Hoa Kỳ giữa hai chọn lựa: Trung Đông hay Đông Nam Á?

Đoàn Hưng Quốc

doanhquoc.blogspot.com

imageLịch sử là một sự tái diễn. Các biến động bất ngờ tại Tunisia và Ai Cập có thể sẽ khiến Hoa Kỳ phải chọn lựa ưu tiên ngoại giao giữa vùng Trung Đông hay Đông Nam Á như đã từng làm 35 năm trước đây – nếu dựa trên các tài liệu về Bí Ẩn 30-04-1975 của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy vốn đã được phổ biến rộng rãi trên mạng.

Phong trào quần chúng bắt đầu từ Tunisia và Ai Cập có thể sẽ lan rộng đến Jordan, Syrie, Lybie, rồi đến Saudi Arabia và ngay cả Kuwait, Iraq, Iran. Cho dù các chế độ này không bị thay đổi tức thời nhưng cần chuẩn bị rốt ráo ngay từ bây giờ vì nhiều nhà lãnh đạo nay đã lớn tuổi (Mubarak 83, vua Abdullah 86) trong lúc cao trào đối kháng sẽ ngày càng mạnh bạo. Chẳng những Ai Cập, Jordan và Saudi Arabia là ba đồng minh trụ cột cho chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ tại Trung Đông, riêng Saudi Arabia còn là nước có trữ lượng dầu hỏa lớn nhất thế giới .

Lần đầu tiên kể từ năm 1973 Do Thái có nguy cơ bị bao vây từ phía Bắc (Lebanon, Syrie) xuống Tây và Nam (Jordan và Ai Cập). Dù tình hình chưa ngã ngũ ra sao nhưng Tel Aviv đã chuẩn bị thành lập một sư đoàn mới [1] để bảo vệ vùng biên giới với Ai Cập. Ngân sách quốc phòng Do Thái trước đây chiếm khoảng 25% GDP trong thập niên 1950-60, hiện thời giảm xuống 9% GDP nhờ hòa giải với Ai Cập và Jordan, nhưng rồi sẽ tăng nhanh trở lại trong tương lai.

Mỹ sẽ phải viện trợ thêm cho Do Thái về cả thiết bị quân sự lẫn kinh tế, lại vừa hỗ trợ cho các nước Ả Rập nhằm tăng cường uy tín của phe phái thân Tây Phương.

Đại đa số dân Trung Đông thuộc đạo Hồi, nên các nền dân chủ khi được thiết lập sẽ mang các đặc tính: (1) ủng hộ phong trào Palestine (2) cứng rắn với Do Thái cho dù chỉ để kiếm phiếu bầu (3) không thể bị xem là bù nhìn của Tây Phương. Chính sách của từng quốc gia đối với các phong trào bị Âu-Mỹ lên án là khủng bố như Muslim Brotherhood, Hamas, Hezbollah không thể nào dự đoán trước được.

Tóm lại Hoa Kỳ sẽ phải dành rất nhiều nỗ lực trong thập niên tới cho tương lai vô cùng rối rắm của vùng Trung Đông. Nhưng đây cũng chính là khoảng thời gian cần thiết cho Trung Quốc trỗi dậy đặt nền móng kinh tế, chính trị và quân sự vững chắc tại khu vực Đông Nam Á, đủ bén rễ để không còn bị Mỹ hay thế lực quốc tế nào khác đẩy bật ra khỏi khu vực.

Hoa Kỳ có thể sẽ gánh đồng đều hai khu vực Trung Đông và Đông Nam Á nhằm bảo vệ các đồng minh cốt cán Do Thái, Nhật, Nam Hàn và Úc. Nhưng ngược lại Mỹ cũng có thể chọn lựa chỉ đặt trọng tâm vào Trung Đông và Đông Bắc Á như đã từng làm vào thập niên 1970 - nhất là trong hoàn cảnh kinh tế vẫn chưa phục hồi sau cuộc Đại Khủng Hoảng 2007-09, và nợ nần còn thiếu hụt ở mức kỷ lục!

Một khía cạnh thực tế mà các chuyên viên ngành quản trị đều biết, rằng quốc gia nào cũng có nhiều nhà nghiên cứu, cố vấn, tướng lãnh v.v. nhưng số người quyết định các chính sách lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay (Tổng thống, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng - Ngoại giao - Tài chánh, Cố vấn An ninh Quốc gia và Giám đốc Tình báo). Công việc dồn dập về ngân sách, kinh tế, mậu dịch, tình hình phức tại Iraq và A-Phú-Hãn, Bắc Hàn, Iran, nên trong một ngày 24 tiếng họ có thể dành bao nhiêu thời giờ cho khu vực Đông Nam Á cũng quan trọng không kém các khả năng tài chánh và quân sự.

***

Đây là cơ hội tốt cho Trung Quốc bành trướng thế lực xuống vùng Đông Nam Á, nhưng đồng thời Bắc Kinh vẫn mang hai mối lo canh cánh trong lòng:

- Tình hình Trung Đông có thể biến chuyển bất ngờ mang đến một cuộc khủng hoảng dầu lửa và suy thoái toàn cầu. Hoa Lục dù thoát cơn đại nạn 2007-09 nhưng chưa chắc sẽ không bị kéo chìm nếu xảy thêm một lần khủng hoảng nữa.

- Cho dù xác suất rất thấp nhưng chính Trung Quốc cũng không biết khi nào nội bộ nước họ sẽ xảy ra những biến chuyển bất ngờ theo bài học của Tunisia và Ai Cập - nếu không thì Hoa Lục đã không kiểm duyệt gắt gao mọi thông tin về Ai Cập và cánh hoa lài!

Vì vậy Bắc Kinh sẽ mong Hoa Kỳ dồn nỗ lực ổn định được Trung Đông để không bị ảnh hưởng lây, đồng thời lại được rảnh tay bành trướng xuống vùng Đông Nam Á!

***

Báo chí Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu chiến lược, những phe cánh trong Hành pháp và Lập pháp đã vận động ồ ạt để chính sách của Hoa Kỳ đặt trọng tâm tại vùng Trung Đông và nền an ninh của Do Thái.

Nếu dựa trên bài học năm 1975 và các tài liệu của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy thì Việt Nam cần chuẩn bị những gì để tiếp tục nằm trong ưu tiên chiến lược của Mỹ? Câu trả lời có lẽ sẽ làm thất vọng nhiều người, rằng thế lực của cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái vẫn trội hơn hẳn so với thiểu số gốc Việt hay bất cứ sắc dân nào khác.

Chúng ta không có đại diện ở tầm vóc Liên bang, trong lúc khối gốc Do Thái nắm các chức vụ quan trọng trong Hành pháp, Lập pháp, Tư pháp, truyền thông báo giới cùng các Think Tank [2]. Tình trạng này không hề thay đổi từ năm 1975 cho đến năm 2011, cho dù hiện có khoảng 3 triệu người gốc Việt so với 5.1 triệu gốc Do Thái ở Mỹ.

Chính quyền Do Thái hợp tác chặc chẽ với cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái để bảo vệ quyền lợi nước họ, trong lúc nhà nước và cộng đồng người Việt hải ngoại vẫn còn nhiều mâu thuẫn và nghi kỵ sâu sắc cho dù đã 35 năm sau chiến tranh.

Do Thái có truyền thống dân chủ giống như Hoa Kỳ, trong khi Việt Nam còn là nước độc đảng rập theo mô hình của Trung Quốc với nhiều tranh chấp giữa các phe nhóm chính trị cấp tiến, bảo thủ, trục lợi, thân Hoa [3].

Do Thái sẽ đưa ra nhiều quan điểm chiến lược về dầu hỏa, khủng bố, dân chủ vùng Trung Đông v.v… để vận động chính giới và quần chúng Hoa Kỳ. Việt Nam cần phải trình bày liên tục các đối sách quan trọng cho quyền lợi của Hoa Kỳ: sự trỗi dậy của Trung Quốc; vị trí của Việt Nam trong ván bài Domino vùng Đông Nam Á; ảnh hưởng của biển Đông đến cả Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và Úc và toàn bộ phía Đông của Thái Bình Dương. Nhưng thực tế là cho đến nay các bài nghị luận dù sâu sắc nhưng đa số viết bằng tiếng Việt – nói theo một nhà quan sát là “ta nói ta nghe” mà chẳng hề ảnh hưởng đến chính sách hoàn toàn do người khác quyết định!

***

Dù vậy chúng ta có thể rút ra các bài học cho tương lai:

- Phải khuyến khích con em học hành rất giỏi và thành công tột đỉnh trong mọi ngành nghề để tiến lên các vị trí cốt cán ngang bằng với người gốc Do Thái, Trung Hoa và Ấn Độ tại Hoa Kỳ.

- Nhà nước Việt Nam nếu quan tâm đến tương lai đất nước phải chấp nhận tiếng nói đối lập nhằm xóa bỏ tỵ hiềm nghi kị và hợp tác với các tinh hoa từ trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Riêng trên lãnh vực quốc phòng: Do Thái lúc nào cũng chuẩn bị bảo vệ cho nền an ninh của họ trước tiên, rồi mới tìm cách thỏa hiệp với các cánh ôn hòa trong những nước Ả Rập. Điển hình là họ đã có kế hoạch thành lập một sư đoàn mới [1] mà không bận tâm rằng thái độ này sẽ làm tăng uy tín của phe Hồi giáo cực đoan trong hoàn cảnh tình hình Ai Cập chưa ngã ngũ về đâu. Lập trường này dù có ưu khuyết điểm nhưng hết sức rõ rằng với cả bạn lẫn thù, rằng khi quyền lợi bị xâm phạm thì họ sẽ trả đũa cho dù có chịu tổn thất nặng nề về nhân mạng, kinh tế và chính trị.

Trái lại Việt Nam lúc nào cũng cố gắng ngoại giao mềm mỏng, một mặt chống chính sách bá quyền của Trung Quốc nhưng lại không muốn làm phật lòng Bắc Kinh (!). Trong lúc đó Hoa Lục cứ lợi dụng theo chiến thuật “tằm ăn dâu” vì làn ranh dứt khoát không được vẽ ra. Điều này cũng khiến giới quân sự và ngoại giao Tây Phương ngần ngại vì lập trường của Việt Nam có thể chao đảo hay thay đổi.

Nói tóm lại, nếu dân tộc và Nhà nước Việt Nam không tỏ rõ chủ trương, quyết tâm và chuẩn bị hy sinh để tự cứu mình thì cũng đừng mong đứng giữa các siêu cường quốc nhằm giành cho mình phần lợi!

[1] Tạp chí Aviation Week: Middle East Turmoil Impacts Airlines. Feb 08, 2011

[2] The Israel Lobby and U.S. Foreign Policy – tác giả John J. MearsheimerStephen M. Walt Quyển sách mô tả thế lực chính trị của cộng đồng Do Thái đã đẩy Hoa Kỳ chọn lựa các chính sách bất lợi cho Mỹ tại Trung Đông chỉ vì quyền lợi của Do Thái

[3] VIETNAM A Tale of Four Player – tác giả Alexander L. Vuvin, Southeast Asian Affairs 2010

ĐHQ

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn