Hai bài báo về nạn đói ở Bắc Triều Tiên

1. Bắc Triều Tiên: Cư dân nhiều nơi phải ăn cỏ dại vì đói

Mai Vân

clip_image001  

Hai cha con lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il và Kim Jong-un . REUTERS

 

Trong một bản thông cáo công bố ngày 23/02/2011, 5 tổ chức phi chính phủ Mỹ đã khẳng định Bắc Triều Tiên bị thiếu lương thực trầm trọng. Hậu quả là người dân ở một số nơi đã phải ăn cỏ để sống. Các tổ chức này kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn cấp giúp đỡ.

Theo các tổ chức phi chính phủ Christian Friends of Korea, Global Ressources, Mercy Corps, Samaritain's Purse và World Vision, nhóm chuyên gia của họ đã quan sát và ghi nhận những bằng chứng về tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu lương thực và nhiều người đị lượm nhặt cỏ dại.

Những hiện tượng này đặc biệt phổ biến nơi những gia đình sống nhờ vào hệ thống tem phiếu, phân phát lương thực của Nhà nước. Chịu hậu quả nghiêm trọng nhất do tình trạng thiếu lương thực hiện nay là các người già, trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ.

Các tổ chức nói trên đã gởi một ê kíp 7 chuyên gia đến Bắc Triều Tiên vào đầu tháng 02/2011. Trích dẫn số liệu của Chính quyền Bình Nhưỡng, họ cho biết là từ 50 đến 80% lúa mì và mạch, dự trù thu hoạch vào mùa xuân tới đây, kể như đã bị mất trắng do thời tiết lạnh giá.

Bên cạnh đó, do giá lương thực trên thế giới tăng cao, việc nhập khẩu ngày càng khó khăn để đảm bảo an toàn lương thực tại Bắc Triều Tiên. Nước này trong năm qua đã bị cô lập thêm, sau khi bị cáo buộc đánh chìm chiến hạm Cheonan của Hàn Quốc, và hành động gây hấn pháo kích vào một hòn đảo ở phía Nam.

Nguồn: Viet.rfi.fr

2. Biểu tình vì đói tại Bắc Triều Tiên

Minh Anh

clip_image002

Bình Nhưỡng mừng sinh nhật lãnh đạo Kim Jong Il, ngày 16/02/2011. Hai ngày trước đó, người dân tại 3 thành phố Jongju, Yongchon và Sonchon biểu tình vì đói. Reuters

Theo AFP, trích dẫn nguồn tin từ một tờ nhật báo của Hàn Quốc hôm nay, người dân Bắc Triều Tiên xuống đường biểu tình tại ba thành phố lớn, một điều hiếm thấy tại đất nước này, nhằm phản đối việc khan hiếm lương thực và điện.

Tờ nhật báo cho biết, biểu tình kéo dài trong vòng hai ngày trước khi diễn ra ngày lễ sinh nhật của nhà lãnh đạo Kim Jong-Il vào ngày 16 tháng 2 vừa qua, tại 3 thành phố Jongju, Yongchon và Sonchon thuộc tỉnh Pyongan, phía Tây của Bắc Triều Tiên.

Những cuộc biểu tình phản đối rất hiếm khi diễn ra ở chế độ cộng sản độc tài, được kiểm soát chặt chẽ. Những cuộc biểu tình được biết đến gần đây nhất là vào cuối năm 2009, khi chính quyền cho thực hiện cải cách tiền tệ, dẫn đến làm sụp đổ nền kinh tế của người dân.

Theo tờ Chosun Ilbo, Bộ trưởng An ninh quốc gia Bắc Triều Tiên đã cho mở cuộc điều tra về sự cố xảy ra vào trung tuần tháng Hai vừa qua. Tuy nhiên, ông đã vấp phải một bức tường im lặng.

Người dân cảm thấy bất bình khi điện bị cắt khá thường xuyên từ vùng của họ cho đến gần thủ đô Bình Nhưỡng, chỉ để thắp sáng thủ đô nhằm vinh danh sinh nhật của Kim Jong-Il. Không những thế, giá gạo trong nước tăng mạnh, người dân chịu đựng sự khan hiếm lương thực triền miên kể từ sau nạn đói lớn xảy ra vào giữa thập niên 90.

Các nhà quan sát cho rằng khó có thể xảy ra một phong trào nổi dậy giống như các phong trào đang diễn ra và làm rung động các nước Bắc Phi từ vài tuần qua, vì Bình Nhưỡng hạn chế đến mức tối đa mọi tiếp cận với thế giới bên ngoài.
Mới đây, một nghiên cứu do hai nhà nhà nghiên cứu Mỹ thực hiện cho thấy rằng trên 1.600 người Bắc Triều Tiên tỵ nạn được hỏi, một nửa trong số họ cho biết họ có thể tiếp cận các nguồn tin hay chương trình giải trí nước ngoài, nhiều hơn so với những năm 1990.

Dù sao đi nữa, đất nước vẫn còn thiếu những nhóm có khả năng quy tụ hay tổ chức một cuộc nổi loạn, ông Stephen Haggard thuộc Đại học Californie, San Diego phát biểu trong một buổi thuyết trình vào tháng Giêng vừa qua.

Ngoại trưởng Trung Quốc  đến Seoul về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên

Hôm nay, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì hiện đang có mặt tại Seoul nhằm trao đổi về việc nối lại đàm phán 6 bên để thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của họ.

Ông Dương Khiết Trì tuyên bố «sẽ cố gắng nối lại vòng đàm phán 6 bên này gồm các nước Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Nhật và Trung Quốc, nhằm vươn tới việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và bình thường hóa quan hệ giữa hai miền».

Theo Ngoại trưởng Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ làm việc với các nước khác, bao gồm cả Hàn Quốc nhằm mục đích «đạt được nền hòa bình, sự ổn định và phát triển» trên bán đảo Triều Tiên.

Các cuộc đàm phán này, diễn ra ở Bắc Kinh gặp thất bại kể từ tháng 12 năm 2008. Bình Nhưỡng đã chính thức rút lui ra khỏi cuộc họp vào tháng 4 năm 2009, một tháng trước khi tiến hành vụ thử bom nguyên tử thứ hai. Seoul, Washington và Tokyo cho rằng Bình Nhưỡng trước tiên phải nối lại đối thoại với Seoul, trước khi diễn ra vòng đàm phán 6 bên.

Ban đầu, chuyến viếng thăm của ông Dương Khiết Trì được dự trù vào tháng 11/2010, nhưng đã bị dời lại sau vụ Bắc Triều Tiên pháo kích vào một hòn đảo của Hàn Quốc làm 4 người thiệt mạng.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn