Hai bài viết đi tìm cùng một nguyên nhân, thông qua một hiện tượng: cụ Rùa đang ngày đêm chờ cứu

Nhân chuyện cụ Rùa Hồ Gươm đang mỏi mắt chờ biện pháp cứu cấp, có hai bài báo cùng đề tài, có nhiều gợi ý hay, nhằm đi tìm bệnh trạng của người Việt hiện nay đã khiến không chỉ ca bệnh cụ Rùa mà nhiều ca bệnh thập tử nhất sinh khác ở Việt Nam đang rơi vào bế tắc. Chúng tôi không dám lạm bàn về bài báo thứ hai vốn đặt những vấn đề rất rộng, bởi nếu xét một cách rốt ráo, thì biện pháp đáng làm nhất mà bài báo đó đặt ra, là đối với mấy vị phát biểu đầy sự chững chạc tự tin – chứ không riêng gì những kẻ gây tai nạn trực tiếp – trong vụ tai nạn giao thông cầu Ghềnh vừa qua, hay các vụ tai nạn tương tự hoặc còn ghê gớm hơn xảy ra mấy năm gần đây (bán rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ; lũ lụt miền Trung liên tiếp; mua dâm gái vị thành niên; Vinashin; nhận hối lộ nước ngoài làm Việt Nam mất mặt...) đều đáng được mời rời khỏi chiếc ghế họ đang ngồi nếu tự họ thấy vẫn cứ nên ngồi lại, để khỏi hổ thẹn cho dân, trong tinh thần chịu trách nhiệm của người phụ trách. Nhưng chúng tôi không dám bàn đến điều mà ở Việt Nam chưa có tiền lệ; vả chăng, chúng tôi cũng hơi có phần sợ oai của một ông đã từng giơ tay quắc mắt trước Quốc hội mà nói “Nếu cán bộ CP làm sai mà cách chức hết đi thì bầu sao kịp?”. Vì vậy, đành chỉ giới hạn Lời bình này vào bài thứ nhất, vì bài đó đặt một vấn đề hẹp và cụ thể đáng bàn.

Khi được biết tin cụ rùa Hồ Gươm từ hàng tháng qua lâm tình trạng sống dở chết dở, đang ngày đêm chờ đội ngũ quan chức và các vị chuyện gia bàn bạc cách cứu mình mà mãi đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh, GS Nguyễn Văn Tuấn bức xúc nhắc đến căn bệnh hình thức đã ăn sâu vào phế phủ (cao hoang) ở nước ta. Nói như thế có vẻ rất đúng, nhưng ngẫm lại thì phải chăng ý kiến ông cũng là... hình thức? Thử nghĩ, hiện nay, ai quan tâm đến tính mạng cụ Rùa? Ông Chủ tịch và Bí thư thành phố HN chăng? Hay mấy ông chức quyền còn cao hơn nữa chăng? Dám chắc với GS Tuấn, một cuộc xóc thẻ hay cầu cúng nào đó ở một cái đền được gọi là “linh” với các vị ấy còn đáng quan tâm gấp vạn lần cụ Rùa của chúng ta, vì những chuyện cầu cúng kia rõ ràng liên quan chặt chẽ đến chiếc ghế của các vị (cứ nghe dân gian đồn về ông này ông kia là đủ biết), còn cụ Rùa thì gắn bó với truyền thống tinh thần của đất nước đến trở thành huyền thoại thật đấy, nhưng GS tính, đất nước hiện nay là của chung, còn có ai lo cho nào? Lớp người chiến đấu oanh liệt cho sự mất còn của đất nước thì đều đã chết; những ai may mắn trở về không chết cũng già lắm rồi. Thế hệ vàng đã ra đi hầu hết. Đất đai của dân khắp từ Bắc chí Nam thì đã được “quy hoạch” phân lô bán giá cao gần sạch, một vài người như bà Ba Sương lại đang nếm cơm tù. Rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ cũng đã bán xong. Chỉ còn lớp sòn sòn hiện nay, những thanh niên có chút chí khí, mới chỉ viết mấy câu “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” đã lần lượt bị đuổi, bị tóm, bị thẩm vấn, bị bắt vào tù. Còn lại anh chị nào, muốn yên thân và muốn tiến thân thì có con đường nào hơn là lo tranh nhau kiếm chút danh để rồi kiếm chút ghế... Vậy thì họ còn làm được gì hơn là mắt trước mắt sau mà lựa lời ăn nói? Cứ nói, cứ bàn, trăm phương nghìn kế cũng chẳng sao nhưng hăng hái xông ra bảo vệ cụ Rùa ngay thì biết đâu lại có kẻ trừng mắt lên: Việc gì đến anh mà anh đi vác tù và hàng tổng? Thế có phải là miếng cơm chưa kịp nuốt đã mắc lại trong cổ họng hay không?

Cái tình trạng bàn thảo hết ngày nọ đến ngày kia mà không quyết được chẳng phải là gốc từ đấy mà sinh ra ư? Nói ra thì rầu chứ đã đến lúc quân hồi vô phèng vì cả nước nào còn ai giữ được niềm tin nữa, bởi, biết tin vào ai mới được chứ! Chỉ có cách là giữ lấy túi tiền đối với những kẻ có tiền, giữ lấy chiếc ghế đối với những kẻ có ghế, còn ai không có gì thì hãy giữ lấy mình. Đấy, theo chúng tôi đó mới là thực chất của cái gọi là bệnh hình thức, thưa GS.

Bauxite Việt Nam

Bài 1 - Bệnh họp và bệnh hình thức làm khổ cụ Rùa

Nguyễn Văn Tuấn

clip_image002Tin tức dồn dập trên mặt báo cho thấy sức khỏe của cụ rùa Hồ Gươm đang ở tình trạng khá nghiêm trọng. Có người cho rằng cụ đang “lâm nguy”. Nhưng nhìn kiểu cách các quan chức và nhà khoa học “đầu ngành” nước ta hành xử, tôi phải nói là ngao ngán và chán ngán.

Để hiểu tại sao tôi cảm thấy ngao ngán, xin nhắc lại một chuyện xảy ra cũng mới đây. Năm ngoái, khi mấy cụ cá voi lâm nạn (bị thương), trôi dạt vào bãi biển Úc, lập tức, một nhóm tình nguyện cùng với một nhóm chuyên gia của Sở Môi trường đã có mặt ngay tại bãi biển trong vòng vài giờ đồng hồ, và họ ra tay cứu nguy và chữa trị ngay tại hiện trường. Sau đó, họ đưa mấy cụ cá voi ra ngoài biển an toàn. Không có sự chỉ đạo nào của Chính phủ. Không có hội họp. Không có ngồi một chỗ mà bàn chuyện vớ vẩn ai cũng đã biết.

Đối chiếu cách làm trên với cách làm của các quan chức Hà Nội khi đương đầu với tình trạng cụ rùa Hồ Gươm tôi thấy thật là khác, có cái gì đó rất Việt Nam ngày nay. Không nói ra, ai cũng biết cụ Rùa Hồ Gươm có một giá trị tâm linh đặc biệt. Rùa là một trong 4 linh vật (long, lân, qui, phụng) trong văn hóa ta. Nếu truyền thuyết Lê Lợi trao trả thần kiếm đúng, thì cụ rùa có tuổi cả ngàn năm! Nghe nói trước đây, Hồ Gươm có 4 cụ rùa, nhưng 2 cụ đã chết (một cụ chết vì bệnh vào năm 1967, một cụ chết vì dân Hà Nội [ngàn năm văn hiến?] bắt làm thịt vào năm 1962 hay 1963). Ngày nay Hồ Gươm chỉ còn 2 cụ rùa, và được xếp vào loại động vật quí hiến. Nói tóm lại, dù nhìn dưới khía cạnh nào thì cụ rùa Hồ Gươm hiện nay có giá trị đặc biệt, và cần phải quan tâm.

clip_image003

Vết thương mới ở cổ và mai được ghi nhận vào cuối tháng 12/2010 khiến các nhà khoa học vô cùng lo ngại về sức khỏe của cụ rùa Hồ Gươm. Ảnh: Vũ Long.

Đã gần 2 tuần qua tin tức và hình ảnh cho thấy một trong 2 cụ rùa Hồ Gươm đang mắc bệnh. Mắc bệnh nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng của cụ. Ấy thế mà nhà chức trách chẳng có động thái nào thiết thực để chữa trị hay cứu cụ. Thay vì làm một cái gì thiết thực, họ hành xử một cách quan liêu, hình thức hóa vấn đề, theo vết xe cũ, tư duy thụ động. Cũng có thể nói đó là một cách làm để lảng tránh trách nhiệm (hay không dám lãnh trách nhiệm).

Trước tình trạng nghiêm trọng của cụ rùa, các quan chức tổ chức hội nghị khoa học! Cả mấy chục chuyên gia “đầu ngành”, nào là Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Bác sĩ cao cấp, tụ tập về Hà Nội để bàn chuyện cứu cụ Rùa. Như có thể kì vọng được, hễ có 9 người thì chắc chắn có ít nhất là 10 ý. Chẳng ngạc nhiên khi người ta đề xuất lấy mẫu DNA, gắn chíp điện tử, tắm thuốc, giải phẫu, v.v… để chữa trị cho cụ Rùa. Lại còn có những tham luận giảng cho chúng ta biết rùa Hồ Gươm quí hiếm như thế nào, chủng loại gì, giá trị sinh học ra sao, v.v… Trời! Chẳng lẽ ở thời điểm này mà chúng ta cần những thông tin nền như thế hay sao? Học sinh tiểu học lên mạng cũng có những thông tin đó, chứ ai cần đến Giáo sư Tiến sĩ nói.

Nhiều phương án di chuyển và chữa bệnh cho cụ Rùa được các nhà khoa học đưa ra. (Ảnh TT)

Điều đáng chú ý là họ chỉ ngồi trong phòng máy lạnh mà nói, chứ chẳng đi thực tế. Họ chỉ dựa vào hình ảnh trên báo chí để phán nào là viêm phổi, lây lan, do rùa tai đỏ, ô nhiễm (thừa!), v.v. Họ (nếu là nhà khoa học) quên rằng “if you want to assess something, measure it”. Không có xét nghiệm và đo lường mà chỉ phán như thế thì có khác gì người mù sờ voi? Báo TT&VN có một bài rất chí lí khi đặt tựa đề là “Ngồi trên bờ chẩn bệnh cụ Rùa”! Quan liêu hết biết!

Trong tất cả ý kiến, tôi chỉ thấy ý kiến của bác sĩ Ferando là thực tế nhất. Theo ông Ferando, cần khoanh một vùng hồ để điều trị cho cụ Rùa, và trong thời gian điều trị thì phải làm sạch Hồ Gươm. Để xem các nhà chức trách sẽ làm gì. Nhưng hội nghị đã xong mà đến nay vẫn chưa thấy tin tức cho thấy họ làm gì! Hôm nay thấy tin trên báo chí cho biết phải chờ đến tháng 3 (ngày nào?) thì Sở Môi trường mới bắt tay vào cứu cụ Rùa.

Mới đêm qua, đọc tin thấy họ đã chuyển sự việc sang Sở Khoa học và Công nghệ. Đây là một kiểu đùn đẩy trách nhiệm. Không loại bỏ khả năng Sở KHCN sẽ đưa vấn đề lên Bộ KHCN, và Bộ sẽ chuyển qua Bộ Nông nghiệp hay Bộ gì đó, và cuối cùng thì chẳng có “outcome” nào cả. Còn nhớ trước đây một nhà nông học bị chết chỉ vì đùn đẩy từ bệnh viện nay sang bệnh việc khác – nhân danh tiêu chuẩn! Thật là dã man.

Tôi thấy ở nước ta có một cái bệnh: đó là bệnh hình thức. Hình thức họp. Cái gì cũng họp. Người ta nghĩ họp là hình thức lấy ý kiến của tập thể, của chuyên gia. Người ta giả định rằng tập thể thì hơn cá nhân (nhưng tôi nghi ngờ điều này, nhất là trong trường hợp khẩn cấp). Tập thể cũng là một cách trốn tránh trách nhiệm. Ấy, tôi đã tổ chức họp rồi đấy nhé, có tất cả chuyên gia “đầu ngành” (chẳng biết thế nào là “đầu ngành”), tất cả ban bộ ngành rồi đó nhé, nếu chẳng may có chuyện gì bất trắc xảy ra, tôi không có trách nhiệm; tất cả phải chịu trách nhiệm.

Chỉ việc đơn giản cứu cụ Rùa mà cũng họp. Mà lại họp quốc tế! Tại sao những người có trách nhiệm không điện thoại tham vấn các chuyên gia thứ thiệt (không phải chuyên gia chỉ có danh hiệu mà thực chất là dỏm) trong và ngoài nước để hành động. Chỉ cần điện thoại, chỉ cần đến tận nơi tham vấn, chứ cần gì đến hội nghị quốc tế? Họp hành thì phải tốn tiền. Có thể tốn nhiều nữa là đằng khác, vì phải bao thư, phong bì cho các diễn giả, vé máy bay cho chuyên gia ngoại quốc. Chẳng biết có ai nghĩ đến “cost-benefit” về cái hội nghị đó chưa? Cost là tốn tiền, benefit là đem lại lợi ích gì cho cụ Rùa? Khi nào chưa có phân tích này thì cái hội nghị đó vẫn là một câu hỏi lớn.

Nói đến bệnh họp và hình thức tôi nhớ đến vài kinh nghiệm cá nhân. Mấy chục năm trước, tôi được cấp một bằng khen, người ta có hẳn một quyết định, rồi có một buổi họp để trao bằng. Trong buổi họp, người ta đọc nguyên văn quyết định (như “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập – tự do – hạnh phúc, căn cứ vào…, quyết định… điều 1… điều 2… thay mặt kí tên”). Nghe rất trịnh trọng. Nhưng nghĩ kĩ thì có cái gì đó quá buồn cười. Tại sao không đơn giản bằng một lá thư và trao bằng? Cần gì đến quyết định này nọ?

Cái bệnh hình thức ở nước ta đã trở thành bệnh truyền nhiễm và lây lan sang bệnh thanh tra. Ngành nào cũng họp và lập hội đồng khi gặp phải một tình huống tế nhị. Còn nhớ trước đây, hai anh nông dân ở Đồng Nai chế máy bay trực thăng, một hobby rất bình thường. Ấy vậy mà người ta phải tổ chức cả đoàn chuyên gia đến thanh tra. Thành viên của đoàn thì nào là Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Kĩ sư, tướng, tá, v.v. Đọc bản tin đó tôi không thể nào tin được đó là sự thật. Tại sao người ta phí phạm nhân lực đến như thế? Nên nhớ rằng các vị trong đoàn thanh tra chưa ai chế tạo được máy bay, nên chưa chắc họ có tư cách để thanh tra hai anh chàng nông dân. Ngay cả trong khoa học cũng mắc bệnh hình thức. Chỉ có một đề cương đơn giản mà cần đến 8 người để “phản biện”, dù phần lớn những người phản biện không am hiểu lĩnh vực nghiên cứu! Thật là phí phạm thời gian và nhân lực!

Tôi nghĩ cần phải có một biện pháp lâu dài. Trước hết, việc làm tổng vệ sinh Hồ Gươm là rất cần thiết. Tôi từng dạo quanh Hồ và thấy rất dơ bẩn. Nam thanh nữ tú ngồi quanh hồ hóng gió, hun hít nhau, ăn uống rồi vứt rác xuống hồ. Họ làm như thế hết sức… vô tư. Tôi chưa thấy người ta câu cá, nhưng nghe nói là có người câu cá dưới Hồ. Nhưng nói chung là Hồ Gươm dơ bẩn, chứ không phải như thấy trong các bưu thiếp quảng cáo. Tôi vẫn thấy khó tin là một cái hồ mang tính biểu tượng như thế mà hình như các giới chức chẳng mấy ai quan tâm. Thật là xấu hổ khi bị một người nước ngoài đề xuất cái ý hiển nhiên là làm vệ sinh Hồ Gươm. Theo tôi, việc làm tổng vệ sinh đáng lẽ phải là việc hàng năm. Tại sao không phát động “Ngày vệ sinh Hồ Gươm” hàng năm? (Ở Úc, người ta có ngày Clean Up hàng năm với sự tham gia của hàng chục ngàn người). Một ngày vệ sinh như thế chẳng những làm sạch Hồ mà còn nhắc nhở người dân về biểu tượng và giá trị tâm linh của cụ rùa Hồ Gươm. Thứ hai là phải liên kết với các chuyên gia về rùa ở nước ngoài để tham vấn họ. Tôi chỉ cần google một vài giây là ra ngay một danh sách chuyên gia trong cuốn sách này. Mình không rành chuyện thì hỏi người khác (và cũng chẳng cần phải có văn bản hay quyết định gì để hỏi họ đâu).

Cách làm của giới chức trách Hà Nội rất khác với Sydney. Ở Sydney, họ đâu có cái xa xỉ thời gian và nhân lực để tổ chức hội nghị như ở ta. Có lẽ Hà Nội là thành phố giàu có hơn Sydney nên có nhiều tiền để tổ chức hội nghị quốc tế trong lúc cụ rùa lâm nguy. Kiểu làm việc quan liệu, hình thức, đùn đẩy trách nhiệm chẳng những sẽ còn làm cho cụ Rùa khổ dài dài, và sẽ làm cho VN chậm hội nhập với quốc tế.

N. V. T.

Nguồn: Nguyenvantuan.net

Bài 2 - Phát ngôn & Hành động: Rào cản, bất cập và… loay hoay!

Kỳ Duyên

Năm Tân Mão đã bước những bước đi đầu tiên. Khát vọng một năm mới có chữ Tân (mới) với xã hội chúng ta là gì nếu không phải là sự phát triển? Nhưng xã hội phát triển, thăng hoa hay tụt hậu, từ chuyện lớn quốc kế dân sinh đến sự sống của một sinh linh… lại tùy thuộc ở yếu tố quyết định - con người. Phát ngôn & hành động đầu năm mới mong muốn gửi tới bạn đọc những suy cảm, những lo âu và day dứt về người Việt chúng ta.

Cần phát triển lại... rào cản

Ngày 9-2-2011, VietNamNet có bài viết: Thư gửi tân Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - ông Tô Huy Rứa, người nắm giữ khâu trọng yếu quyết định sức mạnh và năng lực lãnh đạo đất nước - đội ngũ cán bộ quản lý các cấp.

Nội dung bức thư của tác giả Quốc Thái đặt ra một loạt những câu hỏi, nhưng là để cuối cùng có một cái kết trả lời ở thực tiễn cho dân an. Đó là làm thế nào đất nước có được một đội ngũ cán bộ cốt cán, quản lý có tầm, có tâm, vì lợi ích dân tộc, lợi ích nhân dân mà hành động? Những câu hỏi đó, xuất phát từ một nỗi lo thường trực, một thực trạng lâu nay -  nhiều cán bộ không những chưa đóng vai trò động lực thúc đẩy xã hội, mà thậm chí có đôi lúc còn là rào cản của sự phát triển.

Lá thư ngắn, nhưng kỳ vọng lớn. Đó cũng chính là kỳ vọng của người dân.

Xã hội ta từng chứng kiến những thăng trầm về tư duy cán bộ.

Trong kháng chiến chống ngoại xâm, người ta coi trọng lý lịch, thành phần gia đình, đến mức thành niềm tin - "người bị bóc lột nhất là người triệt để cách mạng nhất".

clip_image005

Không ai phủ nhận được sự đóng góp của nhiều thế hệ lãnh đạo này trong kháng chiến. Rất nhiều người thực chất đã sống trong sáng, vì lý tưởng thật sự - yêu nước, yêu dân tộc, sống xả thân. Không ít người trong số họ, ngay cả khi hưu trí vẫn sống một cuộc đời thanh đạm. Nếu không có họ, không có nhân dân đi theo họ, dân tộc Việt Nam sao có tự do, độc lập?

Rồi giai đoạn "phá" đi qua, giai đoạn "xây" đã tới. Nhưng không phải "người anh hùng thời đại" nào cũng phù hợp với thời đại mới, với một tư duy tương thích, bởi non sông dễ đổi, bản tính khó dời. Lối tư duy mang nặng ý thức hệ đã để lại không ít hệ lụy, làm thiệt thòi, lãng phí không ít những tài năng lẽ ra có thể giúp ích cho đất nước, cho đời.

Công cuộc đổi mới buộc tư duy về cán bộ cũng thay đổi - đó là cán bộ phải được đào tạo, có học thức. Đến mức, Thủ đô từng manh nha chủ trương 100% cán bộ cốt cán phải là Tiến sĩ.

Thế nhưng, tiêu chí mới này lại tạo ra hệ lụy khác - sự học rởm, bằng thật. Người ta đổ xô đi làm cao học, Tiến sĩ để lên chức. Và khi kinh tế thị trường càng phát triển, trong xã hội người ta càng thì thào về một cái chợ âm - dương, ở đó chỉ có mỗi mặt hàng được mua bán - bằng cấp, chức tước. Cái chợ đó không trông thấy, vì không ai biết người mua, kẻ bán là ai, dù nó diễn ra quanh năm. Chỉ có kẻ mua, người bán biết nhau, và tiền mua đích thị không phải hàng vàng mã.

Thực trạng cán bộ ấy, xét cho cùng, dù đã gắng thay đổi, nhưng cốt lõi vẫn là tư duy lựa chọn cán bộ hình thức, quá coi trọng bằng cấp, hư danh. Cách tuyển chọn vẫn chưa đặt tài năng, giá trị và năng lực thực chất con người lên hàng đầu. Thời kia là sự hẹp hòi của bệnh ý thức hệ, thời này là sự hời hợt của bệnh bằng cấp. Khi tư duy về cán bộ trì trệ, sự phát triển xã hội khó mà nhanh.

Đến nỗi, nhiều nhà lãnh đạo lão thành, trước vận mệnh quốc gia đã phải tha thiết: "... Đề nghị chọn vấn đề tổ chức và cán bộ làm khâu đột phá... mà đòi hỏi trước hết là một sự thay đổi lớn về nhận thức và tư duy chọn người".

Có lẽ quá hiểu thực trạng này mà mới đây, tại Hội nghị triển khai kế hoạch bầu cử  đại biểu QH và HĐND, 10/2, Tổng Bí thư - ông Nguyễn Phú Trọng đã phải lưu ý: "Con người là khâu trung tâm. Nên kết hợp thật hợp lý giữa tiêu chuẩn và cơ cấu. Từ tiêu chuẩn mà xây dựng cơ cấu. Chứ không nên quá chú trọng cơ cấu mà quên tiêu chuẩn".

Tiêu chuẩn đã quan trọng. Cách tuyển chọn cũng quan trọng không kém. Bởi như chính Tổng Bí thư đã chỉ ra: "Cuộc bầu cử phải diễn ra dân chủ, đúng pháp luật. Tránh dư luận nhân dân cho rằng có thể đi bầu hộ, một người bầu cho cả gia đình, hoặc chuyện đi bầu chỉ là hình thức vì đã chọn sẵn từ trước".

Chỉ hi vọng rằng, bước vào năm Tân Mão - năm của canh tân, cũng sẽ có sự canh tân thực sự trong tư duy tuyển chọn cán bộ, mà tóm gọn lại là: CÔNG KHAI, DÂN CHỦ, dựa trên thước đo là năng lực và hiệu quả công việc thực tế - như góp ý tâm huyết của nhiều nhà lãnh đạo lão thành và định hướng của người đứng đầu Đảng.

Cần "rào cản" lại... bất cập

Như đã thành lệ, tối Giao thừa Tết Tân Mão vừa qua, hàng triệu khán giả lại say sưa trước màn ảnh nhỏ theo dõi VTV với chương trình “Gặp nhau cuối năm” khá đặc sắc của các Táo quân, trước khi tiễn năm cũ, đón xuân mới.

Tại tiết mục Táo Idol năm nay, Táo Giao thông (nghệ sĩ Chí Trung) đã làm khán giả cười ngả cười nghiêng về sự hóm hỉnh, sự ngụy biện cãi chày cãi cối của ngành giao thông trước những yếu kém, bất cập của ngành mình.

Nhưng ngay tối mùng 4 Tết Âm lịch Tân Mão, có bao nhiêu người dân ở Đồng Nai đã phải khóc, và hàng triệu người dân cả nước đã bàng hoàng trước tai nạn giao thông đường sắt thảm khốc giữa tàu hỏa và 6 chiếc xe ô tô ở cầu Ghềnh (Đồng Nai), làm 2 người chết, 26 người bị thương. Quả là giữa sân khấu và cuộc đời, bao giờ cũng cách nhau rất xa, thậm chí trái ngược - như nụ cười và nước mắt vậy!

Tai nạn thảm khốc ấy là trái đắng của thói làm việc vô trách nhiệm, sự coi thường luật giao thông... tiếc thay đã thành mãn tính của người Việt Nam. Tại anh, tại ả, tại cả mọi bên.

Những nhân vật chính của vụ việc rồi đây sẽ phải đối mặt với pháp luật: Đó là Nguyễn Văn Túy (lái tàu chính), Nguyễn Xuân Phú (lái tàu phụ của đoàn tàu SE2), 4 nhân viên gác chắn: Bùi Văn Thuấn, Nguyễn Văn Lương, Trần Văn Thời, Trần Viết Hải, nhân viên bảo trì đèn tín hiệu giao thông đường sắt - Tô Quang Toán, tài xế taxi Trần Minh Châu. Riêng tài xế Nguyễn Quốc Hùng - điều khiển xe taxi BKS 56K - 9697 - còn đang được cơ quan chức năng thu thập thêm chứng cứ để xem xét hành vi vi phạm pháp luật của vị này.

clip_image007

Vụ tai nạn tại cầu Ghềnh được lãnh đạo ngành đường sắt cho là 'sự cố hy hữu''

Thế nhưng, còn con đường sắt "ăn nằm" với đường ô tô ở cầu Ghềnh, đang chềnh ềnh ra đó, và ai dám bảo đảm rằng nó sẽ không tiếp tục sinh tai nở nạn, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm đây? Khi mà công nghệ thì lạc hậu, thái độ làm việc của cán bộ, nhân viên tắc trách, tùy tiện? Chẳng lẽ, ngành giao thông vận tải hoàn toàn vô can? Như lời ráo hoảnh, và nhẫn tâm của Táo Giao thông trong Táo Idol: "Anh nào cố tình đi sai luật, cho... đâm chết luôn!". Khổ thay, vụ tai nạn này "Không chết người trai cầm tay lái. Mà chết người vô tội ngồi sau!"(ý thơ Hữu Loan).

Vậy nhưng, tại cuộc họp báo sau đó, ngày 9-2, trả lời báo giới, ông Nguyễn Văn Doanh, Cục phó Cục Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) khẳng định, đó chỉ là "sự cố hy hữu". Và giống như Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên từng trả lời trước đây về các bể chứa bùn đỏ: "Về lý thuyết mà nói, là an toàn...", nay Cục phó Cục Đường sắt Nguyễn Văn Doanh cũng khẳng định kiểu lý thuyết: "Nếu tất cả các khâu vận hành trơn tru sẽ không có tai nạn".

Nhưng thực tiễn rất ít khi dành chỗ cho cái chữ "Nếu" mong manh, thưa bác Nguyễn Văn Doanh! Mà thực tiễn luôn biến động, luôn xảy ra những tình huống phải giải quyết, nhất lại là giao thông. Thực tiễn ấy đòi hỏi cái đầu (tư duy) của người làm giao thông phải... đi trước, chứ không phải 2 cái chân.

Và sự cố cầu Ghềnh có phải hãn hữu không? Tiến sĩ Trần Đình Bá, trong một bài viết về thảm họa cầu Ghềnh trên Tuần Việt Nam đã nêu rõ: "Chưa có nơi nào trên thế giới, thảm họa quốc gia về giao thông giữa ĐS và đường bộ hàng ngày xảy ra như ở Việt Nam: Tàu hỏa tông xe chở đám cưới, tàu hỏa tông xe cựu chiến binh đi du lịch, tàu hỏa tông xe tải, tàu hỏa tông vào xe gắn máy, tàu hỏa tông vào xe công nông, tàu hỏa tông ô tô chở khách làm chết hàng chục người ..."

Vậy mà Cục phó Cục Đường sắt Nguyễn Văn Doanh, trả lời về trách nhiệm của quản lý Nhà nước, lại chỉ thấy ở... người thi hành, không thấy người quản lý đâu cả: "Người thi hành nếu không thực hiện quy định thì sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật".

Điều không thể hiểu nổi, say sưa "đi tìm giá trị ảo trong siêu dự án ĐSCT 56 tỷ USD" (TS Trần Đình Bá), mà đội ngũ cán bộ có trình độ nghiên cứu khoa học không ít - 300 Tiến sĩ - thì khi sự rệu rã của giao thông đường sắt đã nhãn tiền,  Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng mới chỉ hứa hẹn: "Vấn đề này đang được nghiên cứu".

Lại nhớ đến cái điệp khúc của Táo Giao thông khi đang làm những động tác say sưa - đào bới những con đường tử thần: "Em có một ước ao / Em có một khát khao: Làm giao thông. Làm giao thông..."

Thì nhân dân cũng chỉ muốn gửi tới ngành giao thông vận tải một điệp khúc khác: "Dân có một ước ao/ Dân có một khát khao: Đừng mất bò mới lo làm chuồng. Đừng chết người mới lo làm đường. Ngành giao thông, ngành giao thông..."

Cần khẩn thiết thì...loay hoay

Có một sinh linh, gắn bó bao đời nay với Hồ Gươm, với người Hà Nội, trở thành biểu tượng của hồ, là niềm tự hào xen lẫn sự kính trọng của người dân, và vì thế được coi như một linh vật, được tôn kính gọi là Cụ. Đó là Cụ Rùa Hồ Gươm.

Nếu những năm xa xưa trước đây, Cụ Rùa luôn đem lại cho người Hà Nội cảm giác an lành, sung sướng mỗi khi người ta được chiêm ngưỡng Cụ oai vệ và chễm chệ bò lên thảm cỏ Tháp Rùa lim dim mắt sưởi nắng. Hoặc tình cờ Cụ ngoi lên mặt nước, như muốn nghiêng ngó trời đất, thư thái ngắm nhìn con cháu Cụ lại qua. Thì những năm gần đây, Cụ lại khiến lòng người Hà Nội vốn yêu quý, kính trọng và ngưỡng vọng Cụ trở nên bất an, lo lắng.

Bất an, lo lắng bởi sức khỏe, và tính mệnh Cụ đang bị de dọa.

Mà lỗi đâu phải tại Cụ. Ngược lại, Cụ đang là nạn nhân của chính con người, của đời sống hiện đại, môi trường ô nhiễm, còn con người thì thờ ơ, vô trách nhiệm, kiểu "sống chết mặc bay, tiền ông bỏ túi"...

Từ lâu, báo chí lên tiếng về hiện tượng Cụ Rùa nổi lên trên mặt nước quá nhiều lần - không còn là bình thường, mà ở góc độ sinh học, là bất thường. Khi đó, Cụ không còn là ngắm phố phường, con cháu lại qua. Mà dường như Cụ đang ngóng con cháu hãy giúp Cụ.

clip_image008

Cụ Rùa đang khẩn thiết kêu cứu

Một chuyên gia về loài rùa như GS Hà Đình Đức, và nhiều người dân Hà Nội kinh hoàng nhận ra, mình Cụ Rùa đầy vết lở loét, dấu hiệu rõ ràng nhất của nước hồ nhiễm bẩn quá nặng. Và họ kinh hãi, tự lúc nào, Cụ phải sống chung với loài rùa tai đỏ, một loài sinh vật được xếp hạng là 1 trong số 206 động vật xâm hại môi trường, vì thói ăn tạp hung dữ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân bằng sinh thái bản địa. Những chú rùa bé tí xíu bỗng trở thành mối hiểm nguy cho môi trường sống của Cụ Rùa không lồ và cao niên.

Những bức ảnh của báo chí liên tục chụp được Cụ, lúc thì bị rùa tai đỏ cưỡi trên lưng, như cưỡi thuyền rồng hóng mát, lúc thì Cụ gặm cả dây cao su, lúc Cụ bấu víu vào bờ kè của Hồ Gươm, khắp mình mẩy đầy vết lở loét như bị nấm ăn, trông thật xót thương.

Nhưng GS "Đức rùa" như cách gọi thân ái về ông, và nhiều người dân sốt ruột, lo lắng bao nhiêu về số phận Cụ Rùa, thì cơ quan chức năng dường như lại loay hoay, lúng túng bấy nhiêu.... Cứu bệnh như cứu hỏa, cứu Cụ Rùa còn cần gấp gáp hơn cả cứu hỏa. Vì Cụ không chỉ bị bệnh lở loét, bị thương nặng, mà nhiều chuyên gia nghi vấn, có thể Cụ bị bệnh phổi - xuất phát từ hiện tượng luôn phải nổi lên mặt nước để thở, mà còn vì Cụ là một biểu tượng tâm linh của Hồ Gươm và Hà Nội.

Bàn thảo mãi, người ta cũng được nghe về phương pháp thu gom rùa tai đỏ. Nhưng phải tận tháng 3-2011 cơ! Mà cũng mới chỉ nghe về lý thuyết, chưa biết cách làm có hiệu quả? Mà "về lý thuyết...", thì bao giờ chả hay ho? Chuyện bể chứa bùn đỏ, chuyện đường sắt cao tốc đó. Rồi bây giờ, đến chuyện Cụ Rùa.

Trước sự cấp bách của sức khỏe Cụ Rùa, Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội vừa tổ chức hội thảo quốc tế bàn về các giải pháp cứu Cụ. Nhưng khi Cụ đang cần cấp cứu thì khốn thay, con cháu Cụ lại cứ loay hoay.

Có rất nhiều phương án bàn thảo được đưa ra. Người đòi đưa Cụ lên. Người đòi lọc nước hồ. Người bàn dùng máy bay trực thăng cứu Cụ. Người đòi cho Cụ xơi tam thất. Riêng các chuyên gia nước ngoài cảnh báo, nếu đưa Cụ lên khỏi môi trường, rất nguy hiểm vì có thể Cụ bị sốc.

Giá mà Cụ biết được sự thờ ơ, "Rùa chung không ai khóc", thì Cụ phải "xì- chét" nặng từ lâu!

Cho đến giờ phút này, cũng vẫn chưa có một giải pháp nào được quyết định.

Thương Cụ Rùa quá. Mà cũng tại Cụ. Giá Cụ đổi tên, có khi chuyện cứu Cụ sẽ không "rùa" mà sẽ nhanh hơn. Thế nhưng, có người bảo Cụ có đổi tên chắc cũng không ăn thua.

Bởi ngay tại phiên thảo luận về Dự án Luật Thủ đô của Thường vụ Quốc hội mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã phát biểu: "Nhiều người áp trách nhiệm cho lãnh đạo thành phố nếu có vấn đề gì xảy ra với Cụ Rùa, nhưng không có quy định nào như vậy. Có luật mới, những đối tượng như Cụ Rùa sẽ được cả nước quan tâm".

Cứ như khẳng định của Phó Chủ tịch TP, thì không chỉ dân Hà Nội  phải đợi Luật Thủ đô, mà chính Cụ Rùa cũng "Hãy đợi đấy!" như tên của một bộ phim hài cho trẻ em, nếu Cụ muốn được quan tâm và bảo vệ.

Chúng con cầu mong Cụ Rùa tai qua nạn khỏi. Nhưng nếu hiển linh, cầu mong Cụ phù hộ cho quốc gia, xã tắc không có dáng đi khoan thai như Cụ trong năm mới Tân Mão này.

Và cầu cho đội ngũ cán bộ không còn ai có phong cách làm việc "thiền" như Cụ.

Chỉ nể người dân Việt chúng ta: Xã hội cần phát triển thì gặp... rào cản. Cần rào cản lại... bất cập. Cần khẩn thiết thì... loay hoay. Vậy mà vẫn là một dân tộc có chỉ số lạc quan vào loại nhất nhì thế giới.

Thế thì, năm mới Tân Mão này, mong người dân Việt chúng ta có chỉ số lạc quan mang phong thái Cụ - chầm chậm, mà thực chất!

Nguồn: Tuanvietnam.vietnamnet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn