyền thông chỉ cần tuân thủ luật pháp.

Đ / TỰ DO LẬP HỘI

Việc xây dựng Luật về thành lập Hội kéo dài đến nay vẫn chưa xong. Đây là việc không nên chậm trễ.

Nghị quyết Trung ương 8b (khóa 6) đã ghi nhận: "Trong giai đoạn mới cần thành lập các Hội đáp ứng nhu cầu chính đáng về nghề nghiệp và đời sống nhân dân, hoạt động theo hướng ích nước lợi nhà, tương thân tương ái. Các tổ chức này được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản và tự trang trải về tài chính trong khuôn khổ pháp luật." Tuy đã qua 20 năm, nhưng nội dung đó vẫn rất thiết thực, những người soạn Luật về Hội có thể dựa vào đó mà thực hiện.

Vừa qua, tại Đại hội Nhà văn Việt Nam có khoảng 28 nhà văn (gấp đôi số nhà văn lập nên Tự lực văn đoàn) gồm toàn những người có tài và đã có quá trình hoạt động cách mạng, nêu vấn đề thành lập Hội Nhà văn không nhận kinh phí từ ngân sách nhà nước. Nếu cho phép họ làm thí điểm lập một hội tự quản, có thể rút ra được những bài học bổ ích.

Một điều thay đổi then chốt là Đảng không nên coi các hội quần chúng, nghề nghiệp là tổ chức chính trị, là cánh tay nối dài của đảng mà phải tôn trọng thực sự quyền tự nguyện, tự quyết của các hội, chỉ đảm bảo định hướng thông qua các Đảng viên trong hội và bằng những chính sách thích đáng.

III - DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, XÃ HỘI DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH.

Đó là mục tiêu có sức lôi cuốn lòng dân. Chỉ cần quyết tâm và trung thực nhằm mục tiêu ấy, dân tộc ta sẽ phát huy được mọi tiềm năng, rút ngắn khoảng cách với thiên hạ và cũng từ đó, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng sẽ vững mạnh hơn. Muốn vậy phải khắc phục những mối lo mà nhiều đồng chí đồng bào không ngừng cảnh báo.

1 – Việc xuất hiện những "nhóm lợi ích" có thể thao túng việc ban hành luật pháp chính sách của Đảng, Nhà nước. Thậm chí họ có thể liên kết với ngoại bang kiếm lợi bất kể an ninh quốc gia, tác hại môi trường và làm lụn bại nền kinh tế.

Có những kiểu "hợp tác" không minh bạch, trái pháp luật như: Tập đoàn cao su được Bộ Tài chính thỏa thuận riêng cách tính lương; Petro Việt Nam hợp tác với Tổng cục thuế…

- Việc mua quan bán chức không còn là cá biệt, lén lút. Nhiều lãnh đạo lên án, nhưng chưa thấy có lối ra.

- Quốc nạn tham nhũng đã lờn luật pháp. Vụ PMU18 chưa xử xong đã xảy ra vụ Đại lộ Đông -Tây; tiếp theo, là vụ in tiền polymer ở Úc; lại tiếp theo vụ Hoa Kỳ xử Công ty Nexus của nước họ hối lộ các quan chức Việt Nam. Phía Việt Nam rất chậm "phản ứng".

2 - Chủ trương doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo không đứng vững:

- Từ lâu khu vực này có nguồn lực lớn nhất, được ưu tiên mọi mặt (dân gian gọi là "con ruột" của nhà nước), nhưng đóng góp hiệu quả thấp nhất. Năm nay, nhiều Tập đoàn Nhà nước, thua lỗ, nợ, đọng thuế. Do khu vực này đầu tư kém hiệu quả mà kéo chỉ số ICOR nước ta hiện nay lên đến 8, cao nhất trong các nước châu Á, Thái Bình Dương, làm cho sức cạnh tranh của nền kinh tế yếu kém. (ICOR của các nước trong khu vực chỉ từ 3 đến 4).

- Vụ Vinashin cho thấy những mầm họa rất hiển nhiên, dù được cảnh báo nhiều năm trước, vẫn không tránh được, hằng chục cuộc thanh tra vẫn không phát hiện được, Khi vụ việc đã đổ vỡ cũng không quy trách nhiệm minh bạch được. Các tập đoàn kinh tế của ta khác các tập đoàn kinh tế của Nhật, Hàn quốc, nó không phải từ kinh doanh tích tụ vốn, phát triển lên, có nền nếp quản lý chặt chẽ; Nó lớn lên ngay lập tức từ tiền thuế của dân, và của các doanh nghiệp các thành phần, quản lý tùy tiện để bòn rút, chia nhau.

Nên bỏ hai mệnh đề này trong các văn kiện đại hội:

- Bỏ “Chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu” (Cương lĩnh, Phần II, điểm 4).

- Bỏ “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” (Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2010-2020, phần II, điểm 4)

Không nên tìm cách quản lý các tập đoàn kinh tế Nhà nước theo cách chưa có trong tiền lệ (Thủ tướng trả lời Quốc hội ngày 24-11 2010). Nên làm theo các nước đã quản lý tốt doanh nghiệp nhà nước trên thế giới.

Mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng. Nhà nước có thể có chính sách ưu đãi đối với ngành nào cần khuyến khích.

3 - Nền kinh tế phát triển các ngành kỹ thuật thấp dùng nhiều lao động cơ bắp; khai thác tài nguyên khoáng sản, nguyên liệu thô đem bán. Sau 20 năm, Trung Quốc chỉ còn xuất khẩu nguyên liệu bằng 1 phần 6 trước kia, xuất khẩu sản phẩm hàm lượng kỹ năng lao động cao tăng gấp 4 lần. Việt Nam hầu như dẫm chân tại chỗ, sản phẩm kỹ năng lao động thấp có chiều hướng tăng lên. Các nước Nhật, Hàn, Malayxia, Thái Lan và nay là Trung Quốc đi vào kỹ thuật cao, vượt qua được "cái bẫy" của nền kinh tế có thu nhập trung bình (như Philipin, Indonexia đã từng mắc phải).

Phải chăng đó là bài học cho Việt Nam?

4 – Nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam nhưng chưa được chú trọng. Cách đây gần 20 năm, giáo sư Võ Tòng Xuân đã đặt câu hỏi: "Bao giờ nông dân mới có thể giàu?". Gần đây, ông đặt lại câu hỏi này một cách khẩn thiết hơn. Chưa có câu trả lời cho giáo sư, cũng là cho 80% dân số đưa Việt Nam thành nước xuất khẩu lương thực thứ hai. Nông dân vẫn sống cơ cực nhất. Dù đã có Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đã có chủ trương "liên kết 4 nhà" nhưng hiện nay nông dân đang dẫn đầu những cuộc khiếu kiện tập thể!

Có hai vấn đề lớn cần được tháo gỡ:

- Người nông dân chưa có được quyền dân chủ lớn nhất là sở hữu mảnh đất do mình canh tác như ông cha họ đã có từ bao đời. Do ruộng đất là sở hữu toàn dân, họ bị trưng dụng, giải tỏa nơi ở, nơi cày cấy bất cứ lúc nào mà không được đền bù đúng với giá thị trường, khiến cho lòng yêu ruộng vườn cứ vơi đi.

- Người nông dân không được bảo vệ quyền lợi hợp pháp từ hạt gạo của mình làm ra. Hiệp hội lương thực không phải là Hội của họ mà là tổ chức bắt chẹt họ, mua rẻ hơn giá thành để kiếm lời. Hội Nông dân cũng không thực sự có quyền bênh vực họ, từ việc bị giải tỏa đền bù rẻ mạt, đến chuyện chèn ép giá bán lúa thóc. (Nhiều tài liệu cho biết lúa hè thu năm 2010 họ phải bán dưới giá thành 200 đến 300 đồng 1 kg).

5/ Kinh tế phát triển chưa bao nhiêu mà môi trường sống đã bị phá hủy nghiêm trọng. Thí dụ rõ nhất là việc phát triển bừa bãi các nhà máy thủy điện đã góp phần quan trọng gây nên thảm họa lũ lụt khủng khiếp ở miền Trung. Việc khai thác bauxite Tây Nguyên tiềm tàng những nguy cơ lớn cho môi trường sống của cả Tây Nguyên lẫn miền Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh, vẫn được tiến hành bất chấp sự phản đối của đông đảo nhân sĩ, tri thức, chuyên gia và người dân thuộc nhiều tầng lớp.

DÂN CHỦ vừa là mục tiêu vừa là điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện Dân giàu, nước mạnh. Đại hội Đảng XI phải vạch ra được lộ trình chủ động dân chủ hóa toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, xã hội mà những mấu chốt là:

1/ Triệt để thực hiện dân chủ ngay trong Đảng

2/ Thực hiện tam quyền phân lập

3/ Thực hiện tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội.

4/ Luật hóa sự lãnh đạo của Đảng và công khai công việc của Đảng, Nhà nước để nhân dân giám sát.

Ngày 23 tháng 11 năm 2010

T. V. C.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn