Hiệu ứng domino có lan tới Bắc Hàn?

Nick Ravenscroft

BBC News, Seoul

clip_image001

Mọi sự khởi đầu ở bên kia thế giới, vào ngày 17/12/2010, khi một người thất nghiệp tức giận tự thiêu vì cảnh sát ngăn cản ông ta bán rau trên hè phố.

Đầu tiên là Tunisia. Rồi tới Ai Cập. Sau đó là Iran, Yemen, Jordan, Bahrain, Algeria, Morocco và nay - Libya, nơi có đổ máu nhiều nhất. Ở một số quốc gia là cách mạng, ở một số nơi khác là nổi dậy hoặc biểu tình của người dân.

Giữa các quốc gia liệt kê ở trên có một số điểm chung, đó là ban lãnh đạo chuyên quyền, nắm chức vụ nhiều thập niên; đàn áp chính trị, và tình hình kinh tế khó khăn đối với hàng triệu người đang phải tìm cách nuôi sống gia đình khi không có việc làm, hoặc có mà lương bổng bèo bọt, trong lúc giới thượng lưu sống trong xa hoa.

Tất cả những điểm trên đều tồn tại ở Bắc Hàn.

Vậy thì liệu làn sóng nổi dậy lật đổ trật tự cũ có thể lan truyền qua hơn 5.000 dặm đường tới đất nước độc tài cô lập này?

Gia đình trị

Bắc Triều Tiên nằm dươi sự lãnh đạo tuyệt đối của Kim Jong-il, người thừa hưởng quyền hành từ cha của mình, Kim Il-sung, mà vĩnh viễn được dân Bắc Hàn gọi là Chủ tịch.

Thế hệ kế tiếp của gia đình ông Kim đang được chuẩn bị để điều hành đất nước trong thập niên thứ sáu.

Bất đồng chính kiến bị dập tắt thẳng thừng. Hàng chục nghìn (có thể hàng trăm nghìn) tù chính trị ở các trại giam trên toàn quốc là minh chứng cho điều đó.

Ngoại trừ quân đội và các thành viên Đảng Lao động cầm quyền, đa số dân chúng khổ sở kiếm ăn từng bữa.

Người đào tẩu khỏi Bắc Triều Tiên vẫn còn kể lại các câu chuyện về việc người dân đi nhặt cỏ dại về nấu ăn khi lương thực đã cạn.

Chương trình Lương thực Liên Hiệp Quốc đang xem xét tình trạng thiếu đói ở quốc gia này.

Dường như Bắc Triều Tiên đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng. Nhưng cách mạng có thể xảy ra được hay không?

Một tờ báo xuất bản tại Nam Hàn vừa trích nguồn từ miền Bắc cho hay đang xuất hiện một số cuộc biểu tình nhỏ tại nước này. Người dân được nói dùng loa tự chế để hô vang các khẩu hiệu đòi có gạo và điện.

Kiểm soát thông tin

Một hãng thông tấn Nhật Bản thì nói chính quyền Bình Nhưỡng đã ngừng cho người nước ngoài tới Bắc Hàn thuê điện thoại di động vì sợ thông tin về biểu tình ở Trung Đông lan truyền tới đây.

Với lượng thông tin ít ỏi truyền đi từ Bắc Hàn, khó có thể kiểm chứng được các thông tin trên.

Tuy nhiên hầu hết các suy đoán đều cho rằng một cuộc nổi dậy ở Bắc Triều Tiên giống như ở các nước Ả rập là điều khó xảy ra.

Hyun In-taek, Bộ trưởng Nam Hàn chyên trách quan hệ với miền Bắc nói: "Tôi cho là người dân Bắc Hàn vẫn còn chưa biết tin tức (về các sự kiện mới đây ở Bắc Phi)".

"Truyền hình miền Bắc không đưa tin và người dân lại không sử dụng internet".

clip_image002

Truyền hình nhà nước chỉ đưa các thông tin có tính tuyên truyền

Không có diễn đàn Facebook cho người biểu tình. Không có truyền hình Al Jazeera chiếu cảnh bạo động trên đường phố trong lúc hết nước này tới nước kia rơi vào vòng xoáy của hiệu ứng dây chuyền.

Thay vào đó, truyền hình nhà nước Bắc Triều Tiên tiếp tục phát các bài ca chiến đấu, tuyên truyền chống phương Tây và chi tiết về cuộc viếng thăm gần đây nhất của lãnh tụ Kim tới thăm một nhà máy hay nông trang.

Thế nhưng cũng có một số thông tin rò rỉ đi cùng những người vượt biên lậu qua biên giới với Trung Quốc, hay một số người nghe lén đài truyền thanh của nước ngoài.

Những người chống đối chế độ Bắc Triều Tiên hiện đang ở Nam Hàn vẫn hay thả bóng bay qua đường biên để phát tán truyền đơn đả kích ông Kim. Người nào ở miền Bắc bị bắt với truyền đơn trong tay sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.

Khó dự đoán

Trong một đất nước mà người dân phải dựa vào nhau để lấy thông tin thì phải là người dũng cảm hoặc bất cẩn lắm mới tìm cách phổ biến tin tức về biểu tình ở Trung Đông.

Bắc Hàn có số quân nhân cao nhất thế giới tính theo đầu người. Sự trung thành của quân đội với ông Kim sẽ là điều kiện quyết định những gì xảy ra ở Bắc Phi có thể xảy ra ở đây hay không.

Tin cho hay rằng nếu tình trạng thiếu lương thực tiếp diễn thì có thể cả binh lính cũng bắt đầu bị đói.

Nhưng đây là chuyện viễn tưởng hay có thể thành hiện thực?

Kể từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953, một số chuyên gia về Bắc Triều Tiên đã tiên đoán quốc gia này sẽ nhanh chóng sụp đổ nhưng điều này đã không xảy ra.

Hiện tại, không có chỉ dấu gì là những diễn biến mới ở Bắc Phi và Trung Đông có thể dẫn tới hiệu ứng ở Bắc Hàn.

Mà các chính quyền mới bị lật đổ đó, tuy bị cho là đàn áp người dân, còn tốt hơn Bắc Triều Tiên nhiều lắm.

Mới vài tháng trước đây, có ai nghĩ là các cuộc biểu tình ở các nước Arập có thể đi xa tới mức này.

Bởi vậy, nếu có biểu tình lật đổ ở Bắc Hàn thì không phải chuyện viễn tưởng. Nhưng vẫn cứ khó xảy ra.

NR

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn