Mỹ ngờ rằng giới lãnh đạo dân sự Trung Quốc không kiểm soát được quân đội

Đức Tâm

clip_image001  

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates (trái) hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (phải) (11/01/2011). REUTERS/Larry Downing

 

Việc quân đội Trung Quốc tiến hành vụ thử tiêm kích tàng hình J-20 hôm qua, 11/01/2011, trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang công du Bắc Kinh rõ ràng là một hành động phô trương sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, sự kiện này đã làm dấy lên những câu hỏi liên quan đến mức độ kiểm soát bộ máy quân sự của giới lãnh đạo dân sự Trung Quốc.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và các lãnh đạo dân sự cấp cao khác đã làm cho phái đoàn Hoa Kỳ có cảm giác là họ không hề biết rằng vụ thử tiêm kích tàng hình đã diễn ra vài giờ trước khi họ tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.

Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ được báo The New York Times trích dẫn, thuật lại rằng hôm qua, 11/01/2011, trong cuộc gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, khi ông Gates đề nghị trao đổi về vụ thử máy bay thì phái đoàn Hoa Kỳ nhận thấy rõ là vị lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc cũng như các cộng sự dân sự của ông đã ngạc nhiên về yêu cầu này và lúng túng không trả lời. Vài giờ trước cuộc gặp, các bức ảnh chụp chiếc tiêm kích tàng hình J-20 đã được đăng trên một web site quân sự không chính thức của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói với các nhà báo là «Ban lãnh đạo dân sự tỏ ra ngạc nhiên về vụ thử này». Ông cho biết thêm là mãi về sau, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào mới thừa nhận là có vụ thử và trấn an rằng điều đó hoàn toàn không có gì liên quan đến chuyến viếng thăm của Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

Về mặt ngoại giao, đương nhiên là lãnh đạo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói rằng ông tin vào phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc nhưng đồng thời, ông nhấn mạnh, sự kiện này củng cố thêm mối quan ngại là bộ máy quân sự Trung Quốc đôi khi có những hành động vượt ra ngoài tầm kiểm soát của giới lãnh đạo dân sự trong lúc nhiều quan chức quốc phòng Mỹ than phiền là họ không hề biết các ý đồ thực sự của quân đội Trung Quốc.

Từ Hồng Kông, một chuyên gia về quân sự Trung Quốc cho biết là vụ thử máy bay kéo dài khoảng 15 phút. Chiếc máy bay có hai cánh giống như chiếc tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ, chỉ chạy trên phi đạo một sân bay ở Thành Đô, Tứ Xuyên.

Theo thiết kế, tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc được trang bị tên lửa, có thể được tiếp liệu trên không, cho phép hoạt động xa biên giới. Trong nhiều năm, đây là một kế hoạch bí mật của quân đội Trung Quốc. Theo các quan chức Mỹ, Trung Quốc cho tiết lộ phần nào thông tin về các vụ thử loại máy bay này là nhằm biểu dương sức mạnh với Hoa Kỳ.

Ông Hồ Cẩm Đào là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, cơ quan lãnh đạo cao nhất của quân đội và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngoài ông Tập Cận Bình, người vừa được bầu làm Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, người được coi là sẽ kế nhiệm Chủ tịch Trung Quốc, thì ông Hồ Cẩm Đào là lãnh đạo dân sự duy nhất có quyền lực tối cao đối với bộ máy quân sự Trung Quốc. Tuy nhiên, khó có thể biết là ông Hồ Cẩm Đào kiểm soát các hoạt động thường nhật của quân đội đến mức độ nào.

Một số quan chức Mỹ coi vụ thử tiêm kích J-20 là một hành động thách thức quyền lực của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vì vừa qua, ông đã ra lệnh cho quân đội làm dịu những căng thẳng trong quan hệ với Lầu Năm Góc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Bắc Kinh theo lời mời của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và trong vài ngày nữa, ông [Hồ] sẽ công du Hoa Kỳ và hội đàm với Tổng thống Barack Obama. Ông Joseph S. Ney Jr, Giáo sư đại học Havard, nguyên là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng ông không ngạc nhiên về việc Chủ tịch Hồ Cẩm Đào không có thông tin về vụ thử máy bay. Theo chuyên gia này, «quân đội Trung Quốc thường xuyên có chương trình hoạt động thường nhật của họ mà không cần đến sự chấp thuận của lãnh đạo chính trị».

Đây không phải là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc hoạt động một cách độc lập. Năm 2007, các quan chức ngoại giao Trung Quốc đã không thể nào trả lời các câu hỏi của phía Mỹ về vụ quân đội Trung Quốc bắn thử loại tên lửa phá hủy vệ tinh. Thậm chí, Washington cũng không chắc là Chủ tịch Hồ Cẩm Đào được thông báo đầy đủ về vụ này.

Một trong những mục tiêu chuyến công du Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là thuyết phục Bắc Kinh minh bạch hóa chương trình hiện đại hóa bộ máy quân sự, hiện đang gây ra nhiều quan ngại cho Hoa Kỳ và các nước trong khu vực. Đề nghị này, bình thường ra, khó có thể được chính quyền Bắc Kinh chấp nhận một cách thành thực và nó sẽ trở thành viển vông, nếu như giới lãnh đạo dân sự Trung Quốc không kiểm soát được hoàn toàn bộ máy quân sự.

ĐT

Nguồn: RFI

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn