Hai bài báo cùng gợi nên một mối liên tưởng

Có ai đó đã nói với đại ý là: Con người là một sinh vật không hoàn thiện, mang đầy dục vọng bản năng và ích kỷ; nếu thoát ly lý tưởng vì lợi ích của cộng đồng thì bất kỳ người nào, cho dù từng đảm nhận những trọng trách đáng kính, trước sau thế nào cũng sẽ quay về với cái bản chất cố hữu ấy của con người – một sự tha hóa đáng sợ mà chính họ không tự ý thức được.

Có những lãnh tụ cách mạng khi mới khởi nghiệp rất xứng đáng được gọi là NGƯỜI với chữ người viết HOA. Song khi sự nghiệp thành công, vì không có cơ chế hữu hiệu để giám sát và kiềm chế sự thao túng và lạm dụng quyền lực nên đã tự mình trở thành kẻ độc tài, trở thành kẻ phản bội lại quần chúng đã từng đi theo mình, trở thành con ác thú đê tiện và dã man đối với đồng loại và đồng đội cũ của mình.

Đó là tình hình khá phổ biến của vô số cuộc cách mạng diễn ra trong gần hết cả thế kỷ XX và cuối cùng đều đổ sụp. Nhưng sau nhiều kiếm tìm đầy ảo tưởng và chảy không biết bao nhiêu là máu, nhân loại của cái thế kỷ bão táp này hình như đã quá mệt mỏi khi thấy con đường đến với những thể chế dân chủ xã hội đích thực khó khăn xa vời quá nên cũng đã muốn thỏa hiệp: mặc quách cho kẻ độc tài trở thành ác thú nó cai trị, miễn nó vẫn để cho người dân kiếm ra chút ít đủ sống qua ngày. Vì thế mà một thể chế độc đảng kiểu Bắc Kinh ra đời và trong vòng ba thập kỷ đưa lại những nhảy vọt thần kỳ về kinh tế làm người ta sửng sốt, cũng làm cho thế lực độc tài ở một số nước cảm thấy đã có cứu tinh. Châu Phi là một ví dụ hiển nhiên. Thế mà bỗng đâu, cuộc Cách mạng Hoa nhài bùng nổ thành công làm rúng động cả thế giới Ả Rập, trong khi phương Tây không hề nhúng tay can thiệp (vì chính phương Tây cũng muốn dung túng cho những sự thể nghiệm độc tài có lợi cho mình đó). Vậy thì, một câu hỏi đặt ra như một hệ quả: mô hình độc tài kiểu Bắc Kinh có phải là một tất yếu, nói cách khác, có thực sự hấp dẫn được một phần nhân loại nào đó hay không?

Hai bài viết mà chúng tôi cố ý ghép lại với nhau dưới đây dường như có một mối liên quan hữu cơ trong việc giải đáp câu hỏi trên.

Bauxite Việt Nam

1. Độc tài tự hại bản thân

Nguyễn Văn Huy

Nhà nghiên cứu dân tộc học ở Paris

clip_image001

Cuộc nổi dậy ở Trung Đông và các nước Bắc Phi cho thấy sự phẫn uất âm ỉ từ lâu của dân chúng

Cuộc nổi dậy của người Ả Rập cho đến nay vẫn là một bất ngờ đối với dư luận quốc tế.

Cho đến đầu năm 2011, không ai ngờ sau 24 năm cầm quyền, Tổng thống Ben Ali phải bỏ chạy sau một tháng phản đối của dân chúng.

Cũng không ai ngờ, sau 18 ngày nổi dậy của quần chúng, Tổng thống Hosni Mubarak đã phải từ bỏ chính quyền sau 34 năm cầm quyền với bàn tay sắt.

Gần đây hơn, dân chúng tại Libya đã vượt lên nỗi sợ xuống đường chống lại Khadafi, độc quyền lãnh đạo Libya từ 1969 đến nay.

Trong những ngày sắp tới, sau những cuộc xuống đường chống đối của dân chúng, không ai dám tiên đoán những gì sẽ xảy ra tại Bahrain, Iran, Yemen, Algeria, Morocco, Sudan, Syria, Jordania, Djibuti…

Một vài quốc gia Ả Rập còn lại như Saudi Arabia, các tiểu vương quốc Ả Rập và Palestine đang sống trong căng thẳng vì quần chúng bất mãn có thể xuống đường chống đối bất cứ lúc nào.

'Cuộc sống bình thường'

Điều làm nhiều người ngạc nhiên là không một thế lực bên ngoài nhúng tay vào can thiệp, nếu không muốn nói là bị việt vị vì không thể tiên đoán được gì, tất cả những cuộc xuống đường của dân chúng Ả Rập hoàn toàn tự phát và không có lãnh đạo.

Cái gì đã khiến cộng đồng người Ả Rập đồng loạt nổi lên chống lại các chế độ cai trị đương quyền ?

Người ta nói nhiều đến những nguyên nhân trực tiếp như vật giá leo thang, đời sống khó khăn, thất nghiệp gia tăng, tham nhũng chi phối mọi sinh hoạt trong xã hội, v.v.

Ước muốn chung của dân chúng trong các quốc gia Ả Rập là có một cuộc sống bình thường, nghĩa là có đủ cơm ăn áo mặc và con cái được đến trường như mọi dân tộc phát triển khác.

Nhiều người còn cho biết sự bất mãn chính đến từ giới trẻ có học thức không tìm được việc làm, không một thanh niên nào thấy tương lai xán lạn dưới các chế độ độc tài. Cũng nên biết gần 50% dân số trong các quốc gia Ả Rập dưới 25 tuổi.

Người ta cũng nói đến những nguyên nhân gián tiếp như các giá trị phổ cập của loài người đã ảnh hưởng và khuyến khích người Ả Rập nổi dậy như tự do, dân chủ và nhân quyền.

Điều này đúng, nhưng chỉ đúng với khối thị dân bờ biển, nghĩa là những khu đô thị có quan hệ trao đổi thương mại và dịch vụ với các quốc gia khác.

Đối với phần đông dân chúng sống trong những vùng sâu và vùng xa hay trong sa mạc, những khái niệm này hoàn toàn xa lạ và họ sẽ không hề thấy khó chịu nếu bị giới quan quyền coi thường vì là một thói quen. Ước muốn chung của dân chúng trong các quốc gia Ả Rập là có một cuộc sống bình thường, nghĩa là có đủ cơm ăn áo mặc và con cái được đến trường như mọi dân tộc phát triển khác.

'Kính trọng'

Nhưng có một nguyên nhân ít ai nhắc tới, đó là ước muốn được kính trọng.

Sự thua kém của người Ả Rập trước các quốc gia phát triển phương Tây dưới các chế độ độc tài đã kéo dài quá lâu và không thể tiếp tục kéo dài thêm nữa. Sống kề cận với các quốc gia phương Tây Châu Âu, mặc cảm thua kém này càng gay gắt.

clip_image002

Người dân trong Thế giới Ả Rập nay vùng lên

Các tổ chức khủng bố Hồi giáo cũng đã lợi dụng yếu tố này để khích động người Ả Rập hy sinh thánh chiến chống lại người phương Tây.

Nhưng chiêu bài thánh chiến của các tổ chức khủng bố không còn hấp dẫn được ai, thanh niên Ả Rập không muốn hy sinh cho những tham vọng điên cuồng này và chỉ hướng hy vọng vào các quốc gia phát triển phương Tây để có một mức sống cao.

Chính ước muốn được kính trọng này đã là mẫu số chung kết hợp người Ả Rập với nhau chống lại bạo quyền, họ không chịu im lặng cúi đầu trước sự cai trị hà khắc của các chế độ độc tài, cho dù là "độc tài bình thường".

Nhắc lại, từ sau khi đế quốc Ottoman sụp đổ năm 1922, phần lớn các quốc gia Ả Rập bị đặt dưới sự đô hộ hay bảo hộ của các đế quốc Châu Âu. Sau Thế chiến II, mặc dầu được trả lại độc lập, các quốc gia Ả Rập vẫn lệ thuộc vào các quốc gia giàu có phương Tây, đặc biệt là cách tổ chức xã hội và khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Chỉ sau khi thành lập khối OPEC (Organization of Petroleum Exporting Countries) năm 1960, trụ sở đặt tại Vienna (Áo), các quốc gia Ả Rập mới có toàn quyền quyết định giá cả và khối lượng dầu thô sản xuất, nhưng tất cả kỹ thuật và thị trường tiêu thụ vẫn nằm trong tay các tập đoàn đế quốc cũ. Sự thua kém các quốc gia phát triển phương Tây vẫn chưa tìm ra được giải pháp.

'Bất mãn'

Tại Trung Cận Đông, sau khi lật đổ vua Farouk đệ nhất (1952) và Tổng thống Mohammed Naguib (1954), Trung tá Gamal Abdel Nasser lên cầm quyền và trở thành vị Tổng thống thứ hai của Ai Cập (1956).

Ông là lãnh tụ Ả Rập đầu tiên áp dụng chủ nghĩa xã hội để đối đấu với Hoa Kỳ và các quốc gia phát triển Tây Âu cùng với các vương quốc Ả Rập trong vịnh Persan.

Sự thua kém các quốc gia phương Tây vẫn còn nguyên vẹn và bất mãn của dân chúng trước hành vi tham nhũng của các viên chức chính quyền ngày càng lên cao.

Trong suốt thời gian cầm quyền, ông liên kết với Liên Xô và Trung Quốc để quốc hữu hóa kênh Suez và tấn công Do Thái. Mặc dù tất cả đều bị thất bại, Nasser đã trở thành lãnh tụ của khối Ả Rập vì dám chống lại các thế lực phương Tây. Năm 1970, ông từ trần.

Trước khoảng trống lãnh đạo trong khối Ả Rập, trong suốt thời gian từ 1960 đến 1970, hàng loạt sĩ quan Ả Rập nổi lên đảo chánh và thành lập các chế độ chuyên chính, một số vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Năm 1968, Saddam Hussein đảo chánh và nắm chính quyền tại Iraq; năm 1969, Đại tá Khadafi tại Libya và Trung tá Gaafar el-Nemeyri tại Sudan; năm 1970, Hafez el-Hassad tại Syria. Vì thiếu tư tưởng chỉ đạo, các chế độ độc tài Ả Rập này đều tự nhận là thành viên của khối xã hội chủ nghĩa để được Liên Xô và Đông Âu giúp đỡ.

Trong suốt thời gian cầm quyền, thay vì lo cho dân giàu nước mạnh, các cấp lãnh đạo đã một mặt sử dụng dầu thô như một phương tiện trao đổi với các quốc gia phát triển phương Tây để được chấp nhận như những chế độ độc tài bình thường; mặt khác nhân danh chủ nghĩa xã hội, họ quốc hữu hóa của cải xã hội để vơ vét tài nguyên quốc gia vào tay gia đình và đảng phái của mình, có người còn áp dụng chính sách cha truyền con nối, bất chấp sự khổ cực của dân chúng.

Sự thua kém các quốc gia phương Tây vẫn còn nguyên vẹn và bất mãn của dân chúng trước hành vi tham nhũng của các viên chức chính quyền ngày càng lên cao.

Tiêu diệt đối lập

clip_image003

Tổng thống Tunisia, Zine El Abidine Ben Ali bị lật đổ sau hơn 20 năm cầm quyền

Tại Bắc Phi (Magreb) cũng thế, nhân danh chống các tổ chức khủng bố Hồi giáo, một số sĩ quan quân đội đã lên nắm chính quyền và áp dụng những chế độ độc tài đảng trị như Ben Ali tại Tunisia năm 1984 và Bouteflika Algeria (1999).

Khi nắm chính quyền, những người này cũng chỉ lo làm giàu cho gia đình và phe cánh mình, bất chấp sự nghèo khó chung của đất nước. Sự thua kém các quốc gia phát triển phương Tây không phải là ưu tư chính của các cấp chính quyền. Trí thức trong nước tiếp tục bị coi thường và báo chí bị cấm phát biểu.

Để củng cố quyền lực, các chế độ độc tài Ả Rập đều dựa vào quân đội. Vấn đề là sự trang bị và huấn luyện các lực lượng quân đội đều do các sĩ quan các quân đội Châu Âu, Nga và Hoa Kỳ đảm nhiệm.

Qua sự đào tạo này, những quân nhân Ả Rập không nhiều thì ít chịu ảnh hưởng bởi kỷ luật của người phương Tây mà họ hấp thụ, nghĩa là không dùng bạo lực để đàn áp dân chúng và không tiếp tay với tội ác.

Do đó, quân đội tại các quốc gia Ả Rập rất được lòng dân chúng và chỉ đảm nhiệm vai trò giữ gìn trật tự an ninh.

Khuyết điểm chung của các chế độ độc tài là tiêu diệt đối lập, cho dù là đối lập chính trị hay tôn giáo.

Đây là giải pháp giản dị nhất để bảo vệ quyền lực và quyền lợi; ít có chế độ độc tài nào nghĩ đến ngày họ bị mất chính quyền. Khi tai họa ập tới, tất cả đều đã muộn màng. Vì không có đối lập, không ai hướng dẫn và ngăn cản được những cuộc trả thù báo oán của đường phố.

Nạn nhân của những cuộc xuống đường là những cấp lãnh đạo cấp thấp, những công nhân viên chức địa phương. Những cấp lãnh đạo cao cấp đều đã bỏ chạy hay cất giấu tài sản tại những nơi an toàn.

Thông điệp từ những cuộc nổi dậy của người Ả Rập là các chế độ độc tài hãy nhanh chóng cải tổ xã hội, chấp nhận sự thành hình của những tổ chức đối lập và tạo công ăn việc làm cho giới trẻ.

Thực hiện được những mục tiêu này, mức sống của người Ả Rập sẽ được nâng cao, danh dự của họ sẽ được hồi phục và ổn định xã hội sẽ được tái lập.

Bài viết thể hiện cách hành văn và quan điểm của tác giả, một nhà nghiên cứu dân tộc học và hoạt động báo chí dân chủ tại Pháp.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/02/110223_nguyen_van_huy_comments

2. Mô hình «Đồng thuận Bắc Kinh» phá sản ?

Đức Tâm

clip_image004

"Đồng thuận Bắc Kinh": chủ nghĩa tư bản và độc đảng, công an trị

Phải chăng cái gọi là mô hình «Đồng thuận Bắc Kinh» đã đến ngày tàn? Đó là câu hỏi mà giới phân tích đặt ra, trước phong trào phản kháng trong thế giới Ả Rập hiện nay. Bên cạnh những bình luận, nhận định về nguyên nhân dẫn tới những cuộc nổi dậy tại Tunisia, Ai Cập, Libya, Yemen …thì còn có tranh luận về mô hình phát triển.

Từ nhiều năm nay, một số chuyên gia thường nói đến mô hình phát triển được gọi là «Đồng thuận Bắc Kinh». Mô hình này chủ trương phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa và duy trì chế độ một đảng duy nhất lãnh đạo. Tại nhiều nước đang phát triển, mô hình này được thể hiện cụ thể như sau: chủ nghĩa tư bản đi kèm với sự hiện diện của cảnh sát, mật vụ khắp nơi, một chế độ công an trị.

Các thành công về kinh tế của Trung Quốc, nơi mà đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo đất nước từ năm 1949 đến nay đã tạo thêm tính chính đáng cho mô hình này. Sau ba thập niên cải cách, phát triển, mở cửa kinh tế, Trung Quốc đã trở thành đối thủ đáng gờm của Hoa Kỳ về kinh tế và trong tương lai, cả về quân sự.

Đối với các chính thể chuyên quyền, độc đoán thì đây là giải pháp mầu nhiệm, phù hợp hơn là nền dân chủ «theo kiểu phương Tây» : Vừa phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập vào nền kinh toàn cầu, vừa duy trì được sự độc quyền lãnh đạo đất nước. Chính vì vậy, mô hình «Đồng thuận Bắc Kinh» đã được sao chép, áp dụng, tại nhiều quốc gia đang phát triển – hay còn gọi là các nền kinh tế phương Nam và kể cả Nga.

Thậm chí, một số chuyên gia Mỹ, châu Âu cũng tán dương, ca ngợi mô hình này. Năm ngoái, 2010, Giáo sư Stefan Halper, thuộc đại học Cambridge – Anh Quốc – còn có một tiểu luận nhan đề «Đồng thuận Bắc Kinh hay mô hình chuyên quyền Trung Quốc sẽ ngự trị thế kỷ XXI ra sao”. Theo vị Giáo sư này, mô hình «Đồng thuận Bắc Kinh» là một giải pháp khả tín, thay thế cho mô hình «Đồng thuận Washington». Trường hợp của Trung Quốc cho thấy là chỉ cần tự do kinh doanh đầu tư và độc đảng lãnh đạo, không cần phát triển các quyền tự do phổ cập khác của công dân.

Dường như thành ngữ «Đồng thuận Bắc Kinh» do nhà tư vấn người Mỹ Joshua Cooper Ramos nhào nặn ra vào năm 2004 để đối lập với cái gọi là «Đồng thuận Washington».

Mô hình «Đồng thuận Washington» được nói đến nhiều vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, đề cao phương thức lãnh đạo quản lý một cách dân chủ nhất, tự do kinh doanh đầu tư, tự do trao đổi thương mại quốc tế. Hoa Kỳ và đặc biệt là Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF, cổ vũ cho mô hình được coi là các bên cùng có lợi, phù hợp với nền kinh tế của các nước nghèo, đang phát triển, với nước Nga và các quốc gia Trung Đông Âu trong thời kỳ phi Xô viết hóa.

Theo phân tích của nhà báo Alain Franchon, trên báo Le Monde, thì tại Ai Cập, có lẽ chính quyền Mubarak cũng nghĩ như vậy. Thế nhưng, cuộc nổi dậy của giới trẻ Ai Cập tại quảng trường Tahrir – Giải phóng, ở thủ đô Cairo đưa ra một thông điệp rõ ràng : Mô hình «Đồng thuận Bắc Kinh» không phải là một giải pháp màu nhiệm, không bảo đảm ổn định chính trị trong tương lai, cho dù chế độ chuyên quyền có tạo thuận lợi phát triển kinh tế, nhưng không có gì chắc chắn là mô hình này mang lại hạnh phúc cho người dân. Nói tóm lại, những giá trị được quảng bá, tuyên truyền của mô hình «Đồng thuận Bắc Kinh», được thể hiện qua các chế độ bạo quyền của Ben Ali tại Tunisia, hay Mubarak tại Ai Cập, có những giới hạn của nó.

Báo Le Monde trích đăng xã luận của tờ Thời báo Matxcơva, «Bất kể những ồn ào mà các nhà phân tích chính trị đã gây ra vào năm ngoái liên quan đến việc mô hình dân chủ phương Tây bị mất ảnh hưởng và về sự vươn lên của mô hình chuyên quyền độc đoán (bao gồm Trung Quốc, Singapore, v.v.), lịch sử lại không đứng về phía chuyên quyền độc đoán, bởi vì theo định nghĩa, chuyên quyền độc đoán không có tính chính đáng và bản chất của nó là bất ổn định».

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn